Phật giáo nước ta có đặc tính kết nối dân tộc một cách cơ hữu và bền bỉ. Dù ở thời đại hay thể chế nào, Phật giáo vẫn luôn giữ một tinh thần bất di bất dịch là hộ quốc – an dân. Ngày nay cũng vậy, Phật giáo mà pháp nhân là Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, bằng chứng là Giáo hội luôn thiện chí đồng hành và tham gia vào hệ thống chính trị nước nhà với mục đích đóng góp những giá trị thiết thực cho quá trình xây dựng, quản lí và phát triển đất nước. Hành động nhập thế tích cực này đã góp phần xây dựng xã hội bền vững và đoàn kết, chung sức tạo nên hệ thống chính trị nước nhà ổn định dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Có thể hiểu hệ thống chính trị là “một cơ cấu bao gồm nhà nước, các đảng phái, các đoàn thể, các tổ chức xã hội chính trị tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành, được chế định theo tư tưởng giai cấp cầm quyền, nhằm tác động vào các quá trình kinh tế – xã hội với mục đích duy trì và phát triển chế độ đó” [1]. Chính trị là một yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng, bởi vậy các mối liên quan đến hệ thống chính trị có mối quan hệ cơ hữu với các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội, hay nói cách khác, hình thái kinh tế – xã hội nào thì có hệ thống chính trị tương ứng đó, bởi “cơ sở hạ tầng” có tính quyết định “kiến trúc thượng tầng”. Với nước ta hiện nay, theo quy định tại Chương I Hiến pháp năm 2013, “hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam, trong đó Đảng cộng sản Việt Nam là hạt nhân chính trị lãnh đạo và Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị” [2].
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – một tổ chức thuộc hệ thống chính trị Việt Nam được quy định rõ trong khoản 1, Điều 9, Chương I, Hiến pháp năm 2013.“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [3]. Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được pháp luật và Nhà nước tạo điều kiện hoạt động đúng theo quy định của Hiến pháp. Giáo hội góp phần vào vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc vùng miền, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.
Về vai trò phản biện xã hội
Trong lịch sử, Phật giáo luôn có tinh thần phản biện xã hội tích cực. Lịch sử trung đại nước nhà ghi nhận những vị Thiền sư lỗi lạc tham gia vào triều chính để tham mưu cho nhà vua điều hành đất nước. Thậm chí, các triều đình phong kiến còn lập nên chức Quốc sư hay Tăng Cang để chọn những vị tăng sĩ hiền đức và trí tuệ đảm nhiệm sứ mạng cùng vua trị việc nước. Sự phản biện thông qua tư tưởng Phật giáo mang tính hài hòa cho đất nước và xã hội. Chính tư tưởng Phật giáo đã hàn gắn vết thương xã hội giữa sự đổi ngôi của các triều đại phong kiến. Lịch sử cũng không quên những tấm gương vì dân vì nước của bao thế hệ Tăng Ni.
Về vai trò đoàn kết dân tộc
Ngoài chức năng thực hiện phản biện xã hội, Phật giáo qua các thời đại và Giáo hội hiện nay luôn là pháp nhân tôn giáo lấy tôn chỉ hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở tính từ bi của Phật pháp. Nước ta là một nước đa tôn giáo, mỗi tôn giáo đều có tôn chỉ tu tập và hành đạo riêng. Song, với sự quản lí của Nhà nước, các tôn giáo đều tuân theo quy định của pháp luật trên con đường phụng sự xã hội. Tín đồ giữa các tôn giáo và cộng đồng không tôn giáo đều chung sống hòa hợp trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của nhau. Để có được sự hòa hợp và đoàn kết này, lãnh đạo các tôn giáo ngoài việc tuyên truyền giáo lí còn kết hợp tuyên truyền tinh thần yêu nước thương nòi của dân tộc ta. Những hoạt động này nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người con Phật và con người Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động từ thiện xã hội, các cuộc hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh luôn có dấu ấn của những người con Phật. Trong những tình huống khó khăn của xã hội, Giáo hội luôn có những thông điệp mang tính chia sẻ và kịp thời đến cộng đồng. Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử tại miền Trung năm 2020, các phái đoàn Phật giáo đã khẩn trương tiếp tế cho bà con vùng lũ những nhu yếu phẩm cần thiết, hay trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, Giáo hội đã cùng cộng đồng tín đồ Phật tử chung tay quyên góp vật liệu, tài lực chống dịch. Có thể nói, các hoạt động hướng đến phúc lợi xã hội của Giáo hội có ý nghĩa quan trọng trong đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng ổn định và phát triển.
Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân
Theo quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, quy định tại khoản 5, Điều 4: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp” [4]. Như vậy, Phật giáo với tư cách thành viên có đầy đủ vai trò trong việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sự kiện này không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi nhà tu hành, chức sắc, chức việc mà cụ thể là cộng đồng Tăng Ni và Phật tử của Giáo hội. Với việc tham gia bầu cử và đại diện ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Giáo hội có chức năng trực tiếp tham gia vào công việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; bởi vì, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan đại diện thực hiện quyền lực của nhân dân.
Có thể nói, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức “pháp nhân phi thương mại” [5], là tổ chức tôn giáo hợp pháp tại Việt Nam được quyền hoạt động tôn giáo và phụng sự xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội có điều kiện tham gia vào hệ thống chính trị nước nhà; qua đó, có thể truyền tải tinh thần của Phật giáo góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh và phát triển bền vững.
Chú thích:
* ĐĐ. Thích Phước Tánh: Tăng sinh khóa 13 tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam TP.HCM.
[1] Đỗ Nguyễn Phương – Trần Ngọc Đường (1992), Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền, NXB. Sự Thật, tr.6.
[2] Đại học Luật Hà Nội (2015), Giáo trình Luật Hiến Pháp Việt Nam, NXB. Công An Nhân Dân, Hà Nội, tr.137-138.
[3] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, tr.12-13.
[4] Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (hiện hành), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.9.
[5] Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không đặt mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.