Kính thưa quý độc giả!
Môi trường sinh thái là một mạng lưới chỉnh thể, hữu cơ, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau giữa đất, nước, không khí và những cơ thể sống trên Trái Đất. Bất kỳ sự thay đổi của yếu tố nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những yếu tố còn lại. Con người và xã hội xuất thân từ tự nhiên, là một bộ phận của thiên nhiên. Nhưng trong quá trình lao động, con người dần dần có sự đối lập, để rồi tự hủy hoại môi trường sống của mình. Điều đó khiến ngôi nhà chung Trái Đất đang phải oằn mình gánh chịu những hậu quả nặng nề, do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng bởi chính con người gây ra.
Đức Phật dạy: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”. Vì vậy, trong mối quan hệ tương hỗ giữa con người với tự nhiên, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ nguồn sống nhân loại. Hướng đến sự kiện Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo mang đến cho độc giả số báo 368 với chủ đề: “Phật giáo với môi trường”. Thông qua một số bài viết: Thông điệp bảo vệ môi trường của Phật giáo (TT.TS. Thích Phước Đạt), Phật giáo và môi trường sinh thái (ĐĐ. Thích Trung Định), Ứng dụng Từ Bi trước hiện trạng khủng hoảng môi trường (ĐĐ. Thích Thiện Mãn)… để qua đó tất cả chúng ta cùng nhìn lại những quan điểm của nhà Phật trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Cùng với danh mục chủ đề, số báo 368 sẽ giới thiệu đến bạn đọc gần xa các bài viết nghiên cứu đặc sắc về: Vị trí và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay (ĐĐ. Thích Phước Tánh), Hình ảnh Phật tử đến chùa trong ca dao, tục ngữ (Trầm Thanh Tuấn), Đạo đức sinh thái Phật giáo – Lý thuyết và thực hành (SC. Thích Nữ Tuệ Phương), Các nguyên tắc thực hiện chiến lược Đại dương xanh trong kinh doanh (TS. Tạ Hoàng Giang),…
Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo tiếp tục trích đăng các bài viết trong tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa thượng Thích Huệ Thông.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo