Tìm hiểu chính sách của vua Gia Long đối với Phật giáo (Đinh Văn Viễn)

Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua đặt niên hiệu là Gia Long, triều Nguyễn được thành lập. Bối cảnh chính trị – xã hội phức tạp đã đặt ra cho nhà Nguyễn nhiều khó khăn, thách thức, song đây là triều đại đầu tiên làm chủ một lãnh thổ trải từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Để xây dựng một vương triều vững mạnh, triều Nguyễn đã lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống. Vì vậy, Nho giáo rất được đề cao. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của các tầng lớp nhân dân, bởi đây vừa là một tôn giáo truyền thống của dân tộc, vừa có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ đất nước, phục hưng xã hội. Thực tế ấy đòi hỏi nhà Nguyễn, nhất là dưới triều vua Gia Long phải thực thi chính sách riêng với Phật giáo.

NHÂN DUYÊN GIỮA CHÚA NGUYỄN ÁNH VÀ PHẬT GIÁO

Từ cuối thế kỷ XVIII, do chiến tranh giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn nên việc truyền bá Phật giáo ở vùng phía Nam Đại Việt bị đình trệ. Sau khi đánh lui quân Tây Sơn và ổn định Gia Định, chúa Nguyễn Ánh vẫn tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, nhất là ở vùng Gia Định mà sử liệu cho biết Phật giáo nơi đây phồn thịnh. Ông cho phép nhân dân sửa chữa, xây mới các chùa, gia tăng ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội.

Có lẽ thiện cảm của Nguyễn Ánh với Phật giáo có nguyên nhân từ thời kỳ đầu chiến tranh Nguyễn Ánh – Tây Sơn. Bấy giờ, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh, phải chạy nhiều nơi ở Nam Bộ, ông đã được nhiều chùa, Tăng Ni, Phật tử ủng hộ, giúp đỡ. Theo sách Định Tường xưa, khoảng năm Ất Tỵ (1775), chúa Nguyễn Ánh chạy vào Nam, xuống tới Định Tường. Náu mình trong bộ y phục dân dã, Nguyễn Ánh cùng với năm sáu vị quan theo hầu đến xin tá túc nơi chùa Long Tuyền. Mặc dù không rõ thân phận đoàn khách lạ, nhưng Hòa thượng trụ trì vẫn sẵn lòng thương cảm bao dung, vì cửa chùa vốn chẳng hẹp ai. Gặp khi chúa Nguyễn đau yếu, Hòa thượng cũng tự tay chẩn mạch hốt thuốc điều trị rất tận tình. Một đêm có chim linh bay vần vũ quanh chùa, kêu la inh ỏi mãi, dường như báo điềm gì. Thấy lạ, Hòa thượng đánh tay xem điều hung kiết thế nào. Đoán biết sẽ có sự chẳng lành cho khách lạ phương xa, Hòa thượng ngậm ngùi bảo chúa Nguyễn: Quý khách nên xa lánh chốn này, ở lâu ắt có chuyện chẳng lành xảy ra. Vua nghe theo, nhờ đó thoát được sự truy lùng của quân Tây Sơn. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long nhớ công ơn Hòa thượng chùa Long Tuyền, nên năm Gia Long thứ 10 (1811) nhà vua cho tu bổ chùa và phong cho chùa hiệu là: Sắc tứ Linh Thứu cổ tự, phong cho trụ trì chùa là Mẫn Huệ Thiền Sư Đại lão Hòa thượng [1].

Đại Nam nhất thống chí chép về ngôi chùa Linh Thứu như sau: “Ở thôn Thịnh Phú, huyện Kiến Hưng, chùa rất cổ, cũng là nơi danh thắng, năm Gia Long thứ 10 ban biển ngạch đề “Long Tuyền tự”, năm thứ 11 sư chùa mộ 10 người dân ngoại tịch đặt làm phu chùa, được miễn binh, năm Thiệu Trị thứ 1, đổi tên hiện nay” [2]. 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỦA CHÚA NGUYỄN ÁNH – VUA GIA LONG ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO

Siết chặt chính sách quản lý Tăng đoàn

Dù có thiện cảm ban đầu, nhưng sau này chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) dần khắt khe với Phật giáo, một phần do sự tha hóa phẩm hạnh của một số tu sĩ vua bắt gặp.

Năm 1798, có một sư tăng họ Cao phạm tội, nhà vua đã rất muốn khép tử tội vị này. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Gia Định, có nhà sư họ Cao phạm tội, vua muốn giết ngay, có kẻ nói sư là người chân tu, vua nói: “có chân tu nữa thì ích gì cho nước?” [3].

Song song với việc cho phép xây dựng, tu bổ các chùa, Nguyễn Ánh yêu cầu tăng cường việc quản lý số tăng đoàn, buộc người tu sĩ phải tham gia vào các việc công ích. Nguyễn Ánh yêu cầu tất cả các dinh thần xét hết những chùa trong hạt, từ Hòa thượng cho đến đạo đồng phải ghi hết số người vào sổ để dâng, rồi sai Lại bộ truyền bảo rằng: “Phàm tăng đồ tuổi từ 50 trở lên thì vẫn miễn lao dịch, chưa đến 50 thì phải chịu lao dịch như dân, kẻ nào dám trốn tránh thì bắt tội” [4]. Nghĩa là những người theo Phật giáo dưới 50 tuổi cũng phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, thực hiện chế độ binh dịch cho Nhà nước. Biện pháp này nhằm hạn chế cư dân “trốn đời’ đi theo Phật giáo.

Thái độ của quan lại đương thời cũng không thiện cảm với Phật giáo khi họ tỏ ra ủng hộ việc bài Phật giáo của chúa Nguyễn Ánh. Năm 1798, Lễ bộ Ngô Tùng Chu nói với Đông Cung Cảnh rằng: “Nhà vua bài trừ Phật làm việc rất hay, bầy tôi không biết tán thành lại còn rườm lời. Tôi sợ việc này mà nửa chừng bỏ thì kẻ kia lại ngông cuồng hơn trước. Tôi không ghét riêng gì nhà sư. Nhưng mối hại của Phật lão còn quá hơn Dương Mặc, không thể không nói được”. Đông cung nói: “Phải đấy”. Tòng Chu bèn dâng sớ, chỉ trích cái bậy của nhà sư, vua bèn quyết ý” [5].

Sau khi thành lập vương triều chính thức ở Huế năm 1802, vua Gia Long tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế Phật giáo. Phần nào của chính sách này được thể hiện ở việc vua Gia Long phê phán sự sùng bái Phật giáo trong quần chúng nhân dân. Chính sử nhà Nguyễn chép rằng: “… Thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hằng ngày ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua mà đến thế, dẫu không cúng Phật cũng không sao. Như thế người có duyên cần gì phải Phật độ mà người không duyên thì Phật độ làm sao được? Thử xem những tổ đã thành Phật như là Mục Liên mà cũng không dỗ được mẹ, chuộng Phật giáo như Tiêu Diễn mà cũng không giữ được thân, huống chi những bọn bất trung bất hiếu, không biết quân vương là Phật hiện thời, bỏ cả cha mẹ là Phật sinh thành, mà đi cầu Phật vô hình xa ngoài muôn dặm, để mong phúc may chưa đến, có lẽ ấy được chăng?” [6]. Từ nội dung này có thể thấy, vua Gia Long nghi ngờ, phê phán giáo lý Phật giáo, nhất là thuyết nhân quả báo ứng, từ đó xem thuyết này như một sự mê tín, xa rời thực tế, không thực hiện được.

Đối với Phật sự, vua Gia Long còn thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ. Ông ban chỉ dụ nghiêm cấm Tăng đoàn và dân chúng xây dựng các chùa to, hoặc làm đàn chay, ai vi phạm không phân biệt Tăng Ni hay dân thường đều bị xử phạt. Theo lệ định năm Gia Long thứ nhất (1802) thì “dân xã bị bọn tăng ni mê hoặc, làm chùa quán to lớn, làm lễ khánh thành, làm đàn chay,… phải phạt kẻ đứng hầu 100 trượng, bắt bồi thường lại tiền phí tổn ấy; Tăng Ni phạt 60 trượng. Quan địa phương không biết kiểm soát, hoặc hùa theo che dấu, phải giao cho bộ bàn xét luận tội” [7]. Không những vậy, đối với các Tăng Ni trong chùa mà có những hành vi truyền bá mê tín, dị đoan; hoặc những người dung túng cho Tăng Ni có những hành vi đó đều bị xử tội bắt sung quân.

Đặc biệt, khi ban Điều lệ Hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà vào năm 1804, vua Gia Long đã dành hẳn điều thứ 5 để nghiêm cấm việc xây dựng dựng chùa mới ở các địa phương. Nhà vua chỉ cho phép sửa chữa những ngôi chùa đã được xây dựng trước đó, chỉ những ngôi chùa đã đổ nát mới được phép phục dựng lại. “Từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng, đúc chuông, đàn chay, hội chùa, hết thảy đều cấm” [8]. Sau này, dưới triều vua Tự Đức, nhà vua cũng cho ban hành nhiều sắc chỉ giống như Gia Long để chấn chỉnh Tăng, Ni,…

Cho phép tu bổ một số ngôi chùa

Mặc dù quản lý khắt khe Phật giáo nhưng Hoàng đế Gia Long dành sự quan tâm đến một số ngôi chùa, cho phép tu sửa, hoặc xây mới số ít chùa. Chẳng hạn vào năm 1812, khi sửa chùa Kim Chương, vua Gia Long đã ban cho 1 vạn quan tiền [9], thậm chí có những ngôi chùa được làm lại có quy mô lớn như chùa Thiên Mụ. Theo ghi chép của chính sử, vào năm 1804, vua Gia Long cho gọi sư Mật Hoằng về kinh, cấp chức Tăng Cang sau đó sắc về làm trụ trì chùa Quốc Ân. Vào năm 1815, vua Gia Long ban sắc chỉ trùng tu chùa Thiên Mụ, cho tu sửa chùa Thiên Mụ, đúc tượng Phật. Vua trực tiếp đến xem, nhân bảo Trịnh Hoài Đức rằng: “Chùa này đất có linh khí, từ khi hoàng tổ ta là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế, năm 23 Giáp Ngọ (1714) tu tạo đại quy mô đến nay đã được 101 năm rồi, nay nhân chùa cũ mà sửa lại để truyền thắng tích. Đồng thời thưởng cho binh và thợ hơn 1800 quan tiền” [10]. Quy mô sửa chùa rất lớn, trong đó cho dựng lại các điện gồm: điện Đại Hùng 3 gian 2 chái, 5 gian tiền đường, hợp làm một, bốn chung quanh mái cong. Điện Di Lặc 3 gian, đều 2 chái, 1 bếp, 1 kho, một phòng sư ở bên tả, một phòng sư bên hữu, đều 3 gian 2 chái; một lầu chuông, một lầu trống, hai đình bia 6 góc, một đình chuông 6 góc, 1 cửa nghi môn ba gian, bốn chung quanh tường gạch, cao 5 trượng, mặt tả mặt hữu và mặt sau đều mở một cửa [11].

Một số ngôi chùa được trùng tu như chùa Phúc Kiều ở Quảng Tùng (thờ Phật Bà bằng đá), chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh (thuộc Quảng Bình) từ lợp bằng tranh, đến triều vua Minh Mạng 10 (1829) được làm bằng ngói; chùa Cảnh Tiên ở ấp Tráng Tiệp, huyện Phong Lộc do Nguyễn Hữu Dật dựng. Hoặc chùa Linh Quang ở Bố Trạch, chùa Đại Phúc thuộc hai xã Đại Phúc và Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy được dựng thời chúa Nguyễn, đến triều Nguyễn được trùng tu, tôn tạo thành chùa lớn trong vùng. Đặc biệt, chùa Khải Tường ở thôn Hột Loạt, huyện Bình Dương được Gia Long cho trùng tu để kỷ niệm nơi sinh Hoàng tử Đảm. Theo Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam,“chùa Khải Tường ở thôn Hột Loạt, huyện Bình Dương được xây cất năm Tân Hợi (1791)… do Nguyễn Vương Phúc Ánh kiến tạo để kỉ niệm nơi sinh Hoàng tử Đởm (hay Đảm)” [12]. Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa: “… chùa Khải Tường… Chùa nầy có dật sử chính hoàng tử Đảm (sau lên ngôi là đức Minh Mạng) sanh nơi hậu liêu vào năm Tân Hợi (1791) giữa cơn tị nạn Bình Tây Sơn. Qua năm 1804, Cao Hoàng nhớ tích cũ, để tạ ơn Phật dày công che chở mấy năm bôn tẩu nên gởi tặng chùa một cốt Phật Thích Ca thật lớn bằng gỗ mít, thếp vàng tuyệt kỹ” [13].

Cũng có một số chùa được dựng mới hoàn toàn, trong đó có chùa Hoa Tiên dựng năm 1811; chùa Thiên Đức (Bình Tây, Ninh Hải, Khánh Hòa) dựng năm 1820.

Coi trọng giá trị nhân văn của Phật giáo

Một số giá trị nhân văn của Phật giáo ít nhiều được vua Gia Long đề cao, coi trọng và vận dụng vào việc an dân. Năm 1802, khi bàn cùng với các quan viên về việc trị dân, nói tới giáo hóa và hình phạt, vua Gia Long chỉ dụ: “Đạo trị dân giáo hóa vẫn nên làm trước. Nhưng nay dân mới trải qua thời loạn, nhiễm thói xấu đã lâu, chưa tin giáo hóa mới, trong phép trị mối loạn, hình phạt không thể dùng được. Cần phải lấy lòng kính thương mà làm thân thế nào đó thôi” [14]. Ít nhiều có thể thấy vua muốn ban lòng từ đến nhân dân. Trong buổi đầu cai trị, nhằm ổn định cuộc sống của người dân sau thời gian dài chiến tranh, nhiều lần vua Gia Long cho thực hiện việc giảm tô thuế ruộng cho người nông dân, hoặc sai quan phát chẩn cứu đói những nơi người dân bị bão lũ, đời sống khó khăn. Như năm Quý Hợi (1803), triều đình cho giảm thuế tô ruộng cho người dân vùng Nghệ An ra Bắc, theo đó Nghệ An, Thanh Hóa nội ngoại và năm nội trấn Bắc Thành, thóc tô mỗi mẫu bớt 5 bát, còn sáu ngoại trấn thì giảm một nửa [15]. Hạ chiếu tha 4 phần 10 thuế điền năm này cho Quảng Ngãi, hoãn thu 5 phần 10 cho Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình. Thuế vụ chiêm ở các trần Bắc Thành thì nộp thay một nửa bằng tiền do gạo kém, nhân dân thiếu ăn [16]. Cũng trong năm này, trấn Bắc Thành bị ngập lụt do đê vỡ, lúa ruộng bị ngập, nhà dân bị trôi mất nhiều, vua Gia Long hạ cho quan trong trấn thành vận chở tiền gạo đi chẩn cấp cho dân [17]. Qua một số việc làm trên cho thấy, vua Gia Long không coi thường Phật giáo, vẫn dựa tư tưởng từ bi của Phật giáo để cai trị đất nước.

Mặc dù triều đình Gia Long thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ đối với chùa chiền, Tăng, Ni, hoạt động của Phật giáo nhưng trong đời sống tín ngưỡng người dân nơi làng xã, Phật giáo vẫn có sức sống “trường tồn”. Khi ở chốn hương thôn, người dân vẫn tin vào giáo lý, vào sự vi diệu của Phật giáo. Họ vẫn cứ đến chùa lễ Phật, dâng hương và xem việc đóng góp tiền bạc, của cải cho nhà chùa như là một nghĩa vụ mang tính tự giác cao. Nhiều ngôi chùa được tu sửa hoặc xây dựng không chỉ ở vùng đất quanh Kinh thành Huế mà ngay cả những vùng đất mới khai khẩn ở miền Nam. Vì thế, Quốc sử quán triều Nguyễn phải thừa nhận: “Tục ở Gia Định sùng Phật” [18].

Như vậy, qua một số cứ liệu lịch sử ghi chép về cách hành xử của vua Gia Long đối với Phật giáo trong thời gian ông trị vì, có thể thấy ngay từ khi còn ở Gia Định cho đến khi thành lập vương triều và lên ngôi Hoàng đế tại Huế, vua Gia Long đã có những chính sách đối với Phật giáo. Mặc dù được sự ủng hộ của nhiều Tăng, Ni trong quá trình chiến tranh với nhà Tây Sơn, nhưng vua Gia Long đã có những chính sách quản lý chặt chẽ đối với Phật giáo.

Tuy nhiên, vua Gia Long không gạt bỏ hoàn toàn Phật giáo. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc vua Gia Long vận dụng tinh thần từ bi của Phật giáo để ổn định và chăm lo cuộc sống người dân, giảm thuế, tha thuế, phát chẩn, cứu đói cho dân… Và trong thực tế, tuy vua Gia Long ban các đạo dụ nghiêm cấm hành vi của Tăng Ni, cấm nhân dân xây dựng chùa mới nhưng Ông vẫn quan tâm đến việc tu sửa chùa cũ, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo quyền tín ngưỡng của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Trong một xã hội có sự tồn tại đan xen cùng một lúc nhiều tôn giáo khác nhau, nhất là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Kitô giáo luôn gắn liền với ý đồ chính trị của các Giáo sĩ phương Tây, thì việc quản lý chặt chẽ Phật giáo hoặc ngăn cấm Công giáo để tăng cường, củng cố Nho giáo là một biện pháp chính trị của vua Gia Long trong bối cảnh xã hội đương thời. Dù hạn chế hay bị phê phán học thuyết, nhưng Phật giáo vẫn luôn là một tôn giáo có vị trí nhất định trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam thời bấy giờ.

 

Chú thích:

* TS. Đinh Văn Viễn, Giảng viên chính, Đại học Hoa Lư.

[1] Huỳnh Minh (2001), Định Tường (Mỹ Tho) xưa, Nxb Thanh niên, tr.133, 134, 135.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí (tập 5), bản dịch Viện sử học, Nxb Thuận Hoá, tr.132.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục (tập 1), Nxb Giáo dục, tr.371.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.371.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.371.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.586.
[7] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tập VI), Nxb Thuận Hóa, tr.237.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.586
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.850.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.612.
[11] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tập VII), Nxb Thuận Hóa, tr.72.
[12] Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Huệ Quang xuất bản, tr.177.|
[13] Vương Hồng Sển (2004), Sài Gòn năm xưa, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr.198.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.518.
[15] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.550.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.560.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.567.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.371.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Huỳnh Minh, Định Tường (Mỹ Tho) xưa, Nxb Thanh niên, 2001.
2. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập VI, VII, bản dịch của Viện sử học, Nxb Thuận Hóa, 2005.
3. Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb Tổng hợp, Đồng Nai, 2004.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch Viện sử học, Nxb Giáo dục, 2002.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, bản dịch của Viện sử học, Nxb Thuận Hoá, 2006.
6. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Huệ Quang xuất bản, Phật lịch 2518.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *