Thư tòa soạn 371

 

Kính thưa quý độc giả!

Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, các thầy phải biết, người mà đa dục đa cầu thì càng nhiều khổ não. Người nào thiểu dục vô cầu, không tham muốn thì không khổ não”. Có thể thấy, nguồn gốc của khổ đau bắt nguồn từ tham dục. Người ít ham muốn, sống thiểu dục, thân tâm mới an lạc, tự tại. Vì vậy, “Thiểu dục tri túc” là một pháp môn tu tập không thể thiếu với người tu hành, nhằm ngăn chặn lòng ham muốn quá độ của chúng sanh.

“Thiểu dục” là ít muốn, “Tri túc” là biết đủ. Người đã tu tập hạnh Thiểu dục, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Kinh Thuỷ Sám có câu: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đó là lý do nhiều người tuy giàu vẫn không tìm ra hạnh phúc, nhưng có người dù nghèo lại cảm nhận hạnh phúc tràn đầy.

Hướng đến thông điệp này, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo mang đến cho độc giả số báo 371 với chủ đề: “Thiểu dục tri túc”. Thông qua các bài viết chuyên sâu, như: Sống biết đủ trong mùa đại dịch là hạnh phúc nhất (Thích Phước Đạt), Muốn ít và biết đủ (Thích Trung Định), Thiểu dục và Tri túc trong kinh Di giáo (Thích Nữ Mai Anh), hy vọng độc giả có thể hiểu được cách sống đủ để tâm hồn luôn an vui thanh thản, không lo toan phiền não.

Cùng với danh mục chủ đề, số báo 371 sẽ giới thiệu đến bạn đọc gần xa các bài viết nghiên cứu đặc sắc về: Nữ trí thức Phật giáo với cách mạng công nghiệp 4.0 (Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm), Triết lý nhân sinh Phật giáo trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên (Thích Quảng Thông), Thông điệp quán chiếu (Chiếu Tâm)…

Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo tiếp tục trích đăng các bài viết trong tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa thượng Thích Huệ Thông.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *