Trong lành như hạt sương mai (Thích Nữ Diệu Hoa)

“Khung trời ửng nắng hừng đông

Tạo nên vẻ đẹp sắc hồng tỏa lan

Khiến hoa thêm vị nồng nàn

Chan hòa nét mộc bình an vô cùng”.

Mỗi buổi sáng sớm, khi những hạt sương trong veo còn đọng lại trên lá, lúc ấy không khí trong lành lắm và cảnh vật cũng yên bình lắm lắm. Nếu chịu lắng nghe, sẽ nghe rõ cả âm thanh nhẹ nhàng của gió khẽ chạm vào những nụ hoa yêu kiều đang dần dần nở nhụy, những chiếc lá đong đưa giữa quang cảnh thanh bình trông cũng thật dịu dàng làm sao! Dù có bận rộn đến mấy, chúng ta cũng nên dành vài phút để tận hưởng những phút giây yên bình, thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy của ánh dương và hương sắc xinh tươi của vạn vật thiên nhiên cho lòng nhẹ nhàng, thư thái.

“Mỗi sáng dậy lắng tâm tịnh trí

Thấy nhẹ nhàng hoan hỉ trong ta

An nhiên với một tách trà

Nhìn trời lộng gió ngắm hoa yên lành”.

Người xuất gia phải sống trong chánh niệm. Biết rõ mình đang nghĩ gì, làm gì và muốn gì. Nếu bị phiền não quấy rầy mà biết phiền não đang quấy rầy, tự ắt sẽ buông. Mà buông sẽ không dính mắc, không bị phiền não điều khiển, không bị tam độc sai khiến. Tấm gương sáng từ những bậc phạm hạnh chân tu, quý ngài không bị danh lợi tiền tài cám dỗ, không bị lôi cuốn theo vòng xoáy của dòng đời phù hoa. Hiếm khi nghe quý ngài than rằng khổ, mệt, chán, tổn thương hay buồn bực,… Mà chỉ có an lạc và thanh tịnh trong từng lời pháp nhũ, tác phong và nhân cách.

“Người đạo đức hiền từ tốt bụng

Sống chân thành làm đúng lương tri

Không do ái dục tham ghì

Tự mình vượt khỏi biển si của đời”.

Thật vậy, Đức Phật từng dạy: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Không ai có thể giác ngộ thay mình và cũng không ai có thể cởi trói sợi dây phiền não, tham sân si, ái dục của tâm phàm tục thay mình, chỉ có chính mình mới làm được điều đó. Vậy nên sống tỉnh thức, chánh niệm từng giây với đời sống tu hành để đạo hạnh thêm cao. Tránh để sắc, lợi, quyền, danh lôi kéo. Nên:

“Yên lòng đạm bạc sống vui

Cà dưa biết đủ dục vùi phước gieo

Để cho đạo đức không nghèo

Hiền thì quả hạnh cuốn theo ngút ngàn”.

Ngày nay chúng ta đang sống ở thời hiện đại, Tăng Ni được phép sử dụng mạng xã hội để hoằng pháp thì việc phải dùng smartphone, laptop,… là điều tất nhiên. Nhưng nếu tâm không vững, không giữ chánh niệm, chắc chắn sẽ bị phiền não quấy nhiễu từ mạng xã hội và bị cuốn theo tham đắm những vật chất xa xỉ này. Còn nếu chúng ta sử dụng nó như một phương tiện phục vụ đời sống tu tập và hoằng dương chánh pháp thì không có vấn đề gì cả, thậm chí còn rất tiện ích. Đặc biệt là trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành, cuộc sống đảo lộn và mọi thứ đều thay đổi. Hầu hết các hoạt động đều chuyển sang online. Nếu không biết sử dụng ngân hàng trực tuyến hay không có smartphone thì không thể tự giải quyết vấn đề của riêng mình chứ chưa nói đến việc giúp đỡ người khác. Nếu chúng ta không chấp nhận những trở ngại ấy thì chắc chắn sẽ cảm thấy phiền não và gian nan, không mấy thoải mái. Còn nếu biết nó đang quá phức tạp, phiền toái mà tự biết phải biến nó lại trạng thái bình thường thì nó sẽ bình thường. Giữa thời thế đảo lộn muôn ngàn khó khăn mà giữ được tâm an lạc, đó mới là mục đích của người cắt ái từ thân, xuất gia cầu đạo. Cho nên chúng ta phải:

“Xa rời ham muốn cầu vinh

Theo về bến giác rã hình cũng cam

Nhờ nơi Phật cảnh ưu đàm

Tu hành nhắc dạ bỏ tham buông phiền”.

Nhờ nhân duyên lành phước báu của mỗi cá nhân mà một số Tăng Ni trẻ có cơ hội được du học nước ngoài, việc đi máy bay hay lái xe hơi cũng chỉ là phương tiện. Không nên để tâm bận bịu so sánh thời nay với thời Đức Phật còn tại thế làm gì, cho cái tâm mình thêm lộn xộn không được bình yên. Người học Phật thì luôn xem nhẹ tiền tài vật chất. Mục đích chính là sống an trú trong hiện tại. Tất cả những bằng cấp, học vị chỉ để hỗ trợ trong việc hoằng pháp chứ không đem đến sự giải thoát đắc đạo. Đôi khi nó còn mang đến áp lực cho hành giả nữa. Cho nên:

“Khi mệt mỏi lặng thiền thanh tịnh

Lúc yên vui thức tỉnh trí bừng”.

Hay:

“Tránh vào cạm bẫy hố sâu

Vững tâm là một phép mầu an nhiên”.

Sự trải nghiệm vất vả khó khăn cũng giúp hành giả đang trên đường tu tập tăng thêm mong cầu giải thoát. Có khổ đau mới khao khát được bình yên. Có mệt mỏi căng thẳng mới tìm lại cái tâm bình yên thanh tịnh của chính mình. Nhưng nếu chúng ta tránh được va chạm, ít phiền não, ít sóng gió thì tâm hồn an nhiên hơn, đường về bến giác tới đích nhanh hơn. Hoặc giữ được tâm chánh niệm giữa phiền muộn, an trú trong hiện tại thì công đức tu tập được trọn vẹn nhiều hơn. Bởi:

“Chỉ cần tâm tịnh trí an

Phát nguyền hướng thiện bạo tàn tránh xa

Xóa tan ý nghĩ gian tà

Sân si gột rửa vị tha sửa mình”.

Và:

“Giữ gìn phẩm hạnh tĩnh tu

Thanh cao nếp sống tâm mù xóa tan

Hằng mong trí mãi thư nhàn

Chân thành chánh niệm mà an cõi lòng”.

Trong cuộc sống ai cũng phải tự mình vượt qua bão giông phiền muộn, tự mình vươn lên và tháo gỡ những rối ren nghiệt ngã. Đừng bắt bản thân phải chịu đựng những ưu sầu. Nhiều người thường có thói quen xấu muốn gom những bất hạnh đắng cay, buồn bã phiền phức, khổ đau nhức nhối thành một khối băng thảy vào mình khiến tâm trí mệt mỏi. Chúng ta phải giẫm lên hoặc né rác để bước đi không bẩn đôi giày, phải lấy gai nhọn ra khỏi bàn chân nếu chẳng may giẫm phải. Không ai lại để gai nhọn đâm thịt đau đớn rồi chắp tay cầu nguyện cho nó mau hết đau cả. Người trí không ai chấp nhận nước bùn nhuộm lên đôi dép trắng của mình, không ai để phiền não chiếm lấy thời gian và tâm thanh tịnh. Áo bẩn thì giặt, tâm đục thì buông. Chân dơ phải rửa, dạ nhơ phải dừng. Phải thong dong như những áng mây trên bầu trời cao, an yên như ánh bình minh không nhuộm chút ưu sầu và an nhiên như những hạt sương mai. Mỗi ngày, con tự nhủ lòng như thế rồi bỏ xuống những suy nghĩ và tạp niệm trong đầu, ngồi bên Đức Phật từ bi và hít thở nhẹ nhàng trong tĩnh lặng. Bởi:

“Đạo ngay ở giữa cõi đời

Giữ gìn tuệ sáng thảnh thơi mỗi giờ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *