Nghĩ về tết trồng cây (Lê Hải Đăng)

Nước ta là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có Tết trồng cây. Thuở nhỏ đi học vào dịp đầu năm thầy cô thường tổ chức cho học sinh buổi sinh hoạt dã ngoại với mục đích “trồng cây gây rừng”. Biết bao thế hệ học trò lớn lên trên ghế nhà trường từng tham gia hoạt động thiết thực đầy ý nghĩa này. Học sinh có thể trồng cây ngoài đường phố hay trong sân trường. Nhưng, theo quan sát, cây học sinh trồng đa số không trưởng thành, lớn lên thành rừng như phong trào phát động mà nhanh chóng héo khô, tàn tạ, chết yểu. Lý do là học sinh chỉ thực hiện nhiệm vụ trồng cây mà không tham gia chăm sóc, tưới nước, bảo quản…

Những nhiệm vụ này dường như nằm ngoài phạm vi hoạt động phong trào. Bởi vậy, phong trào “trồng cây gây rừng” thực hiện trên khắp cả nước, hết năm này sang năm khác vẫn chưa thành hiện thực. Gần đây, phong trào trồng cây nhân dịp Tết trồng cây tiếp tục triển khai với nhiều hoạt động đa dạng hơn. Loại cây trồng cũng phong phú về chủng loại, có địa phương còn trồng cả giống cây ngắn ngày trong chiếc chậu đan bằng mây tre đặt quanh gốc cây ngoài đường phố. Tất nhiên, loại cây mang tính chất trang trí tiểu cảnh này khó thể phát triển thành rừng.

Xuất phát từ một phong trào mang đầy ý nghĩa, thiết thực, nhưng cách thức triển khai, thực hiện mới làm nên giá trị thực tại của nó. Trồng cây hay trồng rừng đều có tác động tích cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, môi trường sinh hoạt, văn hóa, xã hội. Xét về thời gian thực hiện, phong trào trồng cây nhân dịp Tết trồng cây có thể coi như một chương trình hành động quốc gia, mang tầm chiến lược, nhưng vì dừng lại ở hoạt động phong trào, nên việc đánh giá tác dụng thật sự của nó chưa được quan tâm đúng mức.

Căn cứ vào phương pháp nghiên cứu phát triển cộng đồng, một chương trình hành động hay chính sách trước khi đi vào thực tiễn phải trải qua bốn bước:

Bước 1: Đánh giá thực trạng.
Bước 2: Xác định nhu cầu.
Bước 3: Tìm hiểu khó khăn, thuận lợi. Bước 4: Đề ra giải pháp.

Qua phong trào “trồng cây gây rừng” hay trồng cây hưởng ứng Tết trồng cây cho thấy các bước kể trên đã bị bỏ qua. Nếu hoạt động này thực sự hiệu quả, cây thế hệ trước trồng đã trưởng thành, tỏa bóng mát cho thế hệ sau. Cây thế kỷ trước trồng đã rợp bóng trong thế kỷ này. Có lẽ xuất phát từ tư duy phong trào, không đề cao công tác hậu kiểm, đánh giả, xem xét lại mục tiêu của chương trình bằng phương pháp khoa học, nên, thời gian qua đi, cây xanh, cây rừng trồng từ phong trào hoặc Tết trồng cây chưa đạt hiệu quả cao.

Như trên đã nói, phong trào trồng cây mặc dù mang tính chất của một chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng công tác triển khai, đánh giá chưa thực hiện khoa học. Trong 4 bước kể trên, chỉ riêng bước 1 là xác định thực trạng đã cho thấy chương trình này chưa hề bước qua.

Trên khắp cả nước có rất nhiều địa phương với những con đường vắng bóng cây xanh. Ngay như một thành phố vốn mệnh danh “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng” là Đà Lạt cũng có nhiều tuyến phố quanh khu trung tâm không hề có cây xanh, như Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Thị Xuân, Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định, Mùng 3 tháng 4… Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều con đường như: Hai Bà Trưng (khúc từ Võ Thị Sáu tới Cầu Kiệu), Nguyễn Kiệm, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), Đoàn Văn Bơ quận 4… đều không có cây xanh trồng hai bên đường.

Giả sử áp dụng phương pháp nghiên cứu phát triển cộng đồng với bước 1: xác định thực trạng, người tham gia phong trào biết phải trồng cây ở đâu. Bước 2: điều tra nhu cầu giúp cho người tham gia nhận biết công việc phải triển khai như thế nào…

Trên thực tế, phong trào trồng cây nhân dịp Tết trồng cây đã kéo dài suốt nhiều năm, nhưng rừng mới chưa mở ra tia hy vọng mà “rừng xưa đã khép”. Theo truyền hình đưa tin, nhiều địa phương trở thành điểm nóng về nạn chặt phá rừng, như: Lâm Đồng, Bình Phước, Đắc Lắc… có nơi còn treo biển giao bán đất rừng công khai, lâm tặc bức tử rừng, cây rừng từ trong lõi.

Theo Nguyễn Ngọc Lung1, dựa vào số liệu của“Tổng thanh tra Lâm nghiệp Maurand năm 1943”. Khi đó trên lãnh thổ Việt Nam có 14,3 triệu ha rừng tự nhiên, chưa có rừng trồng, với độ che phủ là 43%. Sau nửa thế kỷ, mặc dù diện tích rừng trồng đã tăng dần từ năm 1976 và đạt 0,745 triệu ha 1992 nhưng rừng tự nhiên đã bị suy giảm mạnh, chủ yếu do chiến tranh, sức ép phát triển dân số và yêu cầu sản xuất lương thực. Diện tích rừng tự nhiên thấp nhất vào năm 1992, chỉ 9,18 triệu

2 ha, độ che phủ rừng toàn quốc là 27,8%” .

Còn theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát

triển Nông thôn đến ngày 31/12/2014, tổng diện tích

rừng, đất quy hoạch cho lâm nghiệp của năm tỉnh

Tây Nguyên là 3.354.194ha, trong đó, đất rừng giảm

3
180.000ha . Như vậy, rừng tự nhiên của nước ta đã liên

tục suy giảm suốt một thời gian dài. Qua truyền hình đưa tin, đa số rừng bị bức hại đều có cơ quan chủ quản, nhưng rốt cuộc chẳng ai thực sự quản được rừng một cách hiệu quả, thậm chí có thời kỳ (năm 2016), Thủ tưởng Chính phủ phải ra lệnh “đóng cửa rừng”.

Ngày xưa, rừng là của người dân, đối với những cánh rừng không thuộc quyền sở hữu cá nhân thì cũng của thần linh, ông bà, tổ tiên quá vãng… Ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, có những khu rừng mệnh danh là “rừng cấm”, xứ sở của thần linh. Tư duy, thói quen văn hóa ấy góp phần giữ gìn, bảo vệ rừng một cách hữu hiệu. Người dân địa phương tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ rừng. Sau khi giao cho lâm trường khai thác, kiểm lâm quản lý, rừng đã bị lâm tặc hoành hành. Kết quả là rừng cứ ngày một cạn kiệt, cây rừng bị đốn hạ, chặt phá xót xa.

Mặc dù có Tết trồng cây, phong trào “trồng cây gây rừng”, nhưng nếu không có biện pháp, cách thức bảo vệ, gìn giữ, chăm sóc thành quả của rừng, công cuộc trồng cây gây rừng nhân dịp Tết trồng cây chưa thể trở thành hoạt động hiệu quả.

Theo logic, một đất nước có Tết trồng cây chắc chắn phải có nhiều cây, chưa kể đất nước ấy còn có di sản “rừng vàng” thừa kế từ quá khứ! Sự thực không phải vậy. Như trên đã đề cập, nếu chúng ta trồng cây, nhưng không chăm sóc, vun bón, bảo vệ, cai quản cây thì sớm muộn cây cũng bỏ người trồng mà ra đi. Chúng ta có rừng vàng, nhưng không bảo vệ, gìn giữ, sớm muộn không chỉ mất “vàng” mà mất luôn cả rừng như nhiều khu vực ở Tây Nguyên, Bình Phước… đã xảy ra. Như thế để thấy rằng, dù được thiên nhiên ưu đãi, từng có rừng vàng biển bạc, văn hóa cũng chế định ra Tết trồng cây cho con người tái thiết môi trường xã hội hài hòa với tự nhiên, song nếu không có biện pháp bảo vệ rừng, chăm sóc cây thì rừng vẫn bị xâm hại, cây trồng vào dịp tết chưa thể phủ xanh đất nước.

Cùng với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, Tết trồng cây tiếp tục nhắc nhở mỗi công dân về tầm quan trọng của thiên nhiên, trong đó có rừng, cây xanh và công tác chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên nhằm tránh sự suy thoái nghiêm trọng do chính con người gây ra. Cây tuy là khách thể của con người, nhưng liên quan mật thiết với con người và chính là chủ thể trên trái đất này. Nhân dịp Tết trồng cây lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta trách nhiệm, lòng biết ơn đối với rừng, cây xanh và môi trường thiên nhiên. 

Chú thích:

1. Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI).

2. http://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2017/05/260517_ NguyenNgocLung.pdf.

3. https://bnews.vn/chinh-phu-tuyen-bo-dong-cua-rung- tu-nhien/18155.html.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *