Ngày xuân, góp nhặt đôi điều về câu tục ngữ “Tiên học lễ…” (Nguyễn Quốc Dũng)

Văn hóa là bản sắc của dân tộc, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Một bộ phận quan trọng làm nên văn hóa là đạo đức. Bởi vậy, sự xói mòn, suy thoái về đạo đức, lối sống không chỉ là một nỗi lo mà còn là một nỗi đau. Nói đến sự xói mòn, suy thoái đạo đức, không thể không nói đến trách nhiệm của gia đình và xã hội, đặc biệt là của ngành giáo dục. Mấy năm gần đây, chuyện đạo đức đã được công luận và báo chí đặt thành vấn đề bức thiết của đất nước. Mới đây nhất, liên quan đến vấn đề giáo dục đạo đức học đường, lại rộ lên làn sóng dư luận bỏ hay không bỏ câu khẩu hiệu đã trở thành kinh điển trong nền giáo dục Việt Nam: “Tiên học lễ…”.

Mùa xuân đang về. Mùa xuân là mùa của đoàn tụ, của sự trở về với tình thương mái ấm gia đình, với cội nguồn tổ tiên. Nhằm bày tỏ chút quan tâm, gọi là “ôn cố tri tân”, xin góp nhặt đôi điều bàn về giá trị của câu tục ngữ trên.

ĐẠO ĐỨC TRONG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Người Việt ta có câu “dạy con từ thuở còn thơ…”, nghĩa là “ngay khi còn nhỏ, con cái cần phải được dạy dỗ”. Nhưng ưu tiên cần dạy cho trẻ điều gì? Lễ (đức dục) hay Văn (trí dục)? Câu trả lời đã nằm sẵn trong câu tục ngữ từ lâu đã được dùng làm khẩu hiệu, phương châm giáo dục ở nhà trường: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Bậc cổ đức có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là “con người khi mới sinh ra vốn tính thiện”, tức tâm hồn trong sáng, chưa “nhuốm bụi trần”, chẳng khác gì tờ giấy trắng tinh, chưa vấy chút mực nào. Gia đình là môi trường sống đầu đời của đứa trẻ. Người thân trong gia đình, trước hết là cha mẹ, là những tác nhân đầu tiên để lại trên tờ giấy trắng ấy những dấu ấn của mình. Những dấu ấn ấy đẹp hay xấu, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc mức độ tác động của chúng. Nếu không phải vậy, ắt hẳn người Việt ta đã nhầm… khi cho rằng “mẹ nào, con nấy” hay “cha nào, con nấy”.

Như vậy, giáo dục gia đình cần phải được coi trọng, phải được xem là điểm xuất phát của giáo dục con người. Trước kia, đại bộ phận dân ta là nông dân, ít có cơ hội học hành, nên trong gia đình, họ không thể vừa làm cha mẹ lại vừa làm thầy dạy học cho con. Ở một số địa phương phía Bắc, con cái gọi cha mẹ là “thầy u”, hàm ý vai trò của người cha trong gia đình chẳng khác gì người thầy. Cách xưng hô như vậy thực ra có thể là chính danh nhưng cũng có thể do tập quán. Dầu hiểu theo nghĩa nào thì trong nhận thức của người Việt, cha mẹ là người thầy đầu tiên trong đời của mỗi đứa trẻ. Do hạn chế về học vấn, đa phần các bậc làm cha mẹ dạy con cái trước tiên không phải là tri thức khoa học mà là cách làm người thường thể hiện qua cách ăn nói, đi đứng, ứng xử hằng ngày với mọi người trong gia đình, họ tộc, bà con xóm giềng… Lời nói và hành động của người lớn trong gia đình, nói chung, đều được con trẻ bắt chước và học theo một cách tự nhiên, thiếu chọn lọc. Do vậy, trong giáo dục gia đình, cha mẹ trước hết phải làm gương, tức phải luôn chú ý mẫu mực trong lời ăn tiếng nói cũng như hành động trước mắt con trẻ. Trong nhịp sống hối hả và phức tạp hiện nay, vì đồng tiền bát gạo, lo toan cho cuộc sống hằng ngày, bao người đã vô tình sao lãng hay quên đi vai trò người thầy của mình đối với con cái. Đây là một mất mát lớn, thật vô cùng đáng tiếc.

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

ĐẠO ĐỨC TRONG GIÁO DỤC XÃ HỘI

Theo truyền thống giáo dục của cha ông, trong ba chữ Đức dục, Trí dục và Thể dục thì Đức dục được đưa lên hàng đầu. Điều ấy đã được thi hào Nguyễn Trãi thể hiện rõ trong “Gia huấn ca”, Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ đồng thời là một nhà giáo lớn của dân tộc, đúc kết trong hai câu lục bát ngắn gọn:

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

(Lục Vân Tiên)

“Trung hiếu, tiết hạnh” là những khái niệm đạo đức được xem là mục tiêu giáo dục hàng đầu để đào tạo con người. Trong triết lý đào tạo của Nho gia mà giáo dục Việt Nam từ xưa đã chịu ảnh hưởng sâu đậm, người ta luôn nhắc đến năm chữ tối thượng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trừ chữ Trí, trong năm chữ ấy có đến bốn chữ thuộc phạm trù đạo đức. Do vậy, mục tiêu của giáo dục là nhằm đào tạo những con người hữu ích cho xã hội thì không thể chỉ có “văn” mà quan trọng hơn là phải có “lễ”, tức không chỉ đào tạo nên những người có “tri thức” mà cao hơn nữa phải là những người có “đạo đức, văn hóa”. Theo cách nói của người xưa, thành quả của một nền giáo dục hoàn hảo phải là những con người có tài đức vẹn toàn. Tài phải đi đôi với đức, đức phải song hành với tài để khuôn đúc thành tài năng và nhân cách. Giữa tài và đức, người xưa trọng đức hơn tài, vậy nên người có đức có tài thường được gọi là “hiền tài”, nói gọn là người “hiền”. Chân lý coi trọng đức hơn tài không chỉ có ở ta, mà nước ngoài cũng có câu ngạn ngữ cùng ý nghĩa: “Cái học quan trọng nhất là học làm người”. Chính vì coi đạo đức là mục tiêu hàng đầu của giáo dục mà tư tưởng Nho giáo đã đề cao vai trò của “tu thân” trong sự nghiệp đào tạo con người.

“Ôn cố” để mà “tri tân”. Qua một số nét “ôn cố” về giáo dục truyền thống của tổ tiên, ta thấy, rõ ràng giáo dục đạo đức là vấn đề của muôn thuở. Có tri thức khoa học kỹ thuật hiện đại mà thiếu đi bản lĩnh đạo đức sẽ là tai họa khó lường cho nhân loại. Cho nên một nền giáo dục chân chính phải lấy đạo đức làm mục tiêu hàng đầu.

Giáo dục Việt Nam từ xa xưa đã sâu đậm chịu ảnh hưởng của triết lý giáo dục Nho gia. Mặc dù du nhập ngoại lai, nhưng tư tưởng giáo dục của Nho gia đã được người Việt chấp nhận như một bộ phận văn hóa lâu đời của dân tộc, bên cạnh giáo lý Từ bi, Trí tuệ của Đạo Phật. Do vậy, không thể vì bất cứ một lý do gì mà chối bỏ hay bài trừ nó một cách duy ý chí, thiếu tinh thần khoa học. Nhà văn Pháp Anatole France, đã từng nói một câu chí lý: “Đừng đánh mất cái gì của quá khứ, vì với quá khứ, con người xây dựng tương lai”.

ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CỦA GIÁO DỤC LÀM NGƯỜI

Việc giáo dục đạo đức quan trọng như thế (tiên học lễ…) cho nên trong kho tàng văn học dân gian cũng như trong lịch sử dân tộc có khá nhiều chuyện kể, tục ngữ, ca dao thể hiện chân lý “đạo đức là nền tảng của giáo dục” mang tính truyền thống của người Việt ta. Nào là những chuyện kể Tấm Cám, Cây khế, Thạch Sanh Lý Thông, Mục Kiền Liên báo hiếu…

Nào là: Uống nước nhớ nguồn; ăn quả nhớ kẻ trồng cây; một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ; giấy rách phải giữ lấy lề; đói cho sạch, rách cho thơm; thương người như thể thương thân; nhiễu điều phủ lấy giá gương…

Nào là:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

“Khó mà biết lẽ biết lời,

Biết ăn biết ở hơn người giàu sang.”

Dưới cái nhìn căn bản của đạo lý làm người, đức Hoàng thái hậu Từ Dũ đã không ngại thể hiện gia uy với con trai của mình là vua Tự Đức, dầu là đương kim hoàng đế, đứng đầu thiên hạ, nhưng cũng phải được nhắc nhở nghiêm khi nhà vua tỏ ra “thất lễ”: đi săn quên cả ngày húy kỵ của vua cha. Phép nhà không tỏ, làm sao rõ phép nước?

Tam nguyên Yên Đổ – Nguyễn Khuyến, dẫu con trai đã ra làm quan, nhưng do “thất lễ” với dân, mà đã tìm cách dạy cho con một bài học nên thân. Câu chuyện dạy con khá ý vị sau đây của cụ đồ Yên Đổ đáng để chúng ta suy ngẫm về hai chữ đạo đức. Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn đồng thời là một nhà giáo mẫu mực. Tính ông độ lượng nhưng cũng rất nghiêm khắc, ngay cả với con cái. Chuyện kể rằng lần nọ, con trai cả của cụ là Nguyễn Hoan, đỗ Phó bảng, làm quan Tri phủ tiểu, về làng Vĩnh Trụ thăm bố vợ là Tổng đốc Vũ Văn Báo. Vốn tính hách dịch, Phủ tiểu về đến đầu làng, thấy cờ im trống lặng, không ai ra đón rước, bèn nổi giận cho gọi lý trưởng ra hạch tội “thất lễ với quan lớn” và đánh cho mấy roi.

Chuyện ấy đến tai, Tam Nguyên rất buồn phiền vì đứa con hống hách, cậy quyền ỷ thế. Ít lâu sau, nhân đi công cán, Phủ tiểu ghé về thăm quê, Tam Nguyên khăn áo trịnh trọng cùng với hương lý ra tận đầu làng đón rước. Trên võng kiệu nghênh ngang oai vệ, Phủ tiểu rất lấy làm đắc ý. Bỗng cụ Tam Nguyên rẽ đám đông bước ra trước kiệu, chắp tay cung kính: “Bẩm lạy quan lớn ạ!” Chợt thấy cha già, Phủ tiểu rụng rời tay chân, hốt hoảng xuống kiệu, sụp lạy van xin cha tha cho con tội lớn, cụ Tam Nguyên vẫn bình thản chắp tay và thong thả nói: “Được biết quan lớn về làng, tôi tuổi già sức yếu cũng xin ra đây cùng dân làng đón rước ngài. Nếu không, e quan lớn lại nổi giận lôi đình mà đánh đau như đánh thầy lý Vĩnh Trụ thì chịu sao nổi”. Hôm ấy, Phủ tiểu được cha dạy cho một bài học nhớ đời. Chắc hẳn trong quan niệm của nhà giáo Nguyễn Khuyến, con người có học thức mà thiếu đạo đức sẽ là tai họa khôn lường cho bản thân và xã hội. Và Phủ tiểu ắt đã thấm thía ngẫm ra ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ…” là gì!

Mùa xuân là mùa của đoàn tụ, của sự trở về với tình thương mái ấm gia đình, với cội nguồn tổ tiên.

Những chuyện kể nêu trên là những giai thoại có ý nghĩa giáo dục tuyệt vời. Dạy con từ thuở lên ba…, nhưng khi con đã khôn lớn rồi mà vẫn chưa học hết chữ “lễ” thì thiết nghĩ cũng cần tiếp tục nhắc nhở, uốn nắn thêm cho được “thành người”.

“TIÊN HỌC LỄ…”, NGHE CÓ LẼ CỔ LỔ MÀ HOÁ RA RẤT HIỆN ĐẠI…

“Ôn cố” để mà “tri tân”. Qua một số nét “ôn cố” về giáo dục truyền thống của tổ tiên, ta thấy, rõ ràng giáo dục đạo đức là vấn đề của muôn thuở. Có tri thức khoa học kỹ thuật hiện đại mà thiếu đi bản lĩnh đạo đức sẽ là tai họa khó lường cho nhân loại. Cho nên một nền giáo dục chân chính phải lấy đạo đức làm mục tiêu hàng đầu. 

Bàn đến câu tục ngữ là đụng đến vấn đề ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ là hiện tượng xã hội cho nên nó luôn biến đổi và thích ứng theo quá trình lịch sử của dân tộc nói ngôn ngữ ấy. Do vậy, hai từ “lễ” và “văn” trong câu tục ngữ phải được hiểu một cách biện chứng trong tương quan ngôn ngữ và xã hội: Lễ của tiếng Việt ngày nay không hẳn là “lễ phép”, “lễ nghi” mà là “đạo đức”; “văn” không những ở đây hiểu với nghĩa hẹp là văn chương, văn học mà còn là khoa học, kiến thức. Cũng cần chú ý, câu tục ngữ được cấu tạo theo quan hệ đẳng lập, cho nên việc học văn hay học lễ, về cơ bản, đều được coi là như nhau. Nhưng vì “lễ” đặt trước “văn” nên được xem như yếu tố nhấn mạnh, mục tiêu hàng đầu của giáo dục. Nghĩa của hai từ “tiên” và “hậu” ở đây không phải dùng để chỉ trật tự thời gian thông thường “trước sau”, mà phải được hiểu theo trật tự ưu tiên hàng đầu trong công tác bồi dưỡng đào tạo con người nói chung, nhân tài cho đất nước nói riêng. Trong tư tưởng văn hóa Phật giáo, không phải ngẫu nhiên mà hai từ “Từ bi và Trí tuệ” được sắp xếp theo trật tự trước sau tương đồng như câu tục ngữ.

Câu tục ngữ ấy nào có tội tình chi mà kết án? Đạo đức còn là vấn đề của con người, của xã hội thì câu tục ngữ ấy vẫn còn giá trị sử dụng, cần phải được đề cao. Hơn nữa, nếu chịu khó suy xét một chút, ta lại thấy, thật bất ngờ, câu tục ngữ nghe có vẻ cổ xưa nhưng lại rất hiện đại. Thứ nhất, nó đề cao đạo đức bởi lẽ đạo đức luôn là nền tảng của con người có văn hóa, lịch sự văn minh. Thứ hai, ngày nay lý thuyết dạy học quan niệm “lấy người học làm trung tâm” thì câu tục ngữ ấy đã nói đến từ đời xửa đời xưa rồi! Từ “học” lặp lại đến hai lần trong câu tục ngữ ấy là chủ ý nhấn mạnh đến vai trò chủ thể người học của lý thuyết ấy rồi còn gì! Quả thực, câu khẩu hiệu học đường “tiên học lễ…” là một phương châm giáo dục vô cùng ngắn gọn và súc tích, không những mang tính chất truyền thống mà còn có giá trị rất hiện đại.

Mùa xuân qua đi, muôn hoa rụng, nhưng chân lý thì vẫn luôn tồn tại bên ta, chỉ e ta thờ ơ mà không nhận ra. Thật ra, chân lý vẫn đấy, một cách hiển nhiên như đất trời, thầm lặng như cánh hoa mai kia trong câu thơ của Thiền sư Mãn Giác: “đình tiền tạc dạ nhất chi mai”! Đạo đức rõ là mùa xuân miên viễn.

Nguyễn Quốc Dũng

 

Chú thích:

* Nguyễn Quốc Dũng: Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *