Sự dung hợp của Phật giáo vào cội nguồn văn hóa dân tộc (ĐĐ. Thích Phước Tánh)

[voice]

 

Phật giáo được truyền vào nước ta khá sớm. Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, văn hóa Phật giáo đã hình thành và phát triển tại nước ta với một số trung tâm tín ngưỡng tập trung với hàng trăm vị Tăng sĩ hành đạo. Phật giáo bắt đầu phổ biến trong quần chúng nhân dân. Đây cũng là giai đoạn định hình cho hình thái tôn giáo kết hợp với văn hóa dân tộc ở nước ta và phát triển liên tục về sau. Để một tôn giáo ngoại sinh như Phật giáo có thể thấm nhuần và đồng hành xuyên suốt cùng văn hóa dân tộc, đòi hỏi có sự tác động của các yếu tố tích cực, các yếu tố trọng yếu và cơ hữu với chính hoàn cảnh và tư tưởng của thực tiễn dân tộc ta.

YẾU TỐ NHÂN VĂN

Tính nhân văn của Phật giáo

Phật giáo là một tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ cổ đại, là một nước thuộc vùng Nam Á, cách xa nước ta về địa lý và khác biệt về phong thổ. Là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, là cái nôi của triết học phương Đông bên cạnh Trung Hoa, cũng là nơi hình thành nhiều tôn giáo nội sinh như đạo Bà La Môn (sau này là Hindu giáo), Kỳ Na giáo, Phật giáo,… và đón nhận các tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào như Islam hay Công giáo. Những khác biệt văn hóa và địa lí giữa các nền văn hóa đòi hỏi một sự giao thoa hài hòa để Phật giáo có thể truyền vào vùng đất mới cũng như để đất nước sở tại đón nhận một cách thiện cảm và hòa bình. Chính tính nhân văn giữa hai nền văn hóa khi tiếp xúc đã khởi sinh những thiện cảm và thiện chí.

Phật giáo từ khi hình thành đã mang những giá trị nhân văn cao cả. Từ việc bác bỏ ý thức hệ giai cấp và đặc quyền lãnh đạo tâm linh của tầng lớp Bà-la-môn, Phật giáo chủ trương tự do thực hành tâm linh cho mọi đối tượng xã hội, bởi theo tuyên ngôn của Đức Phật, “Này Bà-tư-tra, nếu ai chủ trương thọ sanh, chủ trương chủng tộc, chủ trương kiêu mạn, người ấy cách biệt quá xa đối với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của Ta”[1]. Bởi vì nếu chủ trương thọ sanh, chủng tộc tức là có sự đàn áp và bóc lột về mặt ý thức hệ, sự bóc lột ấy tàn khốc hơn bóc lột thể chất con người. Đức Phật với phẩm hạnh toàn bi – toàn trí, đã phủ nhận mọi phán quyết tâm linh từ giai cấp Bà-la-môn. Với tư tưởng ấy, Phật giáo đã mang lại giá trị vị nhân sinh sâu đậm, là sự cảm thông sâu sắc cho số phận con người. Với một tôn giáo như vậy, thật dễ dàng truyền bá vào cương thổ của những quốc gia, dân tộc khác một cách hòa bình và thông hiểu với văn hóa dân tộc sở tại.

Tính nhân văn của văn hóa dân tộc Việt Nam

Quá trình hình thành và phát triển cho thấy dân tộc ta đã xây dựng một nền văn hóa riêng biệt dẫu trải qua nghìn năm Bắc thuộc. Đó là nền văn hóa con Rồng – cháu Tiên, độc lập về văn hóa dân tộc. Dù sau này đất nước có trải qua bao khói lửa thì dân tộc Việt vẫn giữ được khởi nguyên văn hóa của mình.

Văn hóa dân tộc ta thuở sơ kỳ gắn liền với nhà nước đầu tiên của tiến trình lịch sử dân tộc – nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Nhà nước Văn Lang đã thống nhất các bộ tộc sinh sống tập trung trên lãnh thổ phía Bắc nước ta bấy giờ. Nhưng, để có sự hiện diện của Phật giáo trên lãnh thổ nước ta là một tiến trình dài của lịch sử, khả dĩ phải đến những năm đầu Công nguyên Phật giáo mới tồn tại cùng nhịp sống của người Việt. Trước đó, người Việt ta đã có văn hóa, tư tưởng của riêng mình cùng với tư tưởng, văn hóa Trung Hoa truyền sang trong quá trình dân tộc rơi vào ách đô hộ. Trong hoàn cảnh này, việc tiếp nhận thêm một tư tưởng mới là hoàn toàn có khả năng bởi lẽ tâm thế của một dân tộc bị trị cần sự cảm thông và bao dung của một tư tưởng, văn hóa mới phải khác xa với tư tưởng chính trị và quan quyền mà Phật giáo là đại diện cho tinh thần nhân ái đó. Người Việt ta vì thế mà tích cực hưởng ứng một tôn giáo ngoại sinh bước đầu du nhập.

Mặt khác, văn hóa dân gian là cả một quá trình sáng tạo và tiếp nối. Đó là hơi thở của dân tộc, mất văn hóa dân gian cũng như mất đi một khởi nguyên của dân tộc. Thế nhưng văn hóa dân gian không phải là một thực thể chết bởi văn hóa có tính ổn định chứ không có tính vĩnh hằng. Văn hóa dân gian là một chủ thể sống động có thể tiếp thu cái mới mà vẫn giữ gìn được bản sắc sẵn có.

Phật giáo truyền vào nước ta thì phải tiếp xúc trực tiếp với văn hóa dân gian của dân tộc. Tất nhiên, nếu Phật giáo không đáp ứng tính nhân văn như vị tha và thấu triệt thì văn hóa dân gian sẽ là trở ngại cho việc truyền đạo, bởi văn hóa dân gian “thể hiện quan niệm thẩm mĩ gắn bó với thực tiễn, là sản phẩm của nhận thức và cảm hứng thẩm mĩ của nhân dân. Vì vậy, văn hóa dân gian chứa đựng những nét bản chất nhất của bản chất văn hóa dân tộc, là thể hiện tập trung khát vọng của nhân dân về chân, thiện, mĩ” [2]. Lịch sử đã chứng minh đây là cuộc truyền đạo nhận được nhiều thiện cảm từ quần chúng nhân dân mà cho đến nay, người Việt Nam đa phần đều xem Phật giáo là một phần không thể tách rời của lịch sử dân tộc và văn hóa Phật giáo chính là văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Phật giáo nước ta trong thời kì đầu hoằng hóa phổ biến việc sử dụng hình ảnh quyền năng để hài hòa với tín ngưỡng bản địa vốn tôn thờ các biểu tượng siêu nhiên. Đây là sự chuyển biến tích cực của Phật giáo buổi sơ kì khi truyền tải giáo lý từ bi, hòa ái của Phật giáo thông qua nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng.  Tác giả Lê Mạnh Thát đã nhận định như sau về tác phẩm “Lục Độ Tập Kinh” – một trong những tác phẩm thuộc văn học Phật giáo buổi đầu, “Lý tưởng của Bồ tát trong thời kỳ đầu của Phật giáo ở nước ta, do thế, đã được xiển dương mạnh mẽ, đề cao những con người có lòng thương rộng lớn đối với tất cả người vật (bố thí), tự mình kiểm soát lấy mình (trì giới), kiên trì chịu đựng gian khổ khó khăn (nhẫn nhục), năng động phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã định (tinh tấn), bình tĩnh (thiền định) và sáng suốt (trí tuệ)”[3]. 

Tư tưởng Phật giáo được đón nhận ở nước ta không phải do hệ quả của cuộc xâm lăng và đồng hóa văn hóa của các triều đại phong kiến Trung Hoa như đối với trường hợp Nho giáo. Nho giáo du nhập vào nước ta nhờ con đường quan quyền và giáo dục nhằm xây dựng hệ thống cai trị của phong kiến Trung Hoa mà thâm nhập vào nước ta, từng là một phần trong chính sách xóa sạch bản sắc văn hóa bản địa của chính quyền đô hộ. Ngược lại, Phật giáo truyền vào nước ta với tính chất giao lưu và dung hợp đơn thuần, không dựa trên tính tranh chấp hay áp bức. Có thể thấy, quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam lúc nào cũng mang tính chất đồng hành cùng lịch sử dân tộc, dù có lúc thịnh suy biến đổi, song Phật giáo chưa bao giờ đối nghịch cùng dân tộc. Đó là cuộc gặp gỡ và gắn kết giữa một dân tộc chuộng tinh thần hòa ái “chung bọc trăm trứng – đồng bào”, một tôn giáo chuộng từ bi và sự thấu cảm tuyệt đối.

YẾU TỐ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

Các cuộc chuyển giao quyền lực trong triều đại và giữa các triều đại trọng Phật giáo đều tương đối thuận lợi khi có sự giúp sức của Phật giáo. Bởi vì Phật giáo lấy tha nhân làm trọng, lấy từ bi làm gốc nên khi giang sơn đổi chủ, đất nước theo tư tưởng Phật giáo thường vẫn giữ được sự ổn định nhất định. Ví dụ: khi nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê, nhà Trần thay thế nhà Lý và sau này, các chúa Nguyễn đã dựa vào Phật giáo để định quốc an dân. Nhà sử học Li Tana đã đưa ra nhận định về việc các chúa Nguyễn đã ưu tiên dùng tư tưởng Phật giáo để an dân thay cho Khổng giáo: “Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí họ Nguyễn bị coi là một chế độ li khai và nổi loạn với triều đình” [4].  So với Phật giáo, Khổng giáo xây dựng trật tự gia đình và xã hội dựa trên mối quan hệ tam cương, ngũ thường, gần như trở thành một rào cản khiến con người luôn bị lệ thuộc. Vì thế Phật giáo có điều kiện thuận lợi dung hợp hài hòa với tư tưởng người Việt trên con đường chinh phục tự do và khát khao giải phóng.

Đối với vai trò kiến thiết đất nước, Phật giáo lúc nào cũng thể hiện tinh thần nhập thế tích cực. Hình ảnh Thiền sư Vạn Hạnh với triều Lý là một minh chứng tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong lúc nguy nan, biến loạn. Ngài là đại diện cho một tinh thần Phật giáo nhập thế nhưng không bị thế gian xoay chuyển. Ngài đóng vai trò quan trọng trong việc kiến thiết vương triều Lý nhưng lại chẳng vướng bận công danh, cuối đời Ngài vẫn để lại cho hậu thế thi kệ bất diệt. Đó chính là tinh thần Bồ tát cao thượng. Hay đến nhà Trần, chủ trương “Cư trần lạc đạo” của Phật giáo với tinh thần “thân ở phố thị chí ở non cao” đã đưa Phật giáo và dân tộc phát triển vượt bậc. Cho đến lịch sử Phật giáo hiện đại còn có hình ảnh của Hòa thượng Quảng Đức – người đã vị pháp vong thân, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh trường kì bất bạo động của đại đa số tu sĩ và cư sĩ trong sự kiện pháp nạn năm 1963. Họ đại diện cho một Phật giáo không những chỉ biết tu tập tự thân mà còn biết hành động vì lợi ích của giáo pháp và dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Phật giáo không đứng ngoài thế cuộc mà tham gia đấu tranh cùng dân tộc, một trong những bằng chứng là hình ảnh người tu sĩ tham gia dân quân tự vệ. Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương luận dẫn: “Trong hàng ngũ đông đảo tự vệ xung phong của thị xã Ninh Bình và huyện Gia Khánh có tới 60 sư nữ. Họ vốn tu tại các chùa Bát, Phúc Am, Phúc Chỉnh, Non Nước, Bộ Đầu, Ba Vuông”[5]. Hình ảnh Phật giáo vào binh lửa chiến tranh không phải để gây hận thù kích động, mà là để xoa dịu những tâm hồn đang cháy rát bởi khói súng và lửa bom, người con Phật vào chiến cuộc để thực hiện công tác tiếp tế, cứu hộ. Như cách mà PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương nhận định: “Và sau đó phần lớn trở thành cứu thương của các đơn vị bộ đội chiến đấu hoặc hộ lí trong các trạm quân y” [7].

Dưới góc nhìn của chính trị – xã hội, Phật giáo đã có sự đồng hành tích cực đúng mực. Chính những biểu hiện tích cực này đã chứng tỏ Phật giáo và dân tộc Việt Nam có sự gắn bó mật thiết.

Có thể nói, Phật giáo dung hợp với cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam là một thực tiễn sống động trên những yếu tố nhân văn và chính trị xã hội. Dù ở bất cứ yếu tố nào, Phật giáo thời đại nào cũng luôn hướng về cội nguồn của dân tộc. Phật giáo chọn con đường hòa hợp với nền văn hóa bản địa, rồi từ hòa hợp đến dung hợp các thuộc tính để tạo ra một Phật giáo đặc trưng của dân tộc sở tại. Ở đó Phật giáo có thể khác Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ về mặt hành trạng nhưng về bản chất lại truyền tải đủ đầy những giá trị thiết yếu mà Đức Phật đã tuyên thuyết.

 

Chú thích:

[1] “Kinh Bà la bà đường,”  Trung A Hàm (Tuệ Sỹ dịch và chú), Nxb. Phương Đông, 2013, tr. 1609
[2] PGS.TS. Nguyễn Thị Chiến (2013), Mấy Suy Nghĩ về Văn Hóa Từ Truyền Thống Đến Đương Đại, NXB. Lao Động, tr. 16.
[3] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam (tập 1), NXB. Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 499.
[4] PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Góp Phần Tìm Hiểu Phật Giáo Nam Bộ, NXB. Khoa Học Xã Hội, TP.HCM, tr. 215.
[5] PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Những Nẻo Đường Phúc Âm Hóa Công Giáo ở Việt Nam, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2016, tr. 96.
[6] PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương (2016), Sđd, tr. 97.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *