Thấu hiểu để yêu thương nơi Già Lam (Linh Đan Bảo Hải)

Tâm tư an lạc, rồi truyền năng lượng của từ bi và trí tuệ đó đến vạn loài, tu được cho mình và làm lợi ích chúng sanh, có như vậy mới không cô phụ chí hướng cao cả của người xuất gia, đền đáp tứ trọng ân trong muôn một.

Giữa muôn vàn sắc màu cung bậc thăng trầm của cuộc sống ngàn vạn sai biệt, chúng ta, những con người trên mọi miền đất nước, mỗi người mỗi sắc diện, tập tánh, giọng nói, cách sống và tư duy. Khác, khác nhiều đến như thế! Vậy làm sao ta có thể dung hòa trong đời sống Tăng già cộng trụ? Để rồi ai cũng có sự bình an trong đời sống và hạnh phúc trong tâm hồn giữa kiếp phù hoa này?

Như chúng ta đã biết, đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ.

Từ là mở rộng lòng thương
Bi là cứu vớt vạn đường chúng sanh
Trí buông về chơn như tánh
Tuệ quang chiếu sáng rành rành thái hư.

Là người con Phật, chúng ta không thể thiếu tánh đức từ bi và trí tuệ. Đủ hạnh đức, chúng ta sẽ hạnh phúc trong mọi môi trường, đặc biệt trong chốn tùng lâm. Mỗi người mỗi tập nghiệp, để sống chung mà vẫn an vui, ta không thể thiếu sự thấu rõ và quán chiếu. Trừ những bậc thượng căn thì không gì để luận bàn. Còn phàm phu chưa thấu rõ, cần phải quán chiếu, rõ thấy cuộc sống vô thường, sớm còn tối mất, sống hôm nay đâu biết được ngày mai ra sao? Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, càng dễ thấy hơn, người nhiễm bệnh, người chết, con số tính đến hàng ngàn. Thật xót xa, những cái tên gần gũi với quần chúng nhân dân từ cách sống, lời ca tiếng hát như: ca sĩ Phi Nhung, danh ca Lệ Thu, nghệ sĩ Kim Phượng… đẹp từ sắc diện, đến tâm hồn, cuộc sống đầy đủ về mọi mặt, thế rồi cũng tay trắng ra đi. Rồi đây, đến chúng ta nào có khác chi?

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật hỏi vua Ba-tư-nặc:
– Đại vương! Ngay nơi thân ông đang tồn tại, nay Như Lai hỏi ông: Thân thịt này của ông có giống như thân kim cương bất hoại hay sẽ bị biến hoại?
– Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay, rốt cục rồi sẽ bị biến hoại.

– Đại vương! Ông chưa từng diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?

– Bạch Thế Tôn! Cái thân biến hoại vô thường của con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt, từng niệm dời đổi mãi không dừng, như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu tan. Vì tàn hoại không dừng, nên con biết chắc thân này sẽ diệt mất.

– Đại vương, đúng như vậy! Nay ông tuổi đã già yếu, dung mạo so với lúc trẻ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn! Xưa khi con còn bé, da dẻ tươi nhuận, đến tuổi trưởng thành, khí huyết sung mãn, nay tuổi đã già, hình sắc cũng theo đó già yếu khô gầy, tinh thần không còn sáng suốt, tóc bạc mặt nhăn, sống chẳng còn bao lâu. Làm sao có thể so sánh với khi còn trẻ mạnh?

– Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền?

– Bạch Thế Tôn, nó âm thầm thay đổi, con thật chẳng biết, lạnh nóng đổi dời, cho đến ngày nay.

– Vì sao? Lúc hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sắc mặt đã già hơn lúc mười tuổi. Đến khi ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. Nay đã sáu mươi hai tuổi, so với lúc năm mươi tuổi, rõ ràng lúc năm mươi tuổi cường tráng hơn.

– Bạch Thế Tôn! Con thấy nó âm thầm dời đổi. Tuy cái già nua này thay đổi trong vòng mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng một kỷ, hai kỷ, mà thực ra nó thay đổi trong mỗi năm; chẳng những nó thay đổi trong từng năm, mà thực ra nó thay đổi trong từng tháng; chẳng những nó thay đổi trong từng tháng, mà thực ra nó thay đổi trong từng ngày. Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ, thấy nó thay đổi trong từng sát-na, trong từng mỗi niệm, không hề dừng nghỉ. Thế nên, con biết thân này cuối cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.

Nói ta xấu, ta cũng xấu
Nói ta tốt, ta cũng tốt
Không nghĩ, không lo, không phiền não
Không giận, không vui, không động tác
Tự ta tâm địa, tự ta tu
Thiên đường địa ngục, tự ta chuốc.

Hoàn cảnh vô thường, thân vô thường, tâm càng vô thường hơn, vì nó sanh diệt biến đổi không ngừng, buồn vui mừng giận lên xuống duyên theo cảnh. Thấy rõ, hiểu thấu, chúng ta phải như thế nào đây? Sống nhẹ nhàng buông bỏ bớt những vướng kẹt chấp trước, nhìn vạn vật bằng trí tuệ của người biết tu. Dẫu sống trong động nhưng lòng ta vẫn bình an, có gì thật, buông đi để nhẹ nhàng. Bớt hướng ngoại từ những điều bất như ý từ xung quanh để bất bình, chán nản và oán than. Hãy nhìn những điều tích cực, tốt đẹp của nhau, tập nghĩ tốt cho người, vì không một ai toàn diện cả, ngay bản thân ta cũng vậy. Cảm thông để sống nhẹ, cảm thông để hiểu, để mỉm cười, thấu hiểu những góc khuất và khó khăn của đối phương. Có cảm thông mới có hiểu, hiểu sẽ dần yêu thương và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Buông xuống đi! Lòng ta nhẹ liền. Buông xuống đi! Ta xích lại gần nhau, tiến bước đạo mầu. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn.”

Con người không ai xấu là xấu mãi muôn đời, tốt là tốt mãi không sai. Tất cả đều vô thường đều thay đổi theo thời gian tu tập của ta, tất cả sẽ lớn lên từ đời sống vật chất lẫn tinh thần của mỗi cá nhân trong đoàn thể. Đời sống xung quanh là một trường học đa phương diện. Nếu mỗi người đều biết và nhớ soi sáng, chui rèn mài giũa bản thân. Nếu ai cũng như thế thì cuộc đời này mãi đẹp sao! Đừng lo người khác không tốt, chỉ sợ ta không thấy được cái sai từ bản thân. Chớ để:
“Siêng năng quét tuyết nhà mình
Chớ nên nhìn ngó sương rơi nhà người.”

Nhà mình đầy tuyết thì không lo thấy, nhà bên chỉ mới có sương đọng mà đã nhìn ngó không rời. Ôi, nghịch lý làm sao! Trong tác phẩm Lạc Đao Ca của Thiền sư Minh Chánh viết về Lục tổ Huệ Năng, có những câu rất tuyệt, ứng dụng tu hành, ta sẽ có nhiều lợi ích vô cùng:

Phiên âm:

Đạo ngô ố, ngô dã ố
Đạo ngô hảo, ngô dã hảo
Vô tư, vô lự, vô phiền não
Bất sân, bất hỷ, bất động tác
Tự gia tâm địa tự gia tu
Thiên đường địa ngục tự gia trác.

Dịch nghĩa:

Nói ta xấu, ta cũng xấu
Nói ta tốt, ta cũng tốt
Không nghĩ, không lo, không phiền não
Không giận, không vui, không động tác
Tự ta tâm địa, tự ta tu
Thiên đường địa ngục, tự ta chuốc.

Chúng ta biết tu, biết rõ tâm niệm của mình để chuyển hóa, từ nghịch trở thành thuận, kia là hoại mà ta lại thành. Mở rộng tâm từ để cảm thông thấu hiểu và yêu thương nhau hơn trong cuộc sống ngắn ngủi này. Những tâm niệm nhỏ nhoi, đố kỵ, ích kỷ, tị hiềm, thị phi… ta hãy loại chúng dần ra khỏi tâm thức của ta. Hãy sống trong thế giới biết ơn tất cả, thay vì trách móc oán hờn, được như vậy cuộc sống chúng ta sẽ rất nhẹ. Tâm tư an lạc, rồi truyền năng lượng của từ bi và trí tuệ đó đến vạn loài, tu được cho mình và làm lợi ích chúng sanh, có như vậy mới không cô phụ chí hướng cao cả của người xuất gia, đền đáp tứ trọng ân trong muôn một.

“Trăm lần không vạn lần cũng không
Tôi không màng danh gì trong trần thế
Vì danh kia là ảo vọng không bền. 
Trói buộc mãi con người trong sợ hãi.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *