Thế giới quan Phật giáo thời Lý-Trần (SC. Thích Nữ Huệ Nhật)

DẪN NHẬP

Con người luôn có những khát vọng muốn đi vào tận bản chất của thế giới vô biên để thẩm thấu những nguyên lý của vạn vật. Phần lớn các tôn giáo hoặc triết học cổ đại luôn lấy việc tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ hình thành như thế nào để làm mục đích cho các học thuyết, chủ trương riêng của mình. Do đó, tùy vào mỗi hệ tư tưởng, dòng triết học cũng như hệ tôn giáo mà đứng ở mỗi lập trường đều có những quan niệm và lý thuyết riêng biệt. Với cái nhìn đầy tuệ giác của Đức Phật, Ngài nói đến vũ trụ hay thế giới là nói đến sự tổng hợp của tất cả hiện tượng sanh diệt biến dị qua không gian và thời gian. Các hiện tượng sanh diệt biến dị này đều chịu sự chi phối của nhân duyên, nghĩa là các pháp đều do nhân duyên sanh ra và cũng theo nhân duyên mà hoại diệt.

KHÁI QUÁT VỀ THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO

Thế giới quan là những quan điểm hay quan niệm của con người về thế giới xung quanh, với mỗi trường phái triết học khác nhau có cái nhìn về thế giới quan ở các tôn giáo cũng khác nhau. Đức Phật nhấn mạnh thế giới quan của Phật giáo chính yếu là con người, lấy con người làm trung tâm và đây cũng chính là cái nhìn đầy nhân bản được thể hiện bàn bạc khắp trong kinh tạng Nikaya. Thế giới quan Phật giáo với cốt lõi là lời dạy của Đức Phật nhằm giúp con người có cái nhìn thiết thực và hành trì pháp Phật để trở thành những con người toàn vẹn trong xã hội, thay vì đi tìm loanh quanh những câu trả lời về các vấn đề siêu nhiên huyền bí không giúp ích cho sự giải thoát.

Thế giới quan Phật giáo là toàn bộ những quan niệm chung nhất của Phật về thế giới và con người, bao gồm thế giới luân hồi và các cõi Tịnh độ. Các yếu tố cấu thành nên thế giới luân hồi là: đất, nước, gió, lửa và các quy luật vận hành trong thế giới bao gồm: duyên sinh, vô thường, nhân quả, các vị trí và mối quan hệ của con người với thế giới. Phật giáo phủ nhận quyền năng sáng tạo của thần linh hay Thượng đế; có sự nhất quán về việc hình thành thế giới tự nhiên và là quy luật tất yếu của vũ trụ. Qua đó, có thể thấy Phật giáo phân tích sự hình thành bản nguyên thế giới một cách hợp lý, các pháp hiện hữu theo Duyên khởi, chúng tồn tại, tự thân vận động và mất đi theo quy luật “Sanh, trụ, dị, diệt” và thể hiện rất rõ qua các bài kinh trong Trường Bộ (Majjhima Nikāya).

Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganna Suttanta), Đức Phật trình bày về sự khởi nguyên thế giới khi mới hình thành, sự có mặt của các loài hữu tình đầu tiên cho đến khi xuất hiện bốn giai cấp: “Này Vàsettha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Àbhassara (Quang Âm thiên)” [1]. Với trí tuệ toàn giác, Đức Thế Tôn giảng về sự hình thành của thế giới và các giai cấp một cách đầy biểu tượng. Ban đầu, chúng sanh xuất hiện từ cõi Quang Âm thiên, không cần thực phẩm. Rồi vị ngọt của đất và lúa cám dỗ họ, khiến lòng tham muốn khởi lên và phát triển trong tâm. Sau khi nếm đất trên địa cầu và cảm thấy thích thú nên họ ở lại. Khi dục vọng con người phát triển, nhu cầu xã hội cũng phát triển và yêu cầu việc tổ chức xã hội, từ đó giai cấp xã hội xuất hiện và xã hội hình thành. Phân chia giai cấp là bắt đầu có sự phân biệt nặng nề, đối xử bất công từ các giai cấp cao đối với các giai cấp thấp hơn. Đức Phật nhận thấy rõ vấn đề này, Ngài nêu cao trí tuệ và đạo đức là hai yếu tố làm nên một con người cao thượng, tối thắng chứ không phải căn cứ vào giai cấp và huyết thống. Do vậy phải là người thành tựu trí đức và thiền định mới xứng danh Bà-la-môn.

Những chuyện đau khổ, bất an trong cuộc sống đa phần do nếp sống mỗi chúng ta có đạo đức hay không, quan hệ giữa người với người như thế nào.

Giáo lý Duyên khởi (Paticcasamuppàda) với mười hai chi phần nhân duyên mô tả quy luật vận hành của con người và vũ trụ. Nguyên lý này cho rằng hiện hữu là hiện hữu của tương duyên và sẽ tan biến khi những tràng nhân duyên đó chấm dứt. Đây là một chân lý thể hiện hàng ngày hàng giờ, từng sát na hơi thở, ở tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên đời, không ai không bị chi phối. Các pháp nương nhau mà tồn tại vì chúng không thể tồn tại độc lập tuyệt đối. Sở dĩ chúng sanh đau khổ và trầm luân trong sáu nẻo là do không hiểu rõ quy luật vận hành này. “Này Anandà, đừng nói thế! Ðừng nói thế! Giáo lý Duyên khởi này sâu xa và có vẻ sâu xa hơn. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này, mà nhân loại trở nên như cuộn chỉ rối rắm, như ổ kiến rối, như cỏ Babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sanh tử” [2]. Giáo lý Duyên khởi là một cuộc cách mạng trong tư tưởng, bởi lúc bấy giờ, con người sống trong tưởng tri nên cho rằng thế giới và con người do thần linh hay đấng sáng tạo tạo nên, có quyền ban phước và giáng họa; hoặc do một thế giới vô hình hay đấng siêu nhiên nào đó điều khiển. Tất cả những ý niệm này đều do trí tưởng tượng tạo ra mà thật ra con người mới cai trị con người.

Những chuyện đau khổ, bất an trong cuộc sống đa phần do nếp sống mỗi chúng ta có đạo đức hay không, quan hệ giữa người với người như thế nào. Sáu căn tiếp xúc sáu trần lập thành sáu thức, đó là nơi con người và thế giới xúc chạm trùng trùng duyên khởi. Chúng biến đổi vô thường chứ không như cái nhìn của con người cho rằng vô tận cao siêu huyền bí và thường tự suy diễn rồi ra sức tìm kiếm. Đức Phật cũng không muốn chúng ta mất thời giờ cho những kiến giải siêu hình mà không đưa đến lợi ích. “Vì những điều đó không hợp nghĩa, hợp pháp, chẳng phải phạm hạnh, chẳng phải vô dục, vô vi, tịch diệt, chánh giác, cũng chẳng phải pháp Sa-môn, chẳng đưa đến Niết bàn, nên Ta không ấn ký” [3]. Thế giới hình thành kéo theo những khổ đau của con người, nếu ai biết tu tập và chuyển hóa khổ đau thì cuộc sống sẽ thăng hoa và tốt đẹp hơn.

Thế giới quan Phật giáo chú trọng đến con người vì con người chính là trung tâm vũ trụ, vì thế con người phải nỗ lực hoàn thiện chính mình, sống có đạo đức và từng bước đạt đến chân thiện mỹ, đem lại lợi ích và niềm vui cho mình, cho người. Các hành giả tu tập cần quán chiếu sâu sắc và thực hành theo các pháp môn tu, không nên chấp trước những vấn đề siêu hình của thế giới hay con người. Vũ trụ mênh mông, vạn vật vô cùng, muốn biết nó phải vượt ra ngoài nó. Có như vậy, chúng ta mới có đủ tư lương đạt được giác ngộ, giải thoát. Qua đó, cho ta thấy cội nguồn văn hóa Phật giáo giúp nhân loại giải đáp câu trả lời về thế giới quan một cách khoa học và tuệ giác, không đưa con người chìm đắm trong các học thuyết mơ hồ, huyền bí; giúp con người trở về với chánh niệm sống với môi trường sống thực tại, luôn ý thức và giữ gìn bảo vệ môi trường ngày càng tốt đẹp, quan trọng hơn nữa là xây dựng nên thế giới quan tâm linh vững chắc, tiến đến chân hạnh phúc.

THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN

Thời nhà Lý

Thế giới quan Phật giáo Lý – Trần cũng không nằm ngoài thế giới quan Phật giáo. Tiếp nối nền tảng cốt lõi của hệ thống giáo lý đầy minh triết của đạo Phật, các Thiền sư thời kỳ này đã dựng xây thế giới quan mang đậm tính giải thoát ngay trong thực tại, không tìm kiếm những thế giới siêu nhiên hư ảo, tùy theo mức độ tu tập như thế nào mà tâm thức con người an trú theo các cảnh giới khác nhau. Thế giới quan Phật giáo Lý – Trần thể hiện rõ trong nền văn học trung đại, phản ánh khá đầy đủ tinh hoa về góc nhìn thế giới, thể hiện rõ trong tác phẩm: Khóa hư lục, Thiền uyển tập anh, Thơ văn Lý – Trần… Chỉ vài câu thơ mang nét chấm phá của thiên nhiên, như: Hình ảnh một giọt sương mai lấp lánh trên đầu ngọn cỏ, khái niệm không gian và thời gian vô cùng vô tận, biến chuyển trường tồn qua hình ảnh một cành mai lặng lẽ nở sót lại trong đêm tĩnh mịch hay vầng trăng sáng soi rọi chiếc thuyền lặng lẽ vượt bến sang sông trong không gian mênh mông… Đây chính là những cảnh vật rất đỗi bình dị, đơn sơ của thế giới xung quanh. Nhưng mỗi hình tượng đều mang một ý nghĩa sâu xa, đậm chất thiền học mà các ngài muốn gửi gắm đến kiếp nhân sinh.

Hòa mình vào thiên nhiên, đất nước và con người Việt, Thiền sư Thường Chiếu muốn diễn tả thế giới tâm, bản thể vũ trụ qua bài kệ ngắn

“Tại thế vi nhân than,

Tâm vi Như Lai tạng,

Chiếu diệu thả vô phương,

Tâm chi cánh tuyệt khoáng” [4].

————

(Thân, chiếc bóng trên đời.

Tâm, kho báu Như Lai.

Không phương nào không sáng.

Tìm kiếm bặt tăm hơi).

Điểm sơ vài nét chấm phá qua ngòi bút mang đậm triết lý và chất thiền giải thoát của bậc tu chứng đã vượt thoát khỏi cái giới hạn tầm thường của quy luật tự nhiên, sẵn sàng đón nhận tất cả với tâm niệm vô phân biệt, tự tại làm người chèo đò đưa khách trần vượt sông mê tìm về nẻo giác.

Thiền sư Giác Hải có bài thơ sâu sắc nói về tính hư ảo của các pháp, của thế giới hiện tượng, xem chuyện sống chết là quy luật tuần hoàn tự nhiên

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,

Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ,

Hoa điệp bản lai giai thị ảo,

Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”[5].

——–

(Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,

Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ,

Nên biết bướm hoa đều huyền ảo;

Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi!).

Các pháp đều hư ảo không thật, xuân đến muôn hoa khoe sắc, bướm bay lượn theo kỳ hạn thích ứng thời tiết của chúng, nhưng rốt cuộc chúng cũng chỉ là ảo ảnh, hết mùa thì tất cả đều biến mất, không đáng để chúng ta bận tâm làm gì những giả tướng này. Chỉ có những bậc có sở tu sở chứng mới thấy được bản chất thật của cuộc đời, của thế giới và vạn vật.

Thiền phái Vô Ngôn Thông đặc biệt chú ý đến tâm, xem tâm là nguồn gốc của các pháp, của thế giới hiện tượng, như Thiền sư Cứu Chỉ trình bày tâm và pháp qua bài kệ:

Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch

Thần thông biến hóa hiện chư tướng

Hữu vi vô vi tòng thử xuất

Hà sa thế giới bất khả lượng.

Tuy nhiên biến mãn hư không giới,

Nhất nhất quán lai một hình trạng.

Thiên cổ vạn cổ nan ti huống:

Giới giới xứ xứ thường tãng lãng [6].

——

(Hiểu thấu thân tâm bản ngưng tịch,

Biến hóa thần thông thành mọi hiện tượng.

Pháp hữu vi và pháp vô vi đều từ đó mà ra.

Thế giới nhiều như cát sông Hằng chẳng thể đếm xiết,

Tuy rằng đầy khắp cõi hư không.

Nhưng xem ra, hết thảy đều không có hình trạng.

Dù muôn đời nghìn thuở cũng thể so sánh với nó được,

Chốn chốn nơi nơi nó vẫn thường sáng tỏ).

Thế giới hiện tượng tuy vô cùng đa dạng nhưng tựu trung chỉ do tâm biến hiện ra, tâm đó không có hình trạng, tràn đầy hư không không cùng tận. Thiền sư Nguyện Học, Thiền sư Thường Chiếu, nhà Sư Trường Nguyên… cũng để lại những bài thơ nói về tâm chân như và bản thể vũ trụ, giác ngộ chính là nhận thức tâm chân như diệu thể đó.

Khoảng những năm Thiên Thành Thông Thụy (1034-1036), vua Lý Thái Tông từng đến chùa Thiên Phúc làm bài kệ bàn về yếu chỉ của đạo Phật:

Bát nhã chân vô tông.

Nhân không ngã diệc không.

Quá, hiện, vị lai Phật.

Pháp tính bản lai đồng

———-

(Bát nhã thực không tông.

Người không, ta cũng không.

Ba đời các Đức Phật.

Thể pháp tánh chung đồng”) [7].

Bát nhã đây chính là Phật hay chân tâm trong sáng như ngọc báu sáng quý giá, không sinh cũng không diệt, tự tánh vốn tròn đầy thinh lặng không bị không gian và thời gian làm ngăn ngại, có thể tự tại chu du khắp pháp giới bao la. Nhưng đứng về thế giới thực tại của đời thường, khi vạn hữu đã hình thành, từ hạt bụi cho đến trăng sao, sông núi, người, vật đều chịu sự chi phối của định luật vô thường, có không còn mất, có chăng khác nhau giữa phàm và thánh ở chỗ chìm đắm hư ảo hay tự tu tập nhận thức rõ bản chất thật đó mà sống an nhiên tự tại giữa cuộc đời.

Thiền sư Huệ Sinh trả lời vua Lý Thái Tông bằng một bài kệ mang tính cách triết lý “bất nhị” vượt lên trên cả có và không:

Pháp bản như vô pháp

Phi hữu diệc phi không

Nhược nhân tri thử pháp

Chúng sinh dữ Phật đồng.

Tịch tịch lăng già nguyệt

Không không độ hải chu

Tri không, không giác hữu

Tam muội nhậm thông chu” [8].

—————

(Pháp tướng vốn như không có pháp

Mơ màng như có lại như không

Pháp này vốn có người am hiểu

Thế tục, Như Lai một chữ đồng

Lặng như vầng nguyệt núi Lăng-già.

Hư tựa con thuyền vượt sóng ra

Biết cả lẽ “không” và lẽ “có”

Lại dùng “tam muội” hiểu sâu sắc”).

Những vần thơ chuyển động, bừng sáng như tiếng chuông thức tỉnh khơi dậy bản tâm thanh tịnh vốn có của mỗi con người. Các Thiền sư nhìn vũ trụ nhân sinh quan bằng quan niệm có, không; sống với triết lý bất nhị, đâu đâu cũng là chân như:

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không,

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không [9].

————

(Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Vừng trăng vằng vặc in sông

Chắc chi là có, không không mơ màng).

Thi ca thời Lý có thể nói là hình thức ngôn ngữ siêu ngôn ngữ, triết lý siêu triết lý, có khả năng rút tất cả thế giới vào một vài chữ có và không bằng một ý niệm, mà vẫn diễn đạt hết mọi lẽ sinh hóa của vũ trụ vạn hữu [10].

Thời nhà Trần

Sang đến thời Trần, tác phẩm Khóa hư lục của vua Trần Thái Tông nêu rõ muôn nghìn thế giới của biện chứng giải thoát, người dụng công tu tập và hành trì pháp tu miên mật sẽ đạt đến cảnh giới tương xứng, không còn bị giới hạn bởi hai việc lớn của đời người là sinh và tử, thong dong qua lại giữa các cảnh giới tuỳ theo hạnh nguyện độ sanh của mỗi người. Thời gian chính là dòng chảy vô cùng tận, không gian lại chính là vô cùng theo dòng mắt xích Mười hai nhân duyên. Tận sâu trong tâm khảm mỗi người, ai cũng mong muốn vượt thoát thế giới nhỏ bé này mà vươn đến không gian rộng lớn hơn, không còn bị phụ thuộc hay giới hạn bởi nhiều yếu tố, vượt ra khỏi sự đối đãi tầm thường, chỉ còn hương vị sen thơm đượm mùi giải thoát tung bay giữa bầu trời tịnh thanh vô nhiễm:

Thanh sơn đê xứ kiến thiên khoát,

Hồng ngẫu khai thời văn thùy hương [11].

 

(Núi xanh chỗ thấp trông trời rộng,

Sen đỏ nở thời thấy nước thơm).

Vua Trần Thái Tông đã diễn tả đầy đủ một thế giới thanh tịnh, không còn bị chướng ngại bởi một niệm cấu uế nào, cho chúng ta thấy rõ chỉ có bậc thực tu thực chứng như người mới viết lên được sự trải nghiệm cảnh giới tâm thức Niết bàn rõ ràng như vậy. Tâm thức thanh tịnh sẽ đưa đến một thế giới thanh tịnh, ra vào tự do mọi cảnh giới mà không bị ngăn ngại bởi bất kỳ lý do nào. Người chứng ngộ đến đâu sẽ có không gian vũ trụ định hình đến đó, không gian hiện thực chẳng khác nào không gian tâm cảnh Niết bàn [12]. Chỉ có những người nội tâm còn cấu uế mới chấp vào đời sống thực tại, dính mắc bởi sự đối đãi phân biệt giữa ta và người, chìm đắm trong phiền não mà không cách nào thoát ra được.

Bạch ngọc nguyên lai một phủ ngân

Hạ tu truy trác khổ cầu tân

Đồ trình bất thiệp gia hương đáo

Phó dữ huyền nhai tán thủ nhân [13].

 

(Ngọc chuốt xưa nay vẫn trắng trong

Cần chi mài dũa khổ bao công

Về quê chẳng phải qua đường xá

Trèo dốc buông tay vẫn thỏa lòng).

Bản tính chúng sanh xưa nay vẫn sáng suốt đồng như chư Phật nhưng vì vô minh che lấp, chạy theo ngoại cảnh mà quên đi bản tánh chân thật vốn có của chính mình. Chân tâm đó giống như viên ngọc vốn trong sáng quý giá, không cần phải làm sáng hay mới lên thêm vì có muốn lau chùi cũng chỉ là hình thức bên ngoài. Cái quan trọng ở chỗ tạo nghiệp của chúng từ bao đời kiếp, đến hôm nay vẫn không nhận chân ra được, bỏ quên đi ngôi nhà tự tánh của chính mình, quên cả lối về. Cũng như người tìm đạo lại không biết đạo, muốn tìm đường về nhà thì cần phải tỉnh táo nhớ về cội nguồn, nhận rõ đâu chính là nhà của mình. Thật ra, đạo chẳng ở đâu xa mà ngay trước mắt chúng ta, trong mọi hành vi cử chỉ, thân đâu tâm đó, tâm luôn nghĩ đến lợi ích cho mọi người, nên nói “Bình thường tâm là đạo vậy”. Tâm thanh tịnh thì không gian hiện thực không khác gì không gian tâm cảnh Niết bàn, có thể chuyển hóa tâm thức ô nhiễm thành tâm thức thanh tịnh, thể nhập vào vũ trụ bao la không còn chịu bất kỳ sự ràng buộc nào.

Tuệ Trung Thượng sĩ khuyến khích mọi người nên tìm Phật ngay cõi thiên nhiên thực tại đang sống, đừng tìm cầu Phật ở đâu xa:

Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc

Liên nhị hồng hương bất trước nê [14].

 

(Thu trong, biếc hẳn tùy duyên sắc,

Sen ngát, hồng đâu bởi nước đâu).

Thiên nhiên hữu tình với non sông, nước biếc, cảnh sắc tươi đẹp trong thơ văn Phật giáo thời Trần được mô tả như thiên nhiên cõi Phật sống động, tự thân chứng ngộ thì không đâu là không tĩnh lặng đẹp đẽ. Các Ngài an trú trong thế giới qua cái nhìn đầy tuệ giác, tùy duyên với đạo và đời, cảm nhận cảnh sắc qua cái nhìn mênh mông vô hạn sâu thẳm tầng không.

Thế giới quan thời Lý – Trần được diễn tả hết sức sống động, thiết thực giữa đời thường, tạo nên một bản giao hưởng đa chiều nhưng không nằm ngoài mục đích giải thoát tìm về bản tánh chân như vốn có của mỗi người. Đối với những vị sơ cơ chưa tỏ lý vô thường có thể được đánh động bởi những vần thơ, bài kệ tuyệt tác mang đậm hương vị thanh trong mà dần dần tỏ ngộ. Người đã đạt đến cảnh giới tịch tĩnh thì tâm thái an nhiên giữa biến động cuộc đời, xem tất cả chỉ là ảo ảnh không thật có, sẵn sàng xông pha trận chiến với tâm thái hiên ngang, đem giáo lý Phật Đà đưa người thức tỉnh cơn mê lầm, giúp người người tìm về bản tánh chân thật. Nhận thức rõ thế giới quan qua lăng kính Phật giáo, con người thời Lý – Trần ý thức rõ môi trường xung quanh đang tồn tại vốn thực hư thế nào mà tìm ra phương thức chuyển hóa dần dần. Mê hay ngộ chỉ khác nhau do tâm, làm chủ được tâm thì không còn niệm chấp ngã phân biệt, thế giới chư Phật sẽ hiện ngay trước mặt, thể nhập vào vũ trụ.

SỰ TÁC ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN NHẬN THỨC NGƯỜI VIỆT

Dù ở thời đại nào, tinh thần vô trụ vô chấp của đạo Phật có công năng giúp Phật tử ngộ được lý duyên sinh trong tiến trình vận hành bao la của vũ trụ và đối diện cuộc đời. Nhờ đó, mỗi người không ngừng nỗ lực tu tập đạt đến sự chứng ngộ, không còn nỗi lo sợ hãi trước sự biến đổi vô thường của thế giới tự nhiên. Mỗi người có thể hòa điệu với thế giới hiện hữu, có cái nhìn bao dung đối với những người xung quanh, giữ vững tâm niệm yêu thương nhau nhằm tạo dựng một đời sống tràn đầy hỷ lạc. Khi sống trong thế giới tâm linh giải thoát giữa đời thường, người dân Việt thời Lý – Trần nói riêng và con người thời đại ngày nay nói chung sẽ đối diện một cách bình thản với những bế tắc về khủng hoảng môi trường qua các giá trị ảo ảnh vật chất chi phối.

Mỗi người hướng tâm hành trì tu tập đến đâu sẽ trải nghiệm không gian tâm linh đến đó, an trú trong pháp và luật, an trú trong thiền định bừng sáng tuệ giác, đây cũng chính là cảnh giới thập phương chư Phật mà các hành giả hướng đến với tấc dạ lòng thành. Nhận thức quy luật vận hành của thế giới, chúng ta nhận thức được sinh diệt biến đổi của vạn pháp, trong hữu có vô; vô và hữu không khác gì bóng trăng dưới đáy nước, từ đó không còn giữ tâm niệm phân biệt thì khoảng cách giữa chúng sanh và Phật không còn xa. Hiểu được vạn vật nhất thể, con người không còn nhiều tham vọng, hiểu được sinh tử và Niết bàn là một, phiền não cũng chính là Bồ đề. Đây cũng chính là chủ trương “Bất nhị pháp môn, nhất thừa, tâm thừa” mà thiền học thời Lý – Trần tiếp thu và phát triển đến đỉnh cao. Thực hành được tâm bình đẳng thì Phật có ngay trong tâm chính mình như lời Quốc sư Phù Vân khuyên vua Trần Thái Tông: “Sơn bổn vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” [15] (Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong lòng. Lòng lặng mà biết ấy là Phật vậy). Như vậy, tâm an thì thế giới an, tâm bình thế giới bình, thế giới thực tại cũng không khác gì cảnh giới Niết bàn cho những ai tu tập và hành trì đúng những lời dạy của Phật Đà. Muốn giải thoát, con người phải tự vươn lên trong mọi hoàn cảnh, hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của một công dân sống trong cộng đồng xã hội. Biết chấp nhận thế giới thực tại, biết thay đổi nhận thức đúng đắn, hòa nhập vào đời mà không bị cuốn trôi theo dòng đời, cũng tựa như những hoa sen thơm ngát kia dù sống trong bùn nhưng vẫn tỏa ra hương thơm ngát, dâng cho đời những giá trị cao quý, hoa trái ngọt lành.

Trong thời Lý – Trần, từ vua quan cho đến dân chúng đều cùng nhau tu học Phật pháp, kính tin Tam bảo, nghe pháp và thực hành thiền định, nhờ đó mỗi người phần nào hiểu được rõ quy luật vận hành của thế giới. Qua những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm xây dựng đất nước, người con đất Việt dù nếm đủ mùi gian khổ cũng không làm mờ đi ý chí đoàn kết, sự quyết tâm dựng xây quốc gia ngày một thái bình thịnh vượng. Hiểu được lý duyên sinh, các biến động thiên tai, hạn hán hay những thay đổi bất thường của thiên nhiên đến với đất nước ta, mọi người phần nào bớt đi sự lo âu, đau khổ mà trái lại cố gắng nguyện cầu sám hối tội nghiệp, cầu trời khấn Phật với tâm lành tha thiết mong được đất nước bình an, tai qua nạn khỏi.

Từ nhiều thế kỷ qua, thói quen đến viếng cảnh chùa, dâng hương lễ Phật đã trở thành nét đẹp văn hóa Việt Nam, lắng nghe tiếng đại hồng chung sâu lắng, ngắm nhìn tượng Phật từ bi như thấu hiểu nỗi khổ kiếp nhân sinh, ai cũng bộc bạch những nỗi niềm và thầm cầu nguyện thiết tha.

Thế giới hôm nay tuy đủ đầy vật chất, khoa học và công nghệ hiện đại, mức sống của con người đạt đến đỉnh cao. Nhưng kéo theo sự phát triển tột bực ấy là những biến đổi bất thường của thế giới như biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh tràn lan khiến con người sống trong lo âu và sợ hãi. Đại dịch COVID-19 suốt hơn hai năm qua đã lấy đi bao nước mắt và mạng sống của con người trên thế giới, kéo theo đó là những hệ lụy về kinh tế và xã hội. Người đệ tử Phật nhận thức được quy luật vũ trụ thì sẽ không còn đau khổ, sợ hãi mà trở nên bình thản đối diện nó. Vì có thịnh tất có suy, chung quy những biến đổi môi trường phần lớn do lối sống và lòng tham muốn của con người không biết đủ, khai thác quá mức tài nguyên, sát sanh và gây tạo nhiều nghiệp tội. Hiểu và nhận thức được điều đó, con người phải tự suy xét bản thân và tự thay đổi chính bản thân, duy trì lối sống lành mạnh, làm việc thiện lành, không đổ lỗi cho số phận hay thế giới.

KẾT LUẬN

Văn hóa Phật giáo qua thế giới quan đã tác động đến người Việt từ xưa đến nay thông qua việc ý thức được quy luật biến đổi vô thường của vũ trụ. Con người đã tìm ra đáp án về nguồn gốc thế giới đầy thuyết phục, không còn loanh quanh với những câu hỏi mơ hồ không có lợi ích thiết thực trong cuộc sống. Nhận thức được giây phút hiện tại, mỗi người biết trân quý thời gian làm những việc có ích cho bản thân và xã hội. Nhiều ngôi chùa được xây dựng nơi địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình, thanh tịnh trang nghiêm là nơi đón những bước chân của Phật tử thiện tâm, hay bao khách trần mệt nhoài với công việc muốn đến chùa tìm lại sự thanh thản và bình yên… Từ nhiều thế kỷ qua, thói quen đến viếng cảnh chùa, dâng hương lễ Phật đã trở thành nét đẹp văn hóa Việt Nam, lắng nghe tiếng đại hồng chung sâu lắng, ngắm nhìn tượng Phật từ bi như thấu hiểu nỗi khổ kiếp nhân sinh, ai cũng bộc bạch những nỗi niềm và thầm cầu nguyện thiết tha. Đến với khung cảnh thiên nhiên u tịch thoát tục của chùa chiền, con người như được trở về lại nguồn cội dân tộc, gác lại những muộn phiền, trỗi dậy lòng yêu quê hương và đất nước qua hình ảnh chùa Việt thân thương và rất đỗi thân thuộc, như Giáo sư Minh Chi đã nói: “Trong tâm hồn dân tộc Việt Nam thật đã sẵn có mầm mống tinh thần Phật giáo, bao giờ cũng theo nhau như hình với bóng trong cuộc sinh hoạt toàn dân”.

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* SC. Thích Nữ Huệ Nhật, Học viên Cao học khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Thích Minh Châu dịch, kinh Trường Bộ II, kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.395.

[2] Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ kinh, kinh Đại Duyên, Nxb. Tôn giáo, 1991, tr.512.

[3] Thích Đức Trí tuyển dịch, kinh Trường A-hàm, Nxb. Tôn giáo, 2003, tr.316.

[4] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1989, tr.531-532.

[5] Viện Văn học, Sđd, 1989, tr.445.

[6] Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1988, tr.175.

[7] Viện Văn học, Sđd, 1989, tr.241-242.

[8] Viện Văn học, Sđd, 1989, tr.257-258.

[9] Viện Văn học, Sđd, 1977, tr.345.

[10] Thích Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, Nxb. Phương Đông, 2009, tr.217.

[11] Trần Thái Tông Hoàng đế, Khóa hư lục, sa môn Trí Hải dịch, Nxb. Tôn giáo, 2015, tr.34.

[12] Thích Phước Đạt, Trần Thái Tông và Khóa hư lục nhìn từ góc độ văn học, Nxb. Hồng Đức, tr.239.

[13] Trần Thái Tông, Sđd, 2015, tr.103.

[14] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Quyển Thượng, Nxb. KHXH, 1989, tr.21.

[15] Viện Văn học, Sđd, 1989, tr.26.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *