Quảng Nam nghĩa trủng từ Miếu đến Chùa và vai trò khai sơn của Thiền sư Chơn Lăng – Đạo Linh (Lê Đình Hùng)

          Chùa Nghĩa Trủng, cách trung tâm thành Vĩnh Điện, tỉnh thành tỉnh Quảng Nam, 450 m về hướng Đông. Xưa, thuộc địa phận xã La Qua, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam1. Nay, thuộc phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là một ngôi chùa được hình thành bởi những mối nhân duyên khá đặc biệt, so với những ngôi chùa khác trong vùng. Nguyên ủy, nơi này là nơi thờ phụng các âm linh, sau đó được chuyển thành một ngôi chùa. Dấu tích về Nghĩa Trủng từ và ngôi chùa cũ đã bị hư hoại theo thời gian. Các công trình kiến trúc cũ đã được trùng tu nhiều lần và được làm mới hoàn toàn, trong một vài thập niên trở lại đây, cho nên khó có thể khảo sát được nguyên trạng. Hiện nay, trong khuôn viên chùa vẫn còn bảo lưu được cái cổng cũ được xây bằng gạch theo kiểu vòm cuốn bên trên vọng lâu. Trên cổng vẫn còn lại dòng chữ Hán đắp bằng vôi vữa: “Quảng Nam Nghĩa Trủng”. Từ vị trí của cái cổng này có thể hình dung sơ lược mặt bằng của công trình kiến trúc chính, đó là Nghĩa Trủng từ, nay là chánh điện của Nghĩa Trủng tự. Từ trong nhìn ra, tổng thể của cổng như một tam quan, nhưng hai vòm cuốn hai bên được gắn vào hai tấm bia đá, vừa trang trí vừa bịt lối ra vào. Điểm đáng chú ý là niên đại khắc trên bia Bảo Đại 8 (1933), có thể đoán định cổng được xây dựng gần như cùng thời với hai tấm bia đá.

          Dòng đầu tiên của hai tấm bia được khắc vào thời Bảo Đại đều ghi nhận: “Sắc tứ Nghĩa Trủng tự”, rõ ràng đây là một ngôi chùa khá đặc biệt được ân tứ từ triều đình và sự quan tâm của quan viên, chức sắc sở tại thời bấy giờ. Còn lại hai tấm bia khác có niên đại Khải Định 7 (1922) và Bảo Đại 10 (1935), nội dung đều ghi nhận về Nghĩa Trủng từ, giúp cho hậu thế nhìn nhận về một di tích xưa, mà dấu ấn của nó đến nay đã mờ nhạt. Để có một cái nhìn tương đối đầy đủ hơn về lai lịch ngôi chùa và vị thiền sư khai sơn, bước đầu, chúng tôi sử dụng nguồn tư liệu Hán văn từ các văn bia, long vị, đối liên, văn bản… thu thập tại đây sau đó phiên dịch, kết hợp với việc khảo sát trên thực địa làm cơ sở dẫn liệu cho tham luận này.

          Từ miếu thờ âm linh…

          Nghĩa Trủng từ vốn là nơi thờ phụng âm linh. Khi Đặng Huy Trứ nhậm chức Bố Chánh Sứ, tỉnh Quảng Nam, năm 1864, ông đã quyên tiền xây dựng, và xin triều đình sắc tứ danh hiệu, văn bia khắc năm Bảo Đại 10 (1935) [vb BĐ 10] ghi nhận:

          Lũy lũy cổ mộ tại tỉnh thành chi đông, tiền hữu nhất từ yên. Biển danh Nghĩa Trủng từ. Tự Đức thập bát niên, Bố Chánh Đặng đại nhân quyên cấu, phụng sắc tứ âm linh dã. Lớp lớp cổ mộ tại phía Đông tỉnh thành, trước đây có một nhà thờ. Biển tên “Nghĩa Trủng từ”2. Năm Tự Đức 18 (1864), Bố Chánh – Đặng đại nhân cúng tiền xây dựng, kính sắc ban thờ âm linh [vb BĐ 10].

          Còn văn bia khắc trước đó, khắc vào niên hiệu Khải Định 7 (1922) ) [vb KĐ 7] ghi nhận:

          Nghĩa Trủng từ sở tại tỉnh thành môn chi Đông. Nguyên tòng hoang trủng bàng tạo xuất chuyên tự âm linh. Tự Đức thập bát niên sắc tứ danh. Tự nhi tuân tuần sùng tu lịch niên. Nhà thờ Nghĩa Trủng ở nơi cửa Đông của tỉnh thành. Vốn là nơi chuyên thờ âm linh, bên cạnh hoang mộ. Năm Tự Đức 18 (1864) ban cho tên gọi. Từ đó, được sùng tu trải qua bao năm.

          Đợt trùng tu vào năm 1881, được đề cập như sau:

          Tự Đức tam thập tứ niên tỉnh Lãnh Binh – Đoàn Lợi đại nhân tịnh Phan Tư, Bát phẩm – Nguyễn Hữu Thạnh phổ khuyến tu bổ quang cảnh vi chi nhất tân. Năm Tự Đức 34, Lãnh Binh – Đoàn Lợi đại nhân với Phan Tư, Bát phẩm – Nguyễn Hữu Thạnh rộng khuyên tu bổ làm cho quang cảnh trở nên rạng rỡ [vb BĐ 10].

          Vào năm 1922, với sự quan tâm của Tổng đốc Nam Ngãi – Từ Thiệp đã chuyển hóa nhà thờ âm linh kiêm luôn thờ Phật, thành “bán từ bán tự” nửa nhà thờ nửa chùa:

          Kim nhật bản niên Đốc bộ đường Từ tướng công Liệt Hiến đại phu trích công tác ngân tịnh tăng khuyến cúng, thỉnh tăng, chú chung, thiết tự trưởng, cấu hoành gia phụng sự âm linh, thả kiêm tự Phật. Nguyện lãm trang nghiêm, kỳ quan viên tịnh chư nhân đẳng lạc cúng thành tâm sở đương lặc thạch dĩ chí. Một ngày năm nay, Đốc bộ đường, Từ tướng công – Liệt Hiến đại phu, trích tiền công tác cùng tăng khuyến cúng, mời tăng, đúc chuông, đặt tự trưởng, xây dựng nơi phụng sự âm linh và kiêm thờ Phật. Muốn cho nơi này thêm phần trang nghiêm, quan viên và nhiều người thành tâm lạc cúng, họ đáng được khắc vào đá để ghi lại [vb KĐ 7].

Từ những ghi nhận trên cho thấy, nơi thờ phụng âm linh được kết hợp thờ Phật làm cho nơi thờ phụng được thêm phần trang nghiêm. Trong đó, chư tăng khuyến cúng, đúc chuông, mời tăng ở lại để phụng sự. Đây chính là nền tảng cơ bản để tạo lập một ngôi chùa sau này.

          … đến chùa Nghĩa Trủng

          Nghĩa Trủng tự là tự danh sau khi chuyển đổi từ nhà thờ thành chùa. Hai từ Nghĩa Trủng được giữ lại như đã được sắc tứ ban đầu cho Nghĩa Trủng từ. Chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn tài liệu nào khác về thời điểm ban sắc tứ cho chùa. Nhưng trên hai tấm bia được thiết trí tại tam quan, khắc vào năm 1933, nghiễm nhiên xuất hiện chữ “sắc tứ” đứng trước tự hiệu của ngôi chùa. Nội dung phần ký của hai văn bia này nhắc lại sự kiện đã được ghi trên [vb KĐ 7], nhưng có thay đổi một số từ cho phù hợp với văn phong của khi viết về bia chùa:

          Sắc tứ Nghĩa Trủng tự, tại tỉnh thành Đông môn ngoại. Nguyên tiền phụng sự hoang mộ chư vong linh liệt vị. Thừa tỉnh Đốc bộ đường Từ tướng công Liệt Hiến đại phu phát Bồ Đề tâm quyên ngân tu bổ kiêm phụng Phật Thánh tự sở trang nghiêm. Sắc tứ Nghĩa Trủng tự, tại ngoài cửa Đông của tỉnh thành. Vốn trước đây phụng sự hoang mộ, các liệt vị vong linh. Thừa tỉnh Đốc bộ đường, Từ tướng công, Liệt Hiến đại phu phát tâm giác ngộ, quyên tiền bổ kiêm phụng Phật Thánh, ngôi chùa trang nghiêm [vb BĐ 8]3.

          Khi từ được chuyển thành tự, điều được các văn bia đề cập là “tự trưởng” (trưởng chùa, từ dùng trong [vb KĐ 7], “thiết tự trưởng”), hay “thiết tự tăng trú phụng” [vb BĐ 10], được Tổng đốc Nam Ngãi mời về đó là ông Phan Mai, hiệu Đương Khánh. Việc dùng từ “tự trưởng”, “trụ trì” trong các văn bia, thiết nghĩ, có thể từ dùng để chỉ thị trạng thái lâm thời tại chùa trú phụng và cửu trú hộ trì Phật pháp, khi đã được tỉnh đường quan bằng cấp, hoặc Lễ bộ tuân chỉ cấp cho Độ Điệp4. Sau khi đảm nhận “tự trưởng” chùa Nghĩa Trủng, Phan công đã tiến hành kiến thiết, nuôi dưỡng tăng chúng, tạo dựng tín đồ, biến Nghĩa Trủng từ thành một ngôi chùa thực thụ.

          Văn bia gắn trên tháp tổ của Phan công, Hòa thượng Chơn Lăng – Đạo Linh – Đương Khánh, thuộc dòng thiền Lâm Tế – Chúc Thánh đời thứ 5, trong khuôn viên của chùa, khắc vào năm Bảo Đại 19 (1944), đã ghi lại tiểu sử của ngài có đoạn như sau:

          Khải Định thất niên, hoán hồi Nghĩa tự tự trưởng. Đương thử nhất sơ kiến thiết bách sự gian lao. Đương Khánh hương đăng phụng Phật, tương thái dưỡng tăng, hiểu khuyến hạt nội quan thân, thiện tín, do tỉnh khất bằng, thiết lập danh phổ. Năm Khải Định thứ 7 (1922), đổi về làm Tự trưởng, chùa Nghĩa (Trủng). Đang lúc chùa bắt đầu xây dựng, trăm việc khó nhọc. Đương Khánh hương đèn thờ Phật, tương rau dưỡng tăng, khuyến hóa quan viên, thiện tín trong hạt, xin tỉnh cấp bằng cho lập tên Phổ.

          Đến năm Bảo Đại 5 (1930), tỉnh đường mới cấp bằng cho ông đảm nhiệm trụ trì chùa Nghĩa Trủng:

          Bảo Đại ngũ niên, thừa tỉnh cấp bằng trụ trì, thiền lâm tự viện nhật tựu trang nghiêm, tăng xá đông đường thời tăng sảng khải.

          Năm Bảo Đại 5, thừa tỉnh cấp bằng trụ trì, thiền lâm tự viện ngày một trang nghiêm, nhà tăng sảnh đường thời thêm tề chỉnh5.

          Từ một số bằng cứ vừa trình bày cho thấy Sắc tứ Nghĩa Trủng tự đã trở thành một ngôi chùa thực sự và những dấu tích về Nghĩa Trủng từ cũng dần dần bị phai nhạt.

Truyền thừa và tự sở

          Từ vị Tổ khai sơn Chơn Lăng – Đạo Linh, đạo mạch tiếp tục được truyền thừa đến ngày nay. Hành trạng của vị thiền sư này được ghi lại tương đối rõ ràng trên văn bia tại mộ tháp của ông:

          Trụ trì Đương Khánh nãi thiền sư Phan đại lão chi tử, Phổ Đồng, Diệu Lý nhị đại sư chi đệ, Tăng cang Thiện Trung, Yết ma Thiện Ân chi huynh, Thi Nhơn nhân dã. Niên Tân Tỵ, sơ thụ gia giáo, niên thập nhị xuất gia đầu vu Linh Ứng tự, Tăng cang Từ Trí lão hòa thượng. Nhật tắc học tập luật luận, dạ tắc trì tụng kinh văn, mông trứ Tam Thai tăng mục ngạch. Thành Thái Ất Tỵ niên, Phú Yên tỉnh Long Sơn tự, lão Hòa thượng khai đại giới đàn, Đương Khánh đắc thôi vi thủ Sa Di. Khải Định thất niên, hoán hồi Nghĩa tự tự trưởng.

          Trụ trì Đương Khánh, thiền sư là con trai của Phan đại lão, em của hai vị đại sư Phổ Đồng, Diệu Lý, anh của Tăng cang – Thiện Trung, Yết ma – Thiện Ân, người [xã] Thi Nhơn. Năm Tân Tỵ [1881]6, ban đầu học ở nhà. Năm mười hai tuổi xuất gia vào chùa Linh Ứng [quy y] với Tăng cang – lão Hòa thượng Từ Trí. Ngày thì học tập luật luận, đêm thì trì tụng kinh văn. Được xếp vào tăng ngạch chùa Tam Thai. Năm Ất Tỵ niên hiệu Thành Thái (1905), lão Hòa thượng chùa Long Sơn, tỉnh Phú Yên, mở đại giới đàn, Đương Khánh được đỗ đầu Sa di. Năm Khải Định 7 (1922), đổi về làm tự trưởng chùa Nghĩa7.

          Khứ niên, tích lao thành bệnh, do tỉnh bẩm khất cáo thoái dưỡng lão thừa sức, sĩ bệnh thuyên hoán hồi Tam Thai tự, bất đồ, bản niên cửu nguyệt thập ngũ nhật Hợi khắc viên tịch tại tự. Tự tăng hợp thập cửu nhật Thìn bài, đạo đồ tương táng vu tự viên chi Tây.

          Năm ngoái8, do vất vả lâu ngày thành bệnh, bẩm xin tỉnh đường lui về dưỡng lão chờ văn bản chấp nhận, đợi bệnh giảm trở về chùa Tam Thai, nhưng chưa được thì viên tịch tại chùa vào giờ Hợi ngày 15 tháng 9 năm nay. Giờ thìn ngày 19, tăng chùa cùng với đạo đồ đem táng ngài ở phía Tây của vườn chùa9.

          Đệ tử của Thiền sư Chơn Lăng gồm có: Như Xuân – Giải Hoa – Vạn Thọ; Như Ngộ – Giải Hạnh – Vạn Sơn; Như Thông – Giải Chương – Vạn Quang10.

          Tại Tổ đường của chùa Nghĩa Trủng, nơi thờ phụng những long vị khắc chữ Hán, và trong khuôn viên của chùa được an trí những ngôi mộ tháp của các vị tăng từng tu học, hành hóa ở đây. Điều này còn được thể hiện trên bức hoành: “Dịch diệp lưu phương” và câu đối: “Bồ Đề phi thụ, minh kính phi đài, y bát tông phong tại thử; Đông Độ bất lai, Tây Thiên bất khứ, truyền thừa đạo mạch vu tư”, dù chưa chỉnh bị, nhưng vẫn thể hiện môn phái và truyền thừa tại nơi đây.

          Chùa Nghĩa Trủng hiện nay, được tái thiết, trùng tu vào những thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, với những công trình kiến trúc cơ bản như Chánh Điện, Tổ Đường, Âm Linh Từ, Tăng Xá, chư tổ Mộ Tháp, bởi Lê công Hòa thượng trụ trì Như Thùy – Giải Từ – Phước Hưng, thuộc Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh đời thứ 8. Căn cứ vào chính môn cũ còn lại và chánh điện mới vừa xây, dùng la kinh trắc định tuyến độ chùa tọa Bính hướng Nhâm kiêm Tỵ Hợi, Đinh Tỵ – Đinh Hợi phân châm. Sau khi Hòa thượng Như Thùy viên tịch vào năm 2017, cô Thị Ân – đệ tử của thầy Thích Như Thùy làm quản tự, còn thầy Thích Hạnh Quang kế nhiệm làm “tự trưởng”, đang còn đi tu học chưa có “bằng cấp” bổ nhiệm trụ trì.

          Danh tiếng của chùa Sắc tứ Nghĩa Trủng được người dân xứ Quảng biết đến bởi các vị tăng nhân ở đây hành hóa bằng phương tiện ứng phú, bằng Phật Đạo song hành. Đặc biệt là những nghi lễ giải oan, bạt độ, cầu siêu, chẩn tế âm linh… Trong quá trình điền dã, thảng hoặc chúng tôi tiếp cận được các tập văn bản ghi lại nghi lễ giải oan, bạt độ cho các dòng họ trên vùng đất Quảng Nam được các vị sư ở chùa Nghĩa Trủng thực hiện.

          Chùa Nghĩa Trủng, trong thời gian gần đây đã được cải danh thành chùa Nghĩa Trung, song tự danh Nghĩa Trủng vẫn được người đương thời xưng gọi.

          Nhìn chung, chùa Nghĩa Trủng được hình thành và lưu truyền đến ngày nay bởi những nhân duyên khá đặc biệt. Trải qua gần một trăm năm, có nhiều biến động những dấu tích xưa đã bị phai nhạt. May mắn là tại chùa vẫn còn bảo lưu những tấm bia đá, một nguồn tư liệu quan trọng, giúp cho hậu thế tìm hiểu về lai lịch của ngôi chùa này11.

          Ở tham luận này, chúng tôi tập trung vào việc phiên dịch một số đoạn trong văn bia và thuật ngôn về quá trình hình thành chùa Nghĩa Trủng, đặc biệt là vai trò khai sơn của Thiền sư Chơn Lăng – Đạo Linh và việc tái thiết của trụ trì Hòa thượng Như Thùy – Giải Thông trong thời gian gần đây. Dù chùa Nghĩa Trủng được thành lập trong một khoảng thời gian chưa dài, nhưng đó là một trường hợp về sự phát triển của Thiền phái Chúc Thánh trên đất Quảng Nam.

LÊ ĐÌNH HÙNG
Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

 

 

_Chú thích:

1. Theo Đồng Khánh địa dư chí.
2. Đây có thể là biển ngạch được thể hiện trên hoành phi.
3. Đoạn văn cũng ghi lại sự việc này nhưng được khắc sau hai tấm bia chùa hai năm, vào năm 1935:

Khải Định thất niên Tổng Đốc Từ đại thần trích công tác ngân tịnh phổ khuyến. Kinh Lịch – Nguyễn Đôn Thái đổng kỳ sự đại gia tu bổ chư tượng, chú chung, thiết tự tăng trú phụng kiêm phụng Phật dã. Tích thụ kim hoa nguy nhiên nhất Bồ Đề cảnh giới. Hậu thiện nam tín nữ tương kế phần hương đảnh lễ bội giác trang nghiêm.

Năm Khải Định 7, Tổng Đốc – Từ đại thần, trích tiền công tác cùng rộng khuyên (cúng). Kinh Lịch – Nguyễn Đôn Thái đốc trách mọi việc, tu bổ các tượng lớn hơn, đúc chuông, đặt tăng ở lại phụng sự kiêm thờ Phật. Cây xưa hoa nay, nguy nga một cảnh giới Phật. Sau này thiện nam tín nữ nối tiếp đốt hương đảnh lễ thêm phần trang nghiêm [vb BĐ 10].

4. Đây chỉ là một góc nhìn hẹp của người viết, về quy chế đối với tăng ni, dưới triều Nguyễn.
5. “Thiền lâm tự viện”: Từ chuyên dùng trong Phật giáo chỉ nơi tăng đồ tụ cư. Để câu văn cân đối, phảng phất chất phú văn, người viết văn bia dùng “tăng xá đông đường”. Đông đường: nhà đông chỉ sảnh đường, hoặc chánh điện. Các công trình kiến trúc cũ đã không còn cho nên chúng tôi chỉ đoán định.
6. Năm sinh của ông.
7. Tức chùa Nghĩa Trủng.
8. Năm ngoái tức trước năm viết khắc bia, tức năm 1943.
9. Phía Tây vườn chùa tức bên phải chùa, bạch hổ biên.
10. Theo: Thích Như Tịnh, Phổ hệ truyền thừa Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh tại Quảng Nam và Đà Nẵng, 2007, tài liệu lưu hành nội bô.
11. Hai tấm bia ký viết về Nghĩa Trủng từ đã bị di chuyển khi xây dựng lại chùa, chưa thiết trí trở lại, đáng tiếc một tấm bia đã bị vỡ.