Trường Hương Ở Nam Bộ Xưa

Phật giáo cùng với các lưu dân xuôi về vùng đất phương Nam từ rất sớm và đã trở thành tôn giáo cùng đồng hành với dân tộc từ những buổi đầu khai hoang mở đất. Chính ngôi chùa Phật là một trong những thiết chế văn hóa – tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu cơ bản về tinh thần, tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng cư dân nơi vùng đất Nam Bộ.

Các vị tổ sư quan niệm rằng Phật pháp chỉ xương thạnh ở đời khi đồ chúng còn biết vâng giữ giới luật. Vì thế, chư vị tổ sư tiền bối luôn luôn y cứ vào luật Phật mà tu hành và truyền bá đạo đức. An cư kiết hạ – một truyền thống tốt đẹp trong Phật giáo – là cơ hội tốt nhất cho Tăng, Ni thăng tiến trong đời sống tâm linh, tịnh hóa tam nghiệp, chứng đắc thánh quả; đây cũng là cơ hội để các thành viên Tăng, Ni chung sống hòa hợp, thanh tịnh. Trong đó, thanh tịnh và hòa hợp chính là bản thể của Tăng Ni, bản thể đó được biểu hiện qua sự thanh tu, hành trì giới luật của mỗi thành viên theo mô thức: nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Gới – Định – Tuệ là căn bản cũng là cốt tủy của việc tu hành.

An cư kiết hạ trong tiếng Phạn gọi là Varsavasana có nghĩa đen là ở yên một chỗ, còn được gọi là an cư, vũ kỳ an cư, trường hạ hay tịnh nghiệp đạo tràng. Ở Nam Bộ xưa, các tổ quan niệm tu hành không kể đến ngày, tháng, thời gian nên còn gọi là “trường hương” là từ dùng chỉ thời gian dài ba tháng trong năm các tu sĩ Phật giáo ở tập trung tại một trú xứ tu tập, hay còn được hiểu mọi hành sự của chư Tăng, Ni theo thời khóa biểu của thiền đường đều được tính trong thời gian một nén hương (tương đương với 60 phút đồng hồ) và trong nhà thiền, hương (nhang) phải được thắp liên tục không được để tắt.

Thiết định chư Tăng, Ni phải an cư kiết hạ đã có từ thời Đức Phật. Vào ba tháng hạ cũng là thời gian của mùa mưa là lúc cây cỏ và côn trùng sinh trưởng nhiều, Đức Phật đã quy định an cư để chư Tăng, Ni không đi lại vào mùa mưa mà vô tình giẫm đạp gây tổn hại cho cây cỏ và các loài côn trùng, qua đây đã thể hiện được lòng tư bi vô lượng của Đức Phật. Đặc biệt, mục đích chính của việc an cư là nhóm họp chư Tăng, Ni tập trung về một trú xứ để trì giới, thiền định, trao đổi kinh nghiệm tu tập và thực hiện đời sống phạm hạnh. Trường hương ở Nam Bộ được tổ chức với quy mô lớn, tập hợp nhiều Tăng sĩ các chùa và mang tính chất tu học, đào tạo Tăng tài theo đúng với giới luật.

Luật Tứ phần quy định, việc kiết hạ – lễ khai hương được thực hiện trước ngày 17/4 (âm lịch) gọi là “tiền tam nguyệt hạ an cư” hay “tiền an cư”, từ ngày 17/4 (âm lịch) đến 16/5 (âm lịch) gọi là “hậu an cư”. Thời gian an cư kéo dài đủ ba tháng, đến ngày trong tháng 7 (âm lịch) “mãn hạ an cư” chư Tăng, Ni trở về chùa của mình tiếp tục tu tập và hoằng pháp độ sanh; chính vào lúc này thân và tâm của chư Tăng, Ni rất thanh tịnh, nên y theo lời Phật dạy các chùa tổ chức lễ Vu-lan nhân ngày Tự tứ cúng dường lên chư Tăng, Ni để hồi hướng công đức cao lớn này đến cha mẹ còn hiện tiền hay đã quá vãng nhằm báo đáp thù ân sanh thành, dưỡng dục đúng với tinh thần nhà Phật “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Trường hương ở Nam Bộ là nói đến quy mô to lớn của khóa an cư, tinh thần lục hòa thể hiện trong ba tháng hạ. Sự tập trung chư sơn thiền đức ở nhiều ngôi chùa lớn của Nam Bộ là một trong những nhân tố quan trọng góp vào việc truyền bá kiến thức, duy trì và phát triển tinh thần Phật giáo Đại thừa tại vùng đất phương Nam, trong đó tính dân gian và tính địa phương của Phật giáo Việt Nam được thể hiện qua các nghi thức trong trường hương2. Khi xưa, giai đoạn các chùa ở Nam Bộ chưa có tổ chức giáo hội, trường hương do một vị cao tăng có khả năng và đức độ khai mở. Việc mở trường hương phải được chính quyền cấp giấy phép, có sự đồng ý của những vị trong Tăng đoàn và phải ra thông báo trước một năm để các chùa biết mà đăng ký tham gia.

Trường hương đầu tiên ở Nam Bộ được tổ chức tại Gia Định nơi trung tâm Phật giáo nổi tiếng thời bấy giờ là chùa Giác Lâm (nay thuộc quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) vào năm Thiệu Trị thứ 4 (Giáp Thìn – 1844) do Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh khai mở, thỉnh Hòa thượng Phổ Nguyệt (chùa Huê Lâm) làm Pháp sư, Yết-ma Từ Tạng (chùa Trúc Lâm) là Thủ tọa.

Đặc biệt, đã có nhiều trường hương lưu dấu những sự kiện quan trọng của Phật giáo Nam Bộ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhận thấy thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu thôn tính đất nước ta, đồng thời có những chính sách thù địch đối với Phật giáo, trấn áp, khủng bố và thẳng tay tiêu diệt người dân yêu nước, trong đó có cộng đồng Phật giáo, trước tình hình cấp bách, các bậc tiền bối Tăng-già Nam Bộ lợi dụng việc tổ chức an cư kiết hạ, nhất là các dịp húy kỵ tại các tổ đình nhằm nhóm họp các bậc chức sắc, quy tập Tăng chúng để gắn kết mối liên lạc, trao đổi thông tin thời sự và khơi dậy tinh thần yêu nước và tổ chức thực hiện các hoạt động yêu nước.

Năm Nhâm Tuất (1922), trường hương và trường kỳ được tổ chức tại tổ đình Giác Lâm, do Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) chứng minh, Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh) làm Chánh chủ kỳ, Hòa thượng Quảng Chơn (chùa Long Thạnh) làm Phó chủ kỳ, Hòa thượng Hồng Nghĩa (chùa Giác Viên) làm Truyền giới sư cùng quý Hòa thượng trụ trì các chùa Sắc tứ Từ Ân, chùa Phụng Sơn, chùa Bửu Lâm, chùa Từ Phước,… đã quy tập về tổ đình Giác Lâm họp bàn thành lập Hội Lục hòa Liên xã với mục đích nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động cứu quốc. Hiện nay, tại Tổ đình Giác Lâm còn bốn bức liễn đối ghi nhận lại sự kiện này.

Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, việc tổ chức trường hương rất được chư sơn thiền đức chú trọng nhằm xiển dương Chánh pháp, đào tạo Tăng tài, chỉnh lý lại Tăng đồ và cải cách sinh hoạt Phật giáo để trừ các tệ đoan trong Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Đặc biệt, khơi dậy tinh thần yêu nước và tổ chức thực hiện các hoạt động yêu nước cho Tăng sĩ, Phật tử trong giai đoạn thực dân Pháp đô hộ.

Ở Nam Bộ, còn nổi tiếng với nhiều vị Hòa thượng tuy còn trẻ tuổi nhưng đầy đủ giới đức được chư sơn thiền đức công cử giữ nhiều chức vụ quan trong các trường hương. Đây là những tấm gương sáng trong Phật giáo để hàng hậu học noi theo tu tập.

Tiêu biểu là Quốc ân Đại Hòa thượng Từ Nhẫn chỉ ở tuổi 23 (năm Giáp Tý – 1924) đã tham gia và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong 12 trường hương, trường kỳ. Nhiều chùa ở miền Trung thỉnh ngài tham gia trong các trường hương như năm Ất Sửu (1925) Hòa thượng Tăng cang chùa Sắc tứ Phước Quang khai hạ trường hương thỉnh ngài làm Phó na, năm Đinh Mão (1927) Hòa thượng Chánh Nhơn thỉnh ngài làm Hòa thượng Thiền chủ kiêm Bố-tát tại trường hương chùa Long Khánh (Quy Nhơn); năm Mậu Thìn (1928), Hòa thượng Huệ Quang thỉnh ngài tham gia trường hương ở chùa Hưng Long; năm Kỷ Tỵ (1929), Yết-ma Thiện Niệm chủ hương chùa Viên Giác, Yết-ma Bửu Thông Hóa chủ chùa Kiển Phước mở trường hương thỉnh ngài làm Thiền chủ; năm Canh Ngọ (1930), chùa Viên Giác (Bến Tre) và chùa An Phước (Sa Đéc) mở trường hương một lượt, cả hai chùa đều thỉnh ngài làm Hòa thượng Thiền chủ kiêm Bố-tát.

Trong giới Phật giáo Nam Bộ còn lưu truyền sự kiện nhà sư Thái Bình mới 32 tuổi được làm Hòa thượng Thiền chủ của trường hương tại chùa Giác Hoàng (Bà Điểm) vào năm Quý Dậu (1933), chức Hòa thượng được vua phong ở Huế, nhân trường hương này tấn phong.

Ở Nam Bộ xưa, một năm chỉ có số ít chùa có đủ điều kiện để tổ chức trường hương nên chư Tăng các chùa khắp ở Nam Bộ tập trung về tham dự rất đông, nổi tiếng với các trung tâm trường hương như chùa Long Thiền, chùa Kim Cang (Biên Hòa); chùa Giác Lâm, chùa Phụng Sơn (Gia Định);… các trường hương này có trên 300 người tham dự6. Nhưng trước giai đoạn chấn hưng Phật giáo hầu như ít có Ni chúng an cư tại trường hương.

Một số quy định nghiêm ngặt được đề ra cho một trường hương là phải cất nhà thiền riêng, nhà thiền được cất ở bên hông chùa và chia làm hai nhà thiền riêng dành cho Tăng và Ni (nếu trường hương có cả Tăng và Ni) như ở trường hương chùa Cẩm Phong (Gò Dầu, Tây Ninh) năm 1970 do Hòa thượng Giác Điền làm Thiền chủ; trường hương này có Tăng và Ni đồng tham gia nên phải cất nhà thiền riêng ở hai bên, trong ban chức sự trường hương công cử ra bốn vị Ni làm Chánh-Phó na và ChánhPhó chúng để trông coi và điều hành bên Ni, Hòa thượng Thiền chủ phải qua lại hai bên nhà thiền để bố-tát (thuyết giới); khi xưa nhà thiền được dựng lên bằng tranh và lá, về sau một số chùa xây dựng nhà thiền kiên cố để hằng năm đều mở trường hương cho đại chúng an tâm tu học; bên trong nhà thiền có ban thờ Phật, đối diện là ban thờ Hộ pháp, sau ban thờ Phật là đơn (giường) của Hòa thượng Thiền chủ, trước đơn là ban thờ Tổ (thờ Tổ sư Đạtma và bài vị bổn sư của Hòa thượng Thiền chủ), hai bên nhà thiền là các đơn của chức sự trong nhà thiền và chư hành giả an cư tham dự trong trường hương cùng với đại cổ (trống lớn), hồng chung (chuông lớn) và các pháp khí, pháp cụ sử dụng trong nhà thiền; mọi sinh hoạt trong trường hương phần lớn là ở tại nhà thiền. Trường hương phải tự túc được các mặt ăn uống, thuốc men, có đầy đủ mùng, chiếu, gối cho số đại chúng tham dự…

Căn cứ theo “Thanh quy” của Tổ Bách Trượng và “Luật Thiền đường” mà có những quy định cụ thể cho việc tổ chức cũng như nội dung sinh hoạt của trường hương.

Một ban chức sự được thành lập. Hòa thượng Chứng minh là vị tối cao trong trường hương chứng minh nội và ngoại thiền. Nội thiền gồm những người bắt buộc phải ở một chỗ, trong phạm vi thiền đường, không ra ngoài khỏi khu vực chùa có trường hương suốt ba tháng

an cư. Nội thiền gồm các vị Thiền chủ (chịu trách nhiệm tổng quát của nhà thiền); Tứ chúng gồm Chánh na (chịu trách nhiệm lãnh chúng, thay thế Hòa thượng Thiền chủ coi hết các việc trong, ngoài nhà thiền), Phó na (trợ giúp công việc cho Chánh na), Chánh chúng (chịu trách nhiệm quản lý đại chúng), Phó chúng (trợ giúp công việc cho Chánh chúng); trong 12 chức sự có sáu vị Chánh gồm các vị Chánh giám (giám sát, đôn đốc trong nhà thiền và trợ giúp công việc cho Chánh na), Chánh sự (phân việc trong chúng), Chánh biện sự (coi việc hòa giải, phạt chúng), Chánh quản thiền (coi việc ngồi thiền), Chánh thị (coi việc học hành của đại chúng), Chánh ký (thư ký trong nhà thiền, coi việc thu, chi và công văn sớ giấy) cùng với sáu vị Phó trợ giúp công việc cho các vị Chánh và đại chúng tham dự trường hương được gọi là tọa thiền. Ngoại thiền có Hội đồng Thập sư gồm các vị Chứng minh (có thể một hoặc ba vị, tùy theo trường hương lớn hay nhỏ), Hòa thượng chứng minh phải là vị cao tăng thạc đức; Thị sự (coi việc trong, ngoài trường hương); Bố-tát (nói giới, nói luật); Pháp sư (nói kinh); Chánh, Phó Hóa chủ (có thẩm quyền về mặt pháp lý, chịu trách nhiệm tổng quát của trường hương và chứng đàn), thông thường trường hương được mở ở chùa nào thì vị trụ trì chùa ấy làm Hóa chủ; Chánh, Phó Chủ hương (coi việc tổng quát của trường hương); Chánh, Phó Thư ký (thư ký trong trường hương). Những người thuộc nhóm ngoại thiền có thể đi về trong ba tháng hạ, ủng hộ về các mặt ăn uống, thuốc men, tịnh tài, tịnh vật,… cho trường hương. Trong trường hương còn có sáu vị được luân phiên điều hành mỗi ngày, trong đó Trị nhật (bảo vệ quản lý trật tự tổng quát), Giám hương (coi hương cháy quy định giờ hành thiền hay thời gian phạt quỳ), Tuần hành (kiểm tra khi đại chúng tu tập xem có đúng luật không), Tán hương (báo giờ giấc để làm việc đúng giờ), gọi chung là “Trị, Giám, Tuần, Tán” và Chung (phụ trách việc dộng chuông), Cổ (phụ trách việc chuyển trống). Tổ chức ngoại thiền còn gồm những Phật tử đến công quả phục vụ việc bếp núc, hậu cần… trong trường hương.

Trong ngày đầu khai mở trường hương, theo trình tự tiến hành An chức sự là nghi thức phân công nhân sự và tuyên bố thành phần điều hành trường hương; Dẫn phiêu là nghi thức Tăng chúng đến trình diện tại ban thờ đặt ở giảng đường trong chùa, tứ chúng hướng dẫn nhóm nhập thiền đường làm lễ Tác bạch khải thỉnh (mời Hòa thượng ra làm lễ); Hưng tác là nghi thức cúng thần Thành hoàng Bổn cảnh, trình cho làng, xã biết nơi đây có trường hương; Hòa thượng Thiền chủ thực hiện Khai chung bản tại chánh điện và Niêm hương tại ban thờ Tổ, ban thờ Phật.

Thiền đường thời dụng biểu (thời khóa biểu ở nhà thiền) dành cho ba tháng ở trường hương được đề ra và mọi người nghiêm ngặt tuân theo. Việc tu tập đều được tổ chức tại nhà thiền, còn các thời hành sự công phu, nghe giảng kinh, cúng ngọ, chẩn tế được tổ chức ở trên chùa.

Khuya: 2 giờ 15 phút thức chúng; 2 giờ 30 phút đại chúng lạy 15; 2 giờ 45 phút ngồi thiền; 3 giờ 15 phút nhấp khánh đi tuần; 3 giờ 35 phút chuyển trống kinh hành; 3 giờ 40 phút câu chung bản nhà thiền, đại chúng vân tập công phu, riêng vào ngày sóc, vọng (tức mùng 1 và 15) hằng tháng có thêm nghi thức Chúc tán, lễ Thập sư.

Sáng: 6 giờ nhấp khánh quả đường cháo; 6 giờ 30 phút đại chúng vân tập chánh điện Phúng viễn (Chúc vua); 7 giờ nghỉ; 7 giờ 45 phút đại chúng vân tập lạy Thù ân; 8 giờ đại chúng đi nghe Pháp sư giảng kinh (nếu vắng Pháp sư, đại chúng tụng kinh Pháp hoa); 10 giờ xuống nhà thiền; 10 giờ 30 cúng Ngọ; 11 giờ thọ trai, kinh hành; 12 giờ nhấp khánh an tức (nghỉ).

Chiều: 13 giờ 30 phút thức chúng; 14 giờ nghe kinh, trùng tuyên (đại chúng lên nói lại bài giảng của Pháp sư, còn được hiểu là phần khảo hạch); 15 giờ 30 phút nghỉ; 16 giờ công phu chiều; 17 giờ dược thạch (dùng cơm, vệ sinh).

Tối: 18 giờ 45 phút đại chúng lạy 15; 19 giờ ngồi thiền; 19 giờ 30 phút nhấp khánh đi tuần; 19 giờ 45 phút xả già; 19 giờ 50 phút chuyển trống 7 vòng kinh hành; 20 giờ 30 phút đại chúng hạ đơn học kinh (giờ tự học); 20 giờ 45 phút nhấp khánh tái thiền; 21 giờ nhấp khánh đi tuần; 21 giờ 15 phút xả già, kinh hành; 21 giờ 30 phút, bốn vị Trị, Giám, Tuần, Tán vô sân lễ bàn giao bê, bài; 22 giờ đại chúng vân tập Tịnh độ, Chúc hộ pháp; 23 giờ tái tỉnh (ăn tối), hòa nam (xong việc); 23 giờ 30 phút nhấp khánh an tức.

Đặc biệt, mỗi ngày vào lúc khuya 4 giờ và chiều 16 giờ Trị nhật cúng bông ở ban thờ Hộ pháp (đọc chú dưng bông). Hằng tuần, thứ bảy vào lúc 19 giờ ban Kinh sư khai kinh (có nhạc lễ); chủ nhật vào lúc 10 giờ 30 phút ban Kinh sư cúng ngọ (có nhạc lễ), 11 giờ có phần cúng trai Tăng (các chùa, Phật tử cúng dường thức ăn, vật phẩm cho tu sĩ), 14 giờ chẩn tế (do ba vị thầy Cả, ban Kinh sư và ban nhạc lễ thực hiện). Mỗi tháng vào ngày 15 và 30 (âm lịch), vào lúc 19 giờ 15 phút đại chúng thỉnh Hòa thượng Bố-tát nói giới, nói luật tại nhà thiền, thời gian Bố-tát từ 60 phút đến 90 phút. Vào lúc 7 giờ ngày 14 và 29 (hoặc 28 tháng thiếu) (âm lịch) hằng tháng đại chúng cử hành lạy sám-hối. Đại chúng cạo tóc vào ngày 14 và 28 (hoặc 27 tháng thiếu) (âm lịch) sau giờ sinh hoạt buổi sáng. Ngoài ra, mọi hành sự của đại chúng đều phải đọc chú.

Thời gian biểu trong thiền đường cho thấy sự hành trì miên mật của hành giả an cư trong suốt ba tháng hạ.

Ai vi phạm nội quy của thiền đường, tùy vào tội trạng mà có hình thức kỷ luật từ nhẹ đến nặng như phạt quỳ hương trước đại chúng từ một đến bảy cây (gọi là nhất chi đến thất chi), phạt bất cộng trụ (cho ở riêng một chỗ) hoặc giải tẫn (trục xuất ra khỏi trường hương).

Theo thông lệ, ngày cuối cùng của khóa an cư làm lễ Tự tứ (pavàranà), lễ này còn gọi là Phát lồ. Tăng chúng trình bày khuyết điểm trong ba tháng qua và cầu xin sám-hối trước Tam bảo. Vị Duy-na được đề cử đứng ra đọc bài nguyện sám hối, tất cả Tăng chúng đều đọc theo.

Kết thúc trường hương, những người tham dự đều được chư sơn thiền đức đồng ấn chứng cấp bằng hạ lạp. Với những vị Tỳ-kheo trở lên khi hoàn thành ở trường hương và được cấp bằng sẽ được tính thêm một tuổi đạo. Với những vị chỉ mới thọ giới Sa-di có tham gia trường hương, được cấp bằng nhưng không được tính tuổi đạo vì chưa chính thức gia nhập vào Tăng đoàn. Theo luật Trường hàng “… Phật chế xuất gia giả, ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền,…” tức là Đức Phật quy định người xuất gia, năm hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, năm hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học.

Khi xưa, nhiều chùa có đủ điều kiện tổ chức giới đàn ngay sau ngày kết thúc trường hương, giới đàn truyền và thọ giới được gọi là “trường kỳ”.

Ngày nay, các trường hạ ở Nam Bộ được mở phổ biến và rộng rãi ở khắp các địa phương để thuận tiện cho Tăng, Ni tham gia tu học. Nhưng ít hoặc không còn gọi là trường hương và sự giản lược hóa trong các nghi thức dần đưa đến kết quả là một số nghi thức trong lễ trường hương trước đây ở Nam Bộ đã không còn tồn tại và dần bị thất truyền. Từ năm 2000 đến nay, hiện ở cả Nam Bộ duy chỉ còn tổ đình Long Thạnh (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) do Hòa thượng Thích Nhật Ấn làm trụ trì kiêm Hóa chủ trường hạ liên tiếp hơn 20 năm tổ chức an cư kiết hạ theo lối trường hương xưa hay còn được gọi là “hạ cổ”, tuy cũng có sự giản lược nhưng ở tuần hạ cuối cùng được tổ chức y theo xưa nhằm giúp cho các hành giả hiểu được nếp sống, công đức tu hành của chư Tổ xưa và góp phần gìn giữ những quy củ của thiền gia.

Với tinh thần “Phật pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa, Thiền môn hưng thịnh nhờ thiện tín phát tâm” nên các chùa ở khắp nơi hướng dẫn, tổ chức cho Phật tử đi thăm và cúng dường trường hương với mục đích cùng hùn phước để trợ duyên cho hành giả an cư an tâm tu học, trưởng dưỡng đạo tâm trong ba tháng hạ và cũng nương nhờ công đức này hồi hướng cho quý vị hiện tiền được tăng phước, tăng thọ, Bồ-đề tâm kiên cố cùng với lục thân quyến thuộc đã quá vãng được siêu sanh cực lạc.

Bài viết sơ lược về trường hương xưa ở Nam Bộ để thêm hiểu về thời khóa tu tập, hành trì trong thời gian xuyên suốt ba tháng an cư của các vị hành giả, cùng với những mong muốn của chư Tổ đào tạo nên những thế hệ Tăng tài tiếp nối sự nghiệp “tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”. Từ trường hương đến trường hạ và an cư kiết hạ hiện nay tuy đã có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng đều có chung một mục đích là khoảng thời gian cho chư Tăng, Ni nghiêm trì giới luật bởi vì “giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất”. Đặc biệt là với người xuất gia thời nay phải cần nghiêm cẩn hơn nữa, nỗ lực vượt bậc để giữ cho Chánh pháp Phật dạy mãi được trường tồn trong thế gian.

Chú thích: 1. Đăng Tâm, An cư: mùa thanh tu, hòa hợp, báo Giác Ngộ, số 1054, ngày 12/6/2020. 2. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa Học Xã Hội. 3. Thành hội Phật giáo TP.HCM (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP.HCM. 4. Xem thêm Chơn Thanh (tự luận), Yết-ma Huệ Thông (đề tựa), Hoằng Huệ (biên tập) (1948), Tiểu sử Như Đắc – Từ Nhẫn Đại Hòa thượng, in tại nhà in Văn Lang. 5&6. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975. * Ảnh của tác giả

PHÍ THÀNH PHÁT

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *