Thư tòa soạn

Quý độc giả thân mến!

Nói về tầm ảnh hưởng của Phật giáo, nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.

Trên dải đất hình chữ S, ngay từ khi đạo Phật được truyền vào nước ta đã có sự gắn bó mật thiết không thể phân ly giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” là sự lựa chọn đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là sự kế thừa truyền thống đã được hun đúc bởi các bậc Tổ sư tiền bối trong hơn 20 thế kỷ, đồng thời Giáo hội đã phát huy tinh thần dấn thân, phụng sự của Phật giáo trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng và đổi mới đất nước. Với tinh thần hòa hợp, đoàn kết và phương châm “phụng đạo, yêu nước”, Giáo hội quan tâm hướng dẫn tín đồ, Phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo Phật tử; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử; là nguồn cổ vũ lớn lao cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.

Để cùng bàn luận sâu hơn, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 391 với chủ đề “Hương giới bay xa”. Có thể nói, người Việt Nam, ai cũng ít nhất một lần nghe tiếng chuông chùa hoặc tiếng kinh, tiếng mõ của nhà chùa. Hình ảnh mái chùa từ nhỏ đã thấm vào ký ức mỗi người Việt. Chùa là nơi để thờ Phật, là chốn linh thiêng, thanh tịnh và có ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn. Điều đó càng được thể hiện rõ trong bối cảnh hiện nay khi Phật giáo đang góp phần cùng xã hội thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh và làm tốt công việc từ thiện nhân đạo, xóa đói giảm nghèo đã để lại nhiều thành tựu trong đời sống và lòng từ luôn được lan toả trong đời sống góp phần tạo nên một xã hội văn minh và giàu lòng nhân ái.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *