Tư tưởng Phật tại tâm của Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với hành trạng của vua Trần Thái Tông. Trải qua năm trăm năm sau, Thiền sư Hải Lượng tiếp nối và truyền thừa tư tưởng này trong tác phẩm “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”.
Tư tưởng Phật tại tâm được Thiền sư Hải Lượng cô đọng súc tích bằng những ví dụ thực tiễn và kế thừa tư tưởng Phật tại tâm từ kinh Hoa Nghiêm “Nhất thiết duy tâm tạo” [1], hay Thủ Lăng Nghiêm kinh trực chỉ đề cương “tội phúc do tâm, vui khổ do tâm, Niết bàn địa ngục do tâm” [2]. Như vậy tâm là căn bản, là cội nguồn của Bồ đề Niết bàn, đồng thời cũng là căn bản, là cội nguồn của luân hồi sanh tử. Vậy, tâm ở đâu trong mỗi con người? Đức Phật gạn hỏi tôn giả Anan về điều này và Ngài thưa rằng: “Tâm ở trong thân; tâm ở ngoài thân; tâm núp sau con mắt; nhắm mắt thấy tối là tâm thấy trong thân; sự suy nghĩ ở chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó; tâm ở chặng giữa; tâm là cái không dính dáng vào đâu cả” [3]. Sau hàng loạt câu trả lời về tâm của ngài Anan, trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng:
“Tâm chẳng trụ nơi thân
Thân chẳng trụ nơi tâm” [4]
Sau khi trình bày tư tưởng về tâm từ kinh Hoa Nghiêm cho đến kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thiền sư Hải Huyền kết luận về cái tâm ở chương XIII Xu thanh: “Tâm là then chốt của muôn sự, có khép có mở, có thu lại, có buông ra” [5]. Mạnh Tử cho rằng “Tâm là phần chủ tể trong người ta” [6]. Hòa thượng Hải Âu nói “Tâm sinh thì ma sinh, tâm diệt thì ma diệt, đều từ cái tâm của con người tạo ra” [7]. Hòa thượng Hải Hòa viết “Phàm những người làm đồ đệ của Thích Ca thì thân theo giáo huấn của Phật là quan trọng hơn mặc theo y phục của Phật. Giáo huấn của Phật là gì? Xin nói rằng nó ở trong chữ Tâm” [8]. Vì thế tâm giác ngộ hay tâm vô minh đều nằm ở ngay chính tâm của con người chứ không nằm ở đâu khác. Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm đã khẳng định “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” (Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm). Còn Thiền sư Hải Lượng cho rằng: “Dĩ thị trang nghiêm cố, kỳ mục thậm thanh tịnh, phụ mẫu sở sinh nhãn, tất kiến tam thiên giới, kỳ trung chư chúng sinh, nhất thiết giai tất kiến, tuy vị đắc thiên nhãn, nhục nhãn lực như thị” [9] (Vì lấy đó trang nghiêm, nên mắt của ta rất thanh tịnh, mắt do cha mẹ sinh ra, nhìn rõ ba ngàn thế giới, tất cả các chúng sanh trong đó, đều nhìn thấy được hết thảy, dù chưa chứng được thiên nhãn, mắt thường còn có năng lực như vậy). Như vậy, bản lai diện mục của ta đều thanh tịnh, sáng suốt, nhìn thấu mọi sự vật, vì bám bụi trần nên ta không nhìn được đó thôi.
Tư tưởng Phật tại tâm đã vượt qua chủ trương của Khổng Tử vì Nho giáo cho rằng “Quân tử uý thiên mệnh” [10] (người quân tử sợ mệnh trời), tất cả mọi việc đều do trời. Thiền sư Hải Lượng đã khẳng định ý người là chủ đạo: “Ý trời không chắc, ý người mới thật là chắc” [11]. Trong lời tựa Trúc Lâm đại chân viên giác thanh, thiền sư đề cập giáo lý của Thích Ca, tuy nói “hư không tịch diệt”, “nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là làm sao trừ bỏ được mọi chướng lũy, hiểu rõ được chân như” [12]. Theo Thiền sư, điều kiện đầu tiên để đạt hư không tịch diệt của Đức Phật, chúng sanh cần phải trừ bỏ mọi chướng lũy. Phần đông chúng sanh đều quen theo cách sống năng động, sôi nổi, đam mê vật chất, luôn chạy theo trần cảnh “hết thảy mọi người đều ở trong ngôi nhà cháy, vì bị khí ẩm câu thúc, bị vật dục che lấp, không bỏ được tham lam, nên phần nhiều sa lầy trong tình ái trần ai” [13]. Cho nên, dù rằng bị đánh, bị chửi họ cũng chưa chịu tỉnh dậy.
“Dậy dậy dậy! Đánh mà chẳng dậy
Ngủ, ngủ, ngủ! Chửi mà vẫn ngủ” [14].
Hay:
“Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay
Lo lắng vội vàng, chẳng tỉnh chẳng ngộ” [15].
Con người phàm lệ ai cũng ưa thích được sống tiện nghi, ăn ngon, mặc đẹp. Chính vì bị năm món dục quay cuồng, che mất tâm thanh tịnh nên chúng ta quên mất đường về. Đức Thế Tôn đã nói về điều này từ sớm “Quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý tất cả hạnh là tịch tịnh” [16]. Hòa thượng Hải Âu cũng trích dẫn lời Kinh Thư để chứng minh bản tính của con người “trời sinh ra con người đều có lòng ham muốn”. Lại nói “có ham muốn thì ham muốn tụ lại cho” như thế ham muốn vốn là tính tự nhiên, luôn luôn thể hiện ở hành động thường ngày, như đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, không có không được [17]. Hòa thượng Hải Hòa: “Con người ai cũng có cái lòng ấy, chỉ vì thả nó ra mà không biết thu nó về, buông nó ra mà không biết kìm nó lại. Do đó mà đi vào con đường xằng bậy, sa vào cái hố tội ác. Kẻ nào triền miên ân ái thì mãi mãi không tìm ra đường giải thoát; kẻ nào đắm đuối danh lợi thì đau đớn quằn quại trong vòng nước sôi lửa bỏng, luôn sống trong cảnh phiền não âu lo, vô hình chung sa xuống địa ngục, vượt không khỏi, chạy không thoát” [18]. Chúng sanh tham lam, không hiểu biết đời là vô thường, đắm chìm trong danh lợi, dẫn đến hậu quả mãi trôi lăn trong vòng lục đạo không lối thoát.
Đức Phật nói với ngài Ananda rằng: “Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu giáo lý Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử” [19]. Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khổ đau cho nhân loại là tham dục, chấp ngã. Bởi thế muốn thoát ly mọi khổ đau, người ta cần diệt trừ tham dục, chấp ngã. Đức Phật dạy “Này các Tỳ kheo! Hãy tu tập thiền định thì hiểu biết một cách như thật. Sắc tập khởi và sắc đoạn diệt, thọ tập khởi và thọ đoạn diệt, tưởng tập khởi và tưởng đoạn diệt, hành tập khởi và hành đoạn diệt, thức tập khởi và thức đoạn diệt” [20]. Chỉ có thiền định mới phát sanh trí tuệ như kinh Pháp cú Đức Phật dạy:
“Tu thiền trí huệ sanh
Bỏ thiền trí huệ diệt …” [21].
Khi trí huệ phát sanh, hành giả nhìn thấu được thực tướng vạn pháp. Khi đó chúng ta quán sát mọi sự vật, sự việc diễn ra một cách thuần túy khách quan, coi tiền tài, danh vọng, lão, bệnh, tử và hết thảy điều diễn ra một cách tự nhiên như nó đang là. Chúng ta không bám víu, không khổ đau, hãy để tâm đón nhận mọi sự việc diễn ra một cách tự nhiên không mong cầu, không tránh né, dũng cảm đối diện với những điều bất như ý. Có như thế thì tâm ta sẽ đạt đến cảnh giới an lành tự tại. Tất cả khổ, vui, mê, ngộ đều không nằm ngoài tâm, hết thảy đều do tâm chủ trì, trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy:
“Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, tâm tạo;
Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình” [22].
Do đây, ta cần phải nỗ lực cải tạo hành vi, quán tưởng mở mang trí huệ, làm cho tâm trong sáng, gạn trừ mọi tư tưởng nhiễm ô, khi mắt thấy sắc đẹp không mê, tai nghe âm thanh êm dịu không đắm nhiễm, mũi nghe mùi thơm thức ăn hay mùi thơm từ những hương liệu không bị chi phối, lưỡi không đắm chìm trong món ăn ngon. Thân là da bọc xương, để duy trì sự sống không nên quá trau chuốt, ý không chạy theo cảnh trần. Điều này theo Thiền sư Hải Huyền thì rất khó buông bỏ được: “Thế lực, địa vị, tiền tài, nữ sắc, cung thất đẹp, xe ngựa tốt, bề tôi giỏi, nô tỳ hay, là những thứ rất khó bỏ. Thường tình người ta đứng trước cảnh ấy chỉ sợ mất đi, huống hồ lại đang tay mà bỏ đi hay sao? Thế lực, địa vị, tiền tài, nữ sắc, cuối cùng là những thứ vô vị, làm cho người ta mờ mắt, làm cho quay cuồng đủ mọi cách, tạo nên đủ loại hoàn cảnh, cho nên bỏ không được”.
Để bỏ được những thứ ấy theo Hòa thượng Hải Âu thì chỉ có bậc Bồ Tát “đứng trước việc mà không bị việc lôi kéo, đứng trước vật mà không bị vật khống chế, thì chỉ có các vị Bồ Tát “chân tính” mới có thể như thế được”. Thiền sư Hải Hòa cho chúng ta thấy chân dung một vị Bồ Tát người phàm, mắt thịt đã làm được điều mà thiên hạ hiếm ai làm được, đó là Điều Ngự Giác Hoàng: “Điều Ngự ở ngôi cao có vạn cỗ xe, hai bên chật ních những phi tần, châu báu chất đầy trước mặt, rốt cuộc, lại coi lục cung như bụi bay, vứt bỏ thiên hạ như bỏ đôi giày nát, tuyệt nhiên không mảy may luyến tiếc”. Ngài là bậc trí tuệ, Ngài đã nắm bắt được của báu ngay chính tâm mình, với Ngài không gì quý hơn tâm tự tại, an nhàn “lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm” [26] (thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng). Cho nên: “Bậc trí nhận biết giữ cái chân thật của mình. Cảnh sắc trí tuệ đã lắng xuống, tâm tư đã ổn định, cho nên, thấy tất cả việc đời, từ việc còn mất đến việc hơn thua, mọi việc đều rạch ròi” [27].
Ngài là một tấm gương sáng điển hình ở nước ta, vị vua đã xem ngai vàng như đôi giày rách, vứt bỏ mà không thương tiếc trong khi đó ngai vàng biết bao người mơ ước, bao cuộc chiến tranh tàn khốc bi thương cũng vì nó. Tất cả đều nhờ áp dụng và thực hành giáo lý Phật đà cũng như sự tinh tấn tu tập mà vua Trần Nhân Tông đã hiển lộ giác ngộ giải thoát. Ngài là tượng trưng cho hoa sen, sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Cũng như sông Nhược không cùng chảy về Đông như các sông khác, ngược lại chảy về Tây, hoa Cúc không cùng nở với trăm hoa vào mùa xuân mà lại nở vào mùa đông giá rét “Vạn thủy giai đông, Nhược thủy tê; Cúc hoa bất dữ bách hoa tề” [28] (Vạn sông chảy về đông, riêng sông Nhược chảy về tây; Hoa cúc không cùng với trăm hoa nở đầy) hay hình ảnh Đức Phật “thả cái bát vàng xuống dòng sông, cái bát chảy ngược dòng”. Tác giả mượn hình ảnh “sông Nhược”, “hoa Cúc” nói lên hạnh của người xuất gia, người xuất gia luôn lội ngược dòng nước, luôn đi ngược dòng đời, cần có sự nỗ lực phi thường để chóng chọi lại những tập khí đời thường, đời sống ồn náo, người tu phải yên tịnh, đời sống hưởng thụ, người tu sống “thiểu dục tri túc”. Mỗi ngày một chút, liên tục không gián đoạn, gột bỏ những tố chất nhiễm ô, có như vậy chúng ta mới tiến về chân như.
Để tâm đạt được trạng thái chân như, Thiền sư Hải Lượng đã lấy hai phạm trù “tịch diệt” (lặng lẽ) đối nghịch với “huyên” (ồn ào) ở chương X “Tịch nhiên vô thanh” để diễn tả tâm của chúng sanh. Thiền sư cho rằng tính ồn ào là con người thường hằng, chỉ cho tâm ở trạng thái tâm trạo cử. Còn tính trời là vắng bặt mọi ý niệm, nghĩa là tâm chân như và điều kiện để đạt đến tịch diệt khi và chỉ khi con người ta làm chủ được tâm, nhiếp phục tâm luôn ở trạng thái chánh niệm. Có được như vậy thì bản thể chân như mới hiển bày: “Phật thuyết tịch diệt, phi phù tịch diệt chi vị dã. Tịch dữ huyên đối, diệt dữ khởi đối, năng diệt nhân chi tính, tiện khởi thiên chi tính. Đại đô thiên tính tối nan khởi, nhân tính tối nan diệt. Diệt đắc nhân tính, tiện thi vạn cảm câu tịch, nhất chân tự như” [29] (Phật nói “tịch diệt”, không chỉ để nói về “tịch diệt” vậy. Tịch (lặng lẽ) đối lập với huyên (ồn ào), diệt (dập đi) đối lập với khởi (dậy lên). Nếu biết dập tính người, thì có thể khơi dậy tính trời. Đại phàm tính trời rất khó khơi dậy, tính người rất khó dập đi. Dập được tính người thì muôn cảm đều lặng, chỉ còn một cái chân như).
Như vậy, trong mỗi người vừa có cái tịch diệt vừa có cái ồn ào. Ồn ào là không thanh tịnh, trạng thái tâm lăng xăng, lao xao luôn chạy theo hoàn cảnh, chỉ tập khí phiền não, vô minh đưa chúng sanh đi vào tính người, là nguyên nhân của luân hồi. Ngược lại phát triển tịch diệt đưa chúng sanh vào tính trời. “Tịch” là trạng thái chẳng khởi suy nghĩ lặng lẽ đến tột cùng, tâm an tịnh, theo vua Trần Thái Tông “niệm tức là trần, chẳng dung một điểm” [30] đó là tịch. Một khi tâm ta đạt đến trạng thái vắng lặng, mọi sự việc diễn ra quanh ta đều không bị giao động, chỉ còn cái tâm chân như cho dù “Chung cỗ tại tiền, nhi nhĩ bất vi loạn. Ỷ la tại tiền nhi mục bất vi huyễn. Thiên binh vạn mã tại tiền nhi tâm bất vi động. Phù thi chi vị tịch” [31] (Chuông trống ở đằng trước mà tai không bị loạn, gấm vóc ở đằng trước mà mắt không bị lóa. Thiên binh vạn mã ở đằng trước mà tâm không bị động. Như vậy mới gọi là tịch). Người tu hành không phải là vô tri vô giác trước sự vật, sự việc. Vẫn thấy, vẫn nghe nhưng tâm không vướng mắc, các Thiền sư đời Lý – Trần là những vị cảm nhận cái đẹp sâu sắc nhất, tinh tế nhất, hòa nhập vào cái đẹp một cách tuyệt vời nhất. Nhưng quý Ngài chỉ mượn cảnh để giác ngộ, mượn đời để tu hành, dù rằng thân ở thành đô, nhưng tâm vẫn hướng về rừng núi: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm” [32].
Ngược lại nếu không có những chuông trống, hay gấm vóc đánh động vào tâm mỗi hành giả thì chúng ta đâu biết được tâm mình có được lặng yên chưa? “không có chuông trống, không có gấm vóc, không có binh mã thì tai mắt tâm không hề cảm nhận được … không loạn không lóa không dao động như thế thì không lặng lẽ vậy”. Cũng giống như không có bóng tối thì sao biết được ánh sáng, không có ham muốn thì làm sao biết được buông bỏ, không đói làm sao biết được cảm giác no như thế nào…. Ở đây ý là muốn đạt được tính trời thì phải qua tính người. Giống như hoa sen chỉ ở trong bùn mới toát lên được vẻ thanh thoát của mình. Con người muốn thấy bản thể chân như của mình thì phải sống giữa cuộc đời bụi bặm, có va chạm thì con người mới biết tâm mình như thế nào. Vì vậy Giác Hoàng sai cung nữ thử Huyền Quang chẳng qua cũng để làm cho cái tịch của ngài Huyền Quang được nâng cao bởi chính ngài Huyền Quang đã đạt được “Tịch nhiên vô thanh”. Một Thiền sư trả lời thiền sinh câu hỏi “đạo là gì?” đó là phải lăn lộn trong đống phân trâu thì mới hiểu thế nào là thanh tịnh pháp thân “Nếu nước không ở trong dòng nước, hoa không ở trong khóm hoa, thì làm sao có thể trồi lên khác hẳn với mọi vật?” [33]. Và con người cũng vậy, muốn tu thành Phật phải lăn lộn giữa cõi đời trần tục, đây là cách Thiền phái Trúc Lâm đã đề xướng và Thiền sư Hải Lượng tiếp nối.
Tóm lại, tư tưởng Phật tại tâm được Thiền sư Hải Lượng và các vị đạo hữu của mình đã lột tả hết những mấu chốt trọng yếu của người học Phật nằm ngay chính tâm mỗi người. Như vậy “Tâm” là chìa khóa vạn năng mở ra cho hành giả một chân trời mới, một chân trời cao rộng, đầy an lạc, đầy năng lượng, đầy lòng yêu thương đối với cuộc sống. Mỗi người tuy không chọn được nơi sinh ra nhưng hoàn toàn có thể chọn được cho mình một phương cách sống tốt đẹp nhất.
Chú thích:
[1] HT Thích Trí Tịnh dịch (2007), Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (tập 1), Nxb Tôn giáo, tr.662.
[2] HT Thích Từ Thông, Thủ Lăng nghiêm kinh trực chỉ đề cương (tập 1), Lưu hành nội bộ, tr.20.
[3] HT Thích Từ Thông, Sđd , tr.19-33.
[4] HT Thích Trí Tịnh dịch (2007), Sđd, tr.662.
[5] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Ngô Thì Nhậm toàn tập (tập V), Nxb Khoa học xã hội, tr.281.
[6] Trần Trọng Kim (2003), Nho giáo, Nxb Văn học, tr.185.
[7] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.129.
[8] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.321.
[9] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.347.
[10] Trần Trọng Kim (2003), Sđd, tr.59.
[11] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.350.
[12] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.37.
[13] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.209.
[14] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.126.
[15] Thích Thanh Kiểm dịch (2003), Khóa hư lục, xb Tôn giáo, tr.13.
[16] Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bổn, tr.484.
[17] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.129.
[18] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.213.
[19] Kinh Trường Bộ III, kinh Đại Duyên, tr.56.
[20] Kinh Tương Ưng Bộ III.
[21] HT Thích Minh Châu, inh Pháp cú, kệ 282.
[22] HT Thích Minh Châu, Kinh pháp cú, kệ 01.
[23] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.259.
[24], [25] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.129.
[26] Viện văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Nxb Khoa học xã hội, tr.535.
[27] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.192.
[28] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.125.
[29] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.245.
[30] Thích Thanh Kiểm dịch (2003), Sđd, tr.50.
[31] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.245.
[32] Viện văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Nxb Khoa học xã hội, tr.505.
[33] Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Sđd, tr.128.