Trong những năm gần đây, phong trào sinh thái đã đẩy mạnh sự hiện diện của mình bằng cách thông qua những đặc điểm của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Phật giáo đã tích cực tham gia phong trào cách mạng xanh kêu gọi thức tỉnh tâm linh để biến đổi sâu sắc trong lối sống cá nhân cũng như xã hội. Hệ thống sinh thái học Phật giáo chứa đựng những phương pháp giáo dục luân lý đạo đức thực tiễn và tính khả dụng thiết thực để “lắng nghe tiếng khóc của Trái đất và thức tỉnh tập thể” [15].
TIẾP CẬN TỪ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO
Chúng ta có thể tìm thấy ở Phật giáo sinh thái những đặc điểm cho việc xây dựng những hoạt động tri thức và sự thực hành sinh thái để bảo vệ môi sinh, bảo vệ vạn vật. Từ hệ thống các luận thuyết chủ yếu như loài vật có tánh giác, Duyên khởi, Nhân quả, Bất tổn sinh… Phật giáo đã xây dựng nên các nguyên tắc ứng xử và lối sống ôn hòa giữa con người, muôn loài và tự nhiên. Điều này tạo cơ sở cho các nhà môi trường hiện đại tìm về để tái thiết sinh thái.
Tinh thần “loài vật có tính giác” trở thành tinh thần cơ bản của quan điểm về thiên nhiên trong Phật giáo. Đạo Phật luôn thấm nhuần tinh thần biết ơn mẹ môi sinh bởi đó chính là nơi trú ngụ của nhân loại. Tính giác được hiểu là vạn vật có hiểu biết, có tình cảm, có những cảm nhận riêng của chính nó – như đời sống một con người. Từ con vật cho đến cỏ cây, sinh ra và lớn lên đều có đời sống riêng của nó. Loài vật và thế giới tự nhiên đều có tri giác và cảm xúc. Nhận thức được điều đó, Phật giáo tôn trọng quyền sống, giá trị của tất cả các loài trong tự nhiên.
Trong kinh Pháp Cú có lời dạy:
Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết.
[3, 91]
Hay:
Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người thương sống còn;
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết.
[3, 91]
Con người và thế giới tự nhiên đều có quyền sống như nhau. Giáo lí Phật giáo luôn hướng đến con người, nhưng không phải ở vị trí trung tâm mà mong muốn con người nhận thức được vai trò tương quan của mình trong tự nhiên và nghĩa vụ nhất định với hệ sinh thái.
Kinh Tiểu Bộ có dạy:
Loài được thấy không thấy
Loài sống xa, không xa
Các loài hiện đang sống
Các loài sẽ được sanh
Mong mọi loài chúng sanh
Sống hạnh phúc an lạc.
[5, 29]
Phật giáo nhận chân được tất cả muôn loài đều ham sống sợ chết, bởi vì từ bi nên Phật giáo mới đề cao tư tưởng “bất sát, bất tổn sinh” lên hàng đầu trong Ngũ giới. Vạn vật từ cây cối đến động vật đều phải được tôn trọng và kết quả của sự tôn trọng đó xuất phát từ tư tưởng sinh thái của Phật giáo.
Bắt nguồn từ sự giác ngộ về lí Duyên khởi
Phật giáo nhìn mọi sự mọi vật trong chỉnh thể và tương quan. Vũ trụ quan Phật giáo được thiết lập bởi lí thuyết Duyên khởi trong dạng thức khái quát của nó là “do cái này sanh nên cái kia sanh; do cái này diệt nên cái kia diệt”. Nghĩa là mọi hiện hữu đều tương sinh tương duyên với nhau. Nhất quán lí Duyên khởi thì sự vận hành của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ “Không có cái nào được tạo độc nhất và riêng lẻ. Vạn hữu trong vũ trụ, tâm và vật khởi lên đồng thời; vạn hữu trong vũ trụ nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, và do đó tạo ra một bản đại hoà tấu vũ trụ của tổng thể hoà điệu. Nếu thiếu một, thế giới sẽ không toàn vẹn; nếu không có tất cả, cái một cũng không” [27, 57]. Xét từ mối quan hệ này, việc phá hủy bất kỳ một chuỗi mắt xích nào đang tồn tại trong hệ sinh thái đều gây nên hậu quả xấu. Dùng lí Duyên khởi để nhìn nhận, chúng ta có thể thấy do tham dục mà nảy sinh những quyền lợi cá nhân. Do nhu cầu đáp ứng quyền lợi của bản thân, việc khai thác tự nhiên, giết hại động vật để đáp ứng nhu cầu xuất hiện. Khai thác và tàn sát vô tội vạ dẫn đến việc phá hoại nghiêm trọng môi trường sống. Khi môi trường sống – nơi trú ngụ bị tàn phá thì đời sống con người bị đe dọa. Chính vì thế, chủ trương “loài vật có tính giác” trong Phật giáo là nhấn mạnh tình cảm sâu sắc đối với giới tự nhiên, bao hàm sự tôn trọng muôn loài. Từ đó “xây dựng một nếp sống hài hòa với thiên nhiên và làm cho môi trường sống vừa lành vừa đẹp” [9, 19].
Phật giáo khuyên con người biết sợ nhân quả nghiệp báo
Bởi vì nghiệp của mỗi người có thể tốt xấu khác nhau, bản thân họ tự tạo ra nghiệp nhưng tác động của nghiệp thì có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhân Quả là quan niệm phổ biến của Phật giáo chỉ mối quan hệ nguyên nhân – kết quả của sự vật và hiện tượng trong thế giới. Nhân quả có cấu trúc đa tuyến, nói đúng là nhân – duyên – quả. Duyên là yếu tố tác động giữa nhân và quả, nó còn có một ý nghĩa là điều kiện (bao gồm cả xấu và tốt). Có thể kiếp này tạo ra nghiệp tốt/ xấu nhưng nghiệp đó có thể tác động đến con cháu sau này, ví dụ phá hoại môi trường trong kiếp này có thể sẽ là căn nguyên cho sự hủy diệt đời sống tương lai. Giáo lí Nhân quả của Đạo Phật đã có những ảnh hưởng rất sâu đậm vào đời sống dân tộc Việt trên nhiều phương diện. Dù là những tín đồ Phật giáo hay không, khi nói đến nhân quả dường như tất cả đều tin tưởng và chấp nhận. Triết lí Nhân quả của Đạo Phật trở thành giá trị đạo đức chuẩn mực “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
Trong Phật giáo, cốt truyện nhân quả báo ứng cũng được khai thác triệt để. Khi hành động ác thì phải tự nhận chịu lấy hậu quả. Trong tập Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sanh, xuất hiện kiểu nhân vật điển hình cho sự tàn bạo, bất lương, ra tay sát hại muôn loài một cách bất nhẫn và quả báo mà họ phải nhận lấy từ chính hành động của mình. Tào Thăng Nguyên làm nghề giết chó, tàn sát không biết bao nhiêu con, cuối cùng bị trừng phạt bằng việc chó cắn mà chết (Kêu thương suốt ba tháng); gã nông dân cắt lưỡi trâu, sinh con ra bị câm ngọng (Ba kẻ câm ngọng); vị phu nhân tham món ngon vật lạ, cuối cùng phải gá hình vào thân các con vật bà ăn hằng ngày để nếm chịu sự thống khổ, đau đớn ấy (Hàng vạn con chết trong nháy mắt)… [21]. Nhân quả vốn là tấm lưới mà khi ai tạo điều gì sẽ nhận lấy kết cục tương xứng, nó bao trùm lên đời sống con người một cách vô hình nhưng khi nhận kết quả lại vô cùng rạch ròi, minh bạch. Con người đa phần vì cái lợi trước mắt, vì vô minh nên lún sâu vào hành động ác, bất chấp sự can ngăn, cảnh báo; đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Phật giáo có câu: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” là vì thế.
Theo thuyết Luân hồi – nghiệp báo, khi kết thúc kiếp người này, con người có thể sanh trong hình dạng các loài vật và ngược lại. Một kiếp sống là một vòng tuần hoàn giữa các mốc sinh ra, lớn lên chết đi và lại bắt đầu một kiếp sống khác. Vô số những truyện trả ơn cứu mạng của loài vật trong các tập truyện Phật giáo như Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sanh, Chuyện tiền thân Đức Phật (Jataka)…, cho ta thấy, nếu chúng ta không sát hại loài vật mà tích thiện từ việc yêu thương chúng thì có ngày chúng sẽ cứu chúng ta bằng các cách khác nhau. Tình cảm của con vật không chỉ thể hiện giữa đồng loại khi đứng trước sự hiểm nguy, hoạn nạn, chia lìa mà còn là sự dốc sức giúp người đã từng có ơn với chúng. Mao Bảo cứu rùa được khỏi ách nạn (Nhờ phóng sanh mà khỏi chết chìm), chủ quán bán rượu nhờ cứu ong mà thoát khỏi án oan (Nhờ cứu loài ong mà thoát khỏi tử hình), Huỳnh Đức Hoàn cứu ba ba nên được nó chữa khỏi bệnh bằng nước dãi (Con ba ba chữa lành bệnh hiểm), Lý Trưởng cứu gà và được chính nó cứu thoát khỏi nạn cọp dữ (Gà mổ mắt cọp)… [21]. Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện nay, việc quay trở lại quan niệm “kính quý sinh mệnh” của Phật giáo là một cách thay đổi hành vi cứu nguy môi trường. Phật giáo với giáo lí Nhân quả – báo ứng là một phương pháp giáo dục luân lý đạo đức thiết thực, thực tiễn. “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” là một sự thật mà Đức Phật muốn dạy chúng ta phải biết tôn trọng giác tính cũng như mạng sống chúng sanh. Đồng thời cũng là tôn trọng, bảo vệ cuộc sống chính mình.
Xây dựng đạo đức thông qua việc thực hành sinh thái
Quan điểm chủ đạo về sinh mệnh trong Phật giáo là “chúng sinh bình đẳng”, “ái vật hộ sinh” và đưa ra vấn đề thực tiễn cho sinh mệnh vạn loài là “bất tổn sinh”. Chính quan điểm này gợi mở cho các phong trào bảo vệ động thực vật đương đại. Đối với một người tại gia, khi muốn trở thành đệ tử Phật thì điều đầu tiên là quy y Tam bảo và thọ lãnh ngũ giới. Giới không sát sanh là giới điều đầu tiên người Phật tử phải giữ gìn sau khi quy y. Theo quan điểm Phật giáo, người sát sanh hại vật, giết hại muôn loài bằng các hình thức “tự tay mình giết, bảo người giết, nghe thấy họ giết khởi tâm vui thích” [30, 9] là người tạo nhân xấu không tương ưng với đạo đức của một con người đúng nghĩa. Trên cơ sở này, Đức Phật giáo dục rằng, người nào muốn được an lạc trong tương lai thì đừng nên giết hại bất kỳ một sanh linh nào: “Ví như người mẹ hiền/ Thương đứa con độc nhất/ Cũng vậy hãy mát mẻ/ Với mọi loài chúng sanh/ Trong mọi chỗ mọi nơi” [24, 23].
Chính tư tưởng này dẫn đến hình thức ăn chay trong Phật giáo. Ăn chay để giảm thiểu đến mức thấp nhất sự tổn hại đến loài vật. Cách tốt nhất chúng ta có thể nuôi dưỡng tâm lành của mình là ý thức việc tránh gây tổn hại mạng sống của động vật, không giết hại chúng làm thức ăn. Ăn chay là biểu hiện của tâm Từ Bi, nuôi dưỡng và thực hành tâm Từ Bi là đề mục đạo đức quan trọng nhất của người Phật tử. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã từng phát biểu như sau: “Sẽ không bao giờ sát hại sự sống, sẽ không bao giờ để ai được quyền sát hại sự sống và tôi sẽ không bao giờ tán đồng bất kỳ một hành động sát hại nào trên thế giới này, ngay cả trong tư duy chúng tôi hay là trong cách mà tôi đang sống” [14 ]. Tâm Từ Bi nghĩa là tình thương vô hạn lượng, từ tâm vô hạn lượng. Thương yêu chúng sanh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ, đồng cảm nỗi khổ và làm cho chúng sanh bớt khổ là Bi. Vậy Từ Bi là tình thương rất chân thật không có hạn lượng, không phân biệt [19, 563]. Tâm Từ Bi được thể hiện thông qua việc tuân thủ những nguyên tắc sống (giới luật). Từ Bi trong Phật giáo bắt nguồn từ sự cảm thông chân thật trước nỗi khổ của tha nhân, ban phát đến tất cả vạn loài, không làm hại mà còn bảo vệ, chăm sóc từng sự sống bé nhỏ. Lìa xa tham, sân, si để xây dựng lòng từ bi với vạn vật. Kinh Từ Bi đã thể hiện lý tưởng này rất rõ “chúng sinh dù yếu mạnh, lớn nhỏ hoặc trung bình, thấp cao không đồng đẳng, hết thảy chúng hữu tình, lòng từ không phân biệt, hữu hình hoặc vô hình. Đã sinh hoặc chưa sinh, gần xa không kể xiết. Nguyện tất cả sinh linh, tràn đầy muôn hạnh phúc” [1, 2].
Để trừ diệt nguồn gốc khổ đau cần thực hành phương pháp buông bỏ, thoát khỏi mê lầm nhận được hạnh phúc, an nhiên và thư thái. Trong tập Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sinh của Phật giáo có câu chuyện Nai mẹ thương nai con đứt ruột kể về một người thợ săn tên Hứa Chân Quân đã bẻ gãy cung tên khi thấy nai mẹ đứt từng đoạn ruột mà chết theo nai con bị trúng tên, Sở Vương hoàn lương và trở nên nhân từ do chuyến đi săn thấy vượn bưng mặt khóc (Vượn sầu rơi lệ). Thái thú Đồ Cầm Ô nhờ phóng sanh mà thoát bệnh hiểm nghèo (Phóng sinh tăng tuổi thọ), Hứa Thái phu nhân là thân mẫu của quan Hàn lâm Từ Tích Dư nhờ sống một đời thơm thảo nên con cháu, gia quyến hạnh phúc đến cuối đời (Bà cụ hiền lành được sống lâu). Các truyện trong Tiền thân Đức Phật là kể về muông thú hoặc muông thú từ bi, trong một vài hóa thân của Đức Phật là muông thú (chó, khỉ, hươu, ngựa, chim, nai, cá…). “Hoàng tử Brahmadatta thực hành giới và bố cáo thần dân không sát sanh, cả thành Ba La Nại được yên ổn” [4, 191], “vị thương gia ở Kasi bỏ việc giết hại sinh vật để tế lễ thần cây” [4, 89], “vị Bà La Môn nghe dê kể chuyện quá khứ nên chấm dứt việc làm ác” [4, 86]… Nhiều câu chuyện được đề cập việc hy sinh bản thân để cho muôn loài được yên ổn. Trong Jātaka Nandimagga, Bồ tát hóa thân là một con hươu chúa, hy sinh mạng sống để cứu các sinh vật khác. Con hươu đã cảm hóa tâm của vị vua và cứu muôn loài cầm thú khác khi nhà vua nghe lời cầu xin và phát nguyện ăn chay. “Lý tưởng cao nhất và phổ quát nhất của Phật giáo là cố gắng không ngừng để vĩnh viễn chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sanh chứ không phải chỉ cho loài người” [11, 26]
Phật giáo chú trọng việc quay về lí tưởng sống gần gũi hòa mình với thiên nhiên và động vật thông qua việc ngồi thiền, tu tập, trú ngụ, ẩn cư… tại các không gian xanh. Rừng là không gian được lựa chọn cho việc tu tập tâm linh của các vị tu hành, cũng là điều kiện tốt để nuôi dưỡng hạt giống tình thương thông qua việc hòa nhập với cuộc sống muôn loài. Ngoài ra, hành thiền tại rừng cũng là điều kiện làm bạn với muông thú, không đem lại sự sợ hãi hay đe dọa cho chúng. Vào thời Đức Phật còn tại thế, khi sinh hoạt trong rừng rậm, Ngài vẫn an ổn vì muông thú không khiếp sợ mà luôn xem Ngài là bạn bè. Phật dạy: “Ta sống trên một ngọn núi, giữa đám sài lang hổ báo và để tự bảo vệ không gì khác hơn tâm từ của ta. Chung quanh ta là sư tử, cọp, beo, nai, hươu, ngoài ra là rừng rậm cỏ hoang. Không con vật nào sợ ta và ta cũng không sợ con vật nào, chính oai lực của tâm từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp ta sống yên ổn” [19, 605]. Chỉ có an trú trong từ tâm mới chuyển hóa được vạn loại. Nếp sống của người xuất gia thường là nơi vắng vẻ độc cư, không bị ràng buộc với các đòi hỏi hẹp hòi, nên tâm từ phải luôn luôn an trú và chứng đắc. Kinh Thừa Tự Pháp, Đức Phật dạy đệ tử “không được đổ thức ăn vào nơi bụi cỏ và trong nước vì sợ làm tổn hại đến mạng sống của chúng sanh” [6, 14]. Ngoài ra, hàng đệ tử Phật phải dùng đãy lọc nước (lự thủy nan). Khi dùng đãy lọc nước lọc nước xong, túi lọc phải được đem nhúng vào chỗ lấy nước để cho các loài vi trùng bị lọc được trở lại môi trường sống của chúng. Ý nghĩa của việc dùng đãy lọc nước này một là để phòng ngừa bệnh tật, hai là vì lòng từ bi muốn bảo vệ các mạng sống nhỏ bé như vi trùng trong nước.
Việc chú tâm bảo hộ mạng sống của vạn vật còn được thể hiện qua Tỳ Ni Nhật Dụng thiết yếu (do Luật sư Độc Thể tuyển soạn). Tác phẩm này là tuyển tập các bài thiền kệ về luật nghi hàng ngày cho người xuất gia. Căn bản hành trì của Tỳ ni nhật dụng là chánh niệm tỉnh giác trong các hoạt động từ sáng đến tối mà người xuất gia cần thực tập. Đây là phương thức nhằm hướng người xuất gia vươn tới lý tưởng cao đẹp, theo đó, thân và tâm của họ trở nên cao quý. Trong bài chú Hạ đơn (Xuống giường) cũng đã thể hiện sự gieo hạt giống từ bi khi vừa thức dậy:
“Tùng triêu dần đán trực chí mộ,
Nhất thiết chúng sinh tự hồi hộ,
Nhược ư túc hạ táng kỳ hình,
Nguyện nhữ tức thời sinh tịnh độ.
Án, dật-đế luật-ni sa-ha”.
Dịch nghĩa:
“Từ sớm, trưa, chiều đến tối.
Mỗi loài giữ mạng sống mình.
Nếu bước chân này giẫm chết.
Cầu cho sớm được vãng sanh.
Án, dật đế luật ni sa ha”.
Thực tập tâm từ bi giúp ta thoát khỏi các hận thù, oan trái, xung đột. Trì tâm kệ này khi đi giúp cho các vi trùng có thể được siêu thoát. Thực tập chú này trong chánh niệm tỉnh giác có khả năng tạo công đức. Khi đi trong chánh niệm, nếu lỡ giẫm đạp các loại vi trùng do không nhìn thấy được cũng không tạo ra nghiệp sát. Do đó, khi đi, đứng người xuất gia thường đọc bài thiền kệ và bài chú này để bảo hộ mạng sống của côn trùng với lòng từ bi. Kinh Di giáo, Đức Phật nêu ra một số giới điều tiêu biểu để rời xa việc phạm giới; trong đó cũng nhắc đến việc : “Người xuất gia không được chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai…” [25, 9]. Sa Di Ni luật nghi yếu lược, giới thứ nhất đề cập đến việc không sát sanh: “Trên từ chư Phật, Thánh – nhân, Sư, Tăng, phụ mẫu và dưới cho đến các loài: bò, bay, cựa quậy… côn trùng nhỏ nhặt, phàm các loài có tính mạng không nên cố ý giết. Hoặc mình giết, hoặc xúi người giết, hoặc thấy người khác giết tùy hỷ, trong kinh nói rằng: “Ai phạm giới này chẳng phải là Sa Di vậy””. Bản luật này còn đề cập đến vấn đề: “Tháng mùa Đông hay sinh ra loài rận, nếu áo có rận, bắt bỏ vào ống và lấy bông gòn cho vào cho nó ấm, rồi cạo những cấu nhơ trong mình, bỏ vào cho nó ăn. Với tâm từ, còn sợ chúng đói, lạnh mà chết, huống là còn dám giết chúng. Cho đến, những việc như lọc nước, che đèn, không nuôi các loài mèo, chồn … đều là đạo Từ Bi của Đức Phật” [25, 311].
Ngoài việc phóng sanh, vì tôn trọng quyền sống cho động vật. Thời Phật tại thế, Ngài là người phản đối việc tế lễ bằng các loài động vật. Một câu chuyện thể hiện rõ điều này là câu chuyện trong kinh Tiểu Bộ, khi vua Ba Tư Nặc gặp phải ác mộng, các vị Bà la môn đã “đề xuất một đại tế đàn”. Đức Phật đã phản đối việc tế lễ bất nhẫn này và dạy các vị Bà la môn hãy” “sử dụng những vật phẩm khác thay thế như dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng” [10, 309] để không làm tổn hại đến những vật nuôi. Việc lên án tế lễ bằng động vật trong bối cảnh đất nước Ấn Độ lúc bấy giờ, và sử dụng vật phẩm thay thế không chỉ là phương thức giữ gìn sự giao thoa, liên đới, thông đạt với thần linh; vừa uyển chuyển, linh hoạt trong việc sử dụng vật phẩm trong từng thời kỳ xã hội. Đồng thời cũng mở ra phương thức tế tự thanh khiết, khẳng định sự từ bi, bình đẳng của Phật giáo đối với muôn loài, xác lập tính nhân bản trong quan hệ tương thông giữa người và động vật. Ở Ấn Độ, ba tháng An cư kiết hạ thường vào mùa mưa nên Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài nên ở yên một chỗ, không đi ra ngoài để tránh việc giẫm đạp lên các sinh vật. Khi qua đến Việt Nam, ba tháng An cư lại tập trung vào mùa hạ nhưng do lòng bi mẫn và mục đích hộ sinh, các vị xuất gia tu tập vẫn giữ nguyên giới luật không ra ngoài trong ba tháng. Khi muốn đốn hạ một cái cây, nhất là cổ thụ, Đức Phật cũng dạy rằng nên làm lễ, xin phép trước khi chặt. Bởi Ngài cho rằng, vạn vật đều có tính giác, nên trước khi làm thì xin thông qua là điều cần thiết. Điều này sẽ giải quyết được những khủng hoảng sinh thái học đương đại, góp phần trong việc kết nối mạch nguồn tương giao giữa con người – động vật – tự nhiên để gợi mở hướng phát triển bền vững cho Trái Đất.
Có thể nói, việc tàn phá môi trường sống, giết hại động vật đang dần đưa con người đến gần hơn với sự thay đổi, hủy diệt chính cuộc sống của mình ở hiện tại và cả thế hệ con cháu mai sau. Trước những điều đó, buộc con người phải thay đổi nhận thức và quan điểm của mình. Thảm họa do con người gây ra thì giải quyết vấn đề cũng phải bắt nguồn từ chính con người. Luận đề của Phật giáo cho rằng hạnh phúc bền vững phải được tìm thấy thông qua việc kiềm chế những dục vọng ham muốn và sống một cuộc sống ít muốn, biết đủ hơn là thông qua sự bồi đắp những dục vọng nhằm thỏa mãn ham muốn, phục vụ cho lợi ích cá nhân. Con người cần thay đổi tâm lý của mình, không tham lam, không giận dữ, không si mê đối với tất cả những sự theo đuổi của bản thân, đồng thời biết nhìn hệ sinh thái đang sống bằng những niệm yêu thương, trân trọng để sửa đổi thói quen, hành động xấu.
Trong tình hình khủng hoảng môi trường nghiêm trọng như vậy, ánh sáng của tư tưởng Phật giáo đã cùng song chiếu với các tư tưởng sinh thái hiện đại để cảnh tỉnh về tình trạng Trái Đất đang lâm nguy… Đạo Phật là thức tỉnh. Tỉnh thức để tìm ra con đường sáng, đánh thức tinh thần thoát khỏi mê chấp để cứu vãn trái đất. Sinh thái học Phật giáo đã bước đầu hình thành những phương pháp để chữa lành bất hòa giữa con người và tự nhiên. Từ những tư tưởng của Phật giáo, chúng ta có thể thay đổi nhận thức và trách nhiệm của mình. Để mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn sinh thái, kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn để trao truyền cho thế hệ con cháu; thiết lập những giải pháp sống hài hoà cùng muôn loài bởi vạn vật với con người vốn đồng một thể tánh.
Tài liệu tham khảo:
Tiếng Việt
1. Ayya Khema (2005), Kinh Từ Bi, Diệu Liên chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
2. Carson Rachel L. (2018), Mùa xuân vắng lặng, Nhóm Khánh An dịch, Nxb Thế giới.
3. Thích Minh Châu dịch (1969), Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, TP.HCM.
4. Thích Minh Châu (1991), Chuyện tiền thân đức Phật, tập 1,2, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM.
5. Thích Minh Châu (1996), Tiểu Bộ Kinh, tập I,II, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM.
6. Thích Minh Châu dịch (2003), Kinh Thừa Tự Pháp, Trung Bộ I, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM.
7. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
8. Thích Minh Châu (2013), Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người, Nxb Tôn Giáo, TP.HCM.
9. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu bộ, tập IV, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
10. Epstein R., “Một quan điểm Phật giáo về quyền động vật”, Quảng Giải trích dịch, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (179), TP.HCM.
11. Fontenay E. (2013), Khi con vật nhìn ta, Hoàng Thanh Thủy dịch, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
12. Thích Nhất Hạnh (2014), Tâm tình với đất mẹ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
13. Thích Nhất Hạnh, Giới thứ nhất: Tôn trọng sự sống, https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/de-co-mot-tuong-lai/gioi-thu-nhat-ton-trong-su-song/, truy cập 15/3/2019.
14. Thích Nhất Hạnh (2013), Chuông chánh niệm dịch từ “Spiritual Ecology the Cry of the Earth”, Lee Llewellyn V. (edited), The Golden Sufi Center Publish, California, p 29-30.
15. Thích Nhất Hạnh (2013), Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, Nxb Phương Đông, TP.HCM.
16. Thích Nhất Hạnh (2013), Tâm tình với đất mẹ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
17. Ikeda D. Và Peccei. (1993), Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI, Trương Chính, Đông Hà dịch, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
18. Phạm Kim Khánh (1991), Đức Phật Và Phật Pháp, Nxb Thành Hội Phật Giáo TP.HCM.
19. Kolbert E. (2014), Đợt tuyệt chủng thứ sáu: Một lịch sử phi tự nhiên, Trần Trọng Hải Minh dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội.
20. Thích Tịnh Không (2000), Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sinh, Việt dịch: Thích Phước Sơn, Nxb TP.HCM.
21. Trần Thị Ánh Nguyệt (2017), “Motif cốt truyện đồ tể, đi săn trong văn xuôi sinh thái Việt Nam đương đại từ góc nhìn Phật giáo”, Hội thảo Quốc Tế Việt Nam – Ấn Độ 45 năm quan hệ ngoại giao và đối tác chiến lược, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Lí luận chính trị, TP.HCM, tr.536 – 546.
22. Nhiều tác giả (2010), Đạo Phật và môi trường, Thích Nhuận Đạt dịch, Nxb Tổng Hợp, TP.HCM.
23. Thiện Phúc dịch (2015), Kinh Lời vàng bậc thánh, chú giải trưởng lão Tăng – Ni kệ, Nxb Tôn giáo, TP.HCM.
24. Thích Trí Quang dịch (2006), Kinh Di Giáo, Nxb Tôn giáo, TP.HCM.
25. Thích Trí Quang dịch (2002), Sa Di giới và Sa Di Ni giới, Nxb TP.HCM.
26. Taiken, K. (1998), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb Thành Hội Phật giáo, TP.HCM.
27. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2018), Sinh thái học tinh thần và những gợi dẫn cho nghiên cứu văn chương, Hội thảo Khoa học quốc tế Phê bình sinh thái – Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
28. Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải (2015), Truyện cổ Phật giáo, Nxb Liên Phật Hội.
29. Thích Trí Tịnh dịch (1997), Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Nxb Tôn giáo, TP.HCM.
30. Vernier, J. (2002), Môi trường sinh thái, Trương Thị Chí, Trần Chí Đạo dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội.
31. Trần Hải Yến (2014), “Nghiên cứu phê bình sinh thái hiện đại và di sản văn hóa: nhìn từ cách Sinh thái học tìm về Tam giáo” (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo), Hội thảo khoa học Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Viện Văn học, Hà Nội.
Tiếng Anh
32. White, L. (1967), “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis”, Science 155, Vol. 155, Issue 3767, pp 1203 – 1207.
33. Bekoff M. (2007), The Emotional lives of Animals, New World Library – American.
34. Guardian Professional, “Beyond Environment: Falling back in love with Mother Earth”,https://www.theguardian.com/sustainable-business/zen-thich-naht-hanh-buddhidm-business-values, truy cập 21/3/2021.
35. Vaughan – Lee, L. (2013), Spiritual Ecology: The Cry of the Earth, The Golden Sufi Center.
Differences in taxane dose and schedule may explain the different findings in the GeparSepto and ETNA trials cialis without a prescription In mice, a high fat diet HFD resulted in an accumulation of phospholipids in enlarged lysosomes within kidney proximal tubular cells PTCs