Lý tưởng Bồ tát theo Gandhi-Vyuha (Nhập Pháp giới) trong Kinh Hoa Nghiêm (SC. Thích Nữ Nhuận Mỹ)

Phật giáo xuất hiện từ rất sớm tại Ấn Độ, đến nay đã hơn 2.500 năm. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Phật giáo đã phân phái và truyền thừa sang các nước lân cận. Trong đó, Phật giáo Đại thừa là một trong những tông phái Phật giáo có những đặc điểm riêng biệt, nhất là phương diện lý tưởng Bồ tát, thể hiện qua các pháp Ba-la-mật. Nhờ vậy, Phật giáo Đại thừa đã phát triển mạnh ở các nước phía Bắc Ấn Độ: Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Hàn Quốc, Việt Nam.

Quan điểm của Phật giáo Đại thừa thể hiện rõ lý tưởng Bồ tát, thông qua các bộ kinh như: kinh Bát Nhã Ba-la-mật, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa,… Điển hình là bộ kinh Hoa Nghiêm với tư tưởng “Pháp giới duyên khởi” hay “Tịnh tâm duyên khởi”, trình bày rõ quan điểm của Phật giáo Đại thừa một cách uyên áo. Đồng thời, thể hiện rõ lý tưởng Bồ tát theo Gandhi-vyuha (phẩm Nhập Pháp Giới, thứ 39), cụ thể qua đại nguyện và hành trạng của các vị Bồ tát mà Sudana (Thiện Tài) đến tham học. Cảnh giới của các Bồ tát được mô tả trong phẩm này rất thù thắng, trang nghiêm, đa dạng phong phú. Các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Bồ tát, Cư sĩ đều có vai trò quan trọng, thể hiện trong các pháp Ba-la-mật, những phương tiện, thần thông… không thể nghĩ bàn. Qua đó, chúng ta còn nhận diện được cái rộng lớn, cao siêu, thù thắng, nhiệm mầu của Phật pháp. Lý tưởng Bồ tát là các Ba-la- mật, là những gì ứng dụng trong cuộc sống và Phật pháp luôn đem lại những lợi ích thiết thực, giúp cuộc đời ngày càng tươi sáng. Hành giả với trí tuệ và tâm nguyện từ bi có thể thâm nhập, thực hiện các pháp Ba-la-mật để thành tựu Nhất thiết trí.

Quan điểm của Phật giáo Đại thừa thể hiện rõ lý tưởng Bồ tát, thông qua các bộ kinh như: kinh Bát Nhã Ba-la-mật, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa,… Điển hình là bộ kinh Hoa Nghiêm với tư tưởng “pháp giới duyên khởi” hay “tịnh tâm duyên khởi”

Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka hay Gandavỳha) có hai bản cựu dịch và tân dịch. Cựu dịch toàn bộ gồm 60 quyển do ngài Phật Đà Bạt Đa La dịch; tân dịch gồm 80 quyển do ngài Thực Xoa Nan Đà dịch, đại bộ phận của kinh này đã được thành lập trước thời ngài Long Thọ [1]. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Thích Ca ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ đề, sau khi thành Chánh giác, trong khoảng 37 ngày tư duy, Ngài ở trong định “Hải ấn Tam muội”, hiện ra thân tướng Pháp thân Đại Nhật (Vairocana) Như Lai mà nói ra bộ kinh Hoa Nghiêm này để hóa độ cho các bậc Bồ tát từ ngôi Sơ địa trở lên. Duyên khởi quán của Nguyên thủy Phật giáo bắt đầu từ vô minh, rồi đến lão tử, đó là “Vọng tâm duyên khởi”. Nhưng Đức Phật ở trong định Hải ấn Tam muội thuộc tâm thuần túy thanh tịnh, mà vận dụng phép quán duyên khởi để triển khai ra nhiều thế giới, nên các thế giới đều là diệu hữu. Nghĩa là các thế giới đều do sự biểu hiện của Pháp thân Tỳ Lư Xá Na Phật (Đại Nhật Như Lai) nên hoàn toàn là vĩnh viễn, chân thực. Các thế giới được hiển hiện ra đều liên quan mật thiết với nhau [2].

Trong thực tế, hạnh nguyện và việc làm của Quán Tự Tại Bồ tát rất phù hợp với nhu cầu của chúng sanh và số đông mọi người. Từ đó, danh xưng Bồ tát còn được mọi người gọi với nhiều cái tên khác như: Phật Bà Quan Âm, Mẹ Hiền Quán Thế Âm, Quán Âm Bồ tát,…

1. LÝ TƯỞNG BỒ TÁT TRONG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA 

Hai khai ngữ xuất hiện hầu như ở tất cả mọi trang kinh văn của Đại thừa là chữ Bồ tát (Bodhisattvà) và không tính. Trước hết thế nào là một Bồ tát (Bodhisattva)? Đức Phật là một người đã giác ngộ. Một Bồ tát theo nghĩa đen là một người đang giác ngộ. Đó là một Đức Phật tương lai, một vị ao ước trở thành một Đức Phật, là một vị đã giác ngộ [3]. Điểm then chốt của Đại thừa là muốn được viên mãn như Phật, người ta phải tu hạnh Bồ tát (Bodhisattva người cầu Đại giác), trên cầu đạo Bồ đề, dưới phát đại nguyện hóa độ chúng sinh, vì lợi ích của chính mình và cả thế giới mà nỗ lực tu hành làm mọi việc thiện. Đại thừa chủ trương bất cứ ai, chỉ cần phát tâm Bồ đề, đều có thể dự phần vào hàng Bồ tát [4].

Lý tưởng của Bồ tát một phần do áp lực xã hội trên Giáo hội, nhưng rộng ra, nó liên kết với sự tu tập “tứ vô lượng tâm” đã huấn luyện chư Tăng không được biện biệt mình và người khác. Một Bồ tát là tổng hợp của hai lực mâu thuẫn: Trí tuệ và từ bi. Trong Trí tuệ của mình, Ngài không thấy người nào; trong Từ bi của mình, Ngài quả quyết cứu vớt tất cả. Khả năng phối hợp những thái độ mâu thuẫn này là nguồn gốc của sự vĩ đại và của khả năng tự độ lẫn tha độ của Ngài [5]. “Này, Subhùti! một Bồ tát phải nghĩ rằng: “Có bao nhiêu chúng sinh trong vũ trụ dầu chúng thuộc loài sinh từ trứng, hay sinh từ con, hay sinh từ nơi ẩm thấp, hay loài hóa sinh; dầu chúng thuộc loài có sắc, hay không sắc; dầu chúng thuộc loài có tưởng (trí giác), không có tưởng, hay loài chẳng phải có tưởng cũng như chẳng phải không tưởng cho đến bất cứ vũ trụ chúng sinh nào có thể quan niệm được; tất cả đều phải được ta dẫn vào Niết bàn, vào trong cảnh giới Niết bàn không để lại chút dấu tích gì. Mặc dầu vô lượng chúng sinh đã được dẫn đến Niết bàn như vậy, không có một chúng sinh nào được dẫn đến Niết bàn cả. Tại sao vậy? Nếu một Bồ tát còn thấy có “chúng sinh”, Bồ tát đã không được gọi là “kẻ giác ngộ” (Bodhi sattva) [6]. Đức Phật dạy, Bồ tát trụ nơi vô tướng, không phân biệt mà độ chúng sanh, Bồ tát trụ nơi vô tướng mà thực hành việc bố thí. Có như vậy mới đúng nghĩa của lý tưởng Bồ tát, thực hiện các phương tiện Phật pháp, thực hành các Ba-la-mật lợi ích chúng sanh. Trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật, Đức Phật dạy Tu Bồ đề như sau: […] Bồ tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí. Tu Bồ đề! Bồ tát nên bố thí như vậy đó, không trụ nơi tướng [7]. Bồ tát không phân biệt với các pháp, không chấp chặt, dính mắc một pháp nào, kinh Kim Cang có đoạn: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, mà thực hiện lý tưởng của Bồ tát với nhiều hạnh nguyện để phục vụ, lợi ích cho chúng sanh. Tùy theo hạnh nguyện của chư Phật, chư Bồ tát đã thực hành trong quá khứ hoặc đang thực thi trong thực tại mà hành giả có thể tự lựa chọn một hạnh Bồ tát phù hợp để viên mãn các pháp Ba-la-mật, tiến đến cứu cánh quả vị Nhất thiết trí.

2. LÝ TƯỞNG BỒ TÁT THEO GANDHI-VYUHA (NHẬP PHÁP GIỚI) 

“Nhập pháp giới” nghĩa là đi vào hay nhập vào cảnh giới hoa tạng của Phật Tỳ-lô-giá-na.“Pháp giới” là tất cả các pháp trong thế gian, vũ trụ gọi chung là pháp giới. Pháp giới trong kinh Hoa Nghiêm “một là tất cả, tất cả là một”. Pháp giới còn chỉ cho Phật tánh, pháp thân, Bản lai diện mục, Tánh Tỳ-lô-giá-na, Niết bàn hay Như Lai tạng tánh vốn dĩ sẵn có trong mỗi con người. Với trí tuệ Bát nhã hay trực giác tâm linh, vô ngã mới có thể thấu tỏ thế giới này.

Phẩm “Nhập pháp giới” quan trọng nhất trong 4 tập của kinh Hoa Nghiêm, đó là lộ trình của Thiện Tài đồng tử đi tham vấn các vị thiện tri thức, chí thành cầu sự giác ngộ và phát tâm hành Bồ tát đạo cứu độ chúng sanh. Trong phẩm này, năm vị thiện tri thức tiêu biểu như: Tỳ Kheo Đức Vân, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quán Tự Tại Bồ tát, Di Lặc Bồ tát là tiêu biểu cho lý tưởng Bồ tát, có thể phục vụ, giáo hóa, cứu giúp chúng sanh trong khắp mười phương thế giới.

Thiện Tài đồng tử đại diện cho Bồ đề tâm, đối tượng tiếp nhận sự giáo hóa của Đức Phật, chư Bồ tát và các thiện tri thức. Thiện Tài đồng tử được Văn Thù Sư Lợi Bồ tát dạy nên đi tham vấn và học tập các vị Bồ tát, các thiện tri thức ở khắp nơi về việc phát tâm Vô thượng Bồ đề; muốn thân cận các bậc thiện tri thức để học hỏi Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo. Đức Di Lặc Bồ tát và Văn Thù Bồ tát là hai vị Bồ tát đã chấp nhận độ cho Thiện Tài đồng tử. Đầu tiên, Thiện Tài đồng tử tham vấn Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát: “…Học Bồ tát hạnh thế nào? Phải tu Bồ tát hạnh thế nào? […]Phật thực hành Bồ tát hạnh thế nào? […]? Phải làm thế nào cho Phổ Hiền hạnh mau được viên mãn” [8].

Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Thích Ca ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ đề, sau khi thành Chánh giác, trong khoảng 37 ngày tư duy, Ngài ở trong định “Hải ấn Tam muội”, hiện ra thân tướng Pháp thân Đại Nhật (Vairocana)

Văn Thù Sư Lợi Bồ tát (Manjusri): Văn Thù hoặc Mạn Thù có nghĩa là Diệu. Sư Lợi có nghĩa là Đức, là Cát tường. Văn Thù Bồ tát cưỡi sư tử tiêu biểu cho trí huệ đại giác của Đức Phật Thích Ca Như Lai, xuất hiện với biểu tượng của hóa thân [9]. Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát vì Thiện Tài đồng tử mà khuyên dạy, muốn “thành tựu Nhất thiết chủng trí thì phải cầu chân thiện tri thức”.

Bồ tát giới thiệu Tỳ kheo Đức Vân ở nước Thắng Lạc. Thiện Tài đồng tử đến gặp Đức Vân Tỳ kheo thưa hỏi về việc Bồ tát phải học Bồ tát hạnh thế nào? Đức Vân Tỳ kheo bảo: “Ta được sức thắng giải tự tại quyết định, tín nhãn thanh tịnh, trí quang chói sáng, thấy khắp các cảnh giới khỏi tất cả chướng ngại, quán sát khéo léo, phổ nhãn sáng suốt, đủ hạnh thanh tịnh. Qua đến tất cả cõi nước mười phương cung kính cúng dường tất cả chư Phật. Thường nhớ tất cả chư Phật Như Lai [10] […] Ta chỉ được pháp môn “Ức niệm Nhứt thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến”[…] Những là Trí quang phổ chiếu niệm Phật môn, vì thường thấy tất cả chư Phật quốc độ […] Môn làm cho tất cả chúng sanh niệm Phật [11]. Đức Vân Tỳ kheo thể hiện là người xuất gia đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh, giới đức, oai nghi trong đi đứng, nằm, ngồi đầy đủ đức hạnh gương mẫu, là Thầy của trời người. Tỳ kheo Đức Vân có phương pháp niệm Phật và dạy chúng sanh niệm Phật, thường nhớ nghĩ mười phương chư Phật. Nhờ vậy mà diệt trừ được các nghiệp chướng, phiền não chướng, ba nghiệp thân, ngữ, ý được thanh tịnh, thực hiện các hạnh lành và thành tựu trí tuệ giải thoát. Vì vậy, Thiện tài đã lãnh thọ sự chỉ dạy của Tỳ kheo Đức Vân.

Khi tham vấn Bồ tát Quán Tự Tại ở núi Phổ Đà, Bồ tát dạy: […] Này thiện nam tử! Ta dùng môn Bồ tát Đại bi hạnh này bình đẳng giáo hóa tất cả chúng sanh tiếp nối chẳng dứt […] “Ta trụ nơi môn đại bi hạnh này thường ở chỗ tất cả chư Phật, hiện khắp trước tất cả chúng sanh. Hoặc dùng bố thí, hoặc dùng ái ngữ, lợi hành, đồng sự để nhiếp thủ chúng sanh. Hoặc hiện sắc thân nhiếp thủ chúng sanh. Hoặc hiện những sắc bất tư nghì quang minh thanh tịnh để nhiếp thủ chúng sanh […] Ta lại phát nguyện: Nguyện tất cả chúng sanh hoặc nhớ đến ta, hoặc xưng tên ta, hoặc thấy thân ta, thời đều được khỏi tất cả sự bố úy”[12]. Tâm đại từ đại bi của Bồ tát Quán Thế Âm được định nghĩa là một tư tưởng tốt lành, mong mỏi người khác thoát khỏi đau khổ. Tâm đại bi muốn làm vơi bớt những nỗi thống khổ và rắc rối của hữu tình, vị Bồ tát này thường quán sát âm thanh, tiếng kêu cứu của chúng sanh, cứu khổ và ban vui cho hữu tình chúng sanh. Quan Âm ở tại Ta bà đủ thứ chuyện rắc rối và Ngài cũng thường vào địa phủ là nơi nhiều khổ đau. Như vậy, người đau khổ và người rắc rối là đối tượng cứu độ của Quan Âm. Ý này được kinh Hoa Nghiêm dạy rằng quả Bồ đề thuộc chúng sanh. Không có chúng sanh, Bồ tát không thành vô thượng Chánh đẳng Chánh giác [13].

Trong thực tế, hạnh nguyện và việc làm của Quán Tự Tại Bồ tát rất phù hợp với nhu cầu của chúng sanh và số đông mọi người. Từ đó, danh xưng Bồ tát còn được mọi người gọi với nhiều cái tên khác như: Phật Bà Quan Âm, Mẹ Hiền Quán Thế Âm, Quán Âm Bồ tát,… Kết hợp tâm đại bi của Bồ tát Quán Âm và trí tuệ của Bồ tát Văn Thù, tại đây ta thấy được từ bi và trí tuệ luôn song hành là căn bản của lý tưởng Bồ tát. Nhờ vậy, Thiện Tài đồng tử mới diện kiến, tham vấn được Đức Di Lặc Bồ tát – bậc Bồ tát được Đức Phật Thích Ca thọ ký đương lai thành Phật. Di Lặc Bồ tát giúp Thiện Tài đi vào thế giới của Đức Tỳ-lô-giá-na Như Lai. Thiện Tài đồng tử vào đảnh lễ Đức Phật Tỳ-lô-giá-na, quan sát học về Bồ tát hạnh thành tựu vô lượng công đức. Nhờ Di Lặc Bồ tát, Thiện Tài đã nhập được Pháp giới, đó cũng là giai đoạn trọng yếu của việc tu Bồ tát hạnh, thực hiện lý tưởng Bồ tát. “Di Lặc Bồ tát thông đạt tất cả Bồ tát hạnh, biết rõ tâm chúng sanh, thường hiện thân trước họ để giáo hóa điều phục. Di Lặc Bồ tát đã viên mãn tất cả các pháp Ba-la-mật, đã ở tất cả bậc Bồ tát, đã chứng tất cả Bồ tát nhẫn, đã nhập tất cả Bồ tát vị, đã được Phật thọ ký, đã du tất cả cảnh Bồ tát, đã được thần lực của tất cả Phật, đã được Như Lai đem pháp thủy cam lộ nhứt thiết trí quán đảnh” [14].

Thiện Tài đồng tử đã thâm nhập được cảnh giới của Tỳ-lô-giá-na. Thiện Tài tiếp tục tham vấn Bồ tát Văn Thù. Văn Thù Sư Lợi Bồ tát biểu trưng cho trí tuệ giác ngộ, sáng soi kiểm nghiệm tất cả chân lý trong Phật pháp, khi đó Thiện Tài cũng đạt đến trí tuệ vô lậu, trí vô phân biệt, không còn sự phân biệt đối với các pháp. […] Văn Thù Sư Lợi thường làm Mẹ của vô lượng trăm ngàn ức na do tha chư Phật. Thường làm Thầy của vô-lượng trăm ngàn ức na do tha Bồ tát. Giáo hóa thành tựu vô lượng chúng sanh […] Ðược tất cả Như Lai khen ngợi, trụ nơi trí thậm thâm, có thể thấy tất cả pháp như thiệt, thông đạt tất cả cảnh giới giải thoát, rốt ráo những hạnh của Phổ Hiền [15]. Nhờ Đức Văn Thù, Thiện Tài đồng tử diện kiến được Đức Phổ Hiền Bồ tát. Phổ Hiền Bồ tát (Samantabhadra, Visvabhadra): Dịch là Tam-mạn-đa Bạt-đà-la Bồ tát hay Biến Cát Bồ tát. Ngài cùng với Văn Thù Bồ tát là vị hiệp sĩ của Đức Thích Ca Như Lai. Ngài Phổ Hiền cưỡi voi trắng hầu ở bên phải. Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ chứng; còn ngài Phổ Hiền tượng trưng cho lý, định, hành, cùng giải thích lý trí, định huệ, hành chứng hoàn bị viên mãn của đức bản tôn Như Lai. Hai ngài Văn Thù, Phổ Hiền đều là bậc Thượng thủ của hết thảy Bồ tát, thường giúp đỡ tuyên dương cho việc giáo hóa của Đức Như Lai. Thân tướng và công đức của vị Bồ tát này có khắp mọi nơi, thuần nhất, diệu thiện, nên gọi là Phổ Hiền [16]. Phổ Hiền Đại Bồ tát bảo Thiện Tài rằng: […] Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Những gì là mười điều? Một là kính lễ các Đức Phật, Hai là khen ngợi Đức Như Lai, Ba là rộng sắm đồ cúng dường, Bốn là sám hối các nghiệp chướng, Năm là tùy hỉ các công đức, Sáu là thỉnh Đức Phật thuyết pháp, Bảy là thỉnh Đức Phật ở lại đời, Tám là thường học tập theo Phật, Chín là hằng thuận lợi chúng sanh, Mười là hồi hướng khắp tất cả.[…] Cõi hư không kia hết, sự lễ kính của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận. […] [17].

Như vậy, mười nguyện của Phổ Hiền Bồ tát vô cùng lớn lao như hư không vô biên, không có bờ bến. Thiện Tài đồng tử học từ Phổ Hiền Bồ tát các nguyện lực ấy để tạo nên những công đức, Ba-la-mật cho việc tu chứng và thực hành các hạnh Bồ tát lợi ích chúng sanh. “Từ nguồn lực vô biên của Phổ Hiền Bồ tát ở dạng siêu hình đưa vào thực tế, kinh qua việc tu hành của chúng ta, mới có được bất tư nghì giải thoát cảnh giới. Phổ Hiền nhắc chúng ta phải tu mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Phật dạy rằng làm được trọn vẹn mười hạnh Phổ Hiền, sẽ thấy Phổ Hiền hiện tiền, không nhập diệt. Tất yếu chúng ta cần suy nghĩ và làm cho được mười hạnh Phổ Hiền. Chúng ta bắt đầu thực hiện từng việc một theo Phổ Hiền là tu hạnh Phổ Hiền” [18]. Trọn nên những hạnh nguyện và công đức Phổ Hiền lợi ích chúng sanh là thềm thang cho Bồ tát viên thành quả vị Phật. Năm vị Bồ tát trên là tiêu biểu, là kiểu mẫu trong kinh Hoa Nghiêm nhắc đến, đại diện cho lý tưởng Bồ tát của Phật giáo Đại thừa trong việc hoằng dương Phật pháp, lợi ích quần sanh. Nhờ vậy, Phật pháp được truyền thừa, lưu truyền phát triển và cửu trụ nơi nhân gian.

Đức Phật dạy, Phật tánh vốn dĩ bình đẳng, sáng suốt và sẵn có trong mỗi chúng sanh. Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh về Phật tánh của mỗi chúng sanh, nên đối tượng cứu độ, giáo hóa và đồng hành để nâng đỡ chúng sanh cho đến lúc thành Phật cũng là hóa thân Phật, Bồ tát trong thực tế cuộc sống luôn tồn tại. Đức Phật dạy, cõi đời đầy sự khổ đau đó là môi trường để Bồ tát nỗ lực tu tập tạo nên công đức lớn lao đạt đến quả vị giác ngộ Niết bàn. Trong khi phát tâm Bồ đề tu tập cũng là việc thực hành các pháp Ba-la-mật, cũng là thực hiện đời sống phạm hạnh thanh tịnh, hành trì các giới điều Đức Phật chế. Nên dựa trên căn bản của Giới-Định-Tuệ mới đưa đến sự rốt ráo cứu cánh giải thoát, giác ngộ Niết bàn. Thiện Tài đồng tử được trí tuệ của Bồ tát Văn Thù khai thị đi tìm cầu các bậc chân thiện tri thức học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo, đầu tiên Thiện Tài học đạo nơi Tỳ kheo Đức Vân, rồi Đồng tử không quản ngại gian khó để diện kiến các bậc Đại Bồ tát quan trọng trong Phật pháp như Quán Tự Tại Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Di Lặc Bồ tát. Việc tu tập của hành giả chúng ta hôm nay cũng không khác, muốn mau đến được chánh trí, cần phải cầu học nơi những vị Chân sư, những bậc Thầy đi trước để học được những kinh nghiệm quý báu trên bước đường tu, các Ngài là tấm gương cho chúng ta học tập và tự răn nhắc mình trong mọi hoàn cảnh ở thực tại.

Như vậy, giá trị tư tưởng Phật giáo Đại thừa về lý tưởng của Bồ tát nhấn mạnh về phương diện lợi ích nhân sinh làm mục tiêu chính. Tỳ kheo Đức Vân, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quán Tự Tại Bồ tát, Di Lặc Bồ tát nằm trong số năm mươi ba vị thiện tri thức thuộc kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới. Với việc thể hiện những công hạnh Bồ tát, hạnh nguyện Bồ tát, các pháp Ba-la-mật, đây là những vị Bồ tát tiêu biểu nhất của Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát cần phát bốn đại nguyện tu hành như: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thề nguyện đoạn, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, để thực hiện lý tưởng Bồ tát hành trì mười nguyện của Phổ Hiền. Đó cũng là chặng đường tu tập “thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”, trên thì một lòng cầu Phật đạo, dưới hóa độ khắp chúng sanh. Bồ tát thực hành các pháp Ba-la-mật để chứng ngộ mười địa từ thấp lên cao, như lộ trình tham vấn cầu học các chân thiện tri thức của Thiện Tài đồng tử. Cuối cùng, Thiện Tài đồng tử cũng ngộ được Bồ đề tâm, thấy được đại nguyện của Bồ tát, lý tưởng cao cả của các vị Đại Bồ tát, tự giác giác tha, cứu độ chúng sanh trải qua vô số kiếp không mỏi nhàm. Như vậy, các vị Đại Bồ tát ấy luôn tuyên dương chánh pháp của ba đời, mười phương chư Phật, khiến mạch nguồn Phật pháp tuôn chảy mãi. Các Ngài luôn đem chân lý và giáo pháp chư Phật tưới mát những nơi khô cằn, thắp sáng những cõi u minh tâm thức của chúng sanh. Khiến cho mặt trời trí tuệ của Phật pháp luôn sáng soi đường cho chúng sanh, để dưỡng nuôi những hạt giống hiền thiện lợi ích cho mọi người, cho cuộc đời.

Trên tinh thần của Phật giáo Đại thừa là tùy duyên, khế lý, khế cơ mà những phương tiện, các pháp Ba-la-mật, lý tưởng Bồ tát đạo trong kinh Hoa Nghiêm đã áp dụng phù hợp mọi căn cơ chúng sanh, mọi nơi, mọi quốc độ, mọi hoàn cảnh, mọi thời kỳ. Vì vậy, Phật giáo mãi trường tồn nhiêu ích được số đông quần sanh, góp phần tạo nên mẫu người lý tưởng xây dựng quốc gia phồn thịnh, Nhân dân an lạc, xã hội an hòa. Đó cũng là góp phần dứt trừ mọi sự tiêu cực, xấu ác trong cuộc đời như: Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và những điều ác…

SC. Thích Nữ Nhuận Mỹ

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] [2] HT. Thích Thanh Kiểm (1969), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.106, 107.

[3], [5], [6] Chân Pháp Nguyễn Hữu Hiệu (dịch) (1969), Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật, dịch, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh Xuất bản, tr.105, 108, 109.

[4] Thích Quảng Độ (dịch) (1969), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Viện Đại Học Vạn Hạnh, tr.35.

[7] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến (dịch), kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật, Nxb. Tôn Giáo, tr.67.

[8] HT. Thích Trí Tịnh (dịch) (2011), Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, tập 4, Nxb. Tôn Giáo, tr.103.

[9], [16] Viện Nghiên cứu Phật học (2004), Từ Điển Phật Học Hán Việt, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr.1500, 1015.

[10], [11], [12], [14], [15], [17]  HT Thích Trí Tịnh (dịch) (2011), Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, tập 4, Nxb. Tôn Giáo, tr.102-107, 317-318, 666-667, 781-782, 838.

[13], [18], HT. Thích Trí Quảng (2015), Hai mươi mùa An Cư, Quyển 1B, Nxb. Hồng Đức, tr.968, 684-685.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *