Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng về đồng bào miền Trung (Thích Tuệ Tánh)

 

Một mùa mưa bão dồn dập và trận lũ lịch sử dữ dội hung hãn đã trở thành nỗi kinh hoàng trong hơn một tháng qua là nỗi ám ảnh trong tâm tưởng và hằn sâu nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp nỗi. Cũng đã lâu rồi, hơn 20 năm trôi qua, người dân miền Trung lại phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Mẹ thiên nhiên. Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tháng, 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ nối tiếp nhau mang theo lượng mưa kinh hoàng trút xuống, gây ngập lụt và sạt lở.

Dải đất eo thon bao nhiêu năm chống chọi với chiến tranh, khi giặc liên tiếp đổ bom vào nhằm chia cắt hai đầu đất nước. Trong mưa bom, đạn dội, miền Trung vẫn bền bỉ hiên ngang nối liền 2 miền tổ quốc. Hết bom đạn của kẻ thù, người miền Trung lại hứng chịu thiên tai, mưa lũ. Năm 1999, nhắc đến miền Trung, nhiều người Việt trong nước và trên thế giới gọi cái tên Đại Hồng thuỷ. Mưa bão gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều huyện, xã làm thiệt hại người và của. Có thể nói, trận lũ lụt năm đó đã đi vào ký ức khó phai mờ của đồng bào miền Trung.

Khúc ruột đau thương ấy năm nào cũng bão lũ. Lũ đến bất ngờ, nhiều ngôi nhà ngập chìm trong biển nước mênh mông, người già, trẻ nhỏ chơi vơi giữa dòng nước bạc. Nhiều người đã hy sinh trong lúc cứu dân. Thương tâm nhất là sự hi sinh của 13 chiến sĩ và cán bộ (11 sĩ quan và hai cán bộ dân sự) hy sinh ở Trạm kiểm lâm 67 trong lúc đi cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên Huế).

Đồng bào miền Trung cả tháng nay đang trong cảnh màn trời chiếu đất, đói rét và nhiều nơi bị cô lập giữa biển nước mênh mông. Miền Trung gian lao trong những ngày lũ lụt bủa vây. Ngoài biển khơi bão vẫn rập rình. Những người con kiên trung trên dải đất miền Trung đang gồng mình vượt qua gian khó. Bằng ý chí và nghị lực, người miền Trung không cam chịu khuất phục trước phong ba, bão lũ bởi còn có sự chung vai, sát cánh của đồng bào cả nước.

Đau xót và thương tâm, cái nghĩa đồng bào đã thôi thúc người dân trong cả nước cùng hướng về khúc ruột yêu thương ấy. Ngay từ những ngày đầu lũ về, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc đã được phát huy cao độ, Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là nơi khởi nguồn cho sự san sẻ yêu thương. Tinh thần từ bi của Đạo Phật, với thông điệp nơi nào có khổ đau, nơi đó có Phật giáo đã thấm đẫm trong từng tâm trí quý Thầy, quý Sư cô ở các chùa, các tự viện trên toàn quốc. Liên tiếp những đoàn cứu trợ, tiếp sức của Phật giáo từ mọi miền hướng về rốn lũ miền Trung với phương châm “lá lành đùm lá rách”. Tại các chùa, tự viện, những nồi bánh chưng, trõ xôi (nồi hấp) đỏ lửa suốt đêm, từng hàng dài xe cứu trợ nối đuôi nhau từ miền Bắc, miền Nam hướng về khúc ruột đau thương. Những nghĩa cử ấy xuất phát từ trong lương tri đã làm nên những hành động nghĩa tình của những người con Phật.

Bắt đầu từ ngày 09-10/10/2020, áp thấp nhiệt đới kéo về, cơn bão số 6 chuẩn bị hình thành đã gây ra mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung. Chỉ trong thời gian ngắn, lượng mưa đã làm nước lũ dâng cao nhấn chìm nhiều ngôi nhà của bà con xã Tam Thăng, tỉnh Quảng Nam. Thời điểm này, Ban Biên tập Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo (cơ quan ngôn luận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) do Thượng tọa Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Phó tổng Biên tập Thường trực kiêm Tổng Thư ký Tạp chí Văn hóa Phật giáo – Tổng Biên tập Kênh thông tin tổng hợp Phatsuonline (PSO) làm trưởng đoàn đã đi khảo sát, đến tận nơi bị thiệt hại. Chứng kiến cảnh người dân vất vả đang chống chọi với mưa lũ trong những ngày thiên tai ghé thăm, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn đã hội ý nhanh cùng lãnh đạo Ban Biên tập (BBT) quyết định cứu trợ khẩn cấp cho bà con Quảng Nam đang oằn mình chống chọi với thiên nhiên trong cơn đói, cơn khát giữa cái buốt lạnh của làn nước.

Chia sẻ với những mất mát của bà con, thay mặt Ban biên tập, Thượng tọa Thích Phước Nghiêm nhấn mạnh:“Hơn lúc nào hết, người dân đang bị thiên tai, lũ lụt rất cần sự quan tâm, cứu trợ, hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các mạnh thường quân và toàn xã hội. Thông qua Tạp chí Văn hoá Phật giáo và Kênh Thông tin tổng hợp Phật sự Online (PSO), chúng tôi sẽ kêu gọi Tăng Ni, đồng bào Phật tử các tỉnh thành tử cùng hướng về miền Trung với tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, sẽ về vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân kêu gọi đóng góp bằng tình cảm, tấm lòng nhân ái và trách nhiệm của mình với cộng đồng, tiết kiệm chi tiêu, tham gia ủng hộ đồng bào ở mức cao nhất có thể, góp phần giúp bà con xoa dịu nỗi đau mất mát, sớm ổn định sản xuất và đời sống. Và chúng tôi sẽ sớm quay trở lại cùng với bà con miền Trung thương yêu”. Và thực sự trên chuyên trang của PSO đã đăng tải những bản tin thời sự nóng về những chuyến đi cứu trợ của hàng trăm đoàn thiện nguyện của các Chùa, Tự viện đến với đồng bào miền Trung và vùng tâm lũ.

Bão chồng bão, cơn bão số 6 vừa qua thì cơn bão số 7 ập đến, nước lên cao, chưa kịp rút thì cơn bão số 8 hình thành tiếp tục đổ bộ vào miền Trung. Từ trên cao nhìn xuống, mảnh đất duyên hải miền trung biến thành một vùng nước mênh mông nuốt trọn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…. Nhìn những hình ảnh này thì cảnh người dân nơi đây không màn trời chiếu đất mới lạ. Vậy mà, trời vẫn tiếp tục đổ mưa không ngớt. Cái đói, cái rét tê tái dồn về cùng một lúc và người miền Trung đang phải gồng mình gánh hết. Với tinh thần tất cả vì miền Trung ruột thịt, Hoà thượng  Thích Phổ Tuệ – Đức Pháp chủ  cũng có lời hiệu triệu Tăng Ni thực hiện việc chia sẻ tình cảm đối với đồng bào khó khăn. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự cũng đã ra thông bạch số 228/TB- Hội đồng trị sự ngày 14/10/2020 về vận động cứu trợ đồng bào lũ lụt các tỉnh miền Trung gửi đến Ban Từ thiện Xã hội  và Ban Trị sự , Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trên toàn quốc kêu gọi, vận động Tăng Ni và Phật tử các tự viện, các nhà hảo tâm đóng góp tiền, hàng, vật phẩm cùng chung tay chia sẻ những đau thương, mất mát trong những ngày bão lũ vừa qua để gửi đến cứu trợ đồng bào vùng bão lũ khắc phục khó khăn và sớm ổn định cuộc sống.

Các đoàn cứu trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ muôn phương về với miền Trung đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam…Kênh thông tin tổng hợp PSO liên tục đưa tin, tuyên truyền kêu gọi các đoàn từ thiện, các mạnh thường quân, Phật tử cùng hướng về miền Trung ruột thịt. Các bản tin, phóng sự tình hình mưa lũ, cứu trợ của các đoàn được các phóng viên, cộng tác viên PSO từ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước gửi về. Ban Thời sự PSO liên tục cập nhật những thước phim, những hình ảnh, bài viết và số liệu cứu trợ cho bà con miền Trung cho bạn đọc nắm được những diễn biến của lũ lụt và tình hình cứu trợ của chư Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc.

Hành trang các đoàn mang đến cho bà con lúc này đó là những nhu yếu phẩm cần thiết nhất như lương khô, mì gói, nước suối, xôi, bánh chưng, áo phao…. Đồ cứu trợ được để trên các ghe tự chế vào từng căn nhà để tiếp tế cho bà con. Những món quà giá trị vật chất không lớn nhưng đó là những tình cảm mà quý Thầy, quý Sư cô đã gửi trọn tấm lòng chan chứa nghĩa tình.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm đoàn cứu trợ của Tăng Ni, Phật tử và những người yêu mến đạo Phật từ các vùng miền đã về với khúc ruột miền Trung. Hình ảnh người tu sĩ thời nào cũng vậy, Phật giáo luôn gần gũi và đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, điều đó được cụ thể hóa bằng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”; Tăng Ni Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước thực hiện phương châm “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử đoàn công tác đặc biệt cứu trợ miền Trung do Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế – Trưởng đoàn cùng với Ban Từ thiện xã hội Trung ương; Thượng tọa Thích Thanh Phong – Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự – Trưởng Ban Kinh tế Tài chính, Phó Ban Từ thiện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… và các mạnh thường quân từ khắp nơi đã cùng nhau đi đến động viên và trao tặng quà cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lụt tại các địa phương bị thiệt hại nặng từ ngày ngày 21 – 25/10/2020.

Trở về Thành phố Hồ Chí Minh khi những ngày cơn bão số 6 đổ bộ vào miền Trung, Ban Biên tập (BBT) Tạp chí Văn hoá Phật giáo đã họp và kêu gọi các thành viên trong Ban Biên tập lên kế hoạch phối hợp cùng với các doanh nhân Phật tử, các mạnh thường quân trong và ngoài nước hướng về miền Trung, đóng góp giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, thể hiện trách nhiệm, sự đùm bọc sẻ chia để phần nào xoa dịu nỗi đau thương mất mát do thiên tai gây ra đối với đồng bào miền Trung ruột thịt.

Đêm ngày 15/10, được sự phân công của Ban Biên tập, đoàn cứu trợ thứ hai do Đại đức Thích An Nhiên – Thành viên BBT đã cùng với các Phật tử lên đường hướng về miền Trung. Đoàn đã phối hợp với Ban Trị sự các tỉnh, huyện, các chùa sở tại cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ. Di chuyển giữa tâm bão, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn vì lúc này cơn bão số 7 ập đến, mưa lớn, nước dâng cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng không ngăn cản được nhiệt huyết của những người con Phật. Hơn nửa tháng liên tiếp di chuyển lại các vùng ngập lũ, đi qua 2 cơn bão số 7 và số 8 để ứng cứu, trao tặng quà cho bà con, khi được hỏi, Đại đức chỉ cười và mong muốn mình và các thành viên trong đoàn có thêm nhiều sức khoẻ để tiếp tục đồng hành hỗ trợ trực tiếp các vật dụng, nhu yếu phẩm để bà con ổn định cuộc sống.

Ngày 24/10, đoàn cứu trợ thứ ba do Đại đức Thích Thiện Tâm – Thành viên Ban Biên tập, tiếp tục xuất phát từ Sài Gòn nhằm tăng cường cứu trợ các điểm ngập lụt khác. Lúc này, tình hình đã được cải thiện đôi chút khi trời bắt đầu có nắng và nước ở nhiều xã thuộc rốn lũ đã rút bớt. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đang còn bị cô lập, phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ vào cho bà con chủ yếu vẫn bằng ghe, thuyền tự chế. Đoàn đã chọn những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất để trao những phần quà nghĩa tình.

Hy vọng nắng lên, lũ rút dần để bà con sớm ổn định và cải tạo để phục hồi sản xuất. Người miền Trung đang gồng mình khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 8. Nhưng không, áp thấp nhiệt đới mới đi vào Biển Đông, đêm 25/10, các tỉnh miền Trung nín thở chờ đón cơn bão Molave trở thành cơn bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung. Trời lại mưa to, gió giật, nhiệt độ xuống thấp, mưa tiếp tục gây ra sạt lỡ và ngập lụt ở vùng trũng thấp của các tỉnh miền Trung. Trước tình cảnh này, lãnh đạo Toà soạn đã cử Đại đức Thích Quảng Tiến, Đại đức Thích Đồng Quý và Đại đức Thích Pháp Trí – Thành viên Ban Biên tập tiếp tục lên đường tiếp tục cứu trợ cho miền Trung.

Sáng ngày 26-27/10, đoàn công tác tiếp theo của Ban Biên tập xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh ra miền Trung mang theo nhu yếu phẩm và hiện kim để kịp thời cứu trợ. Bên cạnh đó, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn đang tiếp tục hiệu triệu Tăng, Ni, Phật tử chung sức, chung lòng “Hướng về miền Trung ruột thịt”. Cứ như vậy, từng đoàn cứu trợ nối tiếp đi sâu vào vùng lũ để trao quà cho bà con, không quản ngại gian nan khó nhọc.

Bão nối tiếp bão, ngay khi tin tức về bão số 9 vừa chớm ngoài biển Đông, đoàn từ thiện của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh do Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Thường trực học viện lãnh đạo, đã dự báo tình hình và tích cực chuẩn bị nhu yếu phẩm để ứng phó kịp thời. Đến ngày 28/10, khi bão vừa quét qua các tỉnh miền Trung, đoàn từ thiện đã đến thăm, trao quà động viên bà con vùng lũ tại tỉnh Quảng Trị và một số địa bàn thuộc các tỉnh miền Trung.

Tổng giá trị các phần quà (gồm tịnh tài, tịnh vật) lên đến hàng tỷ đồng. Tại các điểm trao quà, đoàn từ thiện đã trì tụng thời kinh cầu nguyện cho thế giới an bình. Đồng thời gửi lời hỏi thăm, động viên bà con vượt qua nỗi đau mất mát, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Theo kế hoạch, ngày 29 và 30/10 đoàn từ thiện sẽ tiếp tục chuyến đi cứu trợ tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Những nghĩa cử đó chứng tỏ Phật giáo luôn gần gũi và đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, luôn hành động với phương châm “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Tinh thần Từ Bi – Vô Ngã của đạo Phật đã trở thành một nét tính cách tốt đẹp của người Việt Nam. Những tấm gương hành thiện của quý Tăng Ni, Phật tử càng làm sáng tỏ giá trị cao đẹp của nền văn hóa Phật giáo.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *