Bài báo bị rút lại [Gốm Thăng Long – Tự hào Gốm Việt (Dương Thụy)]

 

“Phó Tổng Biên tập Thường trực Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo quyết định rút lại bài báo này do tác giả có hành vi đạo văn và mạo danh. Người cộng tác bài viết (Dương Thụy) không phản hồi về cáo buộc đạo văn, đồng thời kê khai không trung thực học vị và nơi công tác của bản thân trong các bài viết cộng tác với Tòa soạn.

Ban Biên tập gửi lời xin lỗi đến quý tác giả bị hành vi đạo văn của người cộng tác (Dương Thụy) ảnh hưởng. Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật.”

Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo xin thông báo để quý độc giả liễu tri.”

 

Năm 1999, khi khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm, nhân công bất ngờ phát hiện bên trong một âu (thố) gốm men xanh trắng, có chứa những chén gốm mỏng vỏ trứng được chồng lên nhau và xếp thành vòng tròn. Đó là những chén men trắng hoa văn in chìm rất mỏng, có thể nhìn “thấu quang”. Vài ngày sau, cũng trong một âu gốm tìm thấy gốm mỏng vỏ trứng, nhưng lần này là những chén mỏng vỏ trứng men xanh trắng với hoa văn không khác với các đồ gốm men xanh trắng Việt Nam,… Những nhà khảo cổ học tin rằng, đây là gốm mỏng vỏ trứng của Việt Nam, nhưng vấn đề đặt ra là loại gốm này được sản xuất ở đâu.

NHỮNG GHI NHẬN BAN ĐẦU

Ở khu vực thành Đại La (Hà Nội) trong thập niên 30 của thế kỷ XX, Clement Hue thu thập được những phế phẩm lò và con kê – có những chồng bát men xanh trắng dính nhau, chồng bát men nâu dính nhau còn thấy vết ve lòng, những con kê hình đĩa bốn chân, hình vành khăn bốn chân – được bảo quản ở Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ ghi dấu tích lò ở Đại La vào thế kỷ XIV [1]. Năm 1978, ở khu vực Quần Ngựa nay là khu vực Cung Thiếu Nhi (Hà Nội) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một giếng nước mà thành giếng là những bao nung gốm, có sáu lớp, mỗi lớp có mười hai bao nung quây tròn. Ở đây còn tìm được những mảnh gốm chảy dính vào nhau và rất nhiều bao nung gốm, chứng tỏ Quần Ngựa là một khu vực lò nung thuộc cuối Trần – đầu Lê [2].

Năm 1980, ở di tích Cậy, Hợp Lễ (Hải Dương) đã phát hiện được hiện vật gốm mỏng vỏ trứng với các loại hình như bát, đĩa, chén… trang trí văn in hình rồng, phượng, hoa cúc dây và mây nước, trong lòng có in nổi chữ “Quan” (官) và hoa mai 6 cánh. Ở Lam Kinh (Thanh Hóa) cũng tìm được gốm mỏng vỏ trứng với các loại hình bát, đĩa, chén nhỏ, nắp đậy… trang trí hoa văn hình rồng chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối, phượng và văn sóng nước chiếm số lượng rất ít, trong lòng bát, đĩa đều có in chữ “Quan” (官) nổi. Có loại gốm men trắng mỏng vỏ trứng văn in có viết chữ bằng men xanh như “Quan”, “Lam”, “Tiêu”, “Kính”… đè trực tiếp lên chữ “Quan” in nổi. Điểm đáng chú ý là xương gốm mỏng vỏ trứng tìm được ở Lam Kinh cực kỳ mỏng, có chiếc chỉ dày 0,05 cm. Trong khi đó, ở tàu đắm Cù Lao Chàm, gốm mỏng tìm được gồm gốm trắng văn in, gốm men xanh trắng, gốm men nhiều màu như bát to, bát trung bình, bát nhỏ… với hoa văn trang trí hình “long truy” (hai con rồng đuổi nhau) dạng hình yên ngựa, có 5 móng; hình phượng và mây, hoa cúc dây và hoa lá [3].

XÁC ĐỊNH GỐM THĂNG LONG

Việc khai quật Hoàng thành Thăng Long không những tìm được nhiều tài liệu “minh họa” mà đặc biệt hơn là tìm được nhiều tư liệu “bổ cứu”. Riêng về gốm sứ, có thể ghi nhận 3 loại hiện vật chứng tỏ Thăng Long là một khu vực sản xuất gốm – Một “lò quan”/ “quan diêu” của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.

Công cụ sản xuất gốm

Đã phát hiện được hàng nghìn mảnh bao nung gốm, cùng nhiều loại con kê, dụng cụ thử men; tìm được mảnh khuôn in hoa cúc dây. Hoa văn trên khuôn in này có phong cách như hoa văn trên đĩa men ngọc tìm thấy trong lòng giếng thời Lý và cả hai đều phản ánh sự ảnh hưởng khá đậm phong cách trang trí hoa cúc dây của gốm Tống [5]; tìm được loại khuôn trong bằng gốm để in trong lòng bát tạo hoa văn cho các loại bát có hoa văn hình tổ ong thuộc thời Trần (1225-1400), khuôn trong tạo hình hoa cúc dây thuộc thời Lê sơ (thế kỷ XV). Loại khuôn in hoa văn bên trong này đã tìm thấy ở Chu Đậu (Hải Dương) và cũng khá giống với loại khuôn trong thuộc thời Tống của Trung Quốc. Đã tìm được khuôn làm gạch bằng đá, trên đó khắc rồng hình yên ngựa, có 5 móng thuộc thời Lê; tìm được con kê như loại con kê hình vành khăn có 5 mấu như loại con kê tìm được ở Chu Đậu và loại con kê hình ống có 5 mấu được nung cứng như sành…

Phế phẩm gốm

Trong đồ sứ thời Lý tìm được ở Hoàng thành có những loại bát, đĩa, nắp hộp, đài sen… bị méo hoặc cháy do quá lửa, cho thấy đó là những hiện vật được sản xuất tại chỗ [6]. Những chồng bát men ngọc, men nâu hay hoa nâu bị méo dưới đế có con kê 5 mấu, dính vào nhau; những hiện vật hũ, bình chậu bị méo

Sản phẩm gốm

Rất nhiều sản phẩm là đồ sành có từ thời Đại La cho đến thời Lê như nồi, ấm, hũ, vò chậu, đĩa…. Điều quan trọng là, những đồ sành rất phong phú tìm được ở Hoàng thành Thăng Long có thể giúp xây dựng một niên biểu về đồ sành ở Việt Nam từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XVIII [7]; đồ đất nung như gạch hình chữ nhật với số lượng cực kỳ phong phú, có thể nói là chiếm số lượng nhiều nhất, từ gạch thời Đại La cho đến gạch vồ thời Lê. Trong số đó có những viên gạch có ký hiệu riêng về các đội sản xuất; có gạch có ghi nơi sản xuất (Giang Tây quân – 江西軍); Quân chuyên xây thành của Đại Việt (Đại Việt quốc quân thành chuyên – 大越国軍城塼) hay ghi niên đại (Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo 1057 – 李家苐三帝龍睡太平四年造).

Những vật trang trí như rồng, phụng, lá đề, có cả lá đề trang trí hình hai con phụng uốn cong mỏ kề nhau theo đề tài “Loan phụng hòa minh” (con phụng trống và con phụng mái cùng hót – đề tài hạnh phúc). Những đầu ngói ống thời Đại La (mặt hề), thời Lý, Trần (hình rồng, hoa sen, hoa cúc); và cũng có viên gạch, ngói có men ngọc, thanh lưu ly, hoàng lưu ly; đồ sứ có bình, bát, đĩa, âu, liễn… gốm men ngọc, gốm men trắng, gốm men lục, gốm men vàng, gốm men nâu, gốm hoa nâu, gốm men xanh trắng. Đồ sứ thời Lý như những mảnh bệ tháp sứ trắng trang trí hình rồng, trang trí hình tiên nữ đang nhảy múa mang đậm phong cách nghệ thuật Champa; nhóm bát đĩa men ngọc trang trí văn in hoa cúc dây như kiểu gốm Tống (Trung Quốc) hay trang trí văn khắc chìm hình hoa sen mang phong cách Việt Nam; chiếc nắp hộp men xanh lục trang trí hình rồng ngậm ngọc, uốn 18 khúc kiểu “viên long” (rồng cuộn tròn) xung quanh là dải văn mây hình nấm linh chi, diềm ngoài cùng là dải văn chấm tròn nhỏ kiểu nhũ đinh…

Nhiều loại nắp hộp hay bát, đĩa trang trí rồng, hoa sen dây theo lối “nền tô men nâu, hoa văn men trắng” với đường nét chạm khắc uốn lượn mềm mại, tinh xảo [8]. Đồ sứ thời Trần ngoài chiếc đậu gốm men nâu mà một số người gọi không đúng là tước gốm (đậu là hiện vật có 1 chân cao dùng trong tế lễ, còn tước là hiện vật có 3 chân dùng để uống rượu) có dáng khá đặc biệt… ở Hoàng thành Thăng Long gần như không có sự phân tách rạch ròi giữa gốm hoa nâu ngự dụng với gốm ở những nơi khác [9]. Gốm sứ thời Lê ở Hoàng thành nổi bật với gốm mỏng vỏ trứng và gốm men xanh trắng… hoa văn rồng 5 móng theo kiểu “viên long”, “long truy” (hai con rồng đuổi nhau), trong lòng có in chữ “quan” được hiểu là “quan diêu” (lò quan).

ĐẶC ĐIỂM GỐM THĂNG LONG

Gốm Thăng Long thuộc loại “lò quan” (Quan diêu). Trước nay, khi nói đến “lò quan” (lò gốm của nhà nước do các quan điều hành việc sản xuất), những nhà khoa học thường chỉ đề cập đến lò quan thuộc thời Trần sản xuất ở phủ Thiên Trường (Nam Định). Sau đó, còn biết thêm “lò quan” do Gia Long cho xây dựng. Năm Đinh Mão, Gia Long năm thứ 6 (1807), Gia Long cho “Lập hai sở lò gạch ngói, lấy 300 người dân Quảng Bình và 600 người dân ở Quảng Nam làm việc, hàng tháng cấp cho tiền gạo” [10]. Năm Kỷ Tỵ (1809), Gia Long cho “Đặt 25 lò gạch ngói, lấy dân Quảng Đức hơn 700 người để ứng dịch, mỗi tháng cấp cho tiền gạo” [11]. Năm Canh Ngọ (1810), Gia Long cho “Lập 20 sở lò nung gạch ngói, sai Chưởng cơ tri Đồ gia Phan Tiến Cẩn, Cai bạ Quảng Đức là Lý Gia Du giám đốc công việc” [12].

Những lò này hình thành một hệ thống lò kéo dài 5 – 6km dọc đôi bờ sông Hương. Các sản phẩm của khu “lò quan” này như gạch ngói, gạch tráng men, ngói “thanh lưu ly”, “hoàng lưu ly”, ngói âm dương, gạch hoa khoét lọng, tượng thú trang trí như lân, nghê, sư tử, voi…để xây dựng và trang trí kinh thành Huế. Những hiện vật này, ngày nay còn có thể nhìn thấy ở các lăng tẩm, cung điện, đền đài ở Huế [13].

Nhưng nay, các nhà khoa học đã tìm ra một lò quan trong Hoàng thành Thăng Long sản xuất gốm Thăng Long kéo dài từ thời Lý, qua thời Trần đến thời Lê. Một số vật chứng như bao nung gốm, khuôn làm gạch, nhiều hiện vật phế phẩm bị méo hay bị dính … Có thể nói, lò quan sản xuất gốm ở Hoàng thành Thăng Long và có thể gọi là gốm Thăng Long, từ thời Lý (1010-1225) cho đến thời Lê (1427-1788). Gốm Thăng Long sản xuất để xây dựng kinh thành. Kinh thành Thăng Long không phải chỉ sử dụng vào thời Lý mà còn kéo dài đến thời Trần, thời Lê, nên thời gian hoạt động của lò quan ở Thăng Long cũng kéo dài đến đó.

Bên cạnh gạch ngói xây dựng còn phải kể đến gạch trang trí như đã tìm thấy gạch hình rồng, đầu ngói ống dùng trang trí trên nóc, trên bò nóc, gạch hoa văn nổi hình hoa sen, hoa cúc được lót nền, đường đi theo kiểu trải thảm ở những công trình kiến trúc quan trọng… Điều cần chú ý là những đầu ngói ống hết sức độc đáo của gốm Thăng Long. Phần tròn bên dưới của đầu ngói ống trang trí “viên long” (rồng cuộn tròn), hoa sen, hoa cúc; phần bên trên hình lá đề, bên trong trang trí “lưỡng long tranh châu” (hai con rồng tranh nhau một hạt ngọc quý). Thời Lý Trần là thời kỳ có sự kết hợp rất chặt chẽ tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, có Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1279-1293) … Vì thế, có sự phối hợp rất độc đáo thể hiện rồng (Nho) và lá đề, hoa sen (Phật) trên đầu ngói ống trang trí kinh thành thuộc loại đầu ngói ống độc nhất vô nhị trên thế giới.

Ở Hoàng thành Thăng Long còn tìm được gạch, đặc biệt là đầu rồng, đầu phụng có kích thước to để trang trí kiến trúc thời Lý – Trần. Nếu như những viên gạch của thời kỳ Đại La (thế kỷ VII-IX) hay gạch xây dựng trong Khu di tích thành nhà Hồ (1400-1407) (Thanh Hóa) sau này, chủ yếu có màu xám, màu đỏ đậm với độ nung khá cao, cứng và khó chạm khắc, thì những hiện vật này đại bộ phận có màu đỏ tươi, chất liệu mịn, độ nung không cao, dễ gọt cắt, chạm khắc và không bị rong rêu, rất giống với gạch xây tháp và vật trang trí bằng đất nung trong các tháp Champa. Ở Hoàng thành Thăng Long còn tìm được một viên gạch có viết những dòng chữ Chăm trên cả hai mặt, lúc gạch còn ở dạng mộc… Điều đó chứng tỏ, kỹ thuật làm gạch và vật trang trí bằng đất nung ở Thăng Long đã ảnh hưởng kỹ thuật Champa. Có thể khẳng định sự có mặt của người thợ Champa trên Hoàng thành Thăng Long, không chỉ là thợ xây mà còn là người làm gạch ngói xây dựng thành Thăng Long [14].

Gốm Thăng Long sản xuất đồ ngự dụng và đồ sử dụng trong kinh thành. Khai quật Hoàng thành Thăng Long tìm được bát, đĩa gốm men xanh trắng vẽ rồng có 5 móng. Đó là một sự kiện quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên tìm được gốm ngự dụng sản xuất trong Hoàng thành. Một số hiện vật gốm dưới đế có viết chữ “quan” (官) bằng màu nâu, hay trong lòng bát đĩa gốm men xanh trắng có viết chữ bằng men xanh “quan” thì nên hiểu đó là gốm lò quan (quan diêu), do triều đình sản xuất, chứ không phải là do các quan sử dụng vì trong xã hội phong kiến người ta chỉ nói đến đồ ngự dụng. Một số loại sản phẩm chất lượng rất cao hay khá đặc biệt như “loại gốm men trắng, men ngọc đẹp và tinh xảo như đồ sứ thời Tống ”, ấm/rượu quý tạo dáng hình nữ thần chim tiên, thạp gốm men nâu trắng to, gốm mỏng vỏ trứng,…có nhiều khả năng là đồ gốm ngự dụng sản xuất ở lò quan Thăng Long. Một số đồ gốm có viết bằng mực Tàu hay viết bằng men xanh chữ Hán “Trường Lạc” (長樂), “Trường Lạc khố”(長樂庫), “Trường Lạc cung” (長樂宮) thì đó là những loại gốm chuyên sử dụng ở cung Trường Lạc… Đó là loại gốm chỉ sử dụng trong kinh thành.

Gốm Thăng Long sản xuất đồ xuất khẩu

Trong những hiện vật gốm sứ được coi là độc bản tìm được ở tàu đắm Cù Lao Chàm (thế kỷ XV), có một chiếc đĩa đặc biệt nhất, loại gốm men xanh trắng, có miệng loe ngang, thành vát, lòng phẳng, đế thấp và rộng, đường kính miệng 37,7cm. Thành ngoài vẽ hình cánh sen kép [15]. Trong lòng, chính giữa vẽ rồng 4 móng trong vòng tròn kiểu “viên long”, vòng gần miệng vẽ đề tài “long vân” (rồng và mây) gồm hai rồng có 4 móng đuổi nhau kiểu “long truy”. Chiếc đĩa này rất giống với những chiếc đĩa, bát gốm men xanh trắng tìm được ở Hoàng thành Thăng Long, chỉ có khác là hình rồng tìm được trên đĩa, bát ở Thăng Long có 5 móng trong khi hình rồng tìm được trên đĩa ở Cù Lao Chàm có 4 móng. Sự quý hiếm độc bản cùng với chất lượng vượt trội của loại hiện vật kiểu như thế này cho thấy, đây có thể là những món quà tặng của vua Đại Việt cho các thương nhân có mối bang giao rất mật thiết với Việt Nam chứ không phải là thứ hàng hóa thông thường. Ban tặng/thưởng cũng là một trong những chức năng của lò ngự dụng.

Gốm mỏng vỏ trứng men trắng và men xanh trắng, trước đây tìm được trên con tàu đắm Cù Lao Chàm và gần đây tìm được ở Hoàng thành Thăng Long, điển hình là chiếc bát men trắng in hoa văn rồng yên ngựa còn nguyên vẹn, là một trong những phát hiện quan trọng trong khai quật Hoàng thành Thăng Long, góp phần tạo nên những nhận thức mới về gốm Việt Nam. Trước đây, những nhà nghiên cứu thường cho rằng Việt Nam không thể làm gốm mỏng vỏ trứng mà chỉ có ở Trung Quốc và vì thế người Trung Hoa rất tự hào gọi gốm loại này là “gốm mỏng vỏ trứng Trung Quốc”. Cái khó nhất để làm gốm mỏng vỏ trứng là phải có loại đất sét thật tốt để làm được xương gốm cực mỏng. Ở Trung Quốc có đất núi lửa Cao Lĩnh ở Cảnh Đức trấn (Giang Tây), loại đất cực tốt màu trắng, do núi lửa phun lên, chuyên dùng để sản xuất gốm. Ở Hoàng thành Thăng Long đã sản xuất gốm mỏng vỏ trứng, không chỉ sản xuất gốm ngự dụng mà còn cho xuất khẩu. Có thể những gốm mỏng vỏ trứng trên tàu đắm Cù Lao Chàm là một bằng chứng.

Có thể nói, gốm Thăng Long thuộc loại lò quan, sản xuất gốm ngự dụng và phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong triều đình, cho xây dựng kinh thành và cho xuất khẩu. Ngày nay, những nhà khoa học không chỉ biết gốm Bát Tràng mà còn biết đến gốm Chu Đậu và gốm Thăng Long, những dòng gốm mới tìm được trong dòng chảy của gốm Việt Nam. Trong đó nổi bật lên là gốm Thăng Long – đỉnh cao của gốm Việt Nam.

 

Ảnh: Nguyễn Đình

 

Chú thích:

*Th.S Nguyễn Thùy Dương – Khoa Công tác xã hội (ĐH Mở TP HCM).

[1] John S. Guy (1986), Oriental trade ceramics in South – East Asia ninth to sixteenth centuries, Singapore, OxfordUniversity press, p.106-108.

[2] Phạm Quốc Quân (1980), Đào thám sát Quần Ngựa (Hà Nội) đợt II, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1979, Viện Khảo cổ học – Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, tr.227-229.

[3] Nguyễn Văn Đoàn, Đào Lê Quế Hương (2004), Đồ gốm men trắng văn in ở tàu cổ Cù Lao Chàm lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thông báo Khoa học , Hà Nội, tr.102-106.

[4] Bùi Minh Trí (2008), Thử bàn về đồ gốm ngự dụng trong hoàng cung Thăng Long, Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008) – Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế, Hà Nội, tr.150.

[5] Bùi Minh Trí (2008), Sđd, tr.150.

[6] Bùi Minh Trí, Đỗ Đức Tuệ (2008), Nhận thức mới về đồ sành tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008) – Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế, tr.159-165.

[7] Bùi Minh Trí (2008), Sđd, tr.149-152.

[8] Bùi Minh Trí (2008), Sđd, tr.152.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập một (tái bản lần thứ nhất), phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh, Nxb. Giáo dục, tr.687.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Sđd, tr.747.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Sđd, tr.781.

[12] Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Nxb. Thuận Hóa, tr.144-146.

[13] Nguyễn Tiến Đông (2008), Những yếu tố văn hóa Champa và vùng phụ cận, Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008) – Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế, Hà Nội, tr.197.

[14] Nguyễn Đình Chiến (2000), Sưu tập hiện vật độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thông báo Khoa học , Hà Nội, tr.33.

[15] Bùi Minh Trí (2008), Sđd, tr.148.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *