So sánh một số điểm tương đồng và dị biệt giữa Kinh Tăng Chi Bộ và Kinh Tăng Nhất A-hàm (SC. Thích Nữ Huệ Cảnh)

Tuy cả hai bộ kinh Tăng Chi Bộ và Tăng Nhất A-hàm có điểm tương đồng về kết cấu, đều hướng đến người tu tập được giải thoát nhưng về trật tự sắp xếp các bài kinh và cả nội dung của hai bản kinh này đều có nhiều điểm khác biệt đặc thù.

1. TƯƠNG ĐỒNG KINH TĂNG CHI BỘ VÀ KINH TĂNG NHẤT A-HÀM 

Kinh Tăng Chi Bộ (P. Aṇguttaranikāya) của tạng Pāli hệ Nam truyền tương đương với Tăng Nhất A-hàm (S. Ekottarikāgama, H. 增壹阿含經) theo truyền thống Bắc truyền. Kinh Tăng Nhất A-hàm, (S. Ekottarikāgama, H. 增壹阿含經) được thu vào Đại Chính Tạng tập 2, là một trong bốn bộ A-hàm của hệ Bắc truyền. Theo lời Dẫn luận của kinh Tăng Chi Bộ ghi rằng, kinh Tăng Nhất A-hàm được ngài Saṃghadeva (Tăng-già-đề-bà) dịch sang tiếng Hán vào năm 397-98. Cả hai Ngài đều là người Kasmir (Kế-tân). Khi phiên dịch, dường như ngài Saṃghadeva cũng sử dụng một phiên bản xưa hơn do ngài Dhamrmanandi (Đàm-ma-nan-đề) người Tokharian (Khương-cư) truyền khẩu lại. Rất tiếc những bản gốc tiếng Sanskrit đều không còn, ngoài những bài kinh rời rạc tìm được ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ (Turkestan) [1].

Cứ theo Hán dịch Tứ A-hàm của học giả Tỉ Kì Chính Trị người Nhật và Hán Ba Tứ Bộ Tứ  A-hàm chiếu lục của học giả người Nhật khác là Akanuma Chizen (Xích Chiểu Trí Thiện), trong 472 kinh của Tăng Nhất A-hàm bản Hán dịch, chỉ có 136 Kinh có nội dung tương đương hoặc có thể đối chiếu với Tăng Chi Bộ tiếng Pāli. Các sách đã dẫn còn chỉ ra rằng trong Tăng Chi Bộ không bao hàm tư tưởng Đại thừa của kinh Hán dịch. Vả lại, cũng ít thấy có dấu vết mở rộng và sửa đổi, cho nên việc biên soạn Tăng Chi Bộ chắc phải sớm hơn kinh Hán dịch, tức đã được hoàn thành vào khoảng thế kỷ I Tây lịch. Còn phần giải đề kinh Tăng Nhất A-hàm trong Phật Quang Đại Tạng kinh thì nói rằng giữa Tăng Nhất A-hàm và Tăng Chi Bộ có tất cả 153 kinh tương đương hoặc giống nhau [2]. Theo tác giả đếm được từ thư mục đối chiếu của cuốn Tăng Nhất A-hàm Tổng mục lục có 110 bài kinh giống nhau. Điều này nói lên giữa hai bản kinh thuộc hai truyền thống biên tập khác nhau, hai vùng truyền bá khác nhau nhưng tìm được những điểm chung, có khả năng những bài kinh này cùng do một bản kinh (cổ xưa hơn, đã mất) được biên tập trước đó để lại, nhưng dưới sự ảnh hưởng của vị trí địa lý và phong tục, tư tưởng bộ phái sau khi biên tập lại đã phát triển thêm.

Truyền thống thiết lập nội dung dựa trên trật tự pháp số trong Tăng Chi Bộ cũng như Tăng Nhất A-hàm là một trong những phương cách phổ biến để ghi nhớ và truyền bá kinh điển. Vì trong thư tịch cổ văn của Ấn Độ vấn đề này còn được phát hiện trong tác phẩm kinh điển Sthānāṅgasutra, Samavāyānga [3] của Kỳ-na giáo (Jain) và cả trong chương Udyoga Parva của trường ca Mahābhārata [4]. Những nhà biên tập Tăng Chi Bộ cũng như Tăng Nhất A-hàm đã đưa truyền thống pháp số vốn có trong nền văn học cổ đại Ấn Độ làm cấu trúc chủ đạo, xuyên suốt và chi phối toàn bộ văn bản [5]. Tăng Chi Bộ kinh và Tăng Nhất A-hàm, biên tập từ một pháp (ekākanipāta), hai pháp (dukanipāta) tăng dần cho đến mười một pháp (ekādasanipāta). Ngũ phần luật của Hóa địa bộ, Tứ phần luật của Pháp tạng bộ (Dharmaguptakaḥ) cũng nói như vậy [6]. Nhiều người cho rằng, hai bộ này chứa đựng những lời dạy của Đức Phật còn mang tính nguyên sơ nhất [7]. Trong lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Minh Châu ghi: “Chúng tôi tin rằng hai tạng kinh có những đoạn giống nhau, có nhiều đoạn bổ túc cho nhau, có những đoạn soi sáng cho nhau” [8].

Tuy cả hai bộ Tăng Chi Bộ và Tăng Nhất A-hàm có điểm tương đồng về kết cấu, đều hướng đến người tu tập được giải thoát nhưng về trật tự sắp xếp các bài kinh và cả nội dung của hai bản kinh này đều có nhiều điểm khác biệt đặc thù.

2. DỊ BIỆT KINH TĂNG CHI BỘ VÀ KINH TĂNG NHẤT A-HÀM 

Trước nhu cầu bức thiết trong dòng chảy lịch sử, việc giữ gìn giáo nghĩa lời Phật dạy, đòi hỏi một hệ thống hoàn chỉnh, mạch lạc, đó là điều vô cùng quan trọng; trong đó bộ phận giáo nghĩa quan hệ với nhau một cách nhất quán, nhờ vậy có thể nhận thức căn bản và phổ quát về giáo nghĩa, có thể ghi nhớ và truyền tụng. Đây không đơn giản là vấn đề nghe học, ghi nhớ và thấu hiểu lời Phật dạy mà còn là vấn đề duy trì tính thống nhất và chính thống của giáo nghĩa. Hai yêu cầu căn bản này tuy đã được đề cập nhiều lần bởi chính Đức Phật, cũng như các đại đệ tử trong thời Phật tại thế, nhưng không được duy trì nguyên vẹn bởi áp lực thời đại và địa lý [9].

Trong lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Minh Châu ghi: “Chúng tôi tin rằng hai tạng kinh có những đoạn giống nhau, có nhiều đoạn bổ túc cho nhau, có những đoạn soi sáng cho nhau” (Ảnh: thuvienhoasen.org)

Tên gọi Tăng Chi là cách gọi riêng biệt của phái Đồng Diệp bộ còn Tăng Nhất là cách gọi phổ biến [10]. Sự khác nhau thứ hai, theo Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo nguyên thủy cho rằng, bản tụng của Đại chúng bộ phân phái về sau, phía trước đã có phẩm tựa. Phân biệt công đức luận lại rằng, Phái Tát-bà-đa không có bài tựa. Kinh Tăng Chi cũng không có bài tựa, có thể thấy tụng bản của hệ phái Thượng tọa bộ (Sthavira) là không có bài tựa; đây là sự sai khác về có bài tựa và không có bài tựa [11]. Theo bản hiện còn được chia thành 52 phẩm. Sắp xếp theo thứ tự: Đầu tiên là phẩm Tựa; từ phẩm thứ hai về sau, là từ 1 pháp đến 11 pháp. Bố cục của toàn bộ kinh như sau [12]:

  1. Phẩm Tựa
  2. Thiên một pháp, 109 kinh, 13 phẩm
  3. Thiên hai pháp, 65 kinh, 6 phẩm
  4. Thiên ba pháp, 40 kinh, 4 phẩm
  5. Thiên bốn pháp, 61 kinh, 7 phẩm
  6. Thiên năm pháp, 47 kinh, 5 phẩm
  7. Thiên sáu pháp, 22 kinh, 2 phẩm
  8. Thiên bảy pháp, 25 kinh, 3 phẩm
  9. Thiên tám pháp, 20 kinh 2 phẩm
  10. Thiên chín pháp, 18 kinh, 2 phẩm
  11. Thiên mười pháp, 26 kinh, 3 phẩm
  12. Thiên mười một pháp, 39 kinh, 4 phẩm.

Trên đây là bản kinh Tăng Nhất truyền bá sang hướng Bắc do sự ảnh hưởng vùng miền, văn hóa nhận thức nơi đó nên kinh Tăng Nhất có mang sắc thái của bộ phái Đại chúng. Còn kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) là bộ kinh thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda) được bảo tồn và lưu truyền của phái Đồng Diệp bộ ở Nam phương mang tính bảo thủ của các Trưởng lão [13]. Tăng Chi Bộ là do Tôn giả Anuruddha và chúng đệ tử thuộc nhóm của Ngài truyền tụng, giữ gìn [14]. Truyền bản Tăng Chi Bộ được ghi lại đầu tiên bằng ngôn ngữ Sinhala do một nhóm các vị Tỷ-kheo tại Alu Vihāra gần Mātale thực hiện vào năm 454 sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn (35-32 TCN) [15].

Theo Luận Phân Biệt Công Đức, kinh Tăng Nhất được truyền từ Nhất Thiết Hữu bộ. Vì dịch giả của Kinh này xuất thân trong địa bàn truyền giáo của Nhất Thiết Hữu bộ. Một ý kiến khác của ngài Từ Ân cho rằng, kinh Tăng Nhất mang đậm sắc thái Đại thừa nên bản Kinh này được truyền từ Đại chúng bộ. Nhưng theo học giả Lương Khải Siêu nhận định, kinh Tăng Nhất do Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ truyền được thêm vào sau này các bản của Đại chúng bộ [16]. Đồng quan điểm trên, trong cuốn Tăng Nhất A-hàm Tổng mục lục ghi: “Yếu tố Đại thừa trong Tăng Nhất là hiển nhiên ngay trong phẩm Tựa” [17]. Vì vậy, tác giả tán đồng các quan điểm của các học giả trên.

Kinh Tăng Chi Bộ (P. Aṇguttaranikāya) của tạng Pāli hệ Nam truyền tương đương với Tăng Nhất A-hàm (S. Ekottarikāgama, H. 增壹阿含經) theo truyền thống Bắc truyền. (Ảnh: sưu tầm)

Việc so sánh nội dung giữa các bản kinh cụ thể hiện còn là việc vô cùng khó khăn vì theo Lịch sử biên tập Thánh điển ghi: “Hiện còn năm bộ hoặc bốn bộ A-hàm của mỗi bộ phái không đầy đủ, đặc biệt là tụng bản của Đại chúng bộ. Khi nghiên cứu về quá trình hình thành kinh điển, nếu đem tư liệu hiện còn của ba hệ phái lớn so sánh thì không thể đưa ra kết luận chính xác, vì phần lớn chỉ dựa vào hệ thống kinh điển thuộc thời kỳ Thượng tọa bộ” [18]. Trong Tăng Nhất A-hàm có tư tưởng Đại thừa và biên tập nhiều loại thí dụ, điều đáng tiếc là bản Hán dịch không hoàn hảo [19], không thể tạo niềm tin cho học giả khi nghiên cứu về hình thức ban đầu của Tăng Nhất A-hàm; trong khi đó Tăng Chi Bộ có nhiều dấu tích khá cổ xưa. Văn phong gần gũi, diễn tả đời sống một cách mộc mạc. Từ việc đối chiếu trên cho thấy được việc nghiên cứu bản Kinh Tăng Chi Bộ là việc vô cùng cần thiết.

Cứ theo Hán dịch Tứ A-hàm của học giả Tỉ Kì Chính Trị người Nhật và Hán Ba Tứ bộ tứ A-hàm chiếu lục của học giả người Nhật khác là Akanuma Chizen (Xích Chiểu Trí Thiện), trong 472 kinh của Tăng Nhất A-hàm bản Hán dịch, chỉ có 136 kinh có nội dung tương đương hoặc có thể đối chiếu với Tăng Chi Bộ tiếng Pāli.
(Ảnh: sưu tầm)

SC. Thích Nữ Huệ Cảnh

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* SC. Thích Nữ Huệ Cảnh – Học viên Cao học khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.xxxii. (Xem thêm, G.P. Malalasekera (ed), Enycyclopaedia of Buddhism, vol.I  (The Government ò Ceylon, 1961-65), p.630).

[2] Tham khảo: Trang tra cứu Đại từ điển Phật học Phật Quang (rongmotamhon.net). 27/3/2022. Chánh tạng: 據日本學者姊崎正治之漢譯四阿含(The four Buddhist āgamas in Chinese),及赤沼智善之漢巴四部四阿含互照錄所,漢譯增一阿含四七二經中,與巴利文增支部內容相當或可資對比者,僅有一三六經。同書又舉出,增支部中不含漢譯經之大乘思想,且少增廣及竄改之痕跡,故其完成編纂應較漢譯經爲先,於西元第一世紀頃即存。此外,另於佛光大藏經增一阿含經之題解則謂,增一阿含與增支部之相當經或類似經,共有一五三經.

[3] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.XXXII. (Xem thêm, Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, vol. 2 (Delhi. Motilal Banarsidass, 1993), p. 63).

[4] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. XXXII. (Xem thêm, Oskar van Hinüber, Handbook of Pali Literature (Berlin: Walter de Gruyter, 1996), p. 40).

[5] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (2021),kKinh Tăng Chi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. XXXII. (Xem thêm, Oskar van Hinüber, Handbook of Pali Literature (Berlin: Walter de Gruyter, 1996), p. 40).

[6] Thích Phước Sơn toàn tập, tr.738, (xem thêm: Ngũ phần luật, quyển 30 (ĐCT 22, tr. 191a); Tứ phần luật, quyển 54: CBETA, T22, no. 1428, p. 968, b20-24).

[7] Thích Nguyên Hùng, Tổng Quan Bốn Bộ A Hàm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 15.

[8] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (2021), Kinh Tăng Chi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.XXII.

[9] Thích Đức Thắng, Tuệ Sỹ (dịch, biên soạn), Tăng Nhất A- Hàm Tổng mục lục, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2017 (tái bản lần 2), tr.13.

[10] Thích Ấn Thuận, Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, Thích Phước Sơn và nhiều người khác (dịch), Nxb. Phương Đông, 2015, tr.1032. (Xem thêm: Vọng Nguyệt Phật giáo đại Từ điển, tr.3033b-c).

[11] Thích Ấn Thuận, Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, Thích phước Sơn và nnk (dịch), Nxb. Phương Đông, 2015,  tr.1032. (Xem thêm: Phân biệt công đức luận, quyển 1: CBETA, T25, no. 1507, p.34b).

[12] Thích Ấn Thuận, Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, Thích Phước Sơn và nhiều người khác (dịch), Nxb. Phương Đông, 2015, tr.1034-1035.

[13] Đồng Diệp bộ là một bộ phái của hệ Phân Biệt Thuyết (Vibhajyavāda), thuộc hệ Thượng toạ bộ (Sthavira). Thích Ấn Thuận, Lịch sử biên tập thánh điển Phật giáo Nguyên thuỷ (Thích Phước Sơn và các dịch giả khác), Nxb. Phương Đông, 2015, tr.681.

[14] Indacada (Trương Đình Dũng dịch), Diệu Pháp yếu lược, Nxb. Đà Nẵng, 2011, tr.19.

[15] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. xxxii. (Xem thêm: Étienne Lamotte, Histury of Indian Buddhism (Paris, Institut Orientaliste Louvain La-Neuve, 1988), p.558).

[16] Thích Nguyên Hùng (biên soạn), Tổng Quan Bốn Bộ A-hàm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr.28.

[17] Thích Đức Thắng – Tuệ Sỹ (dịch, biên soạn), Tăng Nhất A- hàm Tổng mục lục, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2017 (tái bản lần 2), tr. 20.

[18] Phước sơn toàn tập, tập 6, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr. 482.

[19] Thích Đức Thắng và Tuệ Sỹ (dịch-biên soạn), Tăng Nhất A-hàm Tổng mục lục, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2017 (tái bản lần 2), tr.27.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *