KHÁI LUẬN VỀ PHẬT TỬ
Trong bài viết “Ai là Phật tử?”, nhà sư Thích Viên Giác đã có phần khái luận những lời dạy của Đức Phật trong Kinh Trung Bộ rằng: “Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng người ấy là người Phật tử, chữ “Nguyện” trong Đạo Phật mang tính tự giác, là một thái độ nhận ra chân lý và ước muốn thực hiện chân lý trong đời sống của mình. Điều này, tương tự như định hướng cho mình một lý tưởng sống và được thể hiện qua một hình thức nghi lễ như lễ phát nguyện thọ giới, phát nguyện quy y Tam Bảo…” [1].
Với người Phật tử, việc viếng chùa chính là thể hiện tấm lòng hướng về đạo pháp của mình nhằm tìm sự bình an, tinh tấn trong tu tập. Có thể nói mục tiêu chính yếu của người Phật tử tới chùa ngoài việc lễ Phật, hộ niệm, cầu an, cầu siêu, còn là nơi học hỏi giáo lý và trau dồi kinh nghiệm để áp dụng lời Phật dạy vào đời sống. Chùa là nơi trang nghiêm, là môi trường tốt lành để Phật tử nuôi dưỡng thiện tâm cho đời sống tâm linh ngày càng phong phú hơn. Vì thế trong ca dao tục ngữ Việt Nam đã đúc kết những kinh nghiệm quý báu, nhằm thể hiện lời khuyên răn đối với người Phật tử khi đi viếng chùa.
HÌNH ẢNH PHẬT TỬ VIẾNG CHÙA QUA CA DAO TỤC NGỮ
Phật tử đến viếng chùa với niềm tin quy y Phật – Pháp – Tăng
Ngôi chùa luôn gắn liền với cuộc đời của mỗi người con Phật, hàng loạt bài ca dao thể hiện những ấn tượng sâu sắc của mỗi người bình dân về ngôi chùa của quê hương mình:
“Chùa làng có tự cổ sơ
Lớn lên đã thấy Bụt thờ ba ông”.
“Chùa làng hai mõ, bốn chuông
Có ba tượng Bụt, có ông thần già”.
Hình ảnh Bụt thờ ba ông có thể hiểu là Thích Ca Tam thánh (Còn được gọi là Hoa Nghiêm Tam thánh vì ý nghĩa chủ yếu được nêu tỏ trong Kinh Hoa Nghiêm). Ba vị gồm: Đức Phật Thích Ca ở giữa, Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử xanh hầu bên phải và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà hầu bên trái (có khi vị trí của hai vị được đổi ngược lại). Hoặc Di Đà Tam thánh gồm: tượng vẽ Đức Phật A Di Đà đứng giữa, trên tòa sen lớn, hai bên có hai vị Bồ tát đứng trên hai tòa sen nhỏ hơn (có khi vẽ cả ba vị đều ngồi) là Quán Thế Âm (bên trái) và Đại Thế Chí (bên phải). Những hình ảnh thân thuộc ấy trong những ngôi chùa cổ đã gắn bó trọn đời với người Phật tử từ tuổi còn thơ cho đến khi xế chiều và tiếng mõ, tiếng chuông “Chùa làng hai mõ, bốn chuông “ ngân nga cũng là những thanh âm thân thuộc khiến lòng họ cảm thấy bình an. Đồng thời họ còn đặt niềm tin tuyệt đối của mình vào những triết lí gần gũi với đời sống của họ thông qua hình ảnh “Bụt vàng”. “Bụt vàng” trong thế đối lập với “chùa nát” như một sự khẳng định mạnh mẽ: dù trong điều kiện vô cùng thiếu thốn khó khăn nhưng đạo pháp của Phật môn luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao của họ:
“Chùa nát còn có Bụt vàng
Tuy rằng miếu đổ, Thần Hoàng còn thiêng”.

“Bụt vàng” ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen là tượng được tô vẽ màu vàng thậm chí là dát vàng, trong thế đăng đối giữa “Chùa nát” và “Bụt vàng” mà cần được hiểu ở nghĩa biểu tượng: màu vàng của chánh pháp, của chân lí nhà Phật luôn tồn tại trong sự ngưỡng vọng của Phật tử thuần thành. Trong Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng), đối với chư Tăng, tục ngữ nhắc người Phật tử về tâm niệm: “Kính Phật phải trọng Tăng”. Chư Tăng chính là những người thụ đắc những giáo lí của Phật Pháp, giữ vai trò quan trọng trong việc hoằng dương, là cầu nối tâm linh đưa hàng Phật tử đến những giá trị tốt đẹp của Phật pháp. Cũng chính vì thế, lễ nghi đầu tiên khi bước vào chùa là: “Tiên bái trụ trì, hậu bái Thích Ca”. Bất cứ ngôi chùa nào cũng có trụ trì, thế nên việc đầu tiên khi đến chùa không phải là đến bái lạy Phật tức khắc mà trước tiên cần phải gặp sư trụ trì bái kiến rồi sau đó mới đảnh lễ đức Thích Ca. Lên chánh điện lạy Phật phải từ tốn khoan thai giữ gìn phẩm hạnh của người Phật tử. Nếu có gặp những bậc tu hành thì cũng phải tỏ lòng thành kính:
“Im như Bụt mọc trên chùa,
Con vào chánh điện đừng đùa với Sư.
Cúi lạy con phải từ từ,
Đừng có vội vã mà hư thân mình”.
Bài ca dao mang dáng dấp lời khuyên răn của bậc trưởng thượng đối với con cái về những quy tắc ứng xử cơ bản nhất khi đến chốn Thiền môn. Thứ nhất, chánh điện chính là nơi tôn nghiêm bậc nhất trong mỗi ngôi chùa, thế nên dù Phật có từ bi hỉ xả với tất cả chúng sinh nhưng không vì thế mà có thể đùa cợt với Sư. Thứ hai, vào chánh điện đảnh lễ Đức Thế Tôn mỗi Phật tử đều cầu cho tâm thiện chan hòa, tinh thần tinh tấn thấm nhuần giáo lí nhiệm mầu, thế nên công việc ấy không dành cho những ai tâm động, bất an. Vậy nên dân gian đã khuyên chí lí:
“Cúi lạy con phải từ từ,
Đừng có vội vã mà hư thân mình”.
Đối với tài sản của Tam bảo, người đi chùa được khuyên không nên khởi phát lòng tham để tránh những quả báo xấu về sau: “Của già – lam chớ tham mang tội”. Chùa cũng là nơi để Phật tử chiêm nghiệm về nghiệp báo, thế nên để gửi gắm niềm tin tuyệt đối vào luật nhân quả tuần hoàn dân gian khuyên răn:
“Ai ơi chớ có ăn lời
Bụt kia có mắt, ông trời có tai”.
Khi đã bước chân vào cửa chùa, những hơn thua về địa vị, tài sản, quyền lực… đều phải xả bỏ bên ngoài chỉ còn giữ lại một tâm thức thành kính, trong sạch đến chốn thiền môn. Tự tính của chúng sinh là bình đẳng nên mỗi người cần giữ cho mình thái độ khiêm cung và hòa đồng với những bạn đồng tu, những thiện nam tín nữ đi chùa khác:
“Mỗi người một nước, một non,
Tới cửa nhà Phật như con một nhà”.
Đến chùa với tâm lành thuần khiết. Thế nên người Phật tử đến chùa chỉ nên chuyên tâm tu tập, rèn luyện thân tâm hoặc vấn đạo đối với chư Tăng. Trong nội bộ đại chúng không nên có thái độ hơn thua và ganh ghét nhau:
“Ở đây có cảnh có chùa,
Sớm hôm nghe pháp hơn thua làm gì”.
Chính việc nhịn nhường đã tạo nên vẻ đẹp trong cốt cách của người Phật tử.
“Ai nhất thì tôi lại nhì,
Ai tu hơn nữa tôi thì thứ ba”.
Bởi lẽ, đến chùa tu tập là nhu cầu hướng thiện trong tâm hồn của Phật tử chứ chùa không phải là nơi để chứng tỏ sự hơn thua trong quá trình tu tập. Hiểu thấu đáo vấn đề trên ca dao có những lời nhẹ nhàng duyên dáng:
“Lòng anh như Bụt đứng trong chùa
Sao em cứ nói chuyện hơn thua rứa hè?”
Quá trình trở thành một người Phật tử thuần thành, ngoài việc được trợ duyên của chư Tăng, người tu cũng cần sự trợ duyên từ chính bạn đồng tu. Thế nên việc đi đến chùa là “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Chính bạn đồng tu có thể giúp người tu vượt qua được những thử thách khó khăn trong quá trình tu tập. Bởi người tu trong quá trình tu tập luôn bị “quấy rầy” bởi những “chấp” vốn có sẵn trong cuộc sống thế tục:
“Ở đây gần bạn gần thầy,
Công phu sớm tối có ngày Tây phương”
Tuy nhiên, bên cạnh sự cần thiết tha lực trong quá trình trợ tu thì vấn đề tự lực của người tu cũng cần được đặt lên hàng đầu:
“Ai lên Hương Tích cảnh thiền,
Dừng chân chiêm bái tôi khuyên đôi lời.
Hãy tin tiềm lực con người,
Đừng trông đừng đợi trên đời ngoài ta”.
Song, khi đạt đến một thành tựu nào đó trong quá trình tu tập, nhiều người tu dễ nảy sinh tâm ngạo mạn. Câu ca dao đã có những khuyên răn chân thành nhưng hết sức thấm thía:
“Cũng đừng học thói kiêu sa,
Khiêm cung cẩn trọng mới là chính tâm”.
Tam độc (tiếng Phạn: trivisa) trong Phật giáo, nói về 3 trạng thái tinh thần có hại: ngu si (vô minh) (tiếng Phạn: moha), tham lam (tiếng Phạn: raga), sân hận (tiếng Phạn: dvesha). Vì bị kiềm chế bởi tam độc tham, sân, si nên chúng sinh luôn tạo nghiệp ác và do đó tạo ra những nghiệp lực dưới dạng tiền định lực, trói buộc tâm thức. Khi mạng sống chấm dứt, chúng sinh bị kiềm chế bởi những tiền định lực ấy sẽ phải đi theo nghiệp lực của mình để tái sinh trong 3 cõi 6 đường với một tâm thức và thân thể của kiếp sống mới, phù hợp với các nghiệp nhân đã tạo tác ra trong quá khứ. Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, người Phật tử khi bước chân vào cửa thiền cần phải cố gắng tiêu trừ đi tam độc ấy. Dân gian khuyên răn chí lí:
“Sân si nghiệp chướng không chừa,
Bo bo giữ lấy tương dưa làm gì”.
Giáo lý của Đạo Phật là phương pháp giúp con người chuyển hóa khổ đau để đạt đến hạnh phúc, an lạc từ bên trong tâm tính chứ không quá chú trọng đến hình thức tu tập ngoài thân. Quanh năm suốt tháng chăm chỉ ăn chay niệm Phật nhưng trong tâm không loại dần được những mê lầm, cố chấp thì quá trình tu tập ấy không thể đạt được thành tựu:
“Những ai bước tới cửa thiền,
Nhớ lời Phật dạy trong miền nhân gian.
Chừa dâm, chừa độc, chừa tham.
Trừ ba nết ấy mới làm ăn nên”.
Cũng nằm trong mạch đề tài ấy khi phê phán thái độ vọng ngoại, chú trọng hình thức bên ngoài của một bộ phận Phật tử. Dân gian đã mạnh dạn phê phán:
“Muốn tu chùa ngói, Bụt vàng
Chùa tranh, Bụt đất ở làng thiếu chi”.
Phật tử đến viếng chùa và Phật sự
Trong ca dao có đề cập đến Phật stự “Giỗ Bụt”. Ở đây đang đề cập đến sự kiện Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết bàn. Mỗi năm vào ngày này, các chùa thường tổ chức Phật sự một cách trọng thể, vì thế mà ca dao có câu:
“Chùa làng một điện, năm gian
Hàng năm giỗ Bụt, cả làng dâng y”.
Cụm từ “cả làng dâng y” thể hiện sự tôn kính trọng vọng Phật Pháp không chỉ ở một nhóm người mà đó là của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, ngày lễ Vu lan, ngày Rằm tháng Giêng cũng là những ngày lễ trọng đại được các chùa tổ chức chu đáo:
“Con ơi, ráng học kẻo thua
Vu lan lên chùa lạy Bụt, Bụt thương”.
(Ca dao)
“Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
(Tục ngữ)
Những vật phẩm dùng để cúng dường chư Phật trong các ngày lễ được thể hiện trong tục ngữ cũng rất phong phú:
– Hương Bụt thắp thờ Bụt.
– Đếm Bụt mà đóng oản.
– Ăn của Bụt thắp hương thờ Bụt.
– Oản chùa cúng Bụt, đất ruộng đắp bờ.
Khi bước chân vào chốn Thiền, mỗi chúng sinh đều bình đẳng, đều “tứ đại giai không”, những ân oán, tính toán thiệt hơn, địa vị cao sang hèn kém đều phải bỏ lại trước cổng chùa. Dưới cội bồ đề, dưới chân Tam Bảo, mọi Phật tử đều thành tâm hồi hướng đến những giá trị đẹp của đạo pháp. Thông qua khảo sát tư liệu ca dao – tục ngữ, tuy không thể đầy đủ tất cả các lễ nghi của người Phật tử trong chốn tu hành nhưng cũng có thể nói lên những nét chính yếu để giữ gìn vẻ nghiêm tịnh cho môi trường tu tập.

Con vào chánh điện đừng đùa với Sư.
Cúi lạy con phải từ từ,
Đừng có vội vã mà hư thân mình.
(Nguồn: thientonphatquang.com)
Có thể nói, nếu tâm nguyện trở thành người Phật tử thuần thành, muốn nương nhờ bóng Bồ đề để khởi tâm thiện thiết tưởng đại chúng khi đến chốn già lam cần nghiêm cẩn thực hành tu tập theo những quy tắc ứng xử cơ bản mà dân gian đã gửi gắm vào những bài ca dao tục, ngữ ngắn gọn dễ hiểu nhưng ý tứ cũng rất hàm súc thâm sâu. Đó chính là những bài học được người bình dân đúc kết qua những câu thơ giàu vần điệu dễ nhớ dễ thuộc. Đến với chùa là đến với cõi yên lành thuần khiết của tâm hồn, thế nên với người Phật tử cần rũ bỏ dần những tạp niệm để quá trình tu tập mau chóng đạt được hạnh phúc, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại.
Chú thích:
[1] Thích Viên Giác, Ai là Phật tử, http://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/22507-ai-la-phat-tu.html.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) – Nguyễn Thúy Loan – Phan Lan Hương – Nguyễn Luân, Kho tàng ca dao người Việt – tập 1 và tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, 2012.
2. Hoàng Tiến Tựu , Văn học dân gian Việt Nam (tập 2), Nxb Giáo dục, 1990.
3. Phạm Thu Yến, Phân tích tác phẩm Văn học dân gian theo đặc trưng thể loại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2013.
Looking for expert guidance on protecting assets while qualifying for Medicaid? As experienced elder law attorneys near me, our team at Ohio Medicaid Lawyers provides specialized legal assistance with Medicaid planning, estate planning, and asset protection strategies. We help seniors understand medicaid eligibility income charts and navigate the complex 5-year lookback period. Visit our website for comprehensive information about Ohio medicaid income limits 2024 and schedule a consultation with a trusted elder care attorney who can safeguard your future.
Understanding how gifting affects Medicaid eligibility is essential for proper planning. Ohio elder law professionals provide comprehensive guidance.