Phật giáo và môi trường sinh thái (ĐĐ.Thích Trung Định)

Môi trường sinh thái là bao gồm tất cả những điều kiện xung quanh có liên quan tới sự sống con người. Đấy là tập hợp các sinh vật, cùng với các mối quan hệ khác nhau giữa các sinh vật đó và các mối tác động tương hỗ giữa chúng với môi trường. Môi trường sinh thái có mối quan hệ mật thiết đối với sức khỏe của con người. Nếu môi trường sinh thái trong lành, thì cuộc sống con người khỏe mạnh; còn nếu môi trường ô nhiễm thì cuộc sống con người dễ ốm đau, bệnh tật. Nhiều hoạt động của con người ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái môi trường. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nên con người đã và đang nỗ lực khắc phục tình trạng đó, đồng thời bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái. Với cái nhìn duyên sinh thì môi trường sinh thái và con người là không thể tách biệt. Rất nhiều lời dạy của Đức Phật về môi trường sinh thái được ghi lại trong kinh tạng, và luật tạng. Theo Phật giáo, con người và thiên nhiên là không thể tách rời, mà là một chỉnh thể thống nhất, bất phân. Vậy làm sao chúng ta ứng phó với thiên nhiên? Chúng ta ứng phó với mẹ thiên nhiên như với bản chất và phương cách chúng ta đang ứng phó với chính mình. Vì vậy cho nên, chúng ta không nên làm hại chính mình và không nên làm hại thiên nhiên.

Là một phần của sự phát sinh có điều kiện, con người được coi là có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái không chỉ thông qua các khía cạnh vật chất thuần túy trong hành động, mà còn thông qua các phẩm chất đạo đức, vô đạo đức của của con người. Đó là hiệu ứng karmic, hiệu ứng liên đới giữa nghiệp và nghiệp quả. Do đó, trong kinh Đức Phật dạy rằng, hành động đạo đức, hiền thiện sẽ làm cho mưa thuận gió hòa, thiên nhiên yên bình trong sáng và thọ mạng con người được kéo dài. Môi trường theo Phật giáo liên quan mật thiết đến với các giá trị đạo đức của con người. Môi trường hoàn toàn gắn liền với mọi hành động của con người. Tất cả mọi hành động, tâm tư của con người đều tác động ảnh hưởng đến môi trường và ngược lại. Thành ra, mối quan hệ giữa môi trường với con người là mối quan hệ tương hỗ và phụ thuộc lẫn nhau.

Phật giáo cho rằng, con người và các hệ sinh thái, động thực vật cùng hòa điệu với nhau như hơi thở với sự sống con người. Rừng là lá phổi của Trái đất, các hệ động thực vật là điều kiện tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái. Rừng là nơi lý tưởng để hành thiền cho các nhà sư. Lý tưởng sống trong rừng có một vị trí quan trọng trong tư duy Phật giáo và rừng được sử dụng như một nơi thích hợp để thiền định. Đức Phật đản sinh dưới gốc cây Vô Ưu, Thành đạo dưới gốc cây Bồ đề và nhập diệt dưới cây Sa la, thông điệp này cho thấy Phật giáo ngay từ khởi thủy đã gắn liền với rừng, với thiên nhiên. Theo Phật giáo môi trường không nên bị khai thác quá mức. Lý tưởng cao cả của Phật giáo đó là nên bảo vệ nguyên vẹn các hiện trạng sinh thái, hợp tác với tự nhiên, không thống trị. Sự phụ thuộc lẫn nhau của con người và tất cả các dạng sống khác trong một chuỗi sinh mệnh cân bằng tinh xảo luôn là một niềm tin cơ bản của Phật giáo.

Nhà kinh tế EF Sshumacher nói rằng: “Con người là một đứa con của tự nhiên chứ không phải là bậc thầy của tự nhiên” [1]. Ông mô tả thái độ của Phật giáo có liên quan đến sinh thái như sau: “Giáo lý của Đức Phật đã thu hút một thái độ tôn kính và bất bạo động không chỉ đối với tất cả chúng sinh mà còn rất chú trọng đến cây cối. Mọi tín đồ của Đức Phật phải trồng cây mỗi năm một lần và chăm sóc nó cho đến khi nó được sinh trưởng an toàn” [2].  Phải biết rằng, ta là một phần của hệ sinh thái gồm nhiều dạng sống khác nhau. Khi con người có tâm cơ hay mưu lợi khai thác thiên nhiên quá mức thì hậu quả bất lợi con người sẽ đón nhận như: động đất, sống thần, môi trường thiên nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Do vậy, theo Đức Phật chúng ta sử dụng và khai thác thiên nhiên vừa phải, không nên khai thác cạn kiệt mà nên bảo vệ môi trường thiên nhiên như bảo vệ trái tim của mình.

Trong luật tạng (Vinaya pitaka), Đức Phật cấm các Tỳ kheo không được chặt cây hoặc đào bới đất, vì điều đó sẽ phá hủy các dạng sống lớn nhỏ trong hệ sinh thái. Trong Phật giáo, giết hại hoặc làm tổn thương chúng sinh được coi là bất thiện và vô đạo đức. Giết hoặc làm tổn thương đó là nghiệp xấu, dẫn đến quả ác xấu trong hiện tại cũng như tương lai. Các hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau giữa động vật và môi trường sống của chúng rõ ràng đã được đánh giá trong kinh Bổn sanh (Jataka). Thái độ bất bạo động (ahimsa) của Phật giáo, lòng từ bi thương yêu và tôn trọng mọi dạng sống là thể hiện sự bảo vệ môi trường. Do đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói “Con người và thiên nhiên không thể tách rời” (Human beings and nature are inseperable).

Ngoài ra, chúng ta còn thấy một số lời dạy của Đức Phật trong kinh Nguyên Thủy có liên quan đến việc bảo vệ môi trường, như trong kinh Anguttara Sutra, Ngài dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Hoặc kinh Vinaya-matrka-sastra dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: Cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”. Hoặc có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây Bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”. Trong kinh Sa Môn Quả (Samaññaphala) của Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya), có nhắc đến năm loại hạt giống như “hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đốt cây sanh, hạt giống từ chiết cây sanh, hạt giống từ hạt giống sanh, (mūlabījam, khandhavījam, phalubījam, aggavījam và vījavījam) và có những hướng dẫn rõ ràng về việc đừng làm hại chúng. “Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ”. Tức không làm tổn hại đến bất kỳ sự sống nào, ngay cả những mầm sống mới bắt đầu. Đức Phật cũng khuyên mọi người không nên lãng phí, mà phải biết trân quý tài nguyên.

Như vậy, với cái nhìn tuệ giác của Phật giáo dựa vào định lý duyên khởi giúp con người nhìn thấy rằng con người với thiên nhiên có mối quan hệ bất khả phân. Mối quan hệ tương duyên này tạo nên sự phát triển sinh tồn bền vững. Sự tổn hại của thiên nhiên ảnh hưởng đến đời sống của con người. Như Nho gia nói: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nghĩa là thuận theo trời đất tự nhiên mới tồn tại bền vững.

Mối tương duyên cộng tồn vô cùng mật thiết chẳng những giữa con người với con người, mà với các loài khác và với môi trường sinh thái là điều rất quan trọng. Nhận thức được như vậy, việc bảo vệ môi trường sinh thái trên trái đất đã trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng và bức xúc nhất của loài người hiện nay. Thật vậy, mối đe dọa đến hệ sinh thái đã được thế giới báo động đỏ, vì sự tác hại càng ngày càng gia tăng của các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe và mạng sống của con người, đến mọi sinh vật, cùng đất đai, không khí, sông biển, cây cối, cho đến tuổi thọ của trái đất cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Và chính con người là tác nhân gây ra tình trạng tệ hại này. Vì vậy, nhiều tổ chức thế giới đã và đang cùng nhau đề ra nhiều biện pháp để ngăn ngừa hoặc hạn chế sự ô nhiễm môi sinh, điển hình như Ngày Môi trường Thế giới, hoặc 10 Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường.

Nghị định thư Kyoto là một nghị định liên quan đến Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu mang tầm quốc tế của Liên hiệp quốc với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bản dự thảo được ký kết vào ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại Hội nghị các bên tham gia lần thứ ba khi các bên tham gia họp nhóm tại Kyoto, chính thức có hiệu lực vào ngày 16 tháng 2 năm 2005. Nghị định thư Kyoto là một cam kết được tiến hành dựa trên các nguyên tắc của Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Trong đó những quốc gia tham gia ký kết phải chấp nhận việc cắt giảm khí CO2 và năm loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác, hoặc có thể tiến hành biện pháp thay thế như mua bán rác thải nếu không muốn đáp ứng yêu cầu đó. Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế và các nước đã hợp lực để giảm bớt các tác động xấu từ phát triển công nghiệp đến môi trường.

Việc bảo vệ sự sống và môi trường sinh thái mới được thế giới báo động trong những thập niên gần đây. Nhưng đối với tuệ giác của Đức Phật, đó là một điều luật căn bản mà Ngài đã quy định từ 26 thế kỷ trước cho hàng đệ tử phải tuân theo. Đức Phật dạy những người phát tâm đi trên lộ trình giải thoát giác ngộ với Ngài, phải thực hiện tâm từ bi, theo đó chẳng những không được sát hại, mà phải tôn trọng sự sống của loài người, loài vật, cho đến cỏ cây hoa lá và hơn thế nữa phải bảo vệ tất cả muôn loài. Ngày nay, con người tự cho rằng mình đã đạt đến đỉnh cao của văn minh, nghĩa là đã phát triển trí khôn cao độ; nhưng một số người lại hủy hoại sự sống của các loài khác, tàn phá núi rừng sông biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách tận diệt và cuối cùng dẫn đến hậu quả tồi tệ là tàn phá môi trường sống của chính mình.

Có thể khẳng định rằng tất cả mọi việc làm tác hại đến môi trường sinh thái và hủy hoại trái đất này đều phát xuất từ tâm tham lam, tâm trục lợi, tâm ích kỷ, tâm si mê của con người. Nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, hủy hoại môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên, xả thải bừa bãi vào tự nhiên… làm ô nhiễm môi sinh, tác hại đến sức khỏe và gây bệnh tật cho nhiều người. Hàng đệ tử Phật thể nghiệm giáo pháp Phật dạy, không tham lam, không làm những việc tác hại đến muôn loài, qua cách sống thiểu dục, tri túc. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị kỷ, không vì làm lợi cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, đến các sinh vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên, không phá hủy môi sinh, không khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách tận diệt, để con em mình phải hứng chịu những tai họa khủng khiếp.

Tóm lại, quan điểm của Phật giáo về sinh thái có thể góp phần hạ thấp sự kiêu ngạo của con người, xem thiên nhiên là sự sống, cần thiết cho sự thay đổi sinh thái cơ bản. Con người phải luôn yêu thiên nhiên và môi trường sống. Vì sự sống còn của thiên nhiên là sự sống còn của con người.

 

Chú thích:

* ĐĐ.TS Thích Trung Định – Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Phó chánh Thư ký Phân ban Hoằng pháp Hải ngoại – Ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN.

[1], [2] Theo tài liệu học tập Chương trình Thạc sĩ (MA) (2012) tại Delhi University, Ấn Độ, của tác giả.

Thích Trí Quảng (2011), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển (Quyển III), Nxb. Tổng Hợp TP HCM, tr.437-441.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *