Hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho Từ bi, Trí tuệ và Tùy duyên thị hiện trong đời để hóa độ chúng sanh đã mang đến cho cuộc sống sự tín ngưỡng an lành, niềm tin và năng lượng tích cực nhằm truyền tải thông điệp: “Lắng nghe để hiểu – Nhìn lại để thương – Gieo mầm hạnh phúc”. Đó chính là sự thấu cảm trí tuệ, sự chở che của tình thương yêu, tính kiên trì, nhẫn nại và lòng từ bi của Đức Bồ tát Quán Thế Âm với mười hai Đại nguyện. Bồ tát Quán Âm đã tỏa ánh hào quang sáng ngời soi chiếu khắp mười phương thế giới, sẵn sàng dùng mọi phương tiện hóa thân để cứu độ chúng sinh. Phật tử chúng con thường niệm: “Nam mô Đại Từ, Đại Bi cứu khổ, cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát”. Trong văn hóa dân gian nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng, hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm thật linh thiêng cao cả. Hình ảnh Bồ tát Quán Âm tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng tâm linh thiêng liêng, diệu kỳ cho mọi người hướng về Phật Pháp cùng với những giai thoại đẹp về một vị Bồ Tát mang biểu tượng cao cả của Người Mẹ hiền có trái tim từ bi, ấm áp với tâm nguyện tầm thinh cứu khổ, cứu nạn, cứu giúp chúng sinh, luôn được mọi người tôn kính, đảnh lễ và trì niệm danh hiệu mỗi ngày: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát!”.
Bằng tất cả tấm lòng kính ngưỡng, sự tôn vinh, lời tán thán công đức vô lượng, vô biên của Bồ tát Quán Thế Âm, hàng Phật tử chúng con đã nương về Tam Bảo mà quán chiếu tự tánh chuyên tâm tu tập theo hạnh nguyện của Bồ tát là: “Lắng nghe để hiểu – Nhìn lại để thương”.
Vì sao phải biết lắng nghe? Lắng nghe ai nói? Nghe gì? Nhìn lại điều gì? Vì sao cần nhìn lại? Lắng nghe và nhìn lại để làm gì?
Phần đông trong chúng ta, ai cũng bị cuốn vào dòng chảy mưu sinh ngày đêm mà quên đi bao điều tốt đẹp vẫn còn hiện hữu quanh ta, thậm chí có khi quên cả chính mình và không kịp có thời gian để nhìn nhận lại sự việc nào là đúng, sai, tốt, xấu? Cho nên, việc “Lắng nghe” và “Nhìn lại” là lời nhắc nhở nhẹ nhàng để sống chậm hơn, biết cách lắng nghe và thấu hiểu. Hơn thế nữa, cuộc sống hiện nay với tốc độ số hóa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại càng đặt ra yêu cầu cấp bách để chúng ta biết dừng lại đúng lúc khi cần, sống chậm lại ở một khoảnh khắc nào đó trong ngày để tự mình lắng nghe và nhìn lại, để nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn và khơi nguồn, đánh thức những yêu thương ngủ quên sau bao nỗi ưu tư hằng ngày.
“Lắng nghe” là thái độ chủ động luôn muốn được nghe một cách tỉnh thức và trí tuệ, nghe với sự tập trung có chủ đích, nghe để biết và thấu hiểu chứ không phải là việc “nghe bình thường” bằng thính giác với “tai nghe”, mà hiện nay những lời thị phi vẫn tràn ngập hàng ngày trên mạng xã hội. “Lắng nghe” đúng nghĩa là không chỉ nghe bằng tai mà còn phải biết cách “nghe” bằng mắt, bằng tâm trong, trí sáng và bằng cả trái tim yêu thương, bằng thái độ tôn trọng và khích lệ động viên để người nói có niềm tin mà bộc bạch, giải bày, tâm sự và nói rõ ngọn nguồn tâm tư tình cảm và nguyện vọng còn chất chứa trong lòng. Thực tập điều đó cũng như mỗi khi ta cung kính thành tâm lời nguyện cầu trước Đức Phật và Bồ tát Quán Âm để mong Ngài hiểu rõ tâm nguyện trong từng lời cầu nguyện thoang thoảng hương trầm trước ngôi Tam Bảo.
Muốn được lắng nghe và thấu hiểu đến như vậy thì đừng để trong tim mình bị mất lửa. Đó là ngọn lửa của tình yêu thương nồng nàn dành cho cuộc sống mỗi ngày khi quanh ta vẫn luôn tiếp nối hành trình vui sống của mọi người trong xã hội với biết bao gương người tốt, việc tốt. Hãy tự thắp lửa trái tim mình bằng cách biết lắng nghe thật lâu, nhìn lại thật sâu để hiểu và thương hơn. Và ngọn lửa trong tim sẽ soi rọi giúp ta biết nhìn bằng mắt, thấu cảm bằng trái tim hòa nhịp đời như Bồ tát Quán Thế Âm luôn sẵn sàng thị hiện cứu độ nhân sinh.
Cùng nhau “lắng nghe” và “nhìn lại” nhịp sống chan hòa yêu thương, chia sẻ khi mỗi người đều biết nghĩ cho cộng đồng…
Ngọn lửa yêu thương trong mỗi người là có thật trong cuộc sống đời thường khi ta biết “Lắng nghe để hiểu” và “Hiểu để thương”. Những ngày đầu năm 2021 thật đáng nhớ khi đồng bào cả nước ta vẫn an yên vui xuân đón Tết Cổ truyền trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước và trên toàn thế giới ngày càng diễn biến phức tạp.
Cả nước đoàn kết chống dịch, đồng lòng ủng hộ và thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện rất tốt chỉ thị giãn cách xã hội và cách ly. Và thành quả phòng, chống đại dịch Covid-19 của nhân dân Việt Nam đã được bạn bè quốc tế công nhận và cảm phục.
Còn nhớ những ngày cuối thu năm Canh Tý, khi mùa mưa lũ tràn về trên dải đất miền Trung, những ngày tháng 10 mưa bão triền miên dồn dập ập đến khi đồng bào miền Trung thân yêu oằn mình gánh gồng bao nhiêu là cái lạnh, cái đói cùng nỗi đau thương mất mát nhưng không hề đơn độc vì cả nước cùng “Hướng về miền Trung ruột thịt”. Trong mưa lũ mù trời trắng đất và sạt lở nghiêm trọng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, mang trên mình trọng trách và sứ mệnh cao quý là “Hộ Quốc – An Dân” trong những lúc gian nan này. Cùng với các phương tiện thông tin đại chúng, các báo đài chính thống, kênh truyền hình quốc gia và địa phương, các kênh thông tin truyền thông Phật giáo như: Truyền hình An Viên, Kênh Truyền thông Phật Sự Online TV, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, Báo Giác Ngộ, Mạng xã hội Phật giáo Butta, phatsuonline.com, phatgiao.org.vn, daophatngaynay.com… tất cả đều đưa tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác mọi diễn biến tình hình dịch bệnh, mưa lũ cùng những chuyến xe tình nguyện trên khắp mọi cung đường tổ quốc. Đấy là những đoàn xe chuyển hàng cứu trợ tấp nập, nối dài cánh tay yêu thương của đồng bào cả nước. Những “cây ATM gạo” sáng tạo, “siêu thị 0 đồng” dành cho người lao động khó khăn, những suất cơm từ thiện mỗi ngày là hoạt động sáng tạo trong phong trào giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, thắp sáng truyền thống tốt đẹp bao đời nay của đồng bào mình: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Cùng với màu áo trắng thiên thần của đội ngũ nhân viên y tế ngày đêm miệt mài kiên gan nơi tuyến đầu chống dịch, màu áo xanh thanh niên tình nguyện ướt đẫm mồ hôi và có cả nước mắt tiễn biệt mẹ cha khi con đang làm nhiệm vụ nơi khu cách ly không thể về nhà. Màu áo lính của lực lượng quân đội từ trong tâm dịch và tâm bão vẫn xanh trời tổ quốc, hình ảnh các anh bộ đội biên phòng phơi mình trong gió sương và nắng mưa nơi biên cương vẫn vững vàng quyết tâm canh gác, giữ gìn, ngăn chặn dịch bệnh tràn qua biên giới. Màu áo nâu, áo vàng của người Tu sĩ Phật giáo từ trong chánh điện trang nghiêm của những ngôi già lam cổ kính vang vọng lời kinh tiếng mõ cầu an, nay đã hòa mình cùng với các đoàn Phật tử thiện tâm sẵn sàng về vùng tâm bão miền Trung cứu trợ và kêu gọi cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước cùng chung sức đồng lòng, tiếp lửa yêu thương.
Dù tai họa bất ngờ ập xuống với những mất mát đau thương, nhưng rồi mọi người lại động viên nhau đứng dậy và bước đi vững vàng hơn, quyết liệt hơn từ trong thiên tai, hoạn nạn. Dẫu rằng vẫn còn đó dư âm sau bao cơn bão lũ dồn dập nhưng tình người lại càng sáng trong, bừng lên rạng ngời lấp lánh reo vui ấm ngọn lửa hồng ngày Tết với những nồi bánh chưng, bánh tét ở cả hai miền Nam – Bắc chung nhau “tiếp lửa” miền Trung. “Miền Trung chưa kịp gọi” thì hai miền Bắc – Nam đã lên tiếng gọi nhau để nối dài những cung đường cứu trợ thắm thiết nghĩa tình đồng bào ruột thịt “Con cháu Rồng Tiên”.
Tất cả, tất cả đã làm nên sắc màu Việt Nam yêu thương và tự hào rực rỡ cờ sao mà rất đỗi gần gũi, thân quen như hơi thở bên mình cùng thắp lửa tin yêu và khát vọng trong giai điệu Việt Nam: “Tôi yêu giai điệu Tổ Quốc tôi/Dịu dàng trong tiếng ru hời/Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi/Trầm sâu trong tiếng đất trời/Tôi nghe trong lời yêu thương nhau/Tôi nghe trong lời ca tha thiết…” (Nhạc phẩm: “Giai Điệu Tổ Quốc” – Tác giả: Trần Tiến) và lời khẳng định rất đỗi bình thường giản dị: “Tôi là Người Việt Nam”. Đọng lại vẫn là sức mạnh của niềm tin, sự tự tin nội lực của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, nghĩa tình đồng bào ruột thịt “Thương người như thể thương thân”. Tất cả đã hội tụ để làm nên sức mạnh, tinh thần và “Hào khí Việt Nam” khi đồng bào cả nước ta đã biết cùng nhau “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương và đùm bọc chia ngọt sẻ bùi cho nhau” trong dịch bệnh, thiên tai.
Thật vậy!
Sự thấu hiểu và tình thương yêu chân thành của chúng ta nhất định sẽ được đón nhận khi ta biết trao gửi cho nhau.
Đặc biệt hơn, trong gia đình, khi mọi thành viên luôn biết lắng nghe sẽ luôn được hạnh phúc…
Trong Đạo Phật, lòng Từ bi được mọi người trao cho nhau và tiếp nhận một cách trân trọng, nâng niu sẽ ươm mầm hạnh phúc. Trao đi yêu thương để nhận về hạnh phúc. “Tâm thương yêu – Lòng vị tha – Sự bao dung – Biết lắng nghe để hiểu – Cùng nhìn lại để thương” chính là những hạt giống của Từ bi và Trí tuệ. Trong gia đình, cha mẹ và con cái cũng phải cùng nhau thấu hiểu, phải biết “nhìn lại” mình, phải biết quan tâm đến nhau nhiều hơn nữa trong thế giới phẳng hiện nay khi mà điện thoại, smartphone, laptop đời mới vẫn luôn là bạn đồng hành, là phương tiện bắt buộc, là nhu cầu cần và đủ của mỗi người trong học tập, làm việc và có nguy cơ sẽ là những “chướng duyên” ngăn trở tình thâm gia đình. Những bữa cơm sum họp trở nên hiếm hoi khi cường độ học và làm của con cái và cha mẹ đã bít kín thời khóa biểu gia đình, hay trong những dịp ít ỏi ngồi lại bên nhau thì ai cũng có “bạn thân riêng mình” là chiếc smartphone, sức hấp dẫn của thế giới ảo và mạng xã hội khiến chúng ta bị mê đắm. Tất cả đều có nguy cơ gây rạn vỡ tình cảm gia đình.
Vì vậy, sự chủ động và tỉnh thức của mỗi người, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ trong giáo dục gia đình chính là yếu tố then chốt để mở ra cánh cửa của sự “Lắng nghe” và nhẹ nhàng bước vào trong căn phòng của tâm hồn con trẻ mà “Nhìn lại” ngay lúc này, bây giờ và ở đây khi còn chưa quá muộn. Bởi rằng, con trẻ chính là những chồi non tương lai của đất nước. “Lắng nghe” để hiểu nhau giữa ông bà, cha mẹ và các thế hệ con cháu là nền tảng để nuôi dưỡng hạnh phúc và xây dựng, vun đắp cho mái ấm gia đình.
Gia đình chính là tế bào của xã hội. Vấn nạn bạo hành và xâm hại trẻ em, bạo lực học đường và tệ nạn xã hội trong giới trẻ sẽ không còn chỗ dung thân khi và chỉ khi gia đình, nhà trường và xã hội luôn ghi nhớ, cảnh giác và thực hành hiệu quả bài học giáo dục hôm nay: “Lắng nghe để hiểu và nhìn lại để thương”. Trong cách nhìn bao dung, thấu hiểu, cảm thông và một trái tim hòa cùng nhịp đập yêu thương. Trách nhiệm này không của riêng ai! Trên hết vẫn là người làm Cha, làm Mẹ chính là mái nhà ấm áp, chở che, là vòng tay rộng mở yêu thương mỗi khi các con muốn quay về. Cha mẹ còn là người bạn, người thầy đồng hành để con em chúng ta không bị mất phương hướng hay lầm đường, lạc lối.
“Gieo yêu thương – Gặt hạnh phúc”, đó là thông điệp mà người viết muốn gửi đến quý độc giả. Có thấu hiểu tận tường thì mới biết yêu thương đúng cách. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nhắc nhở trong các bài pháp thoại có cùng chủ đề: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu thì bạn chẳng thể yêu thương”. Để lan tỏa niệm lành “Thấu hiểu để Yêu thương”, mỗi người chúng ta sẽ ghi nhớ và thực hành cách lắng nghe sao cho hiệu quả bằng trí tuệ và chánh niệm của người con Phật trong sự bao dung rộng mở của trái tim chan hòa tình thân, lòng từ bi hướng thượng, cùng sự thấu cảm chân tình sâu sắc theo cách mà bạn muốn được người khác lắng nghe.
Trên hết vẫn là lắng nghe và thấu hiểu chính mình… Tự tánh của mỗi người sẽ là hạt giống của lòng Từ bi được gieo hạt, ươm mầm nơi chính ta và chỉ có ta mới có thể tự thân vun trồng, chăm sóc, tưới mát mọi lúc, mọi nơi. Hãy để hạt giống tâm hồn được đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái và lan tỏa năng lượng lành noi theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm: “Lắng nghe để hiểu – Nhìn lại để thương – Gieo mầm hạnh phúc”.
Kyndi M, SГёrensen FB, Knudsen H, Overgaard M, Nielsen HM, Andersen J, Overgaard J 2008 Tissue microarrays compared with whole sections and biochemical analyses best site to buy priligy