Thư tòa soạn 363

[voice]

Kính thưa quý độc giả!

 

Trong mọi hoàn cảnh, hạnh phúc vẫn luôn là mục tiêu và khát vọng mà mỗi người luôn tìm cầu và khát khao hướng đến. Nhân “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” (20/3), Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng giới thiệu đến quý độc giả số báo 363 với chủ đề: “Sống hạnh phúc theo lời Phật dạy” nhằm gửi gắm thông điệp về triết lý sống hạnh phúc trong tương quan giữa giáo lý Phật đà và thời đại ngày nay.

Hạnh phúc là một khái niệm có nội hàm vô cùng rộng lớn, mỗi người trong mỗi thời điểm khác nhau lại có quan niệm và cách nghĩ khác nhau về Hạnh phúc.

Bước sang năm mới 2021, nhân loại tiếp tục phải đối mặt với dịch Covid-19, đương đầu cùng những lo lắng, hy sinh. Trong giai đoạn đại dịch vẫn còn căng thẳng, vật chất tuy rất cần nhưng không phải là tất cả, hạnh phúc chỉ thật sự có được trong cảm giác an toàn, bình yên, an nhiên, tự tại và tỉnh thức. Đó chính là lý do để mỗi người con Phật tìm về và nương tựa trong Chánh pháp Như Lai. Đức Phật đã xuất hiện ở thế gian để chỉ bày, soi đường và dẫn dắt cho nhân loại con đường đi đến hạnh phúc và sự an lạc lâu dài với tám yếu tố về đầy đủ “Ðầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.”

Thông qua những chuyện kể, bài học hay về cách thức tu tập ở đời do chư Tôn đức Tăng Ni chia sẻ trong số báo 363, Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo hy vọng độc giả thấu hiểu và cảm nhận được rằng: “Hạnh phúc thế gian chỉ là tương đối, chỉ là phương tiện để cho con người tiếp tục nỗ lực tu tập, hành trì nhằm đạt đến chân giá trị của sự Hạnh phúc theo tinh thần Phật dạy”.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc số báo 363 phát hành ngày 15/3/2021 với chủ đề “Sống hạnh phúc theo lời Phật dạy”, cùng tìm hiểu thêm về các bài viết nghiên cứu đặc sắc vừa mang đậm tính hàn lâm, vừa phản ánh sâu sắc ảnh hưởng của Phật giáo đối với truyền thống văn hóa dân tộc trải qua hàng nghìn năm biến thiên của lịch sử như: “Triết lý Tịnh độ nhân gian Phật giáo thời Chúa Nguyễn”, “Phật giáo du nhập và phát triển ở Vương quốc Phù Nam – Những Di sản để lại”, “Ảnh hưởng của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Nôm”, “Dấu ấn Phật giáo trong tang lễ của người Chăm Ahiér ở Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay”, “Duy thức học Phật giáo Ấn Độ và mối quan hệ với tư tưởng Như Lai tàng” (Kỳ 1)…

Đồng thời, “bắt đầu từ số báo 362” Ban Biên tập tiếp tục trích đăng từng kỳ về Công trình nghiên cứu: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam – 40 năm hình thành và phát triển” của HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hướng đến sự kiện trọng đại trong năm: “Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 – 07/11/2021)”.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *