Có lần đang giảng về sự vô cảm của con người, Thầy nói, nếu có điều kiện thì phải đến Ba Chúc ít nhất một lần trong đời để có một cách nhìn nhận khác về con người. Mình mang nỗi tò mò và tưởng tượng ra bao điều mang gam màu xanh – đỏ. Sách báo nhắc tới Ba Chúc bằng những dòng thông tin ngập ngụa về mảnh đất chết sau mấy ngày bị thảm sát; những tấm hình trắng đen không rõ là máu hay là vết ố thời gian. Những cảnh chết chóc, như dấu chấm hỏi nằm lặng im trong những con số đếm. Từ bao gợi mở đó, ngoài nỗi tò mò, mình rờn rợn lên nỗi sợ về con người.
Một hôm trên đường từ phố về quê, sẵn chuyến xe, mình tấp qua Ba Chúc. Ngôi làng điêu tàng mà người ta truyền tai nhau, giờ đây đã là một thị trấn với những dãy nhà mới, ven con đường chạy đến cây dầu già được xem là linh hồn của xứ núi. Cây trăm tuổi, sau khi chết đi, chim chóc tha rễ cây da và những hạt bồ đề thả trên tán lá mục; dần dà bồ đề đâm tược xanh um, rễ da bám lấy thân cây đã chết mà xanh lá.
Xa xa là ngọn núi Tượng, như một con voi nằm phủ phục, trên mình khoát tấm nhung y màu xanh lá rừng mà chân thì ló ra tận cánh đồng; mỗi năm, ba tháng nằm nước nổi. Chiều chiều sương xuống quấn quanh ngọn núi, toát lên một chút gì đó vừa lãng đãng vừa buồn thương. Dọc đường, bất cứ đâu người ta cũng có một vài mẩu chuyện nhỏ về đợt thảm sát năm xưa. Những lời tụng niệm lầm rầm hòa trong tiếng chuông chùa; phần nào nhòa đi nỗi ám ảnh, khi nhìn vào vết máu bê bết trên bức tường Phật tự. Mình không thể tin rằng, nơi thanh tịnh nhất lại là nơi thảm thiết nhất!
Hôm ấy, mình đã đi từng bước chậm chạp, nhìn rất kỹ vào từng cái sọ người, rồi hình dung theo mấy dòng chú thích vắn tắt: Trẻ sơ sinh: 29 bộ, Phụ nữ: 234 bộ… Cứ nhắm mắt lại, mình lại thấy đâu đó một người mẹ, một phần đầu bị bắn nát mất đi vẫn ngồi trơ ra cho con bú, giữa cánh đồng không mọc nỗi một cọng cỏ nào. Mình thấy đứa trẻ bị đạn xé cụt mất một chân, nó đang chạy về từ phía xa, vừa ôm xác mẹ vừa quờ tay tìm nắm gạo ran trong cái ruột ngựa buộc ngang bụng. Tất cả họ đang ngồi dưới một cánh đồng cầu sắt Vĩnh Thông – nơi chiến tích của một trận đánh Pháp, oai hùng vang danh khắp vùng Bảy Núi. Chiến công lẫy lừng vẫn không sao nhòa đi được cái nắng gắt gỏng, chói chang đến hoa mắt của mùa hạ cả làng bị thảm sát. Mình thấy mắt bắt đầu nhòe đi, và họ biến mất. Trước mặt chỉ là một ngôi mồ chung mang hình bông sen trắng. Xung quanh chất đầy những bộ xương người trắng hếu. Đâu đó chen vào một mảnh đạn đồng đã ngã màu năm tháng chỏi vào hốc mắt sâu hút của cái sọ người đàn ông xấu số.
Trong cảm xúc không biết định danh là gì, những bước đi tiếp theo, mình nhận ra, có rất nhiều tổ chim sẻ đóng ở những kẹt sắt của chiếc tủ đựng sọ người. Những con sẻ hồn nhiên không biết sợ tử khí. Hay chúng đã thân quen với những người nơi đây. Chuyện kể rằng trước kia có người đàn ông ngu ngơ, làm được bao nhiêu lúa đều rải ra sân để nuôi bầy sẻ. Mùa thảm sát ngang qua, bầy sẻ đi đâu mất biệt. Nhưng sau đó chúng lại về, sinh sôi làm tổ quanh ngôi nhà mồ, ngày ngày vẫn ríu rít gọi nhau, gọi những người thân quen xấu số như họ vẫn còn đâu đây và hiện diện một cách nhẹ nhàng đến lạ thường.
Và đâu đó trong vách tường chùa, vết đạn tiểu liên để lại những dấu tròn thăm thẳm. Con chim sẻ nào cắc cớ tha hạt bồ đề bỏ vào đó để rồi có một cái cây con mọc ra từ vách, xóa đi vết đạn năm nào. Hay là con thằn lằn nào đó nghịch ngợm, đã tha hạt hoa dừa cạn giấu trong vết nứt của chùa, để bây giờ vết nứt ấy là một hàng hoa dừa trổ bông hồng hồng trong đám lá xanh xanh.
Dường như sự sống lại bắt đầu, ngay trên mảnh đất chết năm nào. Chợ búa vẫn họp cách trước ngôi nhà mồ không xa. Những người đàn bà dựng liều bán cơm cúng vong cho khách thập phương muốn an ủi những linh hồn. Những đứa trẻ nghèo đen đúa ngồi đan từng chiếc giỏ đệm bàng bán cho khách. Mọi thứ diễn ra xung quanh nơi này một cách hồn nhiên. Không chụp giật, không cướp bóc, không chặt chém… Không khí dẫu có buồn buồn nhưng mọi thứ vẫn sinh sôi.
Và rồi mình quyết định ngủ lại tại chùa, trên tấm phản nhỏ trước hiên. Ở đó vẫn có thể nhìn thấy nhà mồ trăng trắng phía trước mặt. Một ông bác quản tự già cô độc rủ mình nướng khoai, nấu trà. Đêm về lặng ngắt, nhâm nhi ly trà nóng, kể chuyện năm xưa, nhờ có củ khoai, củ mài mà sống qua cơn giặc giã. Mình nhận ra trong từng câu chuyện, dẫu đau thương đến đâu, ông lão vẫn không bao giờ thấy đời mình đã tận… Cũng như việc ông cứ trồng những hàng cây sao, mà không cần băn khoăn nửa thế kỷ sau cây mới bắt đầu cho gỗ. Chỉ biết rằng đất này chưa bao giờ chết, nên bất kỳ sự sống nào cũng có thể sinh sôi, cũng mang một ý nghĩa cho đời…
Lúc từ giã Ba Chúc ra về, bầy sáo tung lên trời mấy vòng bay lượn rồi ríu rít gọi nhau. Người ta vẫn không bao giờ nghĩ rằng, “sẻ về nhiều quá, hay mình bẫy tụi nó nhậu chơi”, thì niềm tin về lòng nhân ái của con người vẫn còn đất để sinh sôi và nảy nở. Mình chợt nghĩ rằng không có nỗi đau nào làm người ta mất đi hết mọi hy vọng. Và Ba Chúc, ngôi làng nghèo khó đau thương, chợt hóa thành mảnh đất phù sa mở màu. Để khi sắp chìm mất một hy vọng nào, mình sẽ có nơi để nghĩ về, mà gieo cấy chúng. Lời ông cụ quản tự lại vang lên, hòa vào tiếng bầy chim sẻ đang tha hạt bồ đề về lấp đầy những vết đạn xuyên qua mảnh tường chùa cổ kính.