TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO VỚI MÔI TRƯỜNG
Trong hệ thống giáo lý của Đức Phật, mặc dù không đề cập một cách rõ ràng đến khái niệm “bảo vệ môi trường” hay “phát triển bền vững”, nhưng quan điểm triết học Phật giáo về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, dựa trên những khuyến tấn với Tăng đoàn, Ni đoàn và hàng cư sĩ tại gia đã tạo nên một lối sống hài hòa, thân thiện với môi trường. Những quan điểm của Đức Thế Tôn được thể hiện thông qua các giáo lý như: thuyết Duyên khởi, thuyết nhân quả, thuyết vạn vật bình đẳng.
Thuyết duyên khởi (Paticca-samuppada)
Có tên gọi là Thuyết mười hai nhân duyên, giải thích về sự hiện hữu của con người và thế giới. Công thức lý nhân duyên nêu rõ các pháp hữu vi đều do nhân duyên quyết định và do vậy chúng không có thực ngã hay thực thể. Duyên khởi có thể xem như là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo, giải thích lộ trình nhân quả của các pháp hiện tượng. Nguyên tắc của duyên khởi được tóm tắt trong một công thức:
Cái này có thì cái kia có (imasmim sati idamhoti).
Cái này sinh thì cái kia sinh (imassuppada idam uppajjati).
Cái này không thì cái kia không (imasmim asati idam na hoti).
Cái này diệt thì cái kia diệt (masmim nirodha idam airujjhata) [1].
Mỗi chi phần trong 12 nhân duyên vừa là nhân, vừa là quả. Các yếu tố tương đối, phụ thuộc lẫn nhau, liên quan với nhau, không có gì là tuyệt đối hay biệt lập. Từ đó, mối quan hệ giữa con người với môi trường là mối quan hệ cộng sinh, liên kết chặt chẽ với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Nếu chẳng may một bên suy vong thì tất cả đều chịu ảnh hưởng, ví dụ ý thức về bảo vệ môi trường của con người kém đi thì thiên nhiên sẽ bị tàn phá, hay bầu khí quyển có vấn đề thì loài người sẽ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, từ lý duyên khởi ta thấy con người không thể tách mình ra khỏi thiên nhiên, nhưng dự định chinh phục, mong ước khám phá những điều kỳ thú của thiên nhiên cùng với sự tiến bộ của khoa học đã phá vỡ đi trật tự vốn có.
Đối với thuyết nhân quả
Sự tồn tại của con người – xã hội và mối quan hệ phụ thuộc tự nhiên có liên đới quy luật duyên khởi. Từ thuyết nhân quả có thể thấy các cá nhân, loài người, xã hội không thể tồn tại độc lập mà tồn tại trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với tự nhiên. Khi chúng ta làm tổn thương thiên nhiên tức chúng ta đã làm tổn thương chính mình. Từ điểm này, Phật giáo cần có giải pháp thiết thực để ngăn chặn sự tàn phá sinh thái do con người gây ra, duy trì và bảo vệ sự cân bằng sinh thái, cải thiện các điều kiện tương quan.
Về thuyết vạn vật bình đẳng
Đạo Phật ra đời trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại, thế kỷ thứ VI TCN [2], được phân chia thành bốn giai cấp và một giai cấp cùng đinh [3]. Sự ra đời của Đạo Phật tại Ấn Độ xóa nhòa quan niệm về các giai cấp trong xã hội, khẳng định mối quan hệ bình đẳng giữa con người với con người. Trong Kinh Tạp A-hàm (Thích Đức Thắng dịch), đệ tử của Đức Thế Tôn, tôn giả Maha Kaccayana có chủ trương bình đẳng đối với 4 giai cấp: “bốn chủng tánh này đều bình đẳng không có gì sai biệt dù hơn hay là bằng. Theo ngôn thuyết thế gian mà nói, Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra; được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Nên biết là do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp” [4].
Từ sự chủ trương bình đẳng, không giai cấp của Thế Tôn, Phật giáo khẳng định: Sự tồn tại của vạn vật trên thế giới là một thể thống nhất. Trong thế giới này, mọi thứ tồn tại đều có sự bình đẳng như nhau, không cao thấp. Tuy nhiên, do biệt nghiệp và cộng nghiệp, mỗi chúng sinh tái sinh với những chủng loại, hình thù, tướng trạng, sắc, thể chất, tâm lý… khác nhau. Sự tồn tại của mọi sự vật, hiện tượng, chủng loại đều tạm bợ. Trong vòng luân hồi, vạn vật biến đổi cả nguyên nhân lẫn kết quả theo quy luật Sinh – Trụ – Dị – Diệt, hay theo chu trình Thành – Trụ – Hoại – Không, mọi thứ đều ngang bằng nhau, không cao thấp, tốt xấu. Vì vậy, Phật giáo khuyên người cư sĩ nên thực hành tâm từ bi, hướng đến đời sống cao quý và không tổn hại môi trường xung quanh.
CÁC NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC
Từ những luận thuyết triết học cơ bản trên, Phật giáo đề ra những nguyên tắc đạo đức cơ bản để thực hiện lối sống thân thiện, hòa đồng với môi trường, bảo vệ môi trường và hướng tới bền vững phát triển như:
Thứ nhất, nguyên tắc thực hiện lối sống thân thiện với môi trường đề cao đạo đức và các tiêu chuẩn đạo đức, không giết hại sinh mạng loài có sự sống. Phải có lối sống thân thiện với muôn loài thay cho lối sống ích kỷ, như Đức Phật thường dạy: “Người Phật tử không được hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, dùng phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, vân vân, phàm tất cả các loài hữu tình có mạng sống, đều không được cố ý giết chúng” [5].
Thứ hai, chuyển hóa tâm sân hận (P. Dosa). Để làm được như vậy, lòng khoan dung với tình yêu thương vô điều kiện giữa mình và những người hữu duyên là mấu chốt để chuyển hóa lòng sân hận, giống như Đức Phật đã từng nói với các đệ tử của Ngài: “Không có lý do gì để thân thiện với người này và thù địch với người khác. Mọi người đều bình đẳng, vì ai cũng muốn được hưởng hạnh phúc, bình yên và không ai thích bệnh tật, đau khổ. Vì vậy, chúng ta phải đối xử với mọi người bằng tình yêu thương” [6]. Với Đạo Phật, vạn vật trên đời (không riêng gì con người) đều có quyền tồn tại bình đẳng, không phân biệt cao thấp, sang hèn. Tuy nhiên, do sự khác biệt về đặc tính, hình thức cũng như cấu trúc nội dung và phương thức hoạt động, không thể tránh khỏi xung đột lợi ích giữa các bên. Do đó, cách tốt nhất để giải quyết xung đột là tránh xa sân hận, hòa giải các bên, giảm thiểu sự cạnh tranh.
Thứ ba, thực hành tạo các thiện pháp, tránh xa các ác pháp. Đây là một trong các nguyên tắc đạo đức Phật giáo căn bản để chấm dứt khổ đau. Có nhiều phương pháp, nhưng phương pháp đầu tiên đó là thực hành mười điều lành (S. daśakuśalakarmāni) và năm điều đạo đức (P. panca veramani). Mười điều lành bao gồm thân: không giết hại sinh mạng chúng sinh, không trộm cướp, chung thủy không ngoại tình, miệng: không nói dối, không nói lời đôi chiều, không nói lời ác độc, không nói lời thêu dệt, tâm: không tham lam, không sân hận và không si mê. Năm điều đạo đức bao gồm: không giết hại sinh mạng chúng sinh, không trộm cắp, không ngoại tình sống chung thủy trong hôn nhân, không nói lời gây tổn hại, không sử dụng các chất kích thích gây say, gây nghiện.
Thứ tư, nhận thức cuộc sống là vô ngã, vô thường. Phật giáo tin rằng một khi chúng ta nhận ra rằng cuộc sống là vô ngã, vô thường, nó giúp chúng ta thay đổi mục đích, lối sống và chuẩn mực đạo đức. Thay vì theo đuổi một mục tiêu và lối sống ích kỷ, vị kỷ, mỗi chúng ta nên tự nguyện sống quên mình, cống hiến vì cộng đồng. Trong cách sống này, tất cả các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức không phù hợp sẽ bị lên án, thay thế bằng các nguyên tắc đạo đức mới và tiêu chuẩn – đạo đức của lối sống cộng đồng bền vững hoặc đạo đức trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững [7].
Có thể nói, những quan điểm triết học trong giáo lý Phật giáo Nguyên thủy đã đề cập nhiều về vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ khi du nhập vào Việt Nam, Đạo Phật đã dần khẳng định vai trò của mình và trở thành một bộ phận của Việt Nam, tham gia và đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Thông qua nhiều hình thức thiết thực, Phật giáo đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong công tác bảo vệ môi trường. Với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã, đang và sẽ góp phần nhiều hơn nữa đến sự nghiệp phát triển chung của Việt Nam, trong đó có phương diện bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Chú thích:
* ĐĐ. Thích Ngộ Trí Viên: Học viên, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
[1] Kinh Phật tự thuyết (Udàna), chương 1, phẩm Bồ Đề, thuộc Tiểu Bộ kinh. Còn gọi là Cảm hứng ngữ Kinh: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này… Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt, nên thức diêt; do thức diệt, nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt, nên ái diệt; do ái diệt, nên thủ diệt; do thủ diệt, nên hữu diệt; do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này”.
[2] Viên Trí (2009). Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, tr.49-55.
[3] T.W. Rhys Davids (1993). Buddhist India. Delhi, India: Motilal Banarsidass Publishers Pvt, p.53.
[4] Thích Đức Thắng (dịch). “Kinh Ma-thâu-la”. Kinh Tạp A-hàm, quyển 20. TP.HCM: Nxb Phương Đông, 2005. Trong Kinh tạng Nikaya: Thích Minh Châu (dịch). “Kinh Madhura”. Trung Bộ kinh, tập 2. TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992.
[5] Ban biên tập Thư Viện Hoa Sen. Ngày 15 tháng 10 năm 2010. Giới không sát sinh.
[6] Jonathan Landaw (2006). The story of Shakyamuni Buddha (Liked the Truth and Nature). Religion Publishing House, p.167.
[7] Phạm Công Nhật, “Đạo đức sinh thái trong triết học Phật giáo”. Tạp chí khoa học trường Đại học Phú Yên, số 15/2017, tr.1-9.