Hiện nay, nếu so với số di tích kiến trúc cổ Champa đã trở thành phế tích thì những ngôi tháp Chăm còn lại chỉ là một phần nhỏ. Tuy nhiên, dù số lượng còn lại là ít ỏi nhưng chúng vẫn là những bằng chứng lịch sử rất thuyết phục về một nền nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo của người Chăm thời xưa. Nghệ thuật xây dựng đền tháp cùng với những kỹ thuật chạm khắc trên gạch là một thành tựu nghệ thuật độc đáo của người Chăm, đã làm nên một quần thể kiến trúc mamg đậm dấu ấn Champa.
NGUỒN GỐC VÀ CHỨC NĂNG CỦA KIẾN TRÚC
Trong quá trình hình thành và phát triển, Champa đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa khác nhau không chỉ ở miền Trung và Tây Nguyên mà còn ở một số quốc gia Đông Nam Á… Căn cứ vào những dòng bia ký, chúng ta được biết từ thế kỉ V – VII, người Chăm đã bắt đầu xây dựng những điện thờ cao đẹp. Về nguồn gốc kiến trúc, hiện có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng tháp bắt nguồn từ tháp Phật (Stupa) nhưng đa số đều cho rằng khởi nguồn theo giáo lý Ấn Độ giáo biểu tượng cho núi Meru, nơi ở của các thần linh thể hiện dưới dạng đền núi Sikhara.
Theo tiếng Chăm, những đền tháp được gọi là kalan tức lăng, là nơi các vị vua xây dựng để thờ phụng thần linh. Những vị thần được thờ tại đây có thể là thần hủy diệt Siva, phúc thần đầu người mình voi Ganesha hoặc những vị Phật tùy vào niềm tin và lòng kính mộ của mỗi vị vua. Tuy nhiên, xã hội Champa ngày xưa có sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền nên nhiều tháp còn thờ những vị vua Champa. Vì vậy, đền tháp Chăm được xây dựng để thờ cúng thần linh. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng tháp thì thờ tự chỉ là một trong những chức năng, nhưng do hầu hết các tháp hiện nay không còn đồ thờ tự nên rất khó để đoán định được những chức năng khác.
Việc vua Chăm dựng các đền thờ thần được nhắc tới sớm nhất là vào thế kỷ VI trong bia ký của Bhadravarman I. Theo quan niệm Ấn Độ giáo, những thánh đường hay đền thờ là dinh thự của các thần linh. Qua những gì còn sót lại đến nay, có thể cho rằng, đền tháp Chăm được xây dựng với mục đích tín ngưỡng. Đồng thời những bia ký, đền đài, tượng thờ, … đã phản ánh sinh động đời sống văn hóa tinh thần cũng như xã hội Champa xưa.
Phân loại phong cách kiến trúc theo niên đại
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thì những ngôi tháp Chăm cổ và hoang tàn đã bắt đầu được chú ý và dần được nhắc đến như những viên ngọc sáng trong nền văn hóa Champa. Sau nhiều năm nghiên cứu thì nhà nghệ thuật nổi tiếng người Pháp P. Stern đã hoàn thiện bảng niên đại và phong cách cho các tháp Chăm.
– Phong cách cổ hay phong cách Mỹ Sơn E1 vào thế kỉ VIII gồm ngôi đền Mỹ Sơn E1 và hai di tích Chăm ở Campuchia là Phú Hài và Đamrei. Từ thế kỷ V – VII, người Chăm bắt đầu xây dựng đền tháp. Vào thế kỷ V, vua Bhadravarman cho xây dựng một đền thờ tại thánh địa Mỹ Sơn nhưng sau đó bị cháy. Đến thế kỉ VII – VIII, người Chăm đã khôi phục đền thờ này và đặt lại tên là Sambubhadresvara. Sau đó, vua Vikrantavarman đã tô điểm thêm cho Mỹ Sơn. Đây là những chứng cứ đầu tiên về nghệ thuật Chăm. Tuy nhiên, chúng ta chỉ dựa vào những trang trí còn lại của phế tích Mỹ Sơn E1 như cột, mi cửa để chứng tỏ sự tồn tại của ngôi tháp này vì kiến trúc thời vua Vikrantavarman đã không còn. Và ngôi tháp chìm trong cát, tháp Mỹ Khánh được tìm thấy năm 2001 ở Thừa Thiên – Huế được xác định thuộc phong cách cổ Mỹ Sơn E1 và là ngôi tháp Chăm cổ nhất hiện còn.
– Phong cách Hòa Lai vào nửa đầu thế kỷ IX gồm có Hòa Lai, Po Dam, Mỹ Sơn A2 và Mỹ Sơn C7. Các tháp Hòa Lai là những kiến trúc thành công nhất của phong cách này với khối thân hình lập thể mạnh mẽ và bên trên là hệ thống cổ điển của các tầng nhỏ dần. Trang trí giới hạn ở những chỗ: khung của các cột ốp, đường viền nhấn ở các tầng. Yếu tố tiêu biểu của tháp Chăm là các vòm cửa nhiều mũi, trùm lên các cửa thật, cửa giả và các khám. Những tạo hình tiêu biểu đã làm cho tháp Hòa Lai mang vẻ đẹp trang trọng.
– Phong cách Đồng Dương vào nửa sau thế kỉ IX đầu thế kỉ X gồm Đồng Dương, Mỹ Sơn B4, Mỹ Sơn A11, Mỹ Sơn A12, Mỹ Sơn A13, Mỹ Sơn B2 và Mỹ Sơn A10. Sau phong cách Hòa Lai là khu đền tháp do vua Indravarman II xây dựng vào năm 877 giữa kinh đô Indrapura để thờ Laksmindora và Lokesvara. Đây là khu Đồng Dương là một khu điện thờ khá đặc biệt. Phong cách Đồng Dương là phong cách cuối cùng của thời kì nghệ thuật kiến trúc thứ nhất của Champa. Trong phong cách Mỹ Sơn E1 bao trùm là ảnh hưởng của nghệ thuật Giupta Ấn Độ và đến Hòa Lai là sức sống mãnh liệt và thực tiễn của Chàm kết hợp với lý tưởng nghệ thuật Ấn Độ. Và xu hướng hòa hợp đó đã trở nên cân bằng và nhịp điệu ở những ngôi tháp trong phong cách Hòa Lai. Nhưng bước sang phong cách Đồng Dương thì sự kết hợp đó hầu như mất hẳn. Sự còn lại duy nhất là sự bộn bề trong trang trí. Trật tự trang trí trở nên rối rắm, lan tràn. Ở phong cách Đồng Dương hầu như đã biến đi cái nhận thức cổ điển của nét lượn, tỷ lệ và sức sống gần như mông muội của cách trang trí làm cho tháp Đồng Dương trở nên mạnh mẽ.
– Phong cách Mỹ Sơn A1 vào thế kỉ X, bắt đầu bằng Khương Mỹ, tiếp tục bằng Mỹ Sơn A1 và một số ngôi tháp thuộc các nhóm B, C, D của Mỹ Sơn. Sau phong cách Đồng Dương, nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm dường như chuyển đổi đột ngột về phong cách. Nếu trước đó là phong cách nặng nề khỏe khoắn, toát lên sự mạnh mẽ thì đến Mỹ Sơn A10 và Khương Mỹ, tháp Chăm dường như đã trở nên tinh tế, trang nhã, duyên dáng nhưng vẫn giữ được nét mạnh mẽ và nhịp nhàng. Điều đó bộc lộ rõ nét trong phong cách ở ngôi tháp Mỹ Sơn A1. Tại đây, những gì thuộc về Hòa Lai, Đồng Dương đã biến mất, nhường chỗ cho hàng loạt yếu tố mới, với sự hiện diện của mô típ hoa tròn đầy lá xum xuê, khoảng giữa hai cột ốp có hình như cái khung với đường viền nổi bao quanh, mô típ ngôi tháp thu nhỏ ở trên cửa ra vào và cửa giả, bố cục năm cột ốp trên mỗi mặt tường, bộ diềm kép, hình đá điểm gốc chạm thủng, các tháp trang trí góc mô phỏng tháp chính.
– Phong cách chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định vào đầu thế kỉ XI đến giữa thế kỉ XII gồm Bình Lâm, Mỹ Sơn E1, Chiên Đàn, Po Nagar, Tháp Bạc. Sau những biến động chính trị thì đến đầu thế kỉ XI, trung tâm chính trị của Vương quốc Champa chuyển vào Bình Định. Nghệ thuật tháp Chăm bắt đầu chuyển sang phong cách Bình Định. Các tháp Chăm thời kì này hầu hết được xây dựng trên đồi cao để biểu dương uy lực và bề thế của mình. Trong phong cách Bình Định thời kì này nổi bật lên là hình khối. Tất cả các thành phần kiến trúc đều đi vào mảng khối. Vòm cửa thu lại và vút lên cao thành hình mũi giáo, các khối nhỏ trên các tháp tầng như cuộn lại thành các khối đệm khỏe, các trụ ốp thu vào thành một khối phẳng, mặt tường được tăng gân và căng ra bằng đường gờ nổi ở giữa, các đá điểm góc trở nên cách điệu… Những yếu tố đó đã gây ấn tượng hoành tráng từ xa.
– Phong cách Bình Định vào giữa thế kỉ XII đến cuối thế kỉ XIII. Tiếp nối phong cách Bình Định đầu thế kỉ XI – nửa đầu thế kỉ XII là nhiều tháp như Thủ Thiện, Cánh Tiên, Tháp Vàng tiếp đó là Dương Long, Nhạn Tháp.
– Phong cách muộn vào đầu thế kỉ XIV đến cuối thế kỉ XVII gồm tháp Pô Klaung Garai, Pô Rômé, Yang Mun, Yang Prong. Cuối thế kỷ XIII đầu thế kỉ XIV, Pô Klaung Garai đã đánh dấu sự suy thoái của phong cách Bình Định, kiến trúc tháp Chăm vào thời phong cách muộn của nghệ thuật kiến trúc Chăm. Sau thế kỉ XIV, kiến trúc Chăm dường như khô cứng. Ở Yang Prong, Yan Mun và sau cùng là Pô Rômé thì sự suy thoái nặng nề và nghèo nàn đã đạt đến mức tối đa. Kiến trúc trở nên mất hẳn tính bề thế uy nghiêm vốn có, các tháp trang trí mất hết vẻ nhẹ nhàng và trở nên rất nặng nề.
Đi cùng quá trình hình thành, phát triển và suy vong của Vương quốc cổ Champa, kiến trúc nghệ thuật đền tháp Champa cũng nổi bật lên ba giai đoạn lớn: nhóm tháp vào thế kỉ VIII – IX (phong cách Mỹ Sơn E1, Hòa Lai và Đồng Dương), nhóm thế kỉ X (phong cách Mỹ Sơn A1), và nhóm thế kỉ XI – XIII (phong cách Bình Định). Ba phong cách toát lên ba vẻ đẹp khác nhau và tạo hình rất tiêu biêu, nhóm thứ nhất là khỏe khoắn trong trang trí và trong hình dáng cục mịch, vuông vức; nhóm thứ hai thanh tú, trang nhã trong đường nét và hài hòa trong tỷ lệ; nhóm thứ ba thì đường bệ trong mảng khối.
MÔ HÌNH CHUNG CỦA KIẾN TRÚC ĐỀN THÁP CHĂM
Dựa trên những kiến trúc còn sót lại có thể thấy, những đền tháp Chăm được xây dựng trên gò và có hướng quay về phía đông. Trung tâm là tòa kiến trúc hình tháp khối thân vuông, ở giữa rộng tạo thành điện thờ nhỏ đây là nơi trú ngụ của các thần linh. Kiến trúc chính đôi khi có thêm hai ngôi tháp nằm trên cùng một trục Nam – Bắc. Bên ngoài nhóm trung tâm được bao quanh bằng một bức tường tạo thành khu tôn nghiêm. Bức tường được mở ra hướng đông bằng một cái cửa cổng lớn có hình dáng và kiến trúc như một đền thờ. Phía trước các kiến trúc chính thường có một tòa nhà dài nằm theo hướng đông – tây. Tòa này gồm hai gian nhà áp liền nhau. Bên ngoài khu tôn nghiêm, có gian nhà dài dựng cùng một hướng với các kiến trúc trung tâm xây bởi một bức tường mỏng hay bằng những cột đá đỡ một mái ngói. Ngoài gian nhà dài ở khu ngoài và tháp nam ở khu trung tâm được xây dựng bằng kiến trúc dân dụng thì còn lại đều được xây theo kiến trúc tháp tầng. Bên trong tháp là gian điện thờ hình bình đồ vuông, vách thẳng, không trang trí và phẳng trơn. Một mái vút cong phía trên gian điện thờ. Chỗ để đèn được khoét trong vách tường. Ở giữa điện để một tượng thần hay một vật thờ linga. Bên ngoài là một hành lang dẫn đến một gian khác nhỏ hơn. Trên trụ ốp, diềm và chân, trên vách tường người ta trang trí cửa giả, những hoa văn, hình người hay hoa lá. Thân tháp nhô lên nhiều tầng và thu nhỏ dần.
VẬT LIỆU XÂY DỰNG ĐỀN THÁP
Từ những thế kỷ V – VI, người Trung Quốc đã thể hiện trong sử liệu sự khâm phục về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch của người Chăm. Bởi cách thức xây dựng đền tháp của họ là quá trình chọn lọc tỉ mỉ gạch xây dựng, cách tạo hình chạm khắc đầy sáng tạo và độc đáo. Nhà nghiên cứu mỹ thuật phương Đông B.Groslier cho rằng: “Về cấu trúc, các tháp Chăm đẹp hơn các đền tháp Khmer”. Vẻ đẹp ở đây chính là người Chăm đã giữ được chất liệu và tôn trọng bản chất của nó. Ông có sự so sánh bởi vì người Khmer họ xây dựng đền tháp trên bất cứ chất liệu nào rồi chạm khắc vào đó. Những nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng những viên gạch để xây dựng nên tháp Chăm được xây bằng vữa. Những lớp vữa này khá dày, từ 0,5 đến 1 hoặc 2cm. Ở bề ngoài của tháp Chăm có những lớp vữa rất mỏng khiến cảm thấy như những viên gạch được dán vào nhau. Gạch tháp Chăm non hơn và nhẹ hơn gạch mà ta thường dùng hiện nay. Chỉ cần mài các viên gạch vào nhau trong nước, bột gạch đã chảy thành một chất keo khá dính và hút chặt hai viên gạch vào nhau. Khi để khô thì bong ra. Sau khi phân tích bằng nhiễu xạ Ronghen thì các nhà khoa học cho rằng gạch tháp Chăm được làm từ loại đất sét Hydromica và được nung ở nhiệt độ không lớn lắm. Kích thước và hình dáng của những viên gạch thường không đều nhau. Hình dáng gạch nhìn chung có hình chữ nhật vuông, ít chông chênh và nung chín đều. Màu sắc gạch thường là màu đỏ tươi hay đỏ nhạt.
So với gạch thì đá chiếm tỷ lệ thấp. Đá thường xẻ thành khối hay thành tấm dùng ở những vị trí chịu lực nén cao. Đá gồm hai loại là đá granit màu xanh nhạt và đá silic màu xám đỏ. Về thành phần chất kết dính thì những nhà nghiên cứu gần đây cho rằng chất kết dính được người Chăm dùng để xây tháp được làm từ thực vật. Theo Trần Kỳ Phương (1980) thì đó là một loại cây cho nhiều nhựa như dầu ráy, chất kết dính từ cây xương rồng theo Ngô Văn Doanh (1978) hay cũng có thể là dung dịch đất sét, theo Awawrenczack và Skibinski (1987). Những năm gần đây, người ta còn thấy những chất kết dính chảy ra từ kẻ những viên gạch ở tháp Pô Rômé là một loại nhựa cây màu nâu bao gồm hỗn hợp dầu rái và vôi. Hay theo Trần Bá Việt (2000), người Chăm còn dùng nhớt của các loại cây để làm chất kết dính như cây ô dước, bời lời, dâm bụt.
KỸ THUẬT XÂY DỰNG ĐỀN THÁP
Những công đoạn xây dựng tháp của người Chăm đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết. Theo giả thuyết mài chập thì người Chăm dùng các viên gạch nung nhẹ lửa được mài liên tục cho đến khi chúng chập khít vào nhau. Trong quá trình mài thì cho nước và chất kết dính. Sau khi mài, nước và chất kết dính hòa vào nhau tạo thành hỗn hợp có tính dính ban đầu. Do gạch có độ xốp và hút nước cao nên màng mỏng chất này gắn chặt vào bề mặt các viên gạch và liên kết chúng lại với nhau.
Theo giả thuyết mài xếp, người Chăm khi xây tháp chỉ cần mài những viên gạch trong nước và xếp chúng lại với nhau theo vị trí tháp. Khi khô, các viên gạch gắn chặt chắc chắn. Tuy nhiên theo truyền thuyết người Chăm, tháp được xây bằng gạch mộc còn ướt chưa nung. Trước khi xây, người ta nhúng gạch vào dầu thực vật rồi xây tháp liền ngay sau đó. Khi xây lên đến 1 – 1,5m thì người ta dừng lại đợi cho gạch khô và dính lại với nhau rồi họ lắp đất xung quanh tường tháp đã xây. Sau đó họ đứng trên lớp đất xung quanh tường tháp để xây tiếp. Cứ như vậy họ xây đến đâu thì lắp đất đến đó cho đến đỉnh tháp. Cuối cùng thì đốt lửa đun đỏ tháp. Sau đó họ thay lớp đất xung quanh là giàn giáo, họ gạt lớp đất này tạo thành một mặt bằng xung quanh và cho thợ đứng lên để điêu khắc trên gạch và cứ thế gạt dần đến chân tháp để hiện ra một ngôi tháp hoàn chỉnh. Giả thuyết này do ông Đổng Chức kể lại. Có thể thấy, quá trình xây dựng đền tháp Champa trải qua những giai đoạn sau: chuẩn bị chất kết dính; đúc gạch theo khuôn định sẵn; nhúng gạch vào chất kết dính; xếp gạch theo mô hình tháp; lắp đất xung quanh; nung tháp, gạt đất ra để đứng trên trang trí và điêu khắc; gột giũa và hoàn chỉnh toàn bộ khối tháp.
KỸ THUẬT CHẠM KHẮC TRỰC TIẾP LÊN GẠCH
Điểm đặc biệt trong đền tháp Chăm là kĩ thuật chạm khắc trực tiếp lên gạch. Người Chăm không dùng các lớp vỏ trang trí ốp vào gạch mà đục, khắc trực tiếp vào tường gạch đã được nung xong. Chính những đặc tính đặc biệt từ gạch mà nó có thể làm vật liệu xây dựng bền bỉ đồng thời cũng là chất liệu lý tưởng cho điêu khắc, cộng thêm sự sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ của những nhà điêu khắc Chăm cổ đã làm cho những ngôi tháp Chăm trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, độc đáo và mang sắc thái riêng biệt của văn minh Champa.
ẢNH HƯỞNG CỦA ẤN ĐỘ GIÁO TRONG KIẾN TRÚC CHAMPA
Những công trình kiến trúc cổ Champa được xây mang những đặc trưng tôn giáo riêng, kĩ thuật mỹ thuật đặc sắc trên cơ sở tiếp thu từ nền văn hóa Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ có một thời gian lịch sử lâu dài giao lưu văn hóa với Champa, khi người Champa giành được độc lập. Vì thế, văn hóa Ấn Độ đã tham gia toàn diện vào đời sống xã hội và tinh thần của người Chăm. Những công trình, kiến trúc của Champa phần lớn mang chức năng tôn giáo đều mang hơi thở của nền văn minh Ấn Độ. Điều đó được thể hiện sớm nhất ở những tượng thờ và bia ký. Nhóm tượng tìm thấy ở Cù Lao Hạ, tượng Ganesa đều thể hiện ảnh hưởng rõ rệt của miền nam Ấn Độ mà cụ thể là vùng Amaravati, và một số khác như tượng Phật Đồng Dương, đầu tượng đất nung tại Củng Sơn, phù điêu tượng Phật tại Tuy Hòa. Những thế kỷ tiếp theo, sự xuất hiện đền tháp cho thấy đây là những kiệt tác nghệ thuật, rất gần gũi với nghệ thuật biểu hiện của Dravarati và Indonesia, giống về phong cách nghệ thuật của Nam Ấn và ảnh hưởng nghệ thuật tiền Angkor. Tuy nhiên, đến những đền tháp sau đó, tính từ ngôi đền được xây dựng bởi vua Sambhuvarman nhưng sau đó bị thiêu rụi, kiến trúc tôn giáo Champa dù mang đậm ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ nhưng vẫn mang nhiều nét kế thừa của kiến trúc truyền thống. Trên cơ sở tiếp thu Ấn giáo, người Chăm đã sáng tạo rất nhiều từ nguyên vật liệu xây dựng tháp cho đến kĩ thuật chế tác vật liệu, kỹ thuật dựng tháp và sự khéo léo độc đáo trong cách trang trí đền tháp bằng điêu khắc trực tiếp lên gạch. Họ đã làm chủ được những kỹ thuật đấy biến nó thành một sản phẩm nghệ thuật mang phong cách Champa riêng biệt hình thành nên những đặc trưng riêng.
Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành, phát triển rồi suy vong, vương quốc Champa đã để lại rất nhiều những giá trị về văn hóa và lịch sử. Trong đó, hàng loạt những kiến trúc đền tháp không chỉ ở miền Trung Việt Nam mà còn cả nhiều quốc gia khác trong khu vực, của người Chăm là một kho tàng giá trị lịch sử văn hóa phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của nền văn minh Champa cổ. Những kiến trúc đền tháp Champa chính là những bằng chứng lịch sử cho sự tồn tại và phát triển hưng thịnh của vương quốc Champa cổ, đồng thời đã góp phần mang đến những vẻ đẹp văn hóa khác nhau trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ngày nay. Dân tộc Chăm đã đóng góp vào kho báu nghệ thuật Việt Nam những nét độc đáo về kiến trúc và điêu khắc. Hệ thống tháp và tượng Chăm là một trong những nền văn hóa nghệ thuật cổ lớn nhất, có giá trị nhất của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng là di sản văn hóa thế giới. Mỗi khu tháp là một đài tưởng niệm thần linh hoặc vua chúa anh hùng của vương quốc, nên đều xây ở đồi cao và mở cửa về hướng Đông – hướng của thần thánh. Các tháp xây trên mặt bằng gần như vuông, ba phía có cửa giả, chỉ phía Đông có cửa ra vào, tường tháp dày, lòng tháp rỗng lên cao thu lại rồi bít kín. Trong tháp có thờ tượng thần, chân dung quốc vương hoặc Linga. Tháp xây bằng gạch, trong và ngoài đều chín đỏ thẫm, mạch kết dính dường như không có, mặt ngoài gắn các phù điêu đá hoặc chạm trực tiếp trên mặt gạch thành những tác phẩm nghệ thuật làm nên thương hiệu sắc thái Chăm.
Kỹ thuật xây tháp tuy đã nghiên cứu cả trăm năm nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đang tranh cãi chưa ngã ngũ. Từ những di tích còn lại cho thấy những người thợ Chăm quả thật rất tài ba, có nghệ thuật điêu luyện đưa nghệ thuật Chăm đến trình độ cao mà cho tới nay vẫn còn là một bài toán hóc búa.
* Th.S Trần Thị Bích Trâm – Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Tài liệu tham khảo:
1.Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Ngô Văn Doanh (2011), Văn hóa cổ Champa, Nxb Văn hóa dân tộc.
2.Lê Thọ, Văn hóa Chăm và vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Chăm Ninh Thuận, Luận văn thạc sĩ.
3.Trần Bá Việt (2007), Đền tháp Champa bí ẩn xây dựng, Nxb Xây dựng.
4.Viện Đông Nam Á (1995), Tháp cổ Champa sự thật và huyền thoại, Nxb Văn hóa thông tin.
5.Ngô Văn Doanh (2003), Thánh địa Mỹ Sơn, Nxb Trẻ.
6.Ngô Văn Doanh (2011), Thành cổ Champa – những dấu ấn thời gian, Nxb Thế giới.
7.Trần Kỳ Phương (1998), Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm, Nxb Đà Nẵng.
8.Sakaya (2010), Văn hóa Chăm – nghiên cứu và phê bình, Nhà xuất bản Phụ nữ.
Im obliged for the blog article.Much thanks again. Awesome.
I appreciate you sharing this blog article. Will read on…