Sự kiện Đức Phật đản sinh vào ngày rằm trăng tròn tháng Tư hằng năm khiến mỗi người theo Đạo Phật trên hành tinh càng suy gẫm về thông điệp ngày Môi trường thế giới. Ngày Môi trường thế giới được thiết lập vào ngày 5/6/1972, nhân ngày khai mạc đầu tiên tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển và được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra Quyết nghị chính thức trong phiên họp ngày 15/12/1972. Đến nay, hơn 150 quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng tham gia hoạt động môi trường vào ngày kỷ niệm này.
Phật giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ I đến nay đã hơn 2.500 năm, được nhân dân ta tiếp biến từ một nền giáo lý Duyên khởi do Đức Phật trải nghiệm hành trì tu chứng. Nền tảng giáo lý Duyên khởi ấy đã giúp con người nhận thức rõ: “Con người” là tập hợp 5 uẩn và có một mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên, liên hệ với mọi loài, với cộng đồng, với xã hội, với môi trường sống. Vì thế, con người hãy tự nguyện sống hòa mình vào thiên nhiên, trên hết là tự nguyện bảo vệ môi sinh là bảo vệ nền hòa bình cho nhân loại.
Đó cũng chính là quy luật tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa và trở thành xu thế tất yếu của mọi quốc gia trong quá trình phát triển, hội nhập toàn cầu ngày nay. Việc liên kết, gắn bó, sẻ chia tài nguyên thiên nhiên và trí tuệ không giới hạn này là cơ hội và cũng là thách thức cho các cộng đồng xã hội, cho các dân tộc trên hành tinh này. Do đó, có ý kiến cho rằng nhân loại ngày nay cần liên kết và hợp tác lẫn nhau. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, người đứng đầu cơ quan quản lý môi trường nước Đức – Jochen Flasbarth từng nhấn mạnh: “Không có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để đến với nhau trên hành tinh này”.
Nhận thức rõ các vấn đề này, nhân dân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các hoạt động do chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc phát động, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, trong những năm gần đây, người dân Việt Nam tham gia các hoạt động ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái Đất… nhằm giúp mọi người tư duy và hành động tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, rác thải kim loại, kim loại độc hại, hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, bảo vệ nguồn nước, khí hậu, động vật hoang dã; kêu gọi cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Là công dân nước Việt, Phật tử Việt cần có thái độ và trách nhiệm với con người, với xã hội và với môi trường sống đang hiện hữu. Bởi lẽ hơn ai hết, người Phật tử cần thấm nhuần triết lý Duyên khởi, vì vậy, họ luôn luôn tự đặt sinh mệnh của mình trong sự tồn vong của cộng đồng, của quốc gia dân tộc và cả mọi nguồn năng lượng cung cấp sự sống. Huống chi, người Phật tử Việt Nam luôn thể nhập lời Đức Phật giảng dạy “Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp, Con người tự mình quyết định đời sống hạnh phúc của chính mình”.
Trên tinh thần đó, người Phật tử Việt Nam sống theo nếp sống đạo đức hiền thiện, giữ 5 giới, làm 10 điều thiện, sống thiểu dục tri túc, biết đủ, tỉnh giác chánh niệm, tự thân nuôi dưỡng thân mạng mình trong bầu trời xanh bao la của mẹ trái đất hiền hòa. Cho nên, người Phật tử Việt Nam khát khao mong muốn chung sống với nhau trong một môi trường lý tưởng tốt đẹp xanh, sạch, đầy đủ nguồn năng lượng của sự sống thật bền vững lâu dài. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là con người cần xây dựng môi trường sống, tu học, hành đạo, hóa đạo, và quan trọng hơn nữa là đem đạo vào đời, nỗ lực làm cho đời thêm sáng tươi.
Như thế Phật giáo hướng con người bảo vệ môi trường sống, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay bằng cách thiết lập một môi trường hòa bình để sống, thọ hưởng mang tính vững bền cho hiện tại và tương lai sau này. Môi trường hòa bình đó được thiết lập từ trong nhận thức, biểu hiện qua hành động với ý niệm hòa bình. Môi trường hòa bình được thiết lập trong chánh niệm, trong tư duy đúng đắn (chánh tư duy) gọi là môi trường hòa bình nội tâm, ở đó tâm làm chủ các pháp, không bị chi phối bởi các dục, nội tâm tĩnh lặng, tuệ giác khai mở để xử lý mọi việc tốt đẹp, như ý muốn đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người. Môi trường hòa bình được biểu hiện bên ngoài từ thân, thể hiện qua hành động, việc làm của mình thường được xuất phát từ một nội tâm thanh tịnh, nhu nhuyến bên trong mỗi người. Như vậy, một người có nội tâm bình an, chính là cơ sở nền tảng cho môi trường hòa bình bên ngoài hiện hữu. Cụ thể, người đó sẽ có thái độ ứng xử hài hòa trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với gia đình, xã hội và với môi trường sống. Được thế, thật là hạnh phúc biết bao, khi thế giới này đã vận hành theo lời Phật dạy: Tâm bình thì thế giới bình.
Đó là môi trường lý tưởng Phật giáo hướng đến trong xu hướng toàn cầu hóa để đối diện các vấn đề khủng hoảng chiến tranh, bạo động, khủng hoảng môi sinh, môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu do khai thác tài nguyên cạn kiệt, quan trọng hơn là khủng hoảng tâm linh, giá trị đạo đức con người. Một người Phật tử sống đúng theo những lời dạy của Đức Phật thì hòa bình không chỉ hiện diện nơi người ấy, mà còn hiện hữu và lan tỏa đến người khác, thậm chí mọi loài sinh vật khác và môi trường tự nhiên nữa. Như thế, Phật giáo có khả năng tương thích với tất cả trật tự biến đổi về không gian và thời gian để hướng đến hòa bình toàn cầu. Tam tạng kinh điển và triết lý của Phật giáo đủ dung nhiếp, chỉ cho con người biết về sự chung sống hòa bình, thân thiện với môi sinh và gìn giữ sự sống trên hành tinh này. Điều này có nghĩa, các dân tộc chung sống hòa bình với nhau; các quốc gia liên kết, hợp tác trong tinh thần ý niệm hòa bình. Sức sống của Phật giáo có thể giải quyết các vấn nạn của toàn cầu hóa đặt ra, bằng một triết lý yêu thương của tinh thần đại từ bi và đại trí tuệ mà mỗi người con Phật tự hoàn thiện, tự khai phóng mà đóng góp cho đời trong ngôi nhà chung của nhân loại.
Thế nên sự kiện Đức Phật đản sinh, xuất gia tu hành, thành đạo, nhập Niết bàn cho chúng ta nhìn nhận Đức Phật là bậc thầy mô phạm của nhân loại, đã hướng dẫn con người thực thi nếp sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi sinh là bảo vệ sự sống con người trên mọi phương diện. Ngài sinh ra dưới cây vô ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni, hành trì thiền định cho đến khi giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn nai ở Ba La Nại, và cuối cùng nhập Niết bàn dưới hai cây Sa la tại Kusinara. Đời sống của Phật thật là gần gũi thiên nhiên, thân cận núi rừng, xa chốn phồn vinh. Ngài để lại cho chúng ta hình ảnh một bậc đạo sư đi bộ từ làng này qua làng khác, từ đô thị này qua đô thị khác, sau khi khất thực trở về, thường ngồi trong một khu rừng gần đấy để an nghỉ, hoặc thuyết pháp, hoặc ngồi thiền cho đến chiều. Nếp sống này được kinh điển ghi lại, như là vấn đề cảnh thức gìn giữ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm:
“Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Kỳ vị sanh tử sự,
Giáo hóa độ xuân thu”.
(Một bát ăn ngàn nhà,
Một thân đi vạn dặm.
Vì vấn đề sanh tử,
Giáo hóa độ ngày qua).
Đức Phật là tấm gương tự mình xây dựng môi trường hòa bình nội tâm bên trong và môi trường hòa bình bên ngoài từ thân để định hướng sự phát triển môi trường hòa bình thế giới mang tính bền vững cho cả nhân loại ngày nay và sau này. Cho nên, trong 49 năm giáo hóa, độ sinh, Đức Phật đã chủ động tạo ra một môi trường tu học thích hợp cho những đệ tử xuất gia và tại gia có một nếp sống hòa hợp với thiên nhiên, với một môi trường tu tập thích hợp, để hướng tâm giác ngộ và chứng nhập Niết bàn:“Làng mạc hay rừng núi, Thung lũng hay đồi cao, La hán trú chỗ nào. Đất ấy thật khả ái” và Phật khẳng định: “Khả ái hay núi rừng, Chỗ người phàm không ưa. Vị ly tham ưa thích, Vì không tìm dục lạc” (Pháp cú 98 – 99).
Chính đời sống trong lành, thanh tịnh của rừng núi là những trú xứ, là những môi trường thích hợp nhất để thành tựu chánh trí. Đó là lý do tại sao Ngài Kassapa, sống trọn đời ở rừng núi nói lên vì sao Ngài ưa thích núi rừng: “Khu đất thật khả ái, Với những vòng tràng hoa. Hoa tên Ka ra ri. Trải rộng ra cùng khắp, Với voi rú khả ý. Đồi núi ấy ta thích. Những hồ nước trong mát, Tuyệt đẹp màu mây xanh… Những ngọn núi đá ấy, Làm tâm ta thích thú. Giống đồi mấy xanh biếc, Ví tháp đẹp lâu đài, Với vượn hú khả ý. Đồi núi được ẩn sĩ, Làm thành nơi trụ xứ, Vẳng lên tiếng chim công, Đồi núi ấy ta thích…” (Trưởng Lão Tăng Kệ, 252 – 253).
Thậm chí khi các Thiền sư, Phật tử sống trong đô thị phồn hoa của một quốc gia thịnh vượng, hùng cường vào thời Lý – Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông còn khuyến cáo người dân sống thiện lành với môi sinh, được ghi trong Cư trần lạc đạo: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm; Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính”. Như vậy, từ thời xưa, Phật giáo Việt Nam đã chủ trương sống và xây dựng môi trường hòa bình từ trong nội tâm cho đến môi trường hòa bình bên ngoài cho mỗi cá nhân con người, cho cả gia đình, cho cả cộng đồng xã hội. Các ngôi chùa Việt Nam từ xưa đến nay được xây dựng rất nhiều trên dãi đất hình chữ S này, thực chất là những môi trường lý tưởng của cộng đồng xã hội, là trái tim vận hành cõi Phật của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Bất cứ ai đọc bài “Vịnh Vân Yên tự phú” của thiền sư Huyền Quang thời Trần đều có thể tự hào. Đó cũng chính là một trong những đặc trưng của Phật giáo về bảo vệ môi trường sống thiên nhiên thiện lành, nuôi dưỡng thiên nhiên.
Muốn thiên nhiên vươn hình hài lớn dậy để che chở, cung cấp nguồn sống lại cho con người, thì con người phải tôn trọng sự sống của con người cả loài vật và cỏ cây, đó là một thái độ trên tinh thần duyên khởi, duyên sinh. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã hóa độ ít nhất cho 8 vị vua xóa bỏ hận thù mà không sử dụng bạo động chiến tranh, từ đối đầu chuyển sang đối thoại hòa bình. Đức Phật từng xác nhận không sát sanh là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại:“Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh”. Ngài tuyên bố rất rõ, không chấp nhận bởi một ai vì Ngài, hay vì đệ tử của Ngài mà giết hại các chúng sanh để cúng dường ẩm thực. Chính tinh thần tôn trọng sự sống đối với mọi loài này, ngày nay Phât tử Việt Nam có truyền thống phóng sinh, ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền là những hình ảnh tuyệt đẹp của bốn hạnh lành: từ, bi, hỷ, xả để thiết lập cho mình một môi trường thanh tịnh, hòa bình mang tính bền vững dài lâu trên lộ trình hướng tâm giải thoát.
Xuất phát từ một nội tâm thanh tịnh mà sức mạnh kết nối sự yêu thương, sự thông cảm giữa người với thiên nhiên trở nên gắn bó, khắn khít để rồi tạo một môi trường tốt đẹp, cân bằng sinh thái, tạo nên nếp sống an bình, hạnh phúc cốt lõi mà con người mong muốn như Tăng Chi III ghi: “ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không có ác mộng, được người khác ái mộ, được loài phi nhân yêu kính, được loài trời gia hộ”. Như vậy, Đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, hòa hợp loài người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường sống xanh và sạch. Đây là cơ sở để thiết lập nền hòa bình cho nhân loại. Điều quan trọng hơn nữa, thái độ người Phật tử trong việc thực thi đời sống hạnh phúc cho mình, cần hiểu rõ lời Phật dạy trong kinh Tương Ưng III: “Này các Tỳ kheo Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các tỳ kheo người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời”. Điều đó có nghĩa, trong xu hướng toàn cầu hóa, con người cần chung sống với nhau trong một môi trường hòa bình thân thiện với thiên nhiên, với nguồn sống từ bên trong nội tâm cho đến biểu hiện hành động bên ngoài.
* TT.TS. Thích Phước Đạt – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN.