Chấn hưng Phật giáo Việt Nam là phong trào vận động phục hưng Phật giáo, nhằm tìm lại các giá trị truyền thống và phát triển sự nghiệp Hoằng pháp lợi sanh của Phật giáo tại Việt Nam, diễn ra từ đầu thế kỉ XX. Công cuộc này đã làm thay đổi rất nhiều về nội dung và hình thức hoạt động của Phật giáo tại Việt Nam. Góp phần quan trọng trong cuộc vận động chấn hưng Phật giáo này tại Rạch Giá, với các hoạt động của hội Phật học Kiêm Tế, gắn liền hình ảnh ngôi chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hòa thượng Thích Trí Thiền và nhà sư Thiện Chiếu.
ĐÔI NÉT VỀ CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trên thế giới xuất hiện phong trào Chấn hưng Phật giáo. Năm 1891, bắt đầu từ Tỳ kheo Dharmapala1, thành lập hội Maha Bodhi2 tại Colombo. Năm 1907, ở Trung Quốc, cư sĩ họ Dương thành lập tịnh xá Kỳ Hoàn bên cạnh nơi in khắc Kinh tại Kim Lăng3, chuyên nghiên cứu Phật học bằng các ngôn ngữ như: Hán văn, Anh văn, Pali. Năm 1912 Đại sư Thái Hư4 thành lập Phật học viện Vũ Xương tại Vũ Hán, xuất bản tạp chí Giác Xã, sau đổi tên thành Hải Triều Âm làm tiền đề cho các Phật học viện và các Hội đoàn Phật giáo lần lượt ra đời trên khắp Trung Quốc. Phong trào Chấn hưng Phật giáo nhanh chóng phát triển và lan tỏa sang các nước: Miến Điện (nay là Myanmar), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam…
Vào những năm 1920, tuy đất nước ta nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng còn rất khó khăn, nhưng đâu đó vẫn có các vị cao Tăng đầy tâm huyết với sứ mệnh duy trì mệnh mạch Phật pháp, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc như: Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải – Chợ Lớn), Tổ Khánh Hòa (chùa Tiên Linh – Bến Tre), Hòa thượng Chí Thành (Tổ đình Phi Lai – An Giang), Hòa thượng Huệ Quang (Trà Vinh), Hòa thượng Tâm Thông (chùa Trường Thọ – Gò Vấp), Hòa thượng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên – Chợ Lớn), Hòa thượng Huệ Tịnh (chùa Linh Tuyền – Gò Công), Hòa thượng Trí Thiền (chùa Tam Bảo – Rạch Giá)… Tại miền Trung, ở Huế có Hòa thượng Tuệ Pháp (chùa Thiên Hưng), Hòa thượng Thanh Thái (chùa Từ Hiếu), Hòa thượng Đắc Ân (chùa Quốc Ân), Hòa thượng Tâm Tịnh (chùa Tây Thiên), Tại Bình Định có quý Hoà thượng: Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp), Hòa thượng Phổ Tuệ (chùa Tĩnh Lâm)… Miền Bắc có Hòa thượng Thanh Hanh (chùa Vĩnh Nghiêm), Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ (chùa Bà Đá)…
Do ảnh hưởng và được gợi ý sâu sắc từ phong trào Chấn hưng Phật giáo trên thế giới, cộng với ý thức cá nhân, tinh thần yêu nước, các vị cao Tăng ở cả ba miền và những cư sĩ hữu tâm đã đồng lòng làm nên cuộc chấn hưng lịch sử, vực dậy sức sống mãnh liệt vốn có của Phật giáo và dân tộc. Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam khởi đầu tại miền Nam do Tổ Khánh Hòa khởi xướng năm 1923, nhân ngày giỗ tổ 19/9 năm Quý Hợi tại chùa Long Hoa (quận Tiểu Cần, Trà Vinh). Kết quả là Hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập, quy tụ nhiều vị tôn túc, như: Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Trí Thiền, Hòa thượng Chí Thiền, Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Chánh Quả, Hòa thượng An Lạc, Hòa thượng Huệ Định, Hòa thượng Diệu Pháp v.v… một cư sĩ tên Nguyễn Văn Nhiêu tức Cai tổng Nhiêu làm thủ quỹ. Mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo toàn quốc. Tuy nhiên mục đích này chưa đủ duyên để thành tựu. Năm 1928, Tổ Khánh Hòa cùng chư Tôn túc thành lập Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn).
Năm 1930 Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập do Hòa thượng Từ Phong làm Hội trưởng, Tổ Khánh Hòa làm Phó Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) và xuất bản Tạp chí Phật học Từ Bi Âm do Tổ Khánh Hòa làm chủ nhiệm. Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiếp tục lan ra miền Trung. Tại Huế Hòa thượng Giác Tiên cùng chư Tôn đức và một số vị cư sĩ như Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân… thành lập hội An Nam Phật Học năm 1932, đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm, cư sĩ Lê Đình Thám được mời làm hội trưởng. Hội xuất bản Tạp chí Viên Âm.
Tại miền Bắc quý Hoà thượng như: Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tâm Ứng, Hòa thượng Tâm Bảo cùng các vị cư sĩ như Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ… thành lập hội Phật Giáo Bắc Kỳ vào năm 1934, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ suy tôn Hòa thường Thanh Hanh làm thiền gia pháp chủ và bầu cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, xuất bản Tạp chí Đuốc Tuệ.
Trở lại miền Nam, từ khi thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đã có một vài công trình như: xây dựng thư viện Phật học Pháp Bảo Phường, thỉnh Tục Tạng Kinh và Đại Tạng Kinh trưng bày tại đây, đồng thời cất một Phật học đường. Tuy nhiên, do hoạt động thiếu hiệu quả nên những công trình này sau khi cất lên thường xuyên đóng cửa, chưa thể phát huy. Trước tình trạng hoạt động không hiệu quả đó một số vị tôn túc đã rời bỏ hội và tách ra lập hội khác như: Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Trà Vinh do cụ Tổ Khánh Hòa và Hòa thượng Huệ Quang điều hành. Ở Rạch Giá có hội Phật Học Kiêm Tế do Hòa thượng Thích Trí Thiền sáng lập với sự cộng tác của nhà sư Thiện Chiếu.
Hoạt động của hội Phật Học Kiêm Tế tại Rạch Giá
Nói về công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Rạch Giá là nói về hoạt động của hội Phật học Kiêm Tế. Hoạt động này gắn liền với ngôi chùa Sắc Tứ Tam Bảo và Hòa thượng Thích Trí Thiền cũng như nhà sư Thiện Chiếu.
1) Chùa Sắc Tứ Tam Bảo
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo tọa lạc tại số 3 đường Sư Thiện Ân, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang), trên diện tích gần 10.000m2. Tuy ở trung tâm thành phố nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch của chốn thiền môn. Mặt tiền chùa quay về hướng Đông, phía trước là kênh Ông Hiển chảy qua, sau lưng Chùa là bờ biển. Chùa hiện là Văn phòng Ban Trị sự và là điểm An cư Kiết hạ hàng năm của chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang.
Cuối thế kỷ XVIII, ở vị trí chùa Tam Bảo hiện nay (bấy giờ là làng Vĩnh Thanh Vân) có bà Dương Thị Oán, thường gọi là bà Hoặng, dựng lên một am thất nhỏ bằng cây lá để tu học và đặt tên Am “Tam Bảo”, dân địa phương quen gọi là chùa Tam Bảo. Mùa xuân năm 1789, trên đường chạy trốn quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh được bà Hoặng giúp đỡ lương thực và một số nhu yếu phẩm, đặc biệt là nhiều tơ tằm dùng để kết làm quai chèo cho các chiến thuyền. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long. Nhớ ơn xưa, ông bèn ra chiếu chỉ sắc phong cho chùa Tam Bảo. Từ đó bảng tên chùa có khắc thêm hai chữ “Sắc Tứ”. Lúc này bà Hoặng đã qua đời, con cháu thay nhau trông coi nhang khói. Không thấy sử ghi vị Tăng nào trụ trì suốt hàng trăm năm hoặc cũng có Tăng, Ni trụ trì nhưng có thể không có gì nổi bật nên sử sách không ghi chăng?
Đến năm 1913, Phật tử bổn tự cung thỉnh Hòa thượng Thích Trí Thiền về trụ trì. Từ khi đảm nhận vai trò Trụ trì Ngài khởi công tôn tạo lại toàn bộ ngôi chùa theo kiến trúc còn lưu lại cho đến ngày nay. Việc tôn tạo bắt đầu năm 1915 và hoàn thành năm 1917. Từ đó, những đời trụ trì sau chỉ trùng tu chút ít như: xây tháp trên nóc chùa phía trước chánh điện (1972), dời tháp từ trong chùa ra ngoài sân bên hông chánh điện (1974), xây lại cổng chùa đẹp hơn…
Từ năm 1936 đến tháng 6/1941, chùa Tam Bảo là trụ sở hội Phật Học Kiêm Tế. Hội tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội tại chùa như: hốt thuốc nam miễn phí, nuôi người già neo đơn, mở lớp bình dân học vụ, tổ chức nhiều cuộc chẩn bần cho dân nghèo, mở các buổi thuyết giảng Phật pháp thường kỳ cho Phật tử đến nghe… Có thể nói, đây là thời gian hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả nhất của chùa Tam Bảo trong việc tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước.
Trước những hoạt động Phật sự nổi bật như trên nên đã bị thực dân Pháp và tay sai nghi ngờ, vào đêm 14/6/1941, thực dân Pháp ập vào khám xét chùa Tam Bảo, tịch thu nhiều tài liệu và vũ khí Việt Minh. Chúng bắt và kết án chung thân Hòa thượng Trí Thiền đày ra Côn Đảo, sư Thiện Ân bị kết án tử hình. Sau khi Hòa thượng Trí Thiền bị đày đi Côn Đảo, chùa Tam Bảo không có người Trụ trì. Mãi đến năm 1945, thầy Thích Chơn Ý mới về đây hành đạo và sau đó là thầy Đắc Trí tiếp nối từ năm 1950 đến 1954. Mùa hè năm 1955, hai vị thiền sư Thanh Từ và Hòa thượng Huyền Vi được Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt cử về chùa Tam Bảo mở khóa Phật học phổ thông cho giới Phật tử trí thức tại thị xã Rạch Giá. Nhân đó, hai vị vận động thành lập Chi hội Phật học tỉnh Kiên Giang, đặt trụ sở tại chùa Tam Bảo.
Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt cử Thượng tọa Thích Tâm Chơn về trụ trì chùa Tam Bảo. Đến năm 1962, Thượng tọa Tâm Chơn trở lại Sài Gòn, Giáo hội cử Hòa thượng Bổn Châu thay thế trụ trì chùa. Hòa thượng Bổn Châu trụ trì từ năm 1962 đến 1970, Hòa thượng Bổn Châu thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Đạo từ Sài Gòn về thay. Hòa thượng Thiện Đạo trụ trì từ năm 1970 đến năm 1974 thì viên tịch. Sau đó, Hòa thượng Thích Bổn Châu trở lại trụ trì. Giai đoạn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa Tam Bảo trở thành trung tâm Phật giáo tỉnh Kiên Giang.
Đầu năm 1982, Đại hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang lần thứ I họp tại chùa Tam Bảo và thành lập Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Chùa trở thành Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội. Hòa thượng Thích Bổn Châu đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng ban Thường trực (đặc trách Phật giáo Bắc tông) Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Kiên Giang. Ngày 22/3/1988, chùa Tam Bảo tiếp nhận Quyết định số 191/QĐ-VH của Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trước đó, chùa đã được Ban lịch sử Đảng công nhận là địa điểm hội họp của Xứ ủy Nam kỳ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Năm 1995, Hòa thượng Bổn Châu viên tịch. Trưởng tử là Thượng toạ Thích Thiện Chơn lên tiếp nối trụ trì chùa Tam Bảo. Năm 2007 Thượng tọa Thiện Chơn viên tịch, đệ tử lớn là Đại đức Thích Thiện Chí tiếp nối công việc trụ trì. Năm 2017 Đại đức Thiện Chí viên tịch. Từ đây, chùa Tam Bảo được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang trực tiếp quản lý (Ban trụ trì).
2) Hòa thượng Thích Trí Thiền
Hòa Thượng Thích Trí Thiền thế danh Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1882 trong gia đình nông dân tại làng Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá. Năm 30 tuổi Ngài xuất gia học đạo với Hòa thượng Vĩnh Thùy tại chùa Hòn Quéo (nay thuộc huyện Hòn Đất), được bổn sư cho pháp danh Trí Thiền, hiệu Hồng Nguyên thuộc dòng Thiền Lâm Tế. Năm 1913, Ngài được Phật tử cung thỉnh về chùa Tam Bảo. Năm 1915, Ngài khởi công tôn tạo chùa Tam Bảo và hoàn thành vào năm 1917. Ngài còn vận động xây dựng nhiều ngôi chùa khác như: chùa Hòa Thạnh (Vĩnh Hiệp), chùa Vĩnh Phước (Tà Niên), chùa Bửu Hưng (Gò Đất), chùa Phước Hưng (Ngang Dừa), chùa Tam Bảo Kỳ Viên (Hòn Quéo), chùa Tam Bảo Từ Tôn (Sóc Xoài), chùa Long Sơn (Hòn Đất). Ngoài ra, Ngài còn xây dựng cây cầu dài 100 nhịp nối Hòn Me với Hòn Quéo để dân chúng đi lại thuận tiện.
Năm 1932, khi phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên, Ngài làm cố vấn cho hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học và tán thành việc lập trường tiến bộ của nhà sư Thiện Chiếu, xem sư Thiện Chiếu là người pháp lữ thân thiết. Chính sư Thiện Chiếu đã đem đường lối cách mạng tuyên truyền cho Ngài. Ngoài ra Hòa thượng Trí Thiền còn tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng, trong đó có Vũ Ngọc Hoành, một nho sĩ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đang bị Pháp giam lỏng tại Sa Đéc. Năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng Sư Thiện Chiếu thành lập hội Phật học Kiêm Tế, đặt trụ sở tại chùa Tam Bảo. Với giai trò là Chánh Tổng lý của Hội, Hòa thượng đã cùng nhà sư Thiện Chiếu biên soạn ra điều lệ của Hội được chính quyền phê chuẩn vào ngày 23/3/1937. Vào ngày 20/3/1938, trong phiên họp lệ hằng năm của hội, Hòa thượng đã ký giấy giao toàn bộ tài sản chùa Tam Bảo làm kinh phí hoạt động hội, trị giá 19.973 đồng bạc Đông Dương thời bấy giờ.
Trong giai đoạn 1936 – 1941, chùa Tam Bảo ngoài chức năng là trụ sở hội Phật học Kiêm Tế, còn được Việt Minh chọn làm nơi hội họp của Xứ ủy Nam kỳ và là địa điểm cất giấu tài liệu, vũ khí. Vào đêm 16/6/1941, mật thám Pháp bao vây khám xét chùa, tịch thu nhiều tài liệu và vũ khí, đồng thời bắt Hòa thượng Trí Thiền cùng với Sư Thiện Ân. Sau đó Tòa án thực dân đã xử tù chung thân Hòa thượng Trí Thiền và tử hình Sư Thiện Ân. Sau biến cố đêm ấy, hội Phật học Kiêm Tế bị giải tán, chùa Tam Bảo không ai dám lui tới. Hòa thượng Thích Trí Thiền đi tù tại Côn Đảo. Năm 1943, sau một thời gian tuyệt thực chống sự hà khắc của cai ngục, Hòa thượng đã hy sinh vì đạo pháp và dân tộc.
3) Nhà sư Thiện Chiếu
Nói về cuộc chấn hưng Phật giáo ở Rạch Giá mà không nhắc đến nhà sư Thiện Chiếu là một thiếu sót lớn, bởi ông chính là linh hồn của phong trào. Nhà sư Thiện Chiếu, thế danh Nguyễn Văn Sáng, còn có tên Nguyễn Văn Tài, tự Xích Liên sinh năm 1898 tại tỉnh Gò Công (nay là huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Từ nhỏ Ngài thường theo Hòa thượng Thích Huệ Tĩnh, Trụ trì chùa Linh Tuyền, xã Long Hựu, Gò Công, một vị Hoà thượng rất tinh thông Nho học do đó, nhà sư học chữ Nho rất nhanh. Năm 12 tuổi đã có thể “trùng tuyên” thông thạo Sa Di Luật Giải. Khi 16 tuổi đã đọc được văn Quan Thoại. Ngoài ra, Ngài còn tự học Pháp ngữ và có thể đọc các sách tiếng Pháp. Năm 21 tuổi, Ngài lên Sài Gòn học đạo và năm 26 tuổi được mời làm trụ trì chùa Linh Sơn (số 149 đường Douamont, Sài Gòn). Trong thời gian này, Ngài tiếp cận với nhiều tân thư Trung Hoa viết về chính trị, tôn giáo và được đọc Duy vật biện chứng pháp trong tân thư bạch thoại. Ngài bắt đầu cộng tác với Tổ Khánh Hòa vào năm 1926.
Năm 1927, Hội Lục Hòa Liên Hiệp do cụ Tổ Khánh Hòa sáng lập, cử nhà sư Thiện Chiếu ra miền Bắc vận động thống nhất Phật giáo ba miền. Ngài ra tới chùa Linh Quang gặp thiền sư Đỗ Văn Hỷ, lại lên chùa Tiên Lữ để gặp Hòa thượng Tâm Lai. Các cuộc gặp gỡ này vẫn chưa đạt nhiều kết quả. Sau một thời gian lưu lại ngoài Bắc, Ngài trở về Nam gặp lại cụ Tổ Khánh Hòa ở Quy Nhơn báo cáo về Phật sự của chuyến ra Bắc. Năm 1929, Sư Thiện Chiếu tự mình ra một tập văn lấy tên Phật hóa Tân Thanh Niên nhắm vào giới thanh niên trí thức , trụ sở báo đặt tại chùa Chúc Thọ ở Xóm Gà (Gia Định).
Năm 1936 Ngài về Rạch Giá tìm gặp Hòa thượng Trí Thiền. đến năm 1937 thành lập Hội Phật học Kiêm Tế. Một năm sau tạp chí Tiến Hóa được xuất bản. Từ năm 1936 đến tháng 6/1941, Sư Thiện Chiếu là linh hồn của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Rạch Giá. Ngài là một vị Tăng trẻ tiến bộ đầy nhiệt huyết và có tâm thiên tả. Hội Phật học Kiêm Tế được giới sử học nhận định là đại diện cho phái tả của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
Vào đêm xảy ra biến cố tại chùa Tam Bảo, sư Thiện Chiếu may mắn không bị bắt vì đã được chư Tăng và Phật tử giúp đỡ đưa lên Sài Gòn. Năm 1940 Ngài tham gia phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Hóc Môn, Bà Điểm. Năm 1942 Ngài bị mật thám Pháp bắt đày đi Côn Đảo và tra tấn dã man. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được trở về và tiếp tục con đường tu học, phụng sự đất nước trong nhiều vai trò khác nhau.
Nhà Sư Thiện Chiếu viết rất nhiều tác phẩm Phật học như: Phật học vấn đáp, Phật hóa Tân Thanh Niên, Cái thang học Phật, Phật học tổng yếu, Phật pháp là Phật pháp, Tranh biện, Tôn giáo, Tại sao tôi cảm ơn Đạo Phật. Ông còn dịch: Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú, Phật giáo Vô Thần Luận của thiền sư Thái Hư ở Trung Quốc.
4) Hội Phật Học Kiêm Tế và Tạp chí Tiến Hóa
Sau nhiều năm cộng tác với Tổ Khánh Hòa trong công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Nam, Hòa thượng Thích Trí Thiền và nhà sư Thiện Chiếu nhận thấy các hoạt động của những vị pháp lữ còn nhiều thụ động, khó mang lại được lợi ích như mong muốn. Vì vậy hai Ngài quyết định thành lập một tổ chức Phật giáo mang tính tiến bộ hơn. Sau thời gian hoàn tất thủ tục xin phép, hội Phật học Kiêm Tế được thành lập tại Rạch Giá, lấy chùa Tam Bảo làm trụ sở. Hòa thượng Thích Trí Thiền làm chánh tổng lý của hội. Hai vị Nguyễn Văn Ngọ (chùa Thập Phương) và Ngô Thành Nghĩa (chùa Phước Thạnh) làm Phó Tổng lý. Ban Trị sự gồm nhiều nhân sĩ trí thức tại Rạch Giá như các ông: Tôn Quang Huy, Đỗ Khuôn Mậu, Nguyễn Đức Huê, Đỗ Kiết Triệu, Huỳnh Văn Yến, Nguyễn Văn Phụng, Phan Thanh Hà, Lê Văn Các, Nguyễn Văn Phò, Lê Văn Điệu, Nguyễn Minh Được, Giang Minh Xinh…
Danh từ Phật học Kiêm Tế nói lên chí hướng của những người chủ trương: Đây không chỉ để học Phật mà còn thực hành kinh bang tế thế. Danh từ Tiến hóa cũng nhằm nói lên lập trường tiến bộ của hội. Ngay sau khi thành lập, một viện mồ côi được tổ chức tại chùa Tam Bảo. Tạp chí Tiến Hóa ra số đầu tiên vào ngày đầu năm 1938 do Hòa thượng Thích Pháp Linh làm chủ bút, Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm. Nhà Sư Thiện Chiếu không giữ chức vụ nào trên mặt giấy tờ, chỉ làm việc phía sau. Những bài viết trên Tiến Hóa của ông đều ký tên bằng bút danh. Tạp chí Tiến Hóa số ra mắt đã đăng hình cô nhi viện, đây có thể gọi là cô nhi viện Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức theo kiểu Tây phương. Tiến Hóa số 1 cũng đăng hình hội Phật học Kiêm Tế cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá và cho biết hội đã nuôi từ 200 đến 300 nạn nhân bão lụt tại trụ sở trong hai tháng. (hình chụp ngày 20/9/1937).
Ngoài ra, hội còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội khác như: mở phòng thuốc nam chữa bệnh miễn phí; tổ chức các buổi huyết giảng Phật pháp thường kỳ do Hòa thượng Pháp Linh phụ trách, mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ cho thanh thiếu nhi trong vùng… Bên cạnh những hoạt động công khai trên, Hội Phật học Kiêm Tế thật sự là mắt xích trong cuộc kháng chiến chống Pháp của phong trào Việt Minh tại Nam bộ. Chùa Tam Bảo là địa điểm hội họp bí mật của Xứ ủy Nam kỳ. Tại chùa ngoài Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Chiếu đã thể hiện tấm lòng của mình vì Đạo pháp, vì đất nước và nhân sinh, còn có các nhân vật yêu nước khác cũng một lòng đi theo.
Hòa thượng Pháp Linh, là người thông thạo cả Hán văn lẫn Pháp văn. Trước đây Ngài từng Trụ trì chùa Phước Thọ (Gia Định) và chùa Long Hưng (Sóc Trăng). Hoà thượng còn có tài hùng biện nên mỗi khi Ngài thuyết pháp thu hút rất nhiều người đến nghe.
Sư Thiện Ân, thế danh Trần Văn Thâu, là đệ tử xuất gia của Hòa thượng Trí Thiền. Ngài cũng là người có lòng yêu nước nồng nàn, Ngài đã trợ giúp đắc lực cho Hòa thượng Trí Thiền và nhà Sư Thiện Chiếu trong các hoạt động Giáo hội và xã hội. Có thể nói Ngài là linh hồn cho các công tác, chính Ngài là người in ấn nhiều truyền đơn và tài liệu cho Tỉnh ủy Rạch Giá, góp phần gầy dựng lại cơ sở sau thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngoài ra Sư còn đảm nhận nhiều vai trò khác làm lợi cho Đạo pháp và cách mạng. Khi bị bắt và xét xử, Sư đã dũng cảm nhận hết tội danh về mình và đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo và giải phóng đất nước.
Đỗ Kiết Triệu, đốc phủ sứ hồi hưu. Tuy là một công chức chính quyền nhưng có lòng yêu nước và hâm mộ Đạo Phật. Ông là trung tâm vận động nhiều nhà tư sản, trí thức gia nhập hội Phật học Kiêm Tế. Tạp chí Tiến Hóa cũng do ông tài trợ. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ cho hội rất nhiều về mặt thủ tục pháp lý trong khi hoạt động.
Hội Phật học Kiêm Tế tổ chức các hoạt động rất khéo léo. Tuy tư tưởng có tính chất tả khuynh 5, nhưng hình thức được hóa trang rất kỹ khiến những người bảo thủ trong hội như: Tôn Quang Huy (đốc phủ sứ hồi hưu), Huỳnh Văn Yến (đốc học)… không hề nghi ngờ. Mãi đến khi khám xét chùa Tam Bảo, chính quyền Pháp thuộc mới bất ngờ trước hành tung cách mạng của hội. Ngoài chủ ý chứng minh Hội Phật học Kiêm Tế không phải “chỉ nói suông”, Tiến Hóa tuyên bố tờ báo không những “tuyên truyền” cho Phật học mà còn “tuyên truyền” cho “bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh khỏi khổ được vui”. Theo Tiến Hóa, những học thuyết nào có tính từ bi bác ái đều được công nhận là “Phật pháp”. Ký giả Trầm Quân của Tiến Hóa giữ mục triết học thường thức. Bắt đầu từ số 1, ông viết về đề tài “Triết học là gì?”. Trong số 4, ông đã trình bày Duy vật biện chứng pháp. Từ số 6 trở đi, ông phê bình những hình thức khác nhau của Duy tâm luận.
Đứng về phương diện lý thuyết, Tiến Hóa chủ trương những điểm sau đây:
1.Người Phật tử phải có sự giác ngộ. Những sự giác ngộ mới này do khoa học khám phá. Người Phật tử phải học khoa học để biết không có cõi cực lạc ở phương Tây và cũng không hề có thiên đường cùng địa ngục …
2.Phật Thích Ca chỉ là bậc “sáng suốt hoàn toàn” trong thời đại của Ngài. Bây giờ cái biết của nhân loại đã trở thành rộng lớn; phải nắm hết tất cả những cái biết về các khoa học ngày nay thì mới được gọi là Phật…
3.Đường lối cải tạo tâm trước không có hiệu quả. Phải cải tạo cảnh… Muốn cải tạo cảnh thì Phật giáo phải có chương trình “kinh bang tế thế”… Ngoài ra, Tiến Hóa có những kêu gọi “quá đà” không phù hợp với truyền thống Phật giáo như: cổ súy đấu tranh bạo động; kêu gọi Phật giáo Việt Nam theo gương phái tân tăng ở Nhật Bản cho phép nhà sư được cưới vợ và ăn mặn…6
Qua thời gian theo dõi đêm 16/6/1941, mật thám Pháp ập vào khám xét chùa, phát hiện căn hầm bí mật chứa tài liệu và vũ khí. Sư Thiện Ân lợi dụng lúc bọn lính sơ ý, đã xô ngã cái bàn khiến vũ khí phát nổ làm bị thương tên sĩ quan Pháp. Ngay đêm đó, Hòa thượng Trí Thiền và sư Thiện Ân bị bắt về trụ sở mật thám, tra tấn dã man nhằm khai thác thông tin. Sáng hôm sau, một số người trong Ban Trị sự cũng bị bắt hỏi cung. Vài ngày sau, một phiên tòa được lập ra xét xử những người bị bắt. Sư Thiện Ân bị kết án tử hình, Hòa thượng Trí Thiền tù chung thân và một số vị khác trong Ban Trị sự hội Phật học Kiêm Tế cũng lãnh án tù. Sau sự kiện này, hội Phật học Kiêm Tế bị giải tán, tạp chí Tiến Hóa đình bản vĩnh viễn. Chùa Tam Bảo trở thành nơi ít ai đặt chân đến, chỉ còn một hai Phật tử trông coi nhang khói. Mãi đến năm 1945 mới có chư Tăng về đây hành đạo.
PHẬT GIÁO KIÊN GIANG TIẾP NỐI SỰ NGHIỆP HỘ QUỐC AN DÂN
Phật giáo Kiên Giang ngày nay thừa hưởng những kết quả tốt đẹp từ công cuộc chấn hưng Phật giáo của các bậc tiền nhân để lại. Nhờ vậy, ngay từ kỳ Đại hội Phật giáo lần thứ I năm 1981 tại Hà Nội đã có mặt đoàn đại biểu Phật giáo Kiên Giang. Vào đầu năm 1982, Phật giáo Kiên Giang đã tổ chức đại hội thống nhất tất cả hệ phái Phật giáo trong tỉnh, hình thành Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang, một trong số Tỉnh hội ra đời sớm nhất cả nước. Hiện nay là khóa thứ IX, nhiệm kỳ 2017-2022. Sau đây là một số thành tựu nổi bật trên các mặt Phật sự:
1) Công tác tổ chức
Toàn tỉnh có 15 huyện/thị đã tổ chức đại hội và thành lập 15 Ban Trị sự Phật giáo huyện/thị, có 15-21 thành viên/ban. Đồng thời, xây dựng quy chế làm việc, tổ chức hội họp định kỳ Thường trực Ban Trị sự tỉnh vào ngày 25 hằng tháng và sinh hoạt Tăng sự, họp định kỳ tất cả Tăng Ni trụ trì toàn tỉnh vào ngày mùng 2 âm lịch hằng tháng. Hằng năm, từ ngày 16-22/10 ÂL đều tổ chức khóa cấm túc “Thất nhựt giáo giới” dành cho Tăng, Ni trụ trì Phật giáo Bắc Tông và Khất sĩ; Khóa An cư Kiết hạ; Khóa bồi dưỡng trụ trì và các khóa bồi dưỡng khác như: tin học, truyền thông, báo chí, sơ cấp cứu,… Đặc biệt, mỗi năm tổ chức hai khóa tập huấn Hoằng pháp viên dành cho Phật tử tiêu biểu của các tự viện trong toàn tỉnh.
2) Cơ sở tự, viện
Hiện nay toàn tỉnh có 206 ngôi tự viện, trong đó Nam tông Khmer có 75 chùa và 1 tháp thờ 4 vị Hòa thượng liệt sĩ. Có 7 chùa được công nhận di tích cấp quốc gia và 3 chùa là di tích cấp tỉnh (Văn Kiện Đại hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang khóa IX nhiệm kỳ 2017-2022).
3) Tăng sự
Toàn tỉnh hiện có 1.332 tu sĩ, chia ra: Chư Tăng Nam tông Khmer có 992 vị. Chư Tăng, Ni Bắc tông người Việt có 340 vị.
4) Giáo dục Tăng Ni
Đến nay, số lượng Tăng Ni đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường Phật học và thế học trong – ngoài nước như sau:
* PG Bắc tông: Tiến sĩ khoa học: 2 vị; Thạc sĩ: 12 vị; Cao cấp giảng sư: 8 vị; Cử nhân Phật học và thế học: 67 vị; Nghiên cứu sinh: 4 vị; Đang học Cao học tại các trường Phật học và thế học trong – ngoài nước: 18 vị; Đang theo học Cử nhân Phật học, các lớp cao đẳng chuyên khoa Phật học, lớp cao – trung cấp giảng sư: 21 vị.
* PG Nam tông Khmer: Đang học tại các trường đại học: 32 vị; Tốt nghiệp Học viện PG Khmer tại Cần Thơ: 9 vị; Tốt nghiệp Trung cấp Pali: 42 vị; Du học tại Trung Quốc 1 vị, Thái Lan 4 vị, Myanmar 4 vị; Tốt nghiệp Học viện PG TP.HCM: 2 vị; Tốt nghiệp kỹ sư kiến trúc, cử nhân luật và nhiều ngành khác: 20 vị; Tốt nghiệp Thạc sĩ Văn hóa: 3 vị, Thạc sĩ quản lý giáo dục: 2 vị.
5) Hoằng pháp
Đã thành lập kênh truyền hình giảng pháp, tọa đàm trực tuyến tại một số tự viện trong tỉnh. Hằng tuần đều tổ chức giảng pháp trên các kênh Youtube, Facebook.
6) Hướng dẫn Phật tử
Toàn tỉnh hiện có 12 đơn vị Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt với 97 huynh trưởng và 586 đoàn sinh. Số huynh trưởng gồm có: 1 cấp Dũng, 6 cấp Tấn, 17 cấp Tín, 22 cấp Tập và 51 huynh trưởng chưa có cấp. Cư sĩ Phật tử toàn tỉnh hiện có 65 đạo tràng với 7.642 Phật tử thường xuyên tu học.
7) Từ thiện xã hội
* Trung tâm TTXH Phật Quang: tọa lạc trên diện tích 2 hecta tại ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất. Trung tâm ra đời từ năm 2002, nhận nuôi dạy theo chế độ nội trú và hoàn toàn miễn phí cho 120 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện nay, các em đang học từ lớp 1 đến lớp 12 và có trên 10 em đã tốt nghiệp cao đẳng – đại học. Một số em khác đã trưởng thành, trở về giúp đỡ gia đình và hòa nhập với cộng đồng.
* Nhà trẻ Nhân Ái: đặt cơ sở tại chùa Phật Quang, nhận giữ 120 trẻ từ 13 tháng tuổi đến 5 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nuôi dạy các em theo chế độ bán trú (từ 7h đến 17h hằng ngày) hoàn toàn miễn phí.
* An sinh xã hội: trong 5 năm của nhiệm kỳ VIII, Giáo hội Phật giáo Kiên Giang đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp tổng số tiền 334.719.949.000 đồng để chi vào các hoạt động an sinh xã hội, cùng nhà nước giúp giảm bớt khó khăn cho đồng bào nghèo.
8) Thông tin truyền thông
Thành lập kênh YouTube, Facebook “Pháp âm Kiên Giang” (2016) và kênh “Phật sự miền Tây” (2017). Đến ngày 18/3/2018, Trung ương Giáo hội cho phép thành lập kênh “Phật Sự Online” để làm công cụ thông tin truyền thông của Phật giáo. Đến nay, kênh Phật Sự Online đã phát huy hiệu quả không ngờ và trở thành công cụ thông tin truyền thông của Văn phòng Trung ương Giáo hội.
Tóm lại, Phật giáo Việt Nam từ thời Lý – Trần đã hình thành nên sắc thái riêng biệt, là một Đạo Phật nhập thế, đau chung với nỗi đau dân tộc, vui cùng với hạnh phúc nhân dân. Qua tìm hiểu phong trào chấn hưng Phật giáo tại Rạch Giá giai đoạn 1936-1941, có thể thấy, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được thúc đẩy bởi lòng yêu nước của Phật tử Việt Nam. Phong trào không chỉ thuần túy là một cuộc chấn hưng Đạo Phật, mà còn là hình thức phản kháng lại sự cai trị của thực dân Pháp, một hình thức đấu tranh bất bạo động chống lại ách đô hộ. Mặc dù cuộc chấn hưng Phật giáo tại Rạch Giá chỉ kéo dài hơn 5 năm nhưng Phật giáo Rạch Giá đã tạo nên những thành công to lớn cả đạo lẫn đời. Sự hy sinh của hai nhà Sư yêu nước là Hòa thượng Thích Trí Thiền và Sư Thiện Ân đã nói lên sự hoà quyện giữa Đạo pháp và Dân tộc, thể hiện rõ nét Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Sự hy sinh ấy đã trở thành bài học vô giá cho các thế hệ sau. Cuộc chấn hưng Phật giáo tại Rạch Giá đã góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam và trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Ngày nay, Đạo Phật nói chung và Phật giáo Kiên Giang nói riêng càng phải phát huy hơn nữa bản sắc nhập thế của Phật giáo Việt Nam, không bàng quan với hiện tại mà quên đi sự cống hiến và hy sinh của các bậc Tổ Thầy và tiền nhân. Phật giáo Việt Nam sau một thời gian dài suy yếu (từ cuối thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XX), cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam khởi đầu năm 1930 như là hồi chuông cảnh tỉnh, kêu gọi Phật tử khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, hãy thức dậy để dựng lại tinh thần Phật giáo đời Lý – Trần, một Đạo Phật tích cực nhập thế. Lịch sử luôn là bài học quý giá cho những thế hệ đi sau noi theo.
Chú thích:
(1) Tỳ kheo Dharmapala (1864-1933), thế danh David Hewavithame, người Srilanka, sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời, 20 tuổi xuất gia, năm 1885-1889 ông dành trọn thời gian cho phong trào hoạt động Chấn hưng Phật giáo.
(2) Hội Maha Bodhi hoạt động với tông chỉ phục hưng Phật giáo Ấn Độ, khôi phục lại các Thánh tích Phật giáo.
(3) Nay thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
(4) (1890-1947), một Cao tăng nổi tiếng thời cận hiện đại, sinh vào năm thứ 15 đời vua Quang Tự nhà Thanh pháp danh Duy Tâm, tự Thái Hư, người Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.
(5) Dùng để chỉ khuynh hướng Chính trị trái với cánh hữu, bao gồm các lập trường hay hoạt động Chính trị. Thường gắn với Nhà nước phúc lợi, chủ nghĩa tự do, dân chủ…
(6) (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang – Nxb Văn Học 2000, trang 798).
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
2.Trần Văn Chương và Thích Thiện Chí, Lịch sử – Văn hóa chùa Tam Bảo, Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang.
3.Văn Kiện Đại hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang khóa IX nhiệm kỳ 2017-2022.
4.Thích Thiện Hoa (2016), 50 năm Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb thư viện Huệ Quang, Tp.HCM.
5.Thích Đức Nhuận (2009), Đạo Phật và dòng sử Việt, Nxb Phương Đông, TP.HCM.
The prothrombin and proconvertin tests 113, 114and measurements of prothrombin activity or native prothrombin concentration have been proposed as alternatives 76, 114 116, but the optimum method for monitoring anticoagulation in patients with lupus anticoagulants is uncertain cialis online cheap revatio naproxen sodium vs anarex A month of combat in the U
That is high and I haven t had a positive test yet and am on cycle day 26 order cialis