Hát Xoan vùng đất Tổ vua Hùng (Lê Hải Đăng)

[voice]

Hát Xoan là một loại hình diễn xướng văn hóa dân gian có nội dung, chức năng nghi lễ, đặc biệt xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng vương. Địa bàn phổ biến của hát Xoan chủ yếu tập trung ở các phường An Thái, Phù Đức, Kim Bài, Thét thuộc xã Kim Đức (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

KÝ ỨC VĂN HÓA TRONG HÁT XOAN

Truyền thuyết làng Phù Đức kể: Xưa có ba anh em vua Hùng đi từ phía bắc đến vùng Phú Thọ tìm đất đóng đô, khi qua làng Phù Đức, ba anh em nghỉ trưa tại một khu rừng gần làng. Nhìn ra bãi cỏ kế bên hồ nước trước mặt, vua Hùng thấy trẻ mục đồng vui chơi, vừa múa, vừa hát, đứa vật, đứa kéo co… Nhìn lũ trẻ say sưa nô đùa, vua bèn sai Lạc hầu, Lạc tướng ra dạy thêm cho chúng một số điệu múa hát. Dân làng vì thế cảm kích mà làm bánh nắng, thịt bò thui dâng lên vua cùng đoàn tùy tùng. Nhằm kỷ niệm sự kiện này, hằng năm vào ngày mùng 1 tháng giêng (âm lịch), dân làng lại tổ chức lễ cúng bánh nắng, thịt bò; tối mùng 2-3 tháng giêng thì mở hội, trong đó có sinh hoạt của các phường Xoan ở miếu Lãi Lèn.

Truyền thuyết làng An Thái lại kể: Vua Hùng có một bà cung phi đến kỳ sinh nở. Bà đến thôn An Thái thì bụng đau dữ dội, đau mãi mà không sinh được. Dùng nhiều phương thuốc cứu chữa vẫn không hết cơn đau. Bấy giờ có tiếng hát ru của người đàn bà từ đâu vọng tới, bà nghe thấy bỗng dịu cơn đau. Bà truyền cho quân sĩ đón người dân ở đây vào Cao Mại, nơi bà ngụ cư. Khi trở dạ sinh được người con gái đặt tên là Nguyệt Cư, nhờ tiếng hát của người dân An Thái mà bà sinh nở dễ dàng. Nguyệt Cư ra đời, khóc không ai dỗ được, chỉ nghe tiếng hát thì nín. Vua Hùng vui mừng, hết lời khen ngợi và bảo các Mỵ Nương học điệu hát, múa ấy. Nguyệt Cư sinh vào mùa xuân, nên tiếng hát ấy gọi là hát Xuân.

Còn truyền thuyết làng Hương Nộn kể: Hát Xoan thờ Xuân Nương, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Xuân Nương khởi nghĩa đánh giặc Hán tham tàn, có lần hành quân qua làng Xoan được nghe hát Xoan bèn cho quân học hát. Cũng vì sự tích trên mà ngày tế Xuân Nương, dân làng Hương Nộn tổ chức hát Xoan.

Như vậy, theo truyền thuyết, hát Xoan vốn có tên là hát Xuân, nhưng do húy kỵ phải đọc thành hát Xoan. Bên cạnh đó, cư dân địa phương còn gọi hát Xoan là hát Lãi Lèn. Tên gọi này xuất phát từ câu hát đệm: “Len là len hỡi là len”, đồng thời tại làng Phù Đức, một địa bàn của phường Xoan gốc có ngôi miếu Lãi Lèn. Hàng năm vào dịp mùa xuân, các phường Xoan đều đi hát thờ ở ngôi miếu này.

TỔ CHỨC HÁT XOAN

Hát Xoan giống như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, như hát Quan họ, hát Xẩm, hát Đúm… mỗi tổ chức gồm nhiều thành viên, khoảng trên dưới 20 người, đa số tập trung các chàng trai, cô gái trẻ tuổi từ 16 đến 18, đứng đầu là ông trùm. Cách xưng hô trong hát Xoan cũng giống như các loại hình diễn xướng nói chung, nam gọi là kép, nữ gọi là đào. Theo thống kê trong Dự án Phi vật thể về “Hát Xoan Phú Thọ” [1] của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, hiện tại tỉnh Phú Thọ có 4 phường hát Xoan gốc là: An Thái, Thét, Phù Đức, Kim Đái thuộc xã Kim Đức (TP Việt Trì); 3 đội hát Xoan mới thành lập năm 2006 ở huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh. Phường An Thái, xã Phượng Lâu có 42 người; phường Phù Đức, xã Kim Đức có 23 người; phường Thét, xã Kim Đức có 31 người, phường Kim Đái, xã Kim Đức có 25 người. Tất cả đều thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Hát Xoan bao gồm ca, múa và nhạc. Ca ở đây là những làn điệu dân ca có nội dung nghi lễ, ngợi ca hoặc trữ tình, giao duyên. Múa Xoan là những động tác vũ đạo, chủ yếu sử dụng sự chuyển động linh hoạt của đôi bàn tay, kết hợp với nhịp chân, động tác quay tròn toàn thân. Tất cả đều tuân theo nguyên tắc đối xứng. Không giống như nhiều thể loại dân ca khác, hát Xoan diễn xướng theo mô hình tập thể, có nghĩa là tất cả thành viên cùng hát một giai điệu và một lời ca chung. Cách hát này giống như hát Quan họ, hát Sắc bùa…

Mỗi đội hát Xoan luôn chia thành hai nhóm đối xứng, nếu đội có 8 người thì mỗi nhóm có 4 người, sắp thành hàng đôi hoặc có khi tổ hợp thành vòng tròn. Trang phục của đào nương có áo dài đỏ, quần đen, đầu chít khăn mỏ quạ. Nhạc cụ đệm cho hát Xoan chỉ có một chiếc trống dùng để giữ nhịp. Bản thân cấu trúc lời ca (câu thơ) của hát Xoan đã mang tính chất chu kỳ, nên trong quá trình diễn xướng, nó tự thân tạo thành một mạch động nhằm duy trì tính ổn định. Trong quá trình diễn xướng, trống tham gia từ đầu tới cuối, từ đóng vai trò mở đầu (dạo nhạc) cho đến kết thúc (phần Coda).

TRÌNH THỨC TRONG HÁT XOAN

Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật gắn với tín ngưỡng, từ thực hành nghi lễ thờ cúng Vua Hùng cho đến tham gia các sinh hoạt văn hóa dân gian, như hát cửa đình (Đình môn khúc), miếu thờ thần… Hát Xoan được tổ hợp giữa ca, múa và nhạc. Căn cứ vào trình thức, người ta chia hát Xoan ra làm ba giai đoạn: hát nghi lễ, hát quả cách và hát hội.

Hát nghi lễ nhằm mục đích thỉnh cầu thần linh, vua cha, Thành hoàng, phù hộ cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, người yên vật thịnh với các tiết mục giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám.

Ví dụ:

Đôi tay tôi nặng cả đám làng

Trống tôi vỗ bên vông thờ vua thờ chúa

Trống tôi vỗ bên tầm thờ đức đại vương.

(Giáo trống)

Đệ tam pháo mừng chúa ông

Đã nên đấng lại anh hùng

Là đã dẹp hết đông tây nam bắc

Là đã thu về dẹp bắc đánh đông.

(Giáo pháo)

Trước tôi đọc thơ

Chúc thánh mừng vua

Chim phượng hoàng ơ

Hai hán đại thánh.

(Thơ nhang)

Lẳng lơ đứng gốc cây mai

Bóng tôi tôi ngỡ bóng ai tôi nhầm

Lẳng lơ tôi chốn đi về

Gió rung cành trúc kéo lòng người thương.

(Đóng đám)

Hát quả cách có nội dung ca ngợi cuộc sống, tái hiện hình ảnh người nông dân lao động, ngoài ra nó còn tập trung những sáng tác thể hiện tư tưởng của giới văn nhân.

Ví dụ:

Nhà tôi nhà Lê

Là sông Bồ Đề

Nhớ về tiên hạ

Là núi Việt Nam

Cầy bừa ruộng lê

Là cứ làm lê.

(Giáo pháo)

Thuở tháng xoan Lê Hoàng làm chúa

Làng đây tốt lúa ăn uống no say.

(Tứ mùa cách)

Đền cũ chủ ông

Thái tổ Thái tông

Ấy vua lão Hoàng.

(Tràng mai cách)

 

Hát quả cách có tất cả 14 quả cách. Tuy nhiên, môi trường diễn xướng của hát quả cách thường diễn ra ở đình, miếu, không gian nghi lễ nói chung, nên kép, đào chỉ hát 13 quả cách, còn quả cách 14 dùng để hát kết nghĩa giữa các phường Xoan.

Hát hội gồm các tiết mục: Bợm gái, Bỏ bộ, Đố chữ, Cài Hoa, Giã cá. Cũng giống như hát Quan họ, hát Hội chiếm đa số các làn điệu Xoan, chủ yếu nhằm ca ngợi tình yêu lứa đôi, thề non hẹn biển…

Ví dụ:

Tình là tình tang tình là tang tình

Bắc cầu anh sẽ có ván mong bắc cầu anh sẽ có ván mong

Em sang là sang chả được, em sang là sang chả được

Rằng để anh bồng, anh bồng qua nọ em sang là em sang

Tình là tình tang tình là tang tình

Trồng bông ta luống a đậu luống đậu

Luống cả ơ ai làm cho luống công a ta thế này chứ đường ai làm

Đường ai làm cho luống rằng ở công ta

Ở đây ớ rằng công đây ớ rằng công đây

Tình là tình tang tình là tang tình…

Tính chất âm nhạc

Hát Xoan kết hợp giữa ca, múa, nhạc, song quan trọng nhất chính là ca. Người Việt có sở trường về hát, trong ngôn ngữ chúng ta quen gọi các loại hình nghệ thuật là hát, như hát chèo, hát bội, hát cải lương, hát bả trạo,… mặc dù ở nhiều loại hình nghệ thuật, hát chỉ là một trong những thành tố cơ bản làm nên tính chất tổng hợp. Chính vì sở trường và thiên hướng về ca hát, nên các thể loại dân ca nói chung chủ yếu sử dụng lời ca, tiếng hát làm phương tiện biểu hiện. Qua lời ca trong hát Xoan có thể thấy, chúng có cấu trúc gồm nhiều đoạn (trổ) lặp đi lặp lại. Khi xuất hiện những câu đệm (bằng hư từ, như: Len là len hỡi là len; Tình là tình tang tình là tang tình…) bài ca bắt đầu lặp lại, nhưng thông qua một khổ thơ mới. Tính chất lặp lại về ca từ, cũng như âm nhạc này hết sức phổ biến trong dân ca, thậm chí theo nhà nghiên cứu Lý Tịnh Huệ, giáo sư Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc thì đó là một trong những đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Đông Nam Á. Theo đó, “do chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là thuyết luân hồi, nên âm nhạc Đông Nam Á có tính chất lặp đi lặp lại một cách tuần hoàn” [2].

Hát Xoan vốn là một di sản của vùng đất tổ Phú Thọ, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích của thời gian đã qua. Âm nhạc với bản chất vô hình, vô ảnh, nên tự nhiên đồng nhất với cõi thiêng. Tìm hiểu nghệ thuật hát Xoan vô hình trung giúp chúng ta lội ngược dòng sông thời gian để tìm về cội nguồn lịch sử, văn hóa cộng đồng.

 

Chú thích:

[1] http://vicas.org.vn/heritage.aspx?sitepageid=592&id=4
[2] 李婧慧:”亞洲音樂”揚智文化事業股份有限公司台北市2015第189頁.

One thought on “Hát Xoan vùng đất Tổ vua Hùng (Lê Hải Đăng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *