Vai trò của báo chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (SC. Thích Nữ Huệ Lộc)

Báo chí là phương tiện cập nhật thông tin nhanh nhất, có thể cho người đọc nắm được tin tức mang tính thời sự một cách tổng quan, kịp thời và phản ánh được những vấn đề quan trọng. Chính đặc tính thời sự của báo chí, nhận thấy ưu điểm này qua báo chí của các hội đoàn, những người nhiệt tâm chấn hưng Phật giáo đã vận dụng báo chí trong việc chấn hưng Phật giáo một cách thành công, gây được tiếng vang trong giới tri thức và nhân dân vào nửa đầu thế kỷ XX.

SỰ CẦN THIẾT PHẢI CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX (1920 – 1945)

Trong giai đoạn này nước ta đang chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, chúng chia nước ta thành 3 miền, dùng ba chính sách khác nhau để cai trị, Nam kỳ là xứ thuộc địa, Trung kỳ là xứ bảo hộ và Bắc kỳ là xứ nửa bảo hộ. Mục đích của Pháp là đồng hóa và bóc lột nhân dân Việt Nam, đồng thời kìm hãm sự phát triển của Phật giáo và các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa. Tăng đoàn vì biến thiên thời cuộc nên gặp khó khăn rất lớn trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp. Trước tình cảnh ấy, với tinh thần “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc” các bậc Trưởng lão cao Tăng đã phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Theo học giả Trần Trọng Kim, chấn hưng Phật giáo là “rủ nhau dựng lên hội Phật giáo, chủ yếu là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau cho bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với sự nhu nhuyến của người đời” [1].

Có thể thấy, chấn hưng Phật giáo là làm mới lại Phật giáo, chấn chỉnh lại Phật giáo mà ở đây là chấn chỉnh lại Tăng đoàn, về mặt sinh hoạt tu học, về trình độ nội điển cũng như ngoại điển. Nguyên nhân Phật giáo suy vi cũng có phần xuất phát từ tầng lớp Tăng sĩ, theo nhận định của Hòa thượng Khánh Hòa “Phật pháp suy đồi, Tăng đồ thất học và không đoàn kết” [2]. Còn theo cư sĩ Khánh Vân đã nhận định trong Tạp chí Duy Tâm số 18 rằng “Đạo Phật suy đồi vì một số không ít Tăng Ni không hiểu đạo Phật và xem thường giới luật” [3]. Từng bước một, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã hóa giải những khó khăn, thách thức ấy.

CÁC TỜ BÁO TIÊU BIẾU TRONG PHÒNG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM 

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam vẫn phát triển rộng khắp ba miền, huy động sự tham gia của nhân sĩ trí thức yêu nước và các tầng lớp nhân dân. Mục tiêu đặt ra là lập hội đoàn, đưa ra các hoạt động của hội như đào tạo Tăng tài, lập Thích Học Đường, xuất bản tạp chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ… Trong đó, việc xuất bản tạp chí đóng vai như là cầu nối thông tin giữa người dân ba miền lại với nhau, giữa người dân với đội ngũ các tầng lớp tri thức, các bậc cao Tăng, là tiếng nói của Phật giáo yêu nước. Báo chí của các đoàn thể Phật giáo yêu nước đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, thúc đẩy việc chấn hưng phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Nổi bật là ba tờ báo của ba tổ chức có ảnh hưởng lớn, gây được tiếng vang, thúc giục đoàn kết chấn hưng đó là hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học với tờ Từ Bi Âm, hội An Nam Phật học với tờ Viên Âm, hội Phật giáo Bắc kỳ với tờ Đuốc Tuệ.

TẠI MIỀN NAM

Trước khi hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (HNKNCPH) ra đời, Tổ Khánh Hòa đã xuất bản Tạp chí Pháp Âm ngày 31/8/1929. Đây là tạp chí đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Phật giáo Việt Nam do Ngài Khánh Hòa làm Chủ nhiệm. Tạp chí được in ở nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn dưới sự bảo trợ của Hội Lục Hòa, tuy nhiên báo này chỉ ra một số duy nhất rồi bị đình bản [4]. Sau đó, năm 1930 tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên được xuất bản thay cho tờ Pháp Âm. Ngày 26/8/1931, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được phép thành lập và đi vào hoạt động dưới sự đồng ý của Thống đốc Nam kỳ theo Nghị định số 2062. Hội quán đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) và cho xuất bản Tạp chí Từ Bi Âm, ra số đầu tiên 01/02/1932, tồn tại14 năm, được 235 số [5].

Ngày 13/8/1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học được phép thành lập và đi vào hoạt động tại Trà Vinh. Tháng 10 – 1935, Tạp chí Duy Tâm Phật Học ra đời, do Hòa thượng Huệ Quang làm Chủ nhiệm, Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe quản lý [6], trụ sở đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh) và mỗi tháng ra một kỳ. Hội Lưỡng Xuyên Phật Học và Tạp chí Duy Tâm tồn tại cho đến khi chiến tranh xảy ra năm 1945. Năm 1936, Hòa thượng Thiện Chiếu cùng với Sư Trí Thiền thành lập hội Phật học Kiêm Tế, trụ sở tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Kiên Giang, cho ra mắt Tạp chí Tiến Hóa. Có thể thấy, tại miền Nam đã hình thành được rất nhiều hội đoàn cùng cơ quan ngôn luận của hội, tiêu biểu là các tạp chí như Pháp Âm (1929), Phật hóa tân thanh niên (1930), Từ Bi Âm (1932), Duy Tâm (1935) và còn nhiều tạp chí khác.

TẠI MIỀN TRUNG

Ngày 30/5/1933, Nguyệt san Viên Âm, cơ quan ngôn luận của hội An Nam Phật học (HPHAN) được Toàn quyền Pháp cho phép ấn hành theo Nghị định Số 2009/P3. Tòa soạn đặt tại số 13, đường Champeau, Huế. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 01/12/1933 [7]. Về hình thức, trang bìa của tạp chí vẽ hình một lư hương có khói tỏa, ở giữa ghi tên của tờ báo bằng chữ Quốc ngữ, chữ Viên bên phải và chữ Âm bên trái. Bên dưới đỉnh là hàng chữ Phật Học Hội Nguyệt San (chữ Hán) và cuối cùng là hàng chữ Quốc ngữ Nguyệt San Phật Học. Nguyệt san Viên Âm xuất bản hàng tháng [8]. Về nội dung, Viên Âm được phép xuất bản với điều kiện: “Chỉ giảng giải các giáo lý của Phật giáo ra chữ Quốc ngữ” nên tôn chỉ của báo là lấy ba tạng kinh điển làm tài liệu cho ngôn luận, và tất cả các bình luận, giảng giải thi văn trong Nguyệt san đều theo ý nghĩa của chữ Viên Âm mà tuyên dương, không đem lời hung ác, nói việc hoang đàng di hại về sau, mang lấy điều tội lỗi” [9]. Hai số đầu tiên chỉ có 4 mục: “Quyển đầu ngữ, Như thị pháp, Biệt khai phương tiện và Sự tích đức Phật Thích ca” [10]. Từ số thứ 3 báo bổ sung thêm mục Tin tức. Năm 1937, Viên Âm đã có sự điều chỉnh về nội dung các chủ đề của tạp chí trong mục Luận đàn, bổ sung thêm ý kiến phụ nữ đối với Phật học (bắt đầu từ số 26) và mục Thanh niên học Tăng (từ số 28). Năm 1940, có thêm mục Ngôn luận Thanh niên, chủ yếu là bài của các cây bút trẻ trong Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục như Đinh Văn Nam, Ngô Điền, Ngô Thừa, Phạm Hữu Bình, Võ Đình Cường. Cũng trong thời gian này đất nước gặp nhiều khó khăn do phải đối phó với thực dân Pháp và phát xít Nhật nên các hoạt động chấn hưng Phật giáo buộc phải chững lại, tờ Nguyệt san Viên Âm đình bản ở số 78 do thiếu kinh phí và bài viết [11].

Ngày 15/1/1937, Tạp chí Tam Bảo được Khâm sứ Trung Kỳ cho phép ấn hành. Tòa soạn đặt tại số 59, đường Marc Pourpe, Chủ bút là Thượng tọa Trí Hải, nội dung chính gồm khảo cứu các vấn đề về Phật giáo, Vấn đáp, Kinh diễn âm và diễn nghĩa, Truyện Cao Tăng nước ta, Nhàn đàm và Văn uyển. Về hình thức: “Trên cùng là tiêu đề tạp chí bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán; tiếp theo là hình ảnh về chư vị hòa thượng đang tụng niệm dưới ánh sáng Phật pháp, trước mặt vị Hòa thượng là cuốn tạp chí Tam Bảo và phía bên phải là dòng chữ Đạo – Tâm trong hàm ý muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hai yếu tố này trong quá trình tu hành; cuối cùng là một số thông tin về tạp chí. Tạp chí được in tại nhà in Đắc Lập, Huế, khổ 240 x 160 cm (A5), mỗi số khoảng 60 đến 62 trang”[12]. Nhằm khôi phục Tam bảo làm cho tất cả chúng sanh phát tâm Bồ đề, khai trí bát nhã cùng nhau đạt đến Niết bàn. Nhưng đến năm 1938, tạp chí bị đình bản ở số thứ 8 vì thiếu kinh phí và bài vở.

Sau Cách mạng tháng Tám, Tăng Ni Phật tử đã vận động thành lập tổ chức Phật Cứu quốc Trung Bộ và cho ấn hành Tạp chí Giải Thoát do Hòa thượng Mật Thể làm Chủ nhiệm để làm cơ quan ngôn luận. Nội dung chính là các bài viết thể hiện lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của Tăng Ni, Phật tử, khảo cứu các vấn đề liên quan đến đạo Phật, bài viết thể hiện sự suy tư, quan điểm, lập trường của người Phật tử đối với phong trào chấn hưng. Ngoài ra, tờ Giác Ngộ cũng hưởng ứng tinh thần này. Ông Mừng nhận định rằng “Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Nguyệt san Viên Âm đã góp phần quan trọng vào việc chuyển tải nội dung chấn hưng Phật giáo đến đông đảo Tăng Ni, Phật tử cũng như quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, những thông tin mà Nguyệt san Viên Âm thu nhận được nó còn giúp cho Ban Trị sự hội Phật học An Nam hoàn thiện đường lối chấn hưng của mình” [13].

TẠI MIỀN BẮC

Báo Đuốc Tuệ (ĐT), xuất phát từ nhà in Đuốc Tuệ hoạt động từ tháng 12 năm 1935 nhưng đến ngày 10/8/1936 mới khai trương, nhà in đặt tại chùa Quán Sứ do ông Nguyễn Hữu Kha làm quản lý, Nguyễn Năng Quốc làm Chủ nhiệm, Phan Trung Thứ làm Chủ bút. Nội dung đăng tải các bài thuyết pháp, diễn giảng, nghiên cứu của các học giả cũng như các truyện ngắn, tin tức cần thiết và thời sự của hội cũng như các chi hội ở địa phương. ĐT tồn tại 10 năm, “số đầu tiên ra mắt ngày 10/12/1935, các số cuối 257 – 258 ra ngày mùng 1 và 15 tháng 8 năm 1945. Các số 253 – 254 không được in” [14], trong hai năm đầu 1935 đến năm 1936 báo ra hàng tuần, mỗi số 32 trang, khổ báo 14×23 cm in 5.000 bản, tổng cộng có 52 số.

Về hình thức: Bìa báo được trình bày nhiều chữ, nhiều thông tin như số báo, ngày xuất bản, tên hội bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, huy hiệu hình tròn giữa có hoa sen, bao quanh viền là dòng chữ Hán, giá báo, địa chỉ liên hệ [15]. Ba năm tiếp theo (1937-1939) báo chuyển từ tuần sang mỗi tháng hai kỳ, và số lượng trang tăng lên thêm 16 trang nữa là có 48 trang, ngược lại số lượng in giảm xuống từ 5.000 bản chỉ còn 3.300 bản. Bìa báo được thiết kế thẩm mỹ và bắt mắt hơn, chính giữa trang bìa có hình ảnh Đức Phật, bìa được in bằng giấy màu. Thời gian càng về sau lượng báo cũng như số trang giảm dần và không ổn định, lúc thì 32 trang, lúc thì 24 trang, và mỗi tháng ra một số, thậm chí còn ra số đôi, số ba, ví như số 144-145-146. Đặc biệt vào ba năm cuối, báo càng khó khăn hơn, và đây cũng là tình hình chung của tất cả các tờ báo thời bấy giờ, giá các vật liệu tăng cao vì điều kiện chiến tranh, mặc dù báo đã 3 lần tăng giá từ 2 đồng Đông Dương lên 3 đồng Đông Dương, rồi 5 đồng Đông Dương, nhưng chất lượng giấy vẫn xấu, bản in lại mờ, khổ báo nhỏ hơn… [16].

VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ ĐỐI VỚI PHONG TRÀO TRẤN HƯNG CỦA PHẬT GIÁO

Như chúng ta đều biết, các hội đoàn ra đời kéo theo sự ra đời của báo chí, báo chí là cơ quan ngôn luận đại diện cho tiếng nói của hội đoàn, cho tập thể, chính vì vậy báo chí có một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Theo Ninh Thị Sinh nhận định: “Tạp chí Đuốc Tuệ, hướng tới cả chư Tăng và tín đồ, giữ vai trò quan trọng trong nghiên cứu, cũng như phổ biến tư tưởng của đạo Phật trong dân chúng” [17]. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. “Ngay sự xuất hiện của những trường dạy học bằng chữ Quốc ngữ, những nhà xuất bản và tòa soạn ở các đô thị lớn trong mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX đã góp phần mở mang nhận thức cho người dân, không thể bám lấy nếp suy nghĩ xưa cũ” [18]. Báo chí có vai trò khích lệ tinh thần tự lực tự cường của toàn dân. Đất nước ta thời bấy giờ đang chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, chúng dùng chính sách ngu dân với dân tộc ta, trước thực trạng đó, các tờ báo ra đời bằng chữ Quốc ngữ như là một đòn phản công quyết liệt trên bình diện văn hóa, “dùng gậy ông đập lưng ông” nhân dân ta đã dùng báo chí, chữ Quốc ngữ làm công cụ trong việc truyền thông tin tức đến với dân chúng và ngày làm làm giàu hơn cho tiếng Việt.

Động viên tinh thần hiếu học của dân tộc, Đuốc Tuệ đăng những thông tin, thông báo về các hoạt động giáo dục của trường Phật học, giới thiệu các kỳ thi đầu tiên của bậc tiểu học ở chùa Bồ Đề [19] báo chí được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ, đã góp phần thúc đẩy việc học chữ Quốc ngữ trong toàn dân, đồng thời phổ biến nền văn hóa báo chí nước nhà. Báo chí cung cấp thông tin, truyền thông liên lạc giữa các miền với nhau. Báo chí có vai trò phổ biến rộng rãi giáo lý Phật giáo đến nhân dân. Tờ Đuốc Tuệ đăng những bài thuyết pháp của chư Tăng nội dung là giáo lý của đạo Phật trong kinh sách, báo Đuốc Tuệ số 195 – 196 có danh sách các bài thuyết trình và diễn giảng từ ngày 9/1942 đến 01/1943. Bên cạnh đó là các bài diễn giảng của cư sĩ, học giả về Phật pháp với nội dung là lịch sử đạo Phật, quá trình truyền bá đạo Phật vào nước ta, các học thuyết, đạo lý của đạo Phật [20]. Ngoài ra, tạp chí này còn có trang thơ về Kinh, Đuốc Tuệ số 22 đăng Kinh Thiện Sinh dưới dạng một bài thơ với những câu thơ ngắn, ngôn từ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ.

Báo chí là công cụ chuyển tải tinh thần từ bi của Phật giáo. Thông qua các chương trình nhường cơm sẻ áo, cứu trợ đồng bào trong nạn đói mất mùa, trong cơn lũ lụt. Đuốc Tuệ đưa tin về các hoạt động từ thiện của HPGBK cũng như danh sách các hội viên tham gia cứu trợ, trung ương hội Phật giáo cùng các nhân viên của Đông Pháp thời báo đem “Gạo, bánh, sữa, chăn, chiếu, áo” đến vùng lũ Bắc Giang.

ẢNH HƯỞNG CỦA BÁO CHÍ TRONG CÔNG CUỘC TRẤN HƯNG CỦA PHẬT GIÁO

Ngay từ buổi đầu khi Hòa thượng Khánh Hòa cử giáo thọ Thiện Chiếu (1898-1974) (một nhà sư thanh niên giỏi Hán học lẫn tân học, bấy giờ đang trụ trì chùa Linh Sơn, Cầu Muối, Sài Gòn) từ Nam ra Bắc để tìm hiểu tình hình chấn hưng Phật giáo ở Bắc. Đến tháng 5 năm Đinh Mão sư trở lại đem theo mấy cuốn Hải Triều Âm của Phật giáo Trung Hoa vừa xuất bản [21] và chương trình của hội Phật giáo Trung Hoa, điều này càng thôi thúc Tổ Khánh Hòa sớm đẩy mạnh công cuộc chấn hưng. Như vậy ngoài động lực chấn hưng nội sinh từ Hòa thượng, thì yếu tố báo chí, tờ Hải Triều Âm của Đại sư Thái Hư đã phần nào tác động đến tư tưởng chấn hưng của tổ.

Thứ nữa, để mức ảnh hưởng của phong trào lan rộng, các tờ báo của hội dần được ra mắt, đầu tiên là tờ Pháp Âm- tờ báo Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, sau đó là các tờ báo khác như Từ bi âm, viên âm, Đuốc Tuệ như đã trình bày ở trên. Qua đó ta thấy rằng, báo chí đã gắn kết những con người có cùng chí hướng chấn hưng Phật giáo ở trên thế giới nói chung và ở ba miền Việt Nam nói riêng, làm cho tình người xích lại gần nhau hơn, để cùng thực hiện nghĩa vụ cao cả “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Có thể nói, chấn hưng Phật giáo gồm các hoạt động lên kế hoạch chấn hưng, vận động những người cùng chí hướng, vận động tài chính, thành lập các tổ chức đoàn thể hội đoàn, tạo dựng hệ thống cơ sở, chùa tháp, giảng đường thư viện, phòng đọc, phát hành báo chí, hướng dẫn Phật tử trở về niềm tin chánh tín, đào tạo một tầng lớp Tăng Ni tài đức… tất cả những hoạt động đó chung quy đều phục vụ cho mục đích cao cả là chấn hưng Phật giáo, mà nòng cốt là chấn hưng Tăng sĩ.

Như vậy, dù bất cứ thời đại nào đi nữa thì yếu tố Tăng sĩ vẫn luôn là nhân tố trung tâm. Trong thời chấn hưng Phật giáo, hoạt động đào tạo Tăng tài được các Hòa thượng ở ba miền chú trọng và có các chương trình hoạt động cụ thể, tuy nhiên, việc thực hiện được hành động đó không thể không nhắc đến sự có mặt của báo chí. Sự ra đời của báo Phật giáo gióng lên hồi chuông kêu gọi toàn dân tham gia công cuộc chấn hưng, người có công góp công, người có của góp của, bằng chứng là sư Thiện Chiếu đã cúng chùa Linh Sơn cho Hòa thượng Khánh Hòa làm công cuộc chấn hưng, sư Nguyễn Thị Đoan trụ trì chùa Quán Sứ cúng chùa cho sư Thái Hòa và Trí Hải để làm việc Phật cho tiện [22]; tại Huế có sư Phước Huệ từ Bình Định ra dạy học cho Tăng Ni… Báo chí thời bấy giờ như một nguồn khích lệ động viên về phương diện tinh thần, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Phật tử và nhân dân, chứng minh rằng Phật giáo là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

 

Chú thích:

* SC. Thích Nữ Huệ Lộc: Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Trần Trọng Kim (1935), Phật giáo với cuộc sống nhân sinh, Nhà in Trung Bắc Tân văn, tr.5.

[2] Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr.37.

[3] Nguyễn Đức Sự, Lê Tâm Đắc (2010), Mấy vấn đề về Phật giáo trong lịch sử Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.80.

[4] Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn (2018), Sđd, tr.14.

[5] Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn (2018), Sđd, tr.189.

[6] Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn (2018), Sđd, tr.16.

[7] Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932 – 1951), Nxb Đà Nẵng, tr.107.

[8], [10] Dương Thanh Mừng (2017), Sđd, tr.108.

[9] Dương Thanh Mừng (2017), Sđd, tr.107.

[11] Dương Thanh Mừng (2017), Sđd, tr.108-109.

[12] Dương Thanh Mừng (2017), Sđd, tr.109.

[13] Dương Thanh Mừng (2017), Sđd, tr.111.

[14] Dương Thanh Mừng (2017), Sđd, tr.303.

[15], [16] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.304.

[17] Ninh Thị Sinh (2020), Sđd, tr.301.

[18] Nguyễn Đức Sự, Lê Tâm Đắc (2010), Sđd, tr.79.         

[19] Ninh Thị Sinh (2020), Sđd, tr.205.

[20] Ninh Thị Sinh (2020), Sđd, tr.186.

[21] Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn (2018), Sđd, tr.27.

[22] Ninh Thị Sinh (2020), Sđd, tr.95.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *