Trong hơn hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện rõ tinh thần nhập thế sâu sắc. Với tinh thần ấy, Phật giáo đã góp phần vào sự kiến thiết quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc trước sự xâm lấn từ ngoại bang. Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn sự đóng góp tích cực của Phật giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh nhà Sư lên yên ngựa ra trận đánh giặc ngoại xâm với tinh thần “từ bi nãi sát sanh, dĩ độ chúng sanh” đã trở nên quen thuộc trong các cuộc chiến chống xâm lăng thời phong kiến. Truyền thống đó tiếp tục được phát huy trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.
NHÀ SƯ KHOÁC CHIẾN BÀO THAM GIA KHÁNG CHIẾN
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên, Gia Định trở thành trung tâm dấy lên phong trào chư Tăng kháng Pháp. Ngôi chùa đã trở thành nơi liên lạc giữa chư Tăng yêu nước kết nối từ Gia Định với các vùng miền khác của Nam bộ, tiêu biểu như: chùa Long Thạnh (Bình Chánh), Trường Thạnh (quận 1),… Khi thực dân Pháp chiếm đóng Gia Định, chùa chiền bị biến thành đồn bốt, kinh Phật bị đốt cháy hoặc thất lạc, sư Tăng bị bắt đi lính cho Tây [1].
Giai đoạn Phật giáo có cuộc chấn hưng lớn vào đầu thế kỷ XX, Gia Định chính là trung tâm bộc phát mạnh mẽ hoạt động của các nhà Sư Khánh Hòa, Thiện Chiếu, Khánh An, Huệ Quang,… Từ đây, hội Phật giáo đầu tiên trong cả nước được thành lập: Nam Kỳ nghiên cứu Phật học Hội (1931). Năm 1934, ngôi chùa Ni đầu tiên ở Gia Định thành lập, mang tên Từ Hóa sau đổi thành Hải Ấn Ni Tự [2]. Trong Cách mạng tháng Tám, nhiều tín đồ Phật giáo đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công, trong cuộc mít tinh tại trụ sở Ủy ban khởi nghĩa Sài Gòn, hàng ngàn tín đồ đã cùng các Tăng Ni như Hòa thượng Hồng Từ (chùa Sùng Đức), Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh)… trưng biểu ngữ hoan hô cách mạng thắng lợi và đề nghị Phật giáo được gia nhập Mặt trận Việt Minh. Hội Phật giáo cứu quốc cũng ra đời trong bối cảnh đó. Nhưng nhân dân Nam bộ chỉ hưởng độc lập trọn vẹn được 21 ngày, đã phải cầm súng chống giặc Pháp tái xâm lược. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam nhất tề vùng dậy, thề “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trong đó có đông đảo tín đồ Phật giáo. Sự ra đời của Hội Phật giáo cứu quốc đã trở thành nơi tập hợp lực lượng, để từ đó các nhà Sư “cởi áo cà sa mặc chiến bào” cùng quyết tâm kháng chiến chống Pháp, bảo vệ non sông.
Đức Phật từng khuyên các đệ tử: Tha lực của Phật, của Bồ tát chỉ có phần hỗ trợ, mỗi người “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Có lẽ hơn hai nghìn năm qua, khi đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã lĩnh hội sâu sắc lời dạy Đức Phật và thể nghiệm tinh thần: “Phật pháp thập nhị thế nhi phi yếm thế. Từ bi nãi sát sinh, dĩ độ chúng sinh”, tức Đạo Phật là đạo nhập thế chứ không yếm thế, từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh. Với truyền thống đó, các nhà Sư Nam bộ đã không ngại dấn thân để giữ gìn độc lập dân tộc. Năm 1946, sư Trương Minh Nguyệt cùng các tu sĩ ra chiến khu Đồng Tháp Mười lập Ban chấp hành Phật giáo Nam bộ, đặt Văn phòng Trung ương tại chùa Ô Môi (xã Mỹ Quý, Đồng Tháp Mười). Phật giáo cứu quốc Nam bộ được tổ chức tại Gia Định, Chợ Lớn, Sài Gòn, Bà Rịa, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá,… Hội đã xuất bản báo Tinh Tấn, do sư Tam Không (Thích Minh Nguyệt) làm chủ nhiệm. Từ đó, dấy lên phong trào tham gia kháng chiến chống Pháp trong giới tu sĩ Phật giáo và đồng bào Phật tử. Năm 1949, Xứ ủy Nam bộ chỉ Đạo Phật giáo cứu quốc Nam bộ tuyên bố tự giải tán, chỉ để lại đại diện Phật giáo trong Mặt trận Liên Việt. Năm 1952, Phật giáo cứu quốc chuyển hướng hoạt động công khai bằng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Tăng trưởng là thiền sư Thiện Tòng, văn phòng đặt tại chùa Trường Thạnh.
Với tư cách là Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam bộ, năm 1949, Thiền sư Minh Nguyệt từ Mỹ Tho về Gia Định lập Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, cử Thiền sư Bửu Đăng làm Hội trưởng, Pháp Dõng làm Hội Phó, Thiện Hào làm Uỷ viên, chọn chùa Tường Quang ở xã An Phú Đông làm trụ sở. Thực dân Pháp đánh phá ác liệt vào căn cứ cách mạng An Phú Đông, trụ sở của Tỉnh hội phải dời về chùa Thiên Phước (Cầu Kho). Cuối năm 1950, Thiền sư Thiện Hào về Mỹ Tho hoạt động Phật sự. Năm 1951, sư Thiện Hào được Tăng Ni, Phật tử Mỹ Tho bầu làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già Mỹ tho. Năm 1952, Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ lúc này đã giải thể, với tư cách Ủy viên Ủy ban Mặt Trận Liên Việt tỉnh Mỹ Tho, Thiền sư Minh Nguyệt đã giới thiệu Thiền sư Thiện Hào vào chiến khu Đồng Tháp Mười dự hội nghị dân tộc và tôn giáo, sau đó nhà Sư ở lại căn cứ để tìm hiểu đường lối cách mạng miền Nam.
Thực tế cho thấy mỗi khi các tổ chức Phật giáo trở thành lực lượng xã hội đáng kể và ảnh hưởng trực tiếp đến thời cuộc thì giới Phật tử yêu nước sẽ tìm thấy con đường phục vụ nền độc lập dân tộc chính là kháng chiến. “Những Phật tử tham gia kháng chiến, ở chiến khu hay nội thành, báo động hay bất động đều chứng minh một cách hùng hồn lòng yêu nước của họ. Các Tăng sĩ tham gia chiến đấu trong hàng ngũ kháng chiến đã có trên bốn trăm Tăng sĩ anh dũng hy sinh trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1954”. [3]
Riêng Phật giáo Tây Nam bộ vẫn luôn giữ tinh thần “Vì đạo pháp – Vì dân tộc”. Trong kháng chiến chống Pháp, đông đảo Tăng Ni, Phật tử Vĩnh Long đã tham gia cứu nước với tư cách hội viên Hội Phật giáo Vĩnh Trà (Vĩnh Long – Trà Vinh) do sư Hoàn Tâm làm Hội trưởng và sư Hoàn Thông (trụ trì chùa Hội Thắng ở Cầu Kè) là hội phó. Không ít nhà Sư như: thầy Minh Quang, Hoàn Thiện, Hoàn Triều, Chánh Đức,… đã “đi kháng chiến” và hy sinh tại mặt trận. Hòa thượng Đồng Huy quê ở Bình Thuận vào Trà Vinh học tại Phật đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh). Năm 1945, khi phong trào cách mạng lên cao, theo tiếng gọi Tổ Quốc, Hoà thượng tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh.
Ở Bến Tre, khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà sư Lê Khánh Hòa đang trụ trì chùa Tuyên Linh, đã kêu gọi Phật tử ủng hộ chính quyền cách mạng, tham gia công cuộc chuẩn bị kháng chiến. Năm 1947, Hòa thượng Lê Khánh Hòa lâm bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, ông đã cẩn thận sắp xếp lại tổ chức trong Giáo hội, căn dặn học trò, tín đồ hãy tích cực tham gia kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Năm 1945, Hoà thượng Thái Không (1902-1983) thế danh Hoàng Danh Phi, người ở Thạnh Phú (Bến Tre), trụ trì chùa Tuyên Linh được bầu làm Trưởng Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Bến Tre và là thành viên Mặt trận Việt Minh ở Giồng Miễu.
Tại Bạc Liêu, một trong “những người cộng sản đầu tiên sau hoạt động nội thành Bạc Liêu” là nhà Sư Nhật Quang tức Nguyễn Văn Nhẫn. Ông đã cùng đồng chí của mình gầy dựng cơ sở cách mạng ở thị xã Bạc Liêu, tích cực chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. Mặt trận Việt Minh tại Bạc Liêu còn tổ chức lực lượng Phật giáo cứu quốc do các nhà sư Thích Nhật Minh, Thích Nhật Tấn, Thích Chí Hiếu lãnh đạo, góp phần đáng kể cho thành công của Cách mạng tháng Tám. Khi thực dân Pháp tái chiếm nước ta, Thượng tọa Thích Chí Hiếu đang là trụ trì chùa Long Phước (TP. Bạc Liêu) đã tạo điều kiện cho công binh xưởng của Tỉnh đội Bạc Liêu trú đóng và hoạt động tại chùa.
Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam bộ cũng có những đóng góp đáng kể cho sự thành công của công cuộc kháng chiến chống Pháp. Giữa năm 1947, nhiều nhà Sư đi theo Đảng và tuyên truyền vận động, làm cho đồng bào Khmer thấy rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù. Sau khi Hội ủng hộ Issarak các tỉnh ra đời, đồng bào Khmer càng mở rộng khối đoàn kết và tích cực tham gia kháng chiến. Các tỉnh đều có chủ trương quán triệt chính sách dân tộc và tổ chức ra báo tiếng Khmer. Các tờ báo và tài liệu tuyên truyền được đưa ra vùng giải phóng để phân vùng Khmer bị địch tạm chiếm bên cạnh hệ thống tuyên truyền miệng của cán bộ và các đoàn thể cứu quốc và cán bộ Hội Issarak.
Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh thường cử cán bộ người Khmer tiếp xúc và mời các vị Sư sãi có uy tín tham gia xây dựng chính quyền, mặt trận và đoàn thể cách mạng. Đội võ trang tuyên truyền đặc trách Khmer thành lập, lúc đầu chỉ có một trung đội, sau vài tháng hoạt động đã phát triển tương đương một đại đội. Trong các đội vũ trang này có sự tham gia của đông đảo thanh niên Phật tử người Khmer. Tại Cà Mau, một số vị cao Tăng được cử tham gia vào tổ chức cách mạng và giữ vị trí quan trọng như: Hòa thượng Tăng Hô (thành viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ – hy sinh trong kháng chiến), Hòa thượng Tăng Nê – Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam bộ,…
Năm 1950, Tỉnh ủy Long Châu Hà quyết định mở “Đại hội Liên Tôn”, một số chùa Khmer được mời dự hội thảo với chủ đề “Tôn giáo và dân tộc” nói lên tấm lòng của người có đạo với kháng chiến, đồng thời tố cáo tội ác của thực dân và tay sai. Cuộc hội thảo đã đi đến kết luận phải làm cho đồng bào nhận thức rõ bổn phận và trách nhiệm phải đoàn kết một lòng, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Từ đó, đồng bào và Sư sãi Khmer giác ngộ cách mạng ngày càng đông. Cơ sở cách mạng trong vùng Khmer và đội ngũ cán bộ dân tộc ngày càng tăng lên, thanh niên Khmer Trà Vinh tham gia Vệ quốc đoàn và bộ đội Issarak ngày càng nhiều.
Tại Sóc Trăng, nhiều Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer đã tham gia nhiều trận đánh, phá tan nhiều trận càn, triệt hạ các lô cốt của địch. Hàng trăm Sư sãi tham gia vào buổi nói chuyện về chủ trương kháng chiến và chính sách dân tộc của Đảng. Việc làm đó đã tác động lên nhiều chuyển biến tích cực, khiến đồng bào và các cơ sở ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cán bộ, với bộ đội Issarak tạo nên tình đoàn kết dân tộc, lập nhiều chiến công, điển hình trong hai trận Xẻo Me, Cồn Nóc.
BÁO CHÍ PHẬT GIÁO GÓP PHẦN ĐÁNG KỂ VÀO CÔNG CUỘC KHÁNG CHIẾN
Báo chí Phật giáo có vai trò quan trọng đối với phong trào cách mạng, tiêu biểu thời kỳ này có tờ báo Tinh Tấn. Năm 1946, Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ ra đời và đặt văn phòng tại chùa Ô Môi, Đồng Tháp Mười. Hội lấy tờ báo Tinh Tấn làm cơ quan ngôn luận, bởi Lục độ Ba la mật là trụ cột của Phật giáo Đại thừa. Trong Lục độ (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ), tinh tấn là điều kiện duy nhất để đi đến việc thành công mỹ mãn.
Báo in ở nhà in Trí Thiền, có bốn trang khổ lớn, ngoài các bài viết có mục Công tác kháng chiến đăng tin tức Phật tử tham gia kháng chiến, chùa chiền hiến chuông và đồ đồng đóng góp cho các công binh xưởng đúc đạn,… Số đặc san in khổ nhỏ, có 12 trang, bài viết phong phú, có cả mục phóng sự. Tờ báo không ra định kỳ nhưng số lượng phát hành khá cao, 5.000 số/kỳ. Theo lời giới thiệu, mục đích Tinh Tấn ra đời là:
1. Tấn triển công tác kháng chiến cứu quốc cũng như kiến quốc, thiết thực của người Phật tử.
2. Nghiên cứu giáo lý Đại thừa để phát huy tinh hoa Phật giáo.
3. Nâng cao chánh Pháp để chỉnh đốn Giáo hội Tăng già.
4. Đem chánh tín diệt trừ mê tín cho hợp với “đời sống mới” của toàn dân.
Với một trong những mục đích của tờ báo là: “Tấn triển công tác kháng chiến cứu quốc cũng như kiến quốc, thiết thực của người Phật tử”, Phật giáo thấy thực sự hòa nhập vào không khí sôi động chung của cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Trên tờ Tinh Tấn số 2 ngày 25/7/1949, có bài xã luận kêu gọi: “Giờ này giặc càng thua càng dữ, đồng bào càng chịu khốn khó. Chúng ta là Phật tử, đã thề vì nước vì dân, xông ra chống giặc thời phải kiên quyết thêm lên. Chúng ta phải nói: Phật tử tinh tấn, phải tinh tấn hơn nữa, để thi hành đúng lịnh chuẩn bị tổng phản công, hoàn thành sứ mạng của Phật tử kháng chiến”. Tờ Tinh Tấn số 3 là số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, in khổ lớn, trang đầu trích Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, trang cuối trích lời di giáo của Hòa thượng Khánh Hòa rằng: “Giết chết một con kiến mà lợi riêng cũng có tội; giết một ngàn giặc Pháp để cứu nước là làm phước”.
Trên đặc san Tinh Tấn số đặc biệt ra ngày 25/7/1949, có bài tường thuật lễ kỷ niệm ngày Đản sinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ tổ chức. Bài viết cho biết: “Ngày mùng 8/4 năm Kỷ Sửu, tức ngày 5/5/1949, Ban Chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam bộ hợp cùng Phật giáo cứu quốc liên tỉnh Mỹ Tho – Sa Đéc tổ chức rất long trọng ngày lễ sinh nhật Đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni tại một địa điểm Nam bộ (báo không nói địa điểm cụ thể vì lý do bảo mật và bảo đảm an toàn cho địa phương này). Các cấp Dân-Quân-Chính, đồng bào, Phật tử tham dự trên 6000 người”.
Đứng trước máy phóng thanh, ông Tam Không, Hội trưởng, đại diện Phật giáo cứu quốc Nam bộ và Liên tỉnh Mỹ Tho – Sa Đéc đọc diễn văn khai mạc. Ông nhắc lại lòng yêu nước của các bậc Tăng già tiền bối trải qua các thời đại; ông giải thích ý nghĩa, thành tích tham gia kháng chiến của Phật tử Nam bộ: “Phật giáo đồ Nam bộ đã khai sát giới, gia nhập Vệ quốc quân và dân quân, cầm súng mang dao, giết giặc trừ gian. Đặc biệt tỉnh Bạc Liêu, số hội viên Phật giáo cứu quốc chỉ hơn 5.000 mà đã sung vào dân quân đến 1.500 người. Ngoài ra, còn có nhiều nhà Sư cùng với Vệ quốc quân ba khu Nam bộ đền nợ nước tại chiến trường. Việc cứu giúp đồng bào, đỡ đầu bộ đội, ủng hộ quân nhu, Phật giáo đồ đã thực hành đúng lý tưởng lợi tha, bác ái của Đức Phật. Chuông, khánh là của quý của nhà chùa mà tỉnh Mỹ Tho đã hiến cho Binh công xưởng 50 đại hồng chung, 14 tiểu hồng chung và tỉnh Sa Đéc trên 2 tấn đồ đồng. Toàn Nam bộ số hội viên Phật giáo cứu quốc đã có chừng 30.000 mà đã ngót 1.000 cha, mẹ, chị tham gia Hội Mẹ chiến sĩ đỡ đầu chiến sĩ…” [4]
Để kết thúc, ông nhấn mạnh lòng kính mến của Phật giáo đồ Nam bộ đối với Cụ Hồ – vị Bồ tát noi gương Đức Phật Thích Ca hoàn toàn hy sinh cho dân tộc. Ông hô to khẩu hiệu: “Thích tử phụ bất tử” tất cả Phật giáo đồ cúi đầu quán tưởng Đức Từ Phụ. Tiếp theo khẩu hiệu “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm” và “Hồ Chí Minh muôn năm”, vang một góc trời từ tận đáy lòng của trái tim tất cả già trẻ, gái trai. Có thể nói, báo chí Phật giáo Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng đã góp phần đáng kể vào phong trào cách mạng miền Nam, góp phần vào sự thành công của cách mạng giải phóng dân tộc.
NHIỀU NGÔI CHÙA TRỞ THÀNH CƠ SỞ CÁCH MẠNG
Với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam không chỉ đấu tranh trực diện với kẻ thù mà còn là hậu phương vững chắc cho cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, Phật giáo Việt Nam đã thành lập các tổ chức “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội Tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc” các cấp để quy tụ, vận động và tổ chức cho các Tăng Ni, Phật tử tham gia cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Ở Nam bộ, đại bộ phận các ngôi chùa là cơ sở kháng chiến, che chở những người chiến sĩ cộng sản; là nơi cất giấu vũ khí, quân trang, lương thảo; là trạm quân y, là trường học dạy chữ, dạy đạo đức làm người; là cơ sở từ thiện cho đồng bào… Tiêu biểu là tổ chức “Mặt trận nhân dân cứu đói” do nhà sư Thích Hiển Pháp làm Chủ tịch, phát động phong trào nhường cơm xẻ áo cho đồng bào thiếu đói.
Sau Cách mạng tháng Tám, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhiều Tăng Ni, Phật tử tiếp tục làm việc trong các cơ quan kháng chiến rút về căn cứ; một số Tăng Ni sau thời gian hoạt động cách mạng đã hồi cư về vùng tạm chiếm, trong đó có nhiều người nối lại liên lạc với tổ chức. Nhiều nhà Sư đã biến ngôi chùa của mình thành cơ sở cách mạng, nơi hội họp, che giấu cán bộ cách mạng, nơi dự trữ quân lương, chôn giấu vũ khí, in ấn truyền đơn,… như: chùa Long Thiền, chùa Bửu Phong, chùa Núi Châu Thới ở Đồng Nai, chùa Long Bàn ở Bà Rịa; các chùa Long An, Giác Lâm, Đức Lâm, Phật Ấn, Trường Thạnh, Thiên Tôn, Khánh Hưng, Long Thạnh,… ở TP Hồ Chí Minh; chùa Sắc Tứ Linh Thứ ở Tiền Giang; chùa Viên Giác ở Bến Tre; chùa Khánh Quang, Hội Linh ở Cần Thơ; chùa Phước Huệ ở Đồng Tháp; chùa Tiên Châu ở Vĩnh Long; chùa Tam Bảo ở Kiên Giang; chùa Phi Lai ở An Giang,… Hòa thượng Thích Bửu Chung cho đóng những hộc lúa lớn trong chùa làm nơi ẩn trốn cho cán bộ, Hòa thượng Thích Thiên Trường tổ chức canh gác cho cán bộ hội họp, giấu cán bộ trong tủ thờ Hộ pháp,… Chùa Sắc Tứ Linh Thứu là trụ sở Tạp chí Pháp Âm đồng thời là trụ sở báo Dân Cày, nơi liên lạc của Tỉnh ủy Mỹ Tho. Hòa thượng Thích Đạt Hương tham gia đốt pháo lệnh cho phong trào tấn công “diệt ác phá kềm”, với tinh thần “sát nhất miêu, cứu vạn thử”. Một số nhà Sư đã vận động tín đồ Phật tử trong phạm vi sinh hoạt của mình tòng quân, giết giặc cứu nước.
Ở Sài Gòn – Gia Định, chùa Long Thạnh, điểm địa đầu của Mặt trận Tây Nam Phú Lâm – Bình Chánh, là cơ sở chỉ huy, nuôi chứa cán bộ, ngày luyện tập, đêm chiến đấu. Hòa thượng Bửu Ý, trụ trì chùa cùng chư Tăng ủng hộ tài chính, lương thực cho cán bộ tại đây. Khi Pháp đến chiếm chùa làm đồn bốt, chư Tăng hưởng ứng chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đã đốt chính điện, chỉ giữ lại một gian để thờ phụng.
Ở Đồng Nai, được sự giúp đỡ của mặt trận Việt Minh, ngày 6/6/1945, Hòa thượng Thích Tuệ Thành triệu tập Đại hội Phật giáo Biên Hòa, thành lập Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh, do Hòa thượng làm Chủ tịch, kiêm Uỷ viên Mặt trận Việt Minh tỉnh. Trụ sở của Hội đặt tại chùa Long Thiền (Biên Hòa). Từ đó, các tổ chức cơ sở của Hội được thành lập ở các quận, huyện, xã trong tỉnh. Sau khi thành lập, các tổ chức Phật giáo cứu quốc từ tỉnh đến cơ sở đã vận động Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia ủng hộ kháng chiến, tham gia bầu cử quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hưởng ứng “Tuần lễ vàng”,… Nhiều chùa đã ủng hộ lư đồng, chân đèn bằng đồng, đại hồng chung, … Tiêu biểu như chùa Phước Nhĩ (Long Thành) đã hiến hai đại hồng chung, mỗi cái nặng gần một tạ gửi vào chiến khu để đúc vũ khí. Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày một lan rộng, trụ sở của Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa dời về xã Hiệp Phước (Long Thành). Đến đầu năm 1946, trụ sở dời về xã Mỹ Lộc (quận Tân Uyên). Hòa thượng Thích Huệ Thành và một số Tăng Ni đã thoát ly đi theo kháng chiến. Suốt thời gian sau đó, chùa Long Thiền là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa.
Ở Bà Rịa – Vũng Tàu có chùa Sắc Tứ Vạn An Phước Trinh (ở ấp Phước Trinh, xã Tam An, huyện Long Điền) là cơ sở cách mạng. Ngày 17/11/1948, khi Huyện ủy Long Điền họp tại chùa, Pháp đem quân phục kích và tấn công vào chùa. Bí thư Huyện ủy Bùi Công Minh và Phó Bí thư Huyện ủy Mạc Thanh Đạm rơi vào trận địa mai phục đã hy sinh. Là Tổ đình Phật giáo nổi tiếng (tọa lạc tại xã Nam An, huyện Long Điền), khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Tổ đình Thiên Thai cũng trở thành căn cứ cách mạng.
Ở Bình Dương, chùa Châu Thới Sơn được dựng từ năm 1662 trên nền cũ của một thảo am, trên đỉnh núi Châu Thới. Đây là điểm hành hương rất thuận tiện, gần trục lộ giao thông giữa Biên Hòa, Thủ Dầu Một và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài phong cảnh hữu tình, chùa còn là di tích từng lưu dấu nhà cách mạng – luật sư Huỳnh Tấn Phát, cơ sở nuôi chứa cán bộ hoạt động bí mật qua các thời kỳ kháng chiến. Ngoài ra, đây còn là điểm tiếp tế lương thực cho bộ đội chi đội 10 Biên Hòa, chùa đã hiến cả đại hồng chung cho công binh xưởng cách mạng để chế tạo vũ khí chống giặc. Chùa Hội Khánh (35 Yersin, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một), là ngôi chùa sớm nhất ở Nam bộ thuộc chi phái Lâm Tế của Hòa Thượng Liễu Quán. Năm 1945, sư Chơn Phổ – trụ trì chùa được bầu làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc và chùa trở thành nơi tổ chức sinh hoạt của Hội.
Ở Cần Thơ, chùa Hội Linh đã hiến một đại hồng chung cho Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ để đúc súng đạn. Những năm đầu kháng chiến, chùa đã bị quân Pháp đốt. Năm 1949, Hòa thượng Pháp Thân trở về dựng lại chùa, biến nơi đây thành đầu mối giao lưu của Hội Phật giáo cứu quốc các tỉnh Sóc Trăng, Mỹ Tho, Vĩnh Long.
Ở Sóc Trăng, chùa Thiên Thới ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. Tại đây có thầy Thích Thiện Sạng đã cùng với các nhà yêu nước và nhân dân địa phương xây dựng phong trào chống Pháp quyết liệt. Một lần bị lộ, thầy bị quân Pháp bắn trọng thương và hy sinh năm 1947. Từ đó về sau, các nhà yêu nước nương nhờ chùa mà hoạt động cho đến năm 1954.
Ở Bạc Liêu, tiêu biểu là hình ảnh nhà sư Nhật Quang hoạt động cách mạng từ những năm đầu mới có Đảng, biến ngôi chùa trở thành cơ sở nuôi chứa cán bộ. Ngay từ khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 tại Bạc Liêu, lực lượng vũ trang do ông Trần Văn Sớm chỉ huy đã đóng quân tại chùa Giác Hoa của Sư bà Hai Ngó, trước khi vào thành Bạc Liêu.
Chùa Long Phước (TP. Bạc Liêu) là một trong những ngôi chùa gắn bó với cách mạng. Nơi đây trở thành cơ sở quân sự của ông Tào Văn Tỵ (La Kim Lý) – Ủy viên quân sự tỉnh. Năm 1945, Thượng tọa Trí Hiếu, trụ trì chùa là người đã góp phần tạo điều kiện cho công binh xưởng của Tỉnh hội Bạc Liêu trú đóng và hoạt động. Công binh xưởng do ông Tào Văn Tỵ chỉ huy và có nhiều cán bộ khác như: ông Nguyễn Tiến Bộ (Thượng tọa Thích Chí Hiếu), Giang Văn Tường (Đại đức Thiện Hoà), Nguyễn Văn Ngưu, Nguyễn Văn Dành, Lê Văn Nguyên, Lê Văn Chánh, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Văn Vĩ, Nguyễn Văn Buối,… Trong thời gian đặt cơ sở tại đây, công binh xưởng Bạc Liêu đã nhận được hỗ trợ của Tăng Ni chùa Long Phước, sản xuất nhiều vũ khí cung cấp cho các chiến trường thuộc quân khu 9. Công binh xưởng hoạt động được sáu tháng thì có lệnh rút về Cây Vang, rồi dời sang Cạnh Đền, sau đó lại dời về Cái Tàu. Thượng tọa Thích Trí Hiếu cũng rời chùa; chính thức gia nhập công binh xưởng để phục vụ cách mạng. Ngoài ra, còn có các chùa trong vùng kháng chiến như: Long Thành, Hàm Hưng, Hưng Long, Long Thạnh, Hổ Phù là những cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng. Có nhiều chùa làm trụ sở, trường chính trị, bệnh viện, trường học, cơ sở luyện tập quân sự của Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ.
Ở An Giang, chùa Long Khánh là căn cứ cách mạng nổi tiếng của huyện Châu Phú. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là cơ sở vững chắc nuôi giấu cán bộ. Chùa còn vận động các chùa khác trong vùng góp công sức, tiếp tế cho cách mạng. Chùa Long Khánh là nơi lực lượng Thanh niên Tiền phong luyện tập, nơi thành lập Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Khánh Hòa, điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên ngày 6/1/1946. Các cây cổ thụ trước cổng chùa từng là nơi treo cờ Đảng.
Chùa Trường Phước (huyện An Phú) là cơ sở cách mạng ngay từ khi mới xây dựng. Trung đoàn 115 và 121 thuộc khu 8, cán bộ tỉnh/huyện/xã thường trú đóng trong chùa, là nơi luyện tập võ nghệ của các lực lượng thanh niên tiền phong, thanh niên cứu quốc. Vào ngày 19/5/1946, tổ Tam Chế – tổ hành động bí mật của ba người ở chùa, đã tổ chức treo cờ Đảng trên ngọn cây sao trước cổng chùa để mừng sinh nhật Bác Hồ. Tại đây hình thành nhiều tổ chức trừ gian diệt tề và thực hiện các cuộc bao vây bức phá đồn bốt.
Chùa Đông Thạnh (Long Xuyên) trong kháng chiến chống Pháp là cơ sở cách mạng. Chùa tổ chức nuôi chứa cán bộ, hội họp và cất giấu tài liệu. Năm 1946, sư ông Quảng Huệ trực tiếp trao lá cờ Đảng cho đệ tử Nguyễn Văn Ngâu treo trên ngọn cây sao trước chùa và giao nhiều tài liệu truyền đơn cho các đệ tử làm và chạy xe ngựa mang đi rải khắp nơi.
Chùa Bà Lê (Phước Hội tự, do bà Ông Thị Lê kiến tạo) tọa lạc tại xã Hội An, huyện Chợ Mới. Từ năm 1945, chùa là nơi tập hợp đông đảo quần chúng các nơi kéo về Long Xuyên mít tinh mừng Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1946, chùa là trụ sở của chính quyền cách mạng Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” quyên góp nhiều hiện vật, trong đó có đại hồng chung để cách mạng chế tạo vũ khí.
Ở Tiền Giang, ngôi Liên Trì cổ tự xứng danh là một trong những chiếc nôi của Phật giáo Đồng bằng sông Cửu Long. Ngôi cổ tự này tọa lạc tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, là nơi hoạt động của các chí sĩ yêu nước, trong đó có sự tham gia của các danh Tăng và Phật tử địa phương. Sau Cách mạng tháng Tám, Liên Trì cổ tự trở thành cơ sở Phật giáo cứu quốc huyện Cái Bè do Hòa thượng Thích Pháp Tràng làm đại diện, là địa chỉ liên lạc với các cơ sở cách mạng chống thực dân Pháp. Năm 1947, Hòa thượng Minh Nguyệt về đây thành lập Hội Phật giáo cứu quốc huyện Cái Bè. Đây là nơi phát động Tăng Ni, Phật tử quyên tiền ủng hộ kháng chiến và chế tạo vũ khí, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều nhà Sư Nam bộ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, như: Tôn sư Hòa thượng Thiện Phước và Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác được tặng huân chương kháng chiến chống Pháp hạng III; sư cô Thích Nữ Diệu Hòa, trụ trì chùa Phổ Hiền nhận Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng II. Nhiều ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia như: chùa Long Khánh, Đông Thạnh, Vân Long, Bà Lê,… (An Giang); chùa Long Phước (Bạc Liêu); chùa Châu Thới Sơn (Bình Dương); chùa Long Thiền (Đồng Nai);…
Có thể nói, Phật giáo Nam bộ đã cùng Phật giáo cả nước góp phần tích cực cho sự thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự hy sinh và đóng góp công sức của Phật giáo Nam bộ được khắc ghi vào lịch sử dân tộc như những nét son chói lọi mà hậu thế không bao giờ lãng quên. Phát huy truyền thống “tốt đời – đẹp đạo”, Phật giáo Nam bộ cùng Phật giáo cả nước tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần làm nên thắng lợi trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Chú thích:
(*) ThS. Nguyễn Thùy Dương – Khoa Công tác xã hội (ĐH Mở TP HCM).
[1] Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb KHXH, tr.70.
[2] Trần Hồng Liên, Sđd, tr.10.
[3] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr.917.
[4] Nguyễn Đại Đồng, https://giacngo.vn/le-phat-dan-do-hoi-phat-giao-cuu-quoc-nam-bo-to-chuc-nam-1949-post13299.html.