Lịch sử dân tộc qua tác phẩm “Thiền uyển tập anh” (Tôn Thất Thọ)

 

Tác phẩm Thiền uyển tập anh có giá trị và vị trí đặc biệt quan trọng, lại xuất hiện sớm từ khoảng nửa đầu thế kỷ XIV, được dịch và phổ biến rộng ngay từ đầu thế kỷ XX. Đây là cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam, ghi lại các tông phái thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến các triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý, một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu thời Trần. Đây là tác phẩm không những có giá trị lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyền kỳ có giá trị về mặt văn học triết học và văn hóa dân gian.

Thiền uyển tập anh là tác phẩm ghi chép về các Thiền sư thời Lý – Trần với tư tưởng nhập thế và xuất thế. Cùng Khóa hư lục của vua Trần Thái Tông (1218-1277), đây là tác phẩm quan trọng của Thiền học Việt Nam bởi các triết lý trong đó đến nay, vẫn còn giá trị.

Tác phẩm tập hợp những câu chuyện về cuộc đời và bài kệ của các Thiền sư từ giai đoạn Bắc thuộc đến thời Trần, tức thế kỷ thứ VI đến cuối thế kỷ XII. Thông qua những ghi chép này, chúng ta có thể biết được các tông phái của Thiền học Việt Nam lúc bấy giờ như: Vô Ngôn Thông, Tì Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường… Những thiền luận và câu kệ đều thể hiện tư tưởng hướng đến cái Vô điển hình trong thiền học.

Ngoài ý nghĩa cao thâm và rất giá trị về thiền học, Thiền uyển tập anh còn có vai trò, tính chất quan trọng với lịch sử dân tộc và các lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Theo GS Lê Mạnh Thát, đây được coi như một “bộ sử chuyên môn” về lịch sử Phật giáo Thiền tông Việt Nam. Tác phẩm còn phản ánh phần nào quan điểm và lập trường đấu tranh của dân tộc, điển hình là những truyện về các Thiền sư: Định Không, La Quý, Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh… Các truyện về Thiền sư Định Không và La Quý kể lại những mẫu chuyện ly kỳ, thực tế về công tác vận động độc lập của những người yêu nước sống rải rác trong làng mạc Việt Nam dưới hình thức sấm vĩ, tín ngưỡng chùa chiền. Truyện về các Thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh lại diễn tả rõ nét tính chất dân tộc của những cuộc chiến chống ngoại xâm ở thuở đầu lập quốc, qua sự tham dự tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói, Thiền uyển tập anh không chỉ phản ánh quan điểm và thái độ quần chúng, mà còn chứa đựng nhiều tài liệu nghiên cứu về cổ sử Việt Nam từ đầu thế kỷ VI đến thế kỷ XIII. Tác phẩm ghi lại các chi tiết, tên người, tên đất, sự việc mà chính sử không ghi chép. Chẳng hạn, cái tên Khúc Lãm xuất hiện trong truyện La Quý. Nhân vật này chắc hẳn là một trong những người lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời kỳ manh nha của nó, cùng thời với: Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ,… “Khi sắp thị tịch, Sư (La Quý) bảo Thiền Ông rằng: Trước kia, Cao Biền xây thành ở Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng đế vương, nên đã đào đứt sông Điềm và những ao Phù Chẩn… đến 19 chỗ để trấn yểm. Nay ta đã khuyên Khúc Lãm lấp lại như xưa. Lại ở chùa Châu Minh ta có trồng một cây bông gạo để trấn chỗ đứt, biết đời sau ắt có kẻ hưng vương ra đời để phò dựng chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch, con khéo xây một ngọn tháp bằng gạch đất, dùng phép yểm dấu trong đó…”.

Hoặc truyện Thiền sư Pháp Thuận cho thấy Sư là người có công rất lớn trong việc giúp vua Lê Đại Hành trong nhiều sách lược trị nước trong buổi đầu dựng nghiệp: “Đang lúc nhà Lê mới dựng nghiệp, trù kế hoạch định sách lược, Sư tham dự đắc lực. Đến khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận phong thưởng. Vua Lê Đại Hành càng kính trọng, thường không gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư, đem việc văn thư giao phó cho Sư.

Năm Thiên Phúc thứ 7 (986) người Tống là Lý Giác sang sứ, vua sai Sư cải trang làm quan coi bến để theo dõi hành động của y. Gặp khi có hai con ngỗng bơi trên sông. Giác ngâm chơi rằng:

Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó ven trời.

Sư đang cầm chèo ngâm theo cho đủ:

Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi.
Giác do đó rất thán phục.

Vua thường đem vận nước dài ngắn hỏi Sư, Sư đáp:

“Vận nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh”.

Thú vị hơn cả là truyện về Thiền sư Đa Bảo liên quan đến vị vua đầu triều nhà Lý: “Sau khi đắc pháp, Sư chỉ một mình một bát, tiêu dao ngoài vật. Sau được chùa Kiến Sơ, bèn đến ở đó”. Lý Thái Tổ lúc đó chưa lên ngôi, Sư thấy tướng mạo anh tướng khác thường, bèn bảo: “chú này cốt tướng khác phàm, ngày kia làm vua ắt là nó đây”. Vua cả kinh, thưa: “Hiện nay đức thánh thượng anh minh còn đó, trong ngoài cả nước an vui, thầy ta sao lại nói lời phải tội tru di này?”. Sư bảo: “Mệnh trời đã định, ngươi dù muốn trốn cũng chẳng được nào. Giả như lời này mà đúng, thì mong chớ bỏ nhau”.

Khi vua lên ngôi, nhiều lần triệu Sư vào cung hỏi bàn yếu chỉ của Thiền và lễ Sư rất hậu. Cả đến công việc chính trị triều đình, Sư đều dự phần giải quyết. Vua xuống chiếu trùng tu chùa Sư, sau không biết Sư tịch ở đâu.

Những điều đó cho thấy, đối với lịch sử, Thiền Uyển Tập Anh có những bổ khuyết thú vị, bởi đây là tác phẩm duy nhất còn sót lại từ thời Trần, chứa đựng nhiều địa danh có từ thời Lý – Trần. Theo GS Lê Mạnh Thát, nếu khai thác kho tàng những địa danh đó và xác định lại vị trí địa lý của chúng, chúng ta có thể vẽ lại một phần bản đồ địa lý chi tiết nước ta vào thời Lý, nhờ vào tên các ngôi chùa gắn liền với tên đất ấy. Do chính sách văn hóa nô dịch thô bạo và thâm độc của quân xâm lược nhà Minh hồi đầu thế kỷ XV, sách vở nước ta lúc đó phần nhiều bị thất lạc, thiêu hủy khiến nền văn học rực rỡ và phong phú dưới thời Lý không còn dấu tích.

Rất may, trong số đó vẫn còn lại Thiền uyển tập anh và một số bia ký ở các chùa còn bảo tồn đến ngày nay. Qua Thiền uyển tập anh, chúng ta có thể xác định lịch sử Phật giáo Thiền tông Việt Nam đã là hệ tư tưởng chủ đạo và chiếm ưu thế trong giai đoạn dân tộc ta có nhiều chiến công hiển hách và xây dựng được nền thái bình thịnh trị.

Thiền uyển tập anh gồm tiểu sử của 68 Thiền sư trong khoảng thời gian gần 700 năm, giúp xác định hệ tư tưởng Phật giáo Thiền tông Việt Nam. Do đó, Thiền Uyển Tập Anh có vai trò rất quan trọng cho những nhà nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử tư tưởng giai đoạn từ nhà Trần trở về trước. Ngoài ra, nó còn cần thiết cho những nhà khoa học khác, như: văn hóa, dân tộc học, xã hội học… Chẳng hạn, nghiên cứu về tập tục và đời sống của dân ta ở những vùng biên giới có những truyện Ma Ha, Giới Không… ghi lại lối sống, hình thức tín ngưỡng của họ. Hay tìm hiểu nguồn gốc nghề in tại Việt Nam, trong sách có truyện Tín Học, xác định thành phần gia đình của Tín Học là “đời đời làm nghề in kinh”; hay khảo sát về thành phần xã hội thời Lý là những truyện mà nhiều Thiền sư đã ghi lại từ thành phần gia đình của họ…

Năm 1990, một bản dịch do Giáo sư Ngô Đức Thọ mới được xuất bản, dựa trên truyền bản năm 1715 tìm thấy ở chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh. Lúc bấy giờ, hòa thượng Thích Như Trí – trụ trì chùa Tiêu Sơn – đã viết lời tựa cho bản khắc này, thể hiện phần nào bối cảnh của cõi thiền nước Việt trong giai đoạn hơn bảy thế kỷ của lịch sử dân tộc: “Nước Đại Việt ta được lời Phật thấm nhuần khắp cả, được mưa pháp gội sóng nhiều nơi, người cạo tóc xuất gia được ấn chứng ngộ đạo có lẽ cũng đã có rồi. Chứng tích để lại còn cho thấy lòng Thiền của họ sáng như mặt trời, gương đạo của họ trắng ngời như băng tuyết. Có bậc ra giúp nước yên thân, có người vào đời để cứu vớt kẻ bị sa ngã, chìm đắm. Có người sớm lĩnh ngộ tâm ấn, chống gậy Thiền để làm rõ lẽ cơ vi của Tổ Đạt Ma, cũng có kẻ muốn đến cửa huyền mà làm hiển rạng bí chú của Đồ Trừng1. Họ có đức thuần phục chim rừng, khiến chúng tìm đến nghe cửa kinh, khiến dã thú vây tụ quanh, vào nhà dâng quả. Đó là do lòng thành của các bậc ấy cảm hóa mà chúng tin theo, do cái học sở đắc mà các bậc ấy có phép thần thông biến hóa. Há chẳng phải đó là cái huyền diệu của phép sư đệ truyền tâm ấn đó sao? Thực đủ để làm chứng bậc anh tú trong vườn Thiền.

Than ôi! Đạo Phật rất huyền vi, mà Tâm là cái huyền vi trong huyền vi; đạo Phật rất lớn mà cái Tâm là cái lớn trong cái lớn. Tâm ơi! Tâm ơi!Tâm là chủ tể của việc tu đạo đấy chăng?…”.

 

Chú thích:

1. Đồ Trừng: thường gọi là Phật Đồ Trừng, nhà sư Ấn Độ đến Lạc Dương (Trung Quốc) năm Vĩnh Gia (307-313) đời Tấn.

Tài liệu tham khảo:

– Tổng hợp văn học Phật giáo Việt Nam tập 3, Lê Mạnh Thát, Nxb TP.HCM, 2002.

– Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Nxb Văn học (tái bản), 1993.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *