Lễ hội chuyển mùa của một số dân tộc Đông Nam Á gắn liền nghi lễ tắm Phật (Trương Văn Món)

[voice]

 

Ngày nay nhờ quá trình toàn cầu hóa, chúng ta có thể nhìn thấy được toàn cảnh văn hóa khu vực và thế giới. Với góc nhìn Nhân học, văn hóa không có sự “đồng nhất” mà phụ thuộc vào điệu kiện sinh thái, bối cảnh lịch sử mà có sự “khác biệt” (Julian Steward, F. Baos). Vì thế, mỗi dân tộc, quốc gia bên cạnh đặc trưng văn hóa chung còn có bản sắc riêng. Nhìn ở tầm khu vực, chúng ta thấy các dân tộc Đông Nam Á ở các quốc gia như Việt Nam (Chăm, Khmer), Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar mặc dù ở các quốc gia khác nhau và ảnh hưởng tôn giáo khác nhau nhưng đều đồng loạt tổ chức lễ hội chuyển mùa (lễ Tết) thường xuyên mỗi năm vào khoảng giữa tháng 4 âm – dương lịch (năm nay lễ hội diễn ra từ 12-14/4 dương lịch). Lễ hội này thường gắn với nghi lễ tắm Phật đối với các dân tộc theo Phật giáo và có ảnh hưởng yếu tố Hồi giáo đối với các dân tộc theo Hồi giáo. Vậy những đặc trưng chung và riêng của lễ hội chuyển mùa của các dân tộc này là gì? Đó là những vấn đề mà chúng tôi muốn giới thiệu trong bài viết này.

BẢN CHẤT CỦA LỄ HỘI CHUYỂN MÙA

Các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á tùy mức độ ảnh hưởng của nền văn minh khác nhau mà họ sử dụng các loại lịch khác nhau như lịch âm – dương hỗn hợp của Trung Hoa, lịch Saka của Ấn Độ, Phật lịch, Hồi lịch để áp dụng cho đời sống sinh hoạt sản xuất và trong nghi lễ, hội hè. Tuy nhiên, bên cạnh những loại lịch trên các dân tộc ở Đông Nam Á đều có cách tính lịch bản địa của riêng mình.

Các dân tộc Đông Nam Á, không tính một năm 12 tháng áp dụng luật nhuận như âm lịch – Trung Hoa và lịch Saka của Ấn Độ mà họ tính lịch bản địa theo mùa. Một năm chỉ có hai mùa: mùa nắng và mùa mưa. Hai mùa này tương đương với một năm có 10 tháng, hai tháng cuối là những tháng chuyển mùa, từ mùa nắng/khô sang mùa mưa. Người Chăm, Raglai và một số dân tộc ở Tây Nguyên như người Eđê, Jarai, Bahnar thường gọi hai tháng chuyển mùa này là “bilan war” (tháng quên). Sau khi ảnh hưởng văn minh Ấn Độ người Chăm mới vay mượn thêm tên hai tháng trong lịch Saka là: “bilan puis” (tháng 11) và “bilan mak” (tháng 12) bổ sung vào lịch của họ để có đầy đủ 12 tháng như hiện nay. Ngoài ra, lịch Chăm hiện nay còn dung nạp thêm yếu tố Hồi lịch. Còn các dân tộc khác ở Campuchia, Lào, Thái Lan tiếp nhận Phật giáo, họ cũng bổ sung lịch Phật giáo vào lịch bản địa. Như vậy, ngoài những đặc trưng chung thì chính những yếu tố ảnh hưởng, vay mượn nền văn minh khác nhau đã tạo nên một số khác biệt trong lễ hội chuyển mùa của các dân tộc ở Đông Nam Á [1].

Nói chung, hiện nay tuy có khác nhau ít nhiều (về cách tính ngày, tuần, tháng), nhưng khởi điểm của loại lịch bản địa của các dân tộc Đông Nam Á (trừ Việt Nam ảnh hưởng lịch Trung Hoa) hiện nay vẫn theo cách tính lịch theo mùa, theo thời tiết và một năm có hai mùa: mùa nắng/khô và mùa mưa. Thời điểm chuyển mùa này thường rơi vào tháng 4 âm – dương lịch. Thời điểm này mùa màng đã thu hoạch xong, đất đai bỏ hoang vì nắng nóng. Đây còn là thời điểm giao mùa, từ cuối mùa nắng/khô chuyển sang đầu mùa mưa. Họ xem đây là “ngưỡng”, là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Vì thế, thời điểm này họ xem như ngày Tết. Họ tổ chức nghi lễ để tiễn đưa những gì xấu xa ở năm cũ và đón những gì năm mới tốt lành (tống cựu nghinh tân). Đặc biệt, cốt lõi của lễ hội này là “tiễn đưa nắng nóng/khô, đón cơn mưa đầu năm” để nông dân xuống đồng cày cấy. Do vậy, nghi lễ này luôn gắn với “cầu mưa, cầu nước và té nước”.

LỄ HỘI CHUYỂN MÙA GẮN VỚI NGHI LỄ PHẬT GIÁO VÀ HỒI GIÁO

Lịch pháp của các dân tộc ở Đông Nam Á có sự tiếp nhận từ văn minh Trung Hoa, Ấn Giáo, Phật giáo hay Hồi giáo. Trước thế kỷ 15 trở về trước các quốc gia Đông Nam Á (trừ Việt Nam) đều chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ giáo. Tuy nhiên sau thế kỷ 15 nền văn minh Ấn Độ giáo sụp đổ, một số quốc gia ảnh hưởng Ấn Độ giáo như Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện chuyển theo thờ Phật giáo là phổ biển. Còn lại chỉ ba quốc gia khác Mã Lai, Indonesia chuyển sang Hồi giáo, riêng Champa cổ một phần lưu giữ yếu tố Bà la môn và phần chuyển sang Hồi giáo [2].

Những nền văn minh tôn giáo trên, chủ yếu là Phật giáo và Hồi giáo, sau thế kỷ 15, tùy theo mức độ và sức ảnh hưởng khác nhau, ít nhiều đã chi phối và biến đổi nền văn minh bản địa, trong đó lễ hội chuyển mùa của các dân tộc Đông Nam Á với mức độ đậm nhạt khác nhau.

CÁC NGHI LỄ CHUYỂN MÙA CỦA CÁC DÂN TỘC ĐÔNG NAM GẮN VỚI PHẬT GIÁO:

Nhóm nghi lễ này gồm:

Lễ Chol Chnam Thmay (hoặc Chaul Chnam Thmay) của người Khmer ở Việt Nam và Campuchia: Chol nghĩa là “vào” và Chnam Thmay là “năm mới” (lễ năm mới).

 Lễ Songkran của Thái Lan: Tên lễ này bắt nguồn từ tiếng Phạn – Pali nghĩa là “thời điểm chuyển mùa” hay thời điểm “chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ”.

Lễ Thingyan (Sangkran hay Songkran) của Miến Điện: Từ Thingyang là từ đọc chệch âm từ Songkran có cùng nguồn gốc và cùng nghĩa với từ Songkran của Thái Lan.

Lễ Bun Pimay của Lào: “Bun” có nghĩa là lễ, là phúc, nghĩa là “lễ té nước, hội nước” [3]. Những lễ hội trên do có sự khác biệt về ngôn ngữ nên có tên gọi khác nhau giữa các dân tộc ở Đông Nam Á. Tuy nhiên về thời điểm tổ chức, nội dung và ý nghĩa của các lễ hội là giống nhau. Tất cả lễ trên đều diễn ra cùng một thời điểm (khoảng tháng 4 âm lịch – dương lịch), có nội dung cốt lõi giống nhau. Đó là một nghi lễ chuyển mùa bản địa với nghi thức tạ ơn trời đất, cúng tổ tiên, “cầu Phật, tắm Phật” và cuối cùng là “cầu mưa, cầu nước và té nước”. Từ đó các dân tộc này xem lễ hội chuyển mùa như lễ tết của họ.

Đặc điểm chung của loại hình lễ này là, các dân tộc ở Việt Nam (người Khmer), Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar đều xem lễ hội này là ngày tết, ngày mở đầu năm mới và cũng là trùng lễ mừng ngày Đản sinh của Đức Phật. Vì thế lễ này thường được mở đầu bằng nghi lễ tắm Phật, lễ đắp Núi cát ở chùa. Diễn trình nghi lễ thường diễn ra 3-4 ngày (tùy theo năm thường và năm nhuần). Ngày thứ nhất, họ cúng giao thừa, dâng đèn, hoa quả cúng tổ tiên trong nhà và tạ ơn trời đất. Ngày thứ hai, lên chùa cúng Đức Phật, bằng nghi thức đắp Núi cát và dâng cơm cho các vị Sư, sãi ở chùa; buổi chiều, tổ chức lễ đắp Núi cát để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tiếp đến ngày lễ thứ ba là lễ tắm Phật, tắm Sư; để thực hiện lễ này vào buổi sáng, tín đồ dâng cơm cho các Sư và nghe thuyết pháp; chiều, đốt đèn nhang, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật và tắm cho các vị Sư sãi cao niên. Sau lễ tại chùa, mọi người rước các nhà sư tới nghĩa trang, để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố. Cuối cùng ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại nhà mình, dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ.

Trước khi lễ diễn ra, các cư dân ở các quốc gia này thường dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị thức ăn, uống như ngày tết. Đặc biệt là sau lễ tắm Phật, cầu phúc, cầu mưa vào ngày thứ hai của lễ, mọi người bắt đầu chào mừng năm mới bằng hội té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng… Những người càng được té nhiều nước càng may mắn. Ngoài ra, họ còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian khác nhau như đua thuyền rồng trên sông.

Những tục cúng lễ và trò chơi dân gian như trên đã biểu lộ ước vọng tiễn đưa nắng nóng và cầu mưa, cầu nước trong lễ hội chuyển mùa có từ lâu đời gắn với nghi lễ tắm Phật của cư dân Đông Nam Á.

LỄ HỘI CHUYỂN MÙA CÓ ẢNH HƯỞNG HỒI GIÁO CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC Ở ĐÔNG NAM Á:

Những lễ hội ấy hiện còn lại rất mờ nhạt. Ở Mã Lai có lễ hội Puji Pantai; người Chăm ở Việt Nam có lễ Rija Nagar và một số dân tộc Tây nguyên có lễ “Cúng bến nước” (ngap yang tapen aia). Cụ thể các lễ này như sau:

Lễ Tilem kesanga của người Bali ở Indonesia: Lễ này gốc cũng là lễ hội chuyển mùa như các dân tộc khác ở Đông Nam Á nhưng về sau bị Ấn Độ hóa. Ngày nay họ không tổ chức lễ này vào thời điểm chuyển mùa (khoảng tháng 4 âm – dương lịch) mà tổ chức vào tháng 7 lịch Saka (khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch) trùng thời điểm lễ Katé của người Chăm Ahiér (ảnh hưởng đạo Bà la môn ở Ninh Thuận và Bình Thuận). Lễ Tilem Kesanga nhằm tống cựu nghinh tân, làm sạch làng mạc, nhà cửa để đón mừng những điều tốt lành. Lễ được các tu sĩ và dân làng tổ chức ở bờ sông, bờ biển, có tổ chức rước tượng đền tháp, diễu hành [4]. 

Lễ Puji Pantai của người Mã Lai: Như trên đã trình bày, trước khi chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ và Hồi giáo, người Chăm và Mã Lai có văn hóa bản địa cùng chung cơ tầng của văn hóa Đông Nam Á, họ có cách tính ngày tháng và lễ hội mang bản sắc riêng. Sau thế kỷ XV, khi nền văn minh Ấn Độ sụp đổ, người Mã Lai bị Hồi giáo hóa. Vì thế lễ Puji Pantai của người Mã Lai hiện nay rất mờ nhạt. Dấu ấn của lễ hội này chỉ còn tìm thấy tại vùng biển của tiểu bang Terengganu và Kelantan, được tổ chức hàng năm vào giữa tháng 4 âm – dương lịch do thầy Pawang (thầy cúng dân gian) nắm vai trò chủ đạo trong việc cúng lễ. Lễ này tổ chức đơn giản ở từng khu vực nông thôn (kampung). Mục đích chính là tiễn đưa nắng nóng và cầu mưa thuận gió hòa cho nông dân cày cấy và những ngư dân ra khơi đánh bắt được tôm cá đầy khoang [5].

LỄ RIJA NAGAR CỦA NGƯỜI CHĂM Ở NINH THUẬN VÀ BÌNH THUẬN (VIỆT NAM):

Không giống như các dân tộc khác ở khu vực Đông Nam Á, sau thế kỷ XV khi nền văn minh Ấn Độ suy tàn, Champa không bị Hồi giáo hoặc Phật giáo hóa mà Champa tiếp thu rất chủ động bằng cách dung hòa văn hóa bản địa, tàn dư Ấn giáo và Hồi giáo để tạo ra nền văn minh mới tiêu biểu là văn minh Champa vùng Panduranga (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) [6]. Theo thống kê, người Chăm hiện nay có 75 nghi lễ, hội hè và hơn 113 vị thần mà họ cúng tế [7]. Trong đó chỉ có lễ Rija Nagar là cùng chung dòng chảy với lễ chuyển mùa của các cư dân Đông Nam Á như lễ Songkran (Thái Lan), lễ Chol Chnam Thmay (Khmer ở Vietnam, Campuchia), lễ Bun Pimay (Lào) và lễ Thingyan/Sangkran (Miến Điện).

Lễ thường tổ chức hai ngày vào thượng tuần trăng tháng giêng lịch Chăm (nhằm tháng 4 âm – dương lịch). Lễ được tiến hành trong một nhà lễ tạm bợ (kajang) ở tất cả các làng Chăm, kể cả làng Chăm Ahiér (ảnh hưởng Bà la môn) và làng Chăm Awal/Bani (ảnh hưởng Hồi giáo). Lễ ngoài các nhạc công, thầy Bóng (Ka-ing), còn có tu sĩ Maduen và Po Acar – những tu sĩ ảnh hưởng Hồi giáo thực hiện. Ngoài việc cầu cúng các vị thần bản địa như thần trời, thần đất, thần sông, thần biển, thần nông, trong lễ này còn cúng hai hệ thống thần linh ảnh hưởng Bà la môn và Hồi giáo. Cụ thể ngày đầu mở lễ, họ cúng hệ thống thần linh cũ (thần ảnh hưởng Ấn giáo) như Po Ginuer Patri (thần Siva), Po Ina Nagar, Po Klaong Garai, Po Rome… ; ngày thứ hai cúng thần linh mới (thần Hồi giáo) như đấng Allah, Mohamat và những vị thần Chăm ảnh hưởng Hồi giáo như Po Rome, Po Tang Ahaok, Po Riyak … [8]. 

Trong lễ, ngoài những điệu múa, bài thánh ca ca ngợi thần linh họ còn làm hình nhân thế mạng (salih) bằng bột gạo để tiễn ra sông biển. Mục đích của việc này là “tống cựu nghinh tân”, nghĩa là những hình nhân thế mạng này sẽ nhận hết những điều xấu xa, xui xẻo của năm cũ đưa ra đổ sông biển, để năm mới dân làng đón nhận về những điều tốt lành. Đặc biệt trong lễ này có vũ điệu đạp lửa của thầy Ka-ing (thầy Bóng). Mục đích việc đạp lửa mang ý nghĩa là dập tắt và xua đi nắng nóng để năm mới đón mưa, đón nước về cho dân làng cày cấy. Vì vậy, sau lễ này, lặp tức vài hôm sau hoặc ngày đêm hôm đó trời sẽ trút xuống cơn mưa đầu năm, xua đi nắng nóng. Sau cơn mưa, dân làng bắt đầu công việc đồng án và ra khơi đánh cá, với niềm hy vọng năm mới mùa màng bội thu, tôm cá đầy khoang, con người, cây trồng, vật nuôi an khang thịnh vượng [9]. 

Nói tóm lại, lễ Rija Nagar Chăm cũng như lễ chuyển mùa của một số dân tộc Đông Nam Á là lễ nhằm tống khứ những điều xấu xa, xui xẻo, bệnh tật, ốm đau, mất mùa, hạn hán trong năm cũ; đón mừng năm mới mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Qua đây chúng ta có thể thấy, lễ Rija Nagar của người Chăm đến nay vẫn còn lưu giữ giá trị cốt lõi của lễ hội chuyển mùa trong cơ tầng văn hóa bản địa của cư dân Đông Nam Á mặc dù nghi lễ này phần nào bị tác động và chịu chi phối trước sức mạnh của tôn giáo lớn như Bà la môn và Hồi giáo trong bối cảnh chung của văn hóa Chăm hiện nay.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho cộng đồng Chăm hiện nay, lễ Rija Nagar là lễ mở đầu năm, lẽ ra cộng đồng Chăm phải tổ chức quy mô như ngày tết của họ nhưng do sự ảnh hưởng mạnh của tôn giáo Bà la môn và Hồi giáo nên nghi lễ bản địa (Rija Nagar) ở vùng Chăm mờ nhạt. Rija Nagar chỉ được tổ chức đơn lẻ ở từng làng palei, không mang tính cộng đồng. Ngược lại, bộ phận người Chăm Ahiér xem lễ Katé cúng ở đền tháp vào tháng 7 và bộ phận người Chăm Awal/Bani xem lễ Ramawan cúng vào tháng 9 lịch Chăm tại các thánh đường như là ngày lễ tết của họ.

MỘT SỐ LỄ CHUYỂN MÙA CỦA CÁC DÂN TỘC Ở TÂY NGUYÊN, VIỆT NAM:  

Ngoài lễ Rija Nagar của người Chăm, ở Việt Nam còn có các dân tộc Êđê, Gia Rai, Bahnar ở vùng Tây Nguyên cũng có lễ hội chuyển mùa mà họ thường gọi là lễ “cúng bến nước” cũng nhằm vào tháng 4 âm – dương lịch. Tuy nhiên, lễ này tổ chức đơn giản hơn, chỉ trong một ngày. Các Pajau, già làng và cả dân làng thường đem lễ vật (gà, heo, rượu cần) cúng tế ngay đầu nguồn nước. Trước khi cúng dân làng dọn dẹp sạch sẽ nguồn nước, bến nước và những con mương đầu nguồn. Khi cúng xong, ông Pajau và già làng xuống sông bến nước/mương nước trước, sau đó đến dân làng. Họ té nước lẫn nhau, cầu nước, cầu năm mới mưa thuận gió hòa. Thời điểm này, họ xem như mốc thời gian đã kết thúc tháng “Ninh Nong” (tháng nghỉ nóng, thư giản) hay gọi là “Bilan War” (tháng quên) và bắt đầu chờ cơn mưa đầu năm thần linh ban xuống để họ bắt đầu mùa rẫy mới, trĩu hạt ngô khoai trong năm mới với hy vọng mùa màng bộ thu, nhân khang vật thịnh [10] 

Có thể nói, qua những gì trình bày trên, chúng ta thấy, bức tranh văn hóa Đông Nam Á nói chung và lễ chuyển mùa này nói riêng là một bức tranh đa sắc màu. Cho đến nay, mặc dù có sự ảnh hưởng từ nhiều nền văn minh khác nhau, nhất là sự tác động mạnh của các tôn giáo lớn như Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo nhưng các dân tộc Đông Nam Á vẫn giữ được giá trị cốt lõi văn hóa bản địa của mình trên cơ tầng văn hóa Đông Nam Á mà rõ nhất là ở lễ hội chuyển mùa.

Giá trị cốt lõi thứ nhất của lễ hội này là các dân tộc vùng Đông Nam Á đều có cùng cách tính lịch chung theo nhịp điệu thời gian, tiết trời, mùa màng. Từ đó, tạo nên một chu kỳ chuyển mùa hợp lý; lấy khoảng thời gian cuối mùa nắng – đầu mùa mưa làm thời điểm chuyển mùa trong năm như là khởi điểm của đầu năm mới (nhằm vào tháng 4 âm – dương lịch) rất phù hợp với vùng địa lý, sinh thái, nhân văn gắn văn minh trồng trọt của cư dân vùng Đông Nam Á .

Giá trị cốt lõi thứ hai dễ dàng nhận thấy là, ngoài việc tính lịch để cầu mưa, cầu nước, họ còn kết hợp với nghi lễ “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những gì xấu xa ở năm cũ và đón những gì tốt lành ở năm mới. Họ tiễn đưa nắng nóng, để cầu mưa, cầu nước để nông dân xuống đồng cày cấy và vì vậy nghi lễ này luôn gắn với cầu mưa, cầu nước, té nước và cuối cùng họ cầu mong năm mới nhân khang vật thịnh.

Ngày nay, mặc dù lễ hội chuyển mùa của các dân tộc Đông Nam Á bị chi phối bởi nhiều tôn giáo khác nhau nhưng những giá trị cốt lõi của lễ hội chuyển mùa vừa nêu đều mang đặc trưng chung của cư dân vùng Đông Nam Á. Thiết nghĩ, chúng ta cần bảo tồn và phát huy di sản lễ hội này  như là cầu nối trong việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc vùng Đông Nam Á với nhau trong quá trình hội nhập hiện nay, không phân biệt bất cứ tôn giáo nào.

 

Chú thích:

*  PGS.TS. Trương Văn Món – Giảng viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM).

[1].  Sakaya (2018), Lịch pháp của người Chăm, Nxb Tri thức, Hà Nội
[2]. Sakaya (2020), Tiếp cận một số vấn đề về văn hóa Champa, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.655-681
[3].  Xem thêm  https://vi.wikipedia.org và sách Ngô Văn Doanh – Vũ Quang Thiện (1997), Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, Nxb VHDT, Hà Nội, tr.307 – 316; Ngô Văn Doanh (1999), Từ điển Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thể thao, Hà Nội; Nguyễn Duy Thiệu (chủ biên 1997), Các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội
[4] Ngô Văn Doanh – Vũ Quang Thiện (1997), Sđd, tr.314-316.
[5] Ryan, N.J (1962), The cultural heritage of Malaya [Di sản văn hóa Mã Lai], Kuala Lumpur.
[6]  Sakaya (2020),  Sđd, tr.655-681
[7] Sakaya (2014),  Lễ hội của người Chăm, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.   555
[8].  Sakaya (2014),  Sđd, tr. 133-145
[9]. Sakaya (2014), Sđd
[10].Ngô Văn Doanh – Vũ Quang Thiện (1997), Sđd, tr.307

2 thoughts on “Lễ hội chuyển mùa của một số dân tộc Đông Nam Á gắn liền nghi lễ tắm Phật (Trương Văn Món)

  1. Faulupe says:

    Median follow up was 34 cheap priligy Patents, Royalties, Other Intellectual Property Husband receives royalties from Cellunova relating to his inventions that were licensed to the company I

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *