Kỳ 7: Giai đoạn 2 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (HT. Thích Huệ Thông)

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo trân trọng trích đăng các bài viết thuộc tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa Thượng Thích Huệ Thông. Các bài viết được sắp xếp và biên tập để cung cấp cho độc giả gần xa biết về những khó khăn, thách thức và nỗ lực không ngừng nghỉ của bao thế hệ chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong suốt nhiều năm, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong ba giai đoạn lịch sử hình thành, ổn định và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì giai đoạn hai được tính từ nhiệm kỳ II (1987-1992) đến nhiệm kỳ VII (2012-2017). Trong giai đoạn này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng, Ni, Phật tử trong ngôi nhà Giáo hội đã chịu những mất mát to lớn khi một số chư tôn đức lãnh đạo mãn duyên ta bà, dù các ngài an nhiên tự tại về miền đất Phật, nhưng đã để lại trong lòng người con Phật nỗi niềm thương tiếc khôn nguôi, trước tiên là Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, bậc cao Tăng giữ ngôi vị Đệ nhất Pháp chủ từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập cho đến khi ngài viên tịch vào năm 1993.

CHƯ TÔN ĐỨC LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI

Trong giai đoạn thứ hai, vào tháng 11 năm 1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ (1997-2002) chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội đã cung nghinh, suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch làm Đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trong nhiệm kỳ II (1987-1992), cung thỉnh, suy cử Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đức Đệ nhị Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch là bậc cao Tăng thạc đức của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam, Ngài trưởng thành trong giai đoạn phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc. Ngài từng làm giới sư, Hòa thượng Đàn đầu cho nhiều giới đàn, như Đại giới đàn chùa Quán Sứ năm 1953; Đại giới đàn chùa Tế Xuyên năm 1955; Đại giới đàn chùa Phật Ấn năm 1957; Đại giới đàn chùa Thần Quang năm 1959; Đại giới đàn chùa Bà Đá năm 1976; Đại giới đàn chùa Quán Sứ năm 1978… Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, với đạo nghiệp sâu dày “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, Ngài được sơn môn pháp phái cung thỉnh và Trung ương Giáo hội chỉ định trụ trì các chốn Tổ già lam như: Năm 1958, Ngài làm Giám tự Tùng lâm Quán Sứ; năm 1962, Ngài được chư tôn đức sơn môn giao phó trọng trách trụ trì chùa Cao Đà (xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), năm 1979, Ngài được sơn môn thỉnh giữ chức vụ trụ trì Tổ đình Bồ Đề tức Thiên Sơn Cổ Tự (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội); năm 1981, sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài giữ chức chánh trụ trì chùa Quán Sứ (Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam), cũng từ năm 1981 trở đi, chư tôn giáo phẩm Thành hội Phật giáo Hà Nội cung thỉnh Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng, truyền trao giới pháp cho các giới tử, có thể nói điều này khẳng định phẩm hạnh đạo đức và nhân duyên đặc biệt về công đức “Nội hàm chúng diệu, ngoại ứng huyền cơ” của một bậc cao Tăng thạc đức. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997-2002) và lần thứ V (2002-2007), toàn thể Đại hội đã cung nghinh, suy tôn Ngài lên ngôi vị Đệ nhị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những năm tháng cuối đời, Ngài luôn tỉnh giác chánh niệm, cho đến khi mãn duyên ta bà vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 6 tháng 3 năm 2005 (nhằm ngày 26 tháng 1 năm Ất Dậu), Đức Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch viên tịch, thọ 90 tuổi, 66 Hạ lạp.

Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch (1915-2005) là bậc chân tu vẹn toàn trí đức, một đời giữ vững thạch trụ tòng lâm làm bóng mát cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài là niềm tự hào của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam, chúng ta càng vinh dự, phấn khởi khi những lời giáo huấn của Ngài mãi đến ngày nay vẫn còn vang vọng trong ký ức bao hành giả Phật môn: “Mọi việc chúng ta làm là đều nhằm góp phần làm cho Phật pháp càng thêm ngời sáng, tỏ rạng viên minh; đồng thời điểm tô tấm gương đại từ đại bi của Đức Phật ngày càng tươi đẹp hơn trong tâm trí của cuộc sống nhân sinh”.

Trong giai đoạn thứ hai, Trung ương Giáo hội và Tăng, Ni, Phật tử đã có những mất mát to lớn, đó là sự ra đi của Đệ nhất Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1924-2002); Đệ nhị Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch (1915-2005); và các vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, như Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1992), Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907-1992), Hòa thượng Thích Ấn Lâm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (1907-1985), Hòa thượng Thích Tâm Thông (1916-1999), Hòa thượng Thích Huệ Thành (1912-2002), Hòa thượng Thích Giác Nhu (1912-1997), Hòa thượng Mahasaray (1918-2001)…

Ngoài ra, Hội đồng Trị sự có Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch trong giai đoạn thứ nhất, đến giai đoạn thứ hai, các vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lần lượt viên tịch, như Hòa thượng Thích Thế Long (1909-1985), Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911-1997), Hòa thượng Kim Cương Tử (1914-2001), Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001) và quý Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, như quý Hòa thượng Thích Giới Nghiêm (1921-1984), Hòa thượng Thích Bửu Ý (1917-1996), Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927-2011), Hòa thượng Thích Siêu Việt (1934-1997), Hòa thượng Thích Thanh Chân (1905-1989), Hòa thượng Thích Thuận Đức (1918-2000), Hòa thượng Thích Hộ Nhẫn (1924-2002), Hòa thượng Châu Mum (1921-2002), cùng quý Hòa thượng trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam như quý Hòa thượng Thích Từ Hạnh (1927-1988), Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000); Ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên (1923-1987)… Nhân kỷ niệm một chặng đường lịch sử 40 năm hình thành, ổn định và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta thành kính tri ân công đức sâu dày của các bậc tiền bối hữu công đã có những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc.

Sau khi Hòa thượng Thích Trí Thủ viên tịch, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cung thỉnh, suy cử làm quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự ở nhiệm kỳ II và các nhiệm kỳ kế tiếp cho đến ngày Ngài về cõi Phật vào tháng 4 năm 2014. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) là một bậc cao Tăng thạc đức, ngài đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đóng góp công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước. Ngài đã đóng góp công sức rất lớn trong việc dịch thuật kinh điển Đại thừa, tạo điều kiện cho Tăng, Ni có phương tiện tu hành thăng tiến đạo tâm, sự hiện hữu của Ngài đối với Phật giáo Việt Nam như một nét son vàng tô đậm thêm trang sử rạng ngời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Chí nguyện độ sanh của Ngài vừa miệt mài lặng lẽ như dòng suối vắng, vừa vững chắc kiên cường tựa quang thể kim cương, Ngài là tấm gương sáng ngời về phẩm hạnh của một bậc chân tu tròn đầy giới đức, điều này ảnh hưởng sâu sắc đối với bao thế hệ Tăng, Ni, Phật tử. Đặc biệt ở Ngài giới hạnh rất tỉnh nghiêm, niệm niệm không rời hồng danh Phật, trong suốt cuộc đời Ngài chưa từng vắng mặt trong ngày bồ tát và an cư kiết hạ, cho dù có những lúc sức khỏe không như ý muốn. Có thể nói rằng, xuyên suốt các thời kỳ Hòa thượng Thích Trí Tịnh là Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong giai đoạn hai, được xem là giai đoạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thật sự ổn định và không ngừng khởi sắc, tạo nền móng vững chắc để Phật giáo Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu của sự nghiệp phát triển bền vững và đầy đủ nội lực để có thể dễ dàng vượt qua mọi khó khăn thử thách cũng như đáp ứng trước mọi yêu cầu hội nhập của thời đại.

TU CHỈNH HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI

Điểm nổi bật khởi đầu của giai đoạn thứ hai, đó là việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội qua các nhiệm kỳ. Như chúng ta đã biết, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là văn kiện quan trọng bậc nhất trong mọi hoạt động của Giáo hội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập nhằm mục tiêu xác lập việc thống nhất quản lý và điều hành Phật sự trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn tu hành và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp vẫn được tôn trọng, duy trì”, đồng thời để thiết lập trật tự, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của Tự viện, Tăng, Ni, Phật tử trong bối cảnh đất nước thống nhất.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay sau khi ra đời đã tuyên bố bản Hiến chương như một đạo luật cơ bản, chủ đạo trong hệ thống Giáo hội, nhằm tổ chức thể chế ổn định hoàn chỉnh bộ máy Giáo hội và các quan hệ xã hội phù hợp với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xem là đạo luật của Giáo hội, đặt nền móng chế độ pháp lý, chi phối mọi hoạt động và phản ánh bản chất của Giáo hội. Theo đó, Hiến chương quy định những vấn đề có tầm bao quát và quan trọng nhất của Giáo hội, cũng như toàn bộ các sinh hoạt của Tự viện, Tăng, Ni và Phật tử. Vì vậy nội dung Hiến chương Giáo hội luôn phản ánh và bao hàm các khía cạnh, như tính chất của Giáo hội, chế độ suy tôn, suy cử, các quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của Tăng Ni, Phật tử và hệ thống tổ chức bộ máy Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, do xét thấy cần thiết phải tu chỉnh, bổ sung thêm một số điều khoản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Giáo hội trong từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn thứ hai, tại các kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, Hiến chương Giáo hội đã có đến 5 lần tu chỉnh:

1/ Hiến chương Giáo hội được tu chỉnh lần thứ nhất tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 1987-1992: Trong lần tu chỉnh này, Hiến chương vẫn giữ nguyên 11 chương và 46 điều, tuy nhiên về cơ cấu tổ chức, trong Hiến chương có tăng cường thêm 2 Ban, Viện mới, đó là Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội, và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, như vậy, qua lần tu chỉnh thứ nhất, cơ cấu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ có 8 Ban, Viện.

Vì vậy nội dung Hiến chương Giáo hội luôn phản ánh và bao hàm các khía cạnh, như tính chất của Giáo hội, chế độ suy tôn, suy cử, các quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của Tăng Ni, Phật tử và hệ thống tổ chức bộ máy Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, do xét thấy cần thiết phải tu chỉnh, bổ sung thêm một số điều khoản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Giáo hội trong từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn thứ hai, tại các kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, Hiến chương Giáo hội đã có đến 5 lần tu chỉnh.

2/ Hiến chương Giáo hội được tu chỉnh lần thứ hai tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 1992-1997: Trong lần tu chỉnh thứ hai, Hiến chương cho thấy Giáo hội tiếp tục bổ sung, hình thành thêm một số Ban, Viện, trong đó Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội, được tách ra làm 2 Ban riêng biệt, đó là Ban Kinh tế Tài chánh và Ban Từ thiện Xã hội, ngoài ra còn tăng cường thêm Ban Phật giáo Quốc tế, như vậy qua lần tu chỉnh Hiến chương lần thứ hai, về cơ cấu tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 10 Ban, Viện. Đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo điều hành Phật sự sâu sát hơn tại ba miền Bắc – Trung – Nam, nên trong đợt tu chỉnh lần thứ hai, tại Điều 20 của Chương V (Hội đồng Trị sự), Hiến chương Giáo hội quy định về thành phần Ban Thường trực Hội đồng Trị sự gồm có “Ba Phó Chủ tịch Thường trực”, như vậy Hiến chương được tu chỉnh lần thứ 2 có bổ sung thêm một Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự [1].

3/ Hiến chương Giáo hội được tu chỉnh lần thứ ba tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 1997-2002: Trong lần tu chỉnh này, về cơ cấu tổ chức, trong Hiến chương được tu chỉnh, tại Điều 19 của Chương V (Hội đồng Trị sự), có phân định Ban Hướng dẫn Nam nữ Cư sĩ Phật tử được đổi tên thành Ban Hướng dẫn Phật tử và được chia làm hai Phân ban, đó là Phân ban Cư sĩ Phật tử và Phân ban Gia đình Phật tử.

4/ Hiến chương Giáo hội được tu chỉnh lần thứ tư tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VI, nhiệm kỳ 2007-2012 không có sự thay đổi đáng kể.

5/ Hiến chương Giáo hội được tu chỉnh lần thứ năm tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017: Hiến chương tu chỉnh lần thứ V gồm 13 Chương, 71 Điều; trong đó có nhiều nội dung mới đi vào chi tiết và rất cụ thể. Ngay Chương I (Danh xưng – Huy hiệu – Đạo kỳ – Đạo ca – Trụ sở) tại Điều 3, lá cờ Phật giáo thế giới được Hiến chương đưa vào là Đạo kỳ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam [2]. Ngoài ra, tại Điều 5, Văn phòng Trung ương đặt tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, Văn phòng Thường trực của Trung ương Giáo hội đặt tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM, đã được chính thức đưa vào Hiến chương tu chỉnh lần này.

Trong Hiến chương tu chỉnh lần thứ năm, tại Chương V (Hội đồng Trị sự), Điều 25 xác định Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 13 Ban, Viện Trung ương (Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa, Ban Kinh tế Tài chính, Ban Từ thiện xã hội, Ban Phật giáo Quốc tế, Ban Thông tin truyền thông, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam). Trong giai đoạn do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã hoàn thành và hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức của Giáo hội, ban hành Nội quy của các Ban, Viện làm nền tảng cho các Ban, Viện đi vào hoạt động ổn định và là cơ sở vững chắc để các Ban, Viện tiến tới sự phát triển lâu dài, bền vững.

TỔ CHỨC BAN TRỊ SỰ CÁC TỈNH, THÀNH

Nhìn lại lịch sử hình thành và từng bước phát triển của Giáo hội, chúng ta sẽ thấy, trong giai đoạn đầu, Giáo hội chỉ có 28 đơn vị hành chánh, đến giai đoạn thứ hai, vào các năm 1992, 1993, 1994 mới tổ chức được Đại hội các tỉnh Bến Tre, An Giang, Tây Ninh và từ đó lần lượt Giáo hội đã thành lập được 63/63 đơn vị Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trên cả nước, thành lập được 457 Ban Trị sự Giáo hội cấp huyện trên tổng số 667 đơn vị quận huyện tại 63 tỉnh, thành. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và sinh hoạt hành chánh Giáo hội cũng đã được chú trọng thực hiện thường xuyên nhằm tăng cường năng lực quản lý, sinh hoạt, điều hành tại cơ sở, hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử tu học, làm cầu nối giữa địa phương với các cấp Giáo hội.

Giai đoạn này Giáo hội đã tổ chức thành công các Khóa Bồi dưỡng trụ trì, Bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh cho 23.142 lượt Tăng, Ni, Cư sĩ là thành viên của Ban Trị sự cấp tỉnh, cấp huyện, Tăng Ni trụ trì, chuẩn bị đảm nhận trụ trì các cơ sở tự viện. Ngoài ra, Ban Trị sự tại một số tỉnh thành đã phối hợp với Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ, Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, bồi dưỡng kiến thức An ninh Quốc phòng cho các chức sắc và Tăng, Ni, Phật tử.

Trong chuỗi thành quả hoạt động tích cực và hiệu quả của Giáo hội giai đoạn thứ hai, có một công tác hành chánh quan trọng, đó là việc Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội được sự cho phép của Ban Tôn giáo Chính phủ và Cục Quản lý Hành chánh về Trật tự Xã hội C13 (Bộ Công an) đã khắc và trao dấu tròn cho 10 Ban, Viện Trung ương. Đồng thời Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội cũng đã khắc và trao 299 khuôn dấu tròn cho Ban Đại diện Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc tỉnh; trên 4.981 khuôn dấu tròn cho các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường.

Trong giai đoạn này, năm 2009 Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương ra đời, có 46/53 Phân ban Ni giới các tỉnh thành được thành lập, như TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… Ngay sau đó, Trung ương Giáo hội đã giao trách nhiệm cho Phân ban Ni giới Trung ương đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ XI tại Việt Nam và đã thực hiện thành công mỹ mãn. Phân ban Ni giới Trung ương cũng đã kết hợp với Phân ban Ni giới các tỉnh Bà Rịa Vũng tàu, Bến Tre. Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… tổ chức Đại lễ và tọa đàm nhân dịp Đại lễ giỗ Tổ Kiều Đàm Di và tưởng niệm chư vị tiền bối Ni, các vị thánh tử đạo.

Đặc biệt, các lễ hội và sự kiện trọng đại của Phật giáo nước nhà phần lớn diễn ra trong giai đoạn thứ hai, chẳng hạn Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham dự của trên 4.000 khách mời chính thức trong nước và quốc tế đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ; Đại hội Nữ Phật giáo Thế giới (Sakyadhita) lần thứ XI, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh – chùa Phổ Quang (Tân Bình – TP.HCM) với sự tham dự của 1.700 chư Ni trong nước và gần 400 đại biểu quốc tế đến từ 20 hội đoàn nữ giới Phật giáo của 47 quốc gia trên thế giới; Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 7 năm 2010, được Trung ương do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức tại Khu Di tích hoàng thành Thăng Long; Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) vào tháng 11 năm 2011; Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) diễn ra vào tháng 5 năm 2014 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc” đã được tổ chức thành công mỹ mãn; Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, TP.Hà Nội). Đặc biệt là Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam Tông Khmer do Trung ương Giáo hội kết hợp với Phật giáo Nam Tông Khmer tổ chức. Hội nghị này được khởi đầu vào năm 2004 cứ hai năm tổ chức một lần tại các tỉnh thành trong khu vực Tây Nam Bộ, để chia sẻ, trao đổi, lắng nghe, cùng nhau giải quyết một số vấn đề theo tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của Phật giáo Nam Tông Khmer. Có thể nói đây là Hội nghị được sự quan tâm của Chính phủ nói chung và Ngài Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nói riêng.

 

(Đón xem tiếp kỳ 8: Các hoạt động Phật sự tiêu biểu trong Giai đoạn 2 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

 

Chú thích:

* HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Trong khi đó, ở 2 nhiệm kỳ trước, Trung ương Giáo hội chỉ có 2 vị Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Phật sự hai miền Bắc và Nam. Tại nhiệm kỳ V (2002-2007), do nhu cầu và điều kiện lúc bấy giờ, Giáo hội suy cử đến 4 Phó Chủ tịch Thường trực.

[2] Cờ Phật giáo đã được Phật giáo sử dụng rộng rãi trong các lễ hội Phật giáo tại Việt Nam… Tuy nhiên, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất vào năm 1975, nhất là sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981, do bất đồng chính kiến và chưa có sự thấu hiểu hết nội tình đất nước và Phật giáo tại Việt Nam, nên lúc bấy giờ Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới không công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Phật giáo thế giới như trước đó, cho đến khi tổ chức Phật giáo quốc tế này công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì Đạo kỳ mới chính thức được đưa vào Hiến chương Giáo hội, mặc dù trước đó Phật kỳ vẫn được sử dụng rộng rãi trong các lễ hội và trong hoạt động của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *