Di sản Agal Bac của người Chăm và giải pháp bảo tồn Kinh lá Buông ở Việt Nam (ThS. Bá Minh Truyền)

Tóm tắt: Người Chăm là một trong những tộc người sớm có chữ viết ở Việt Nam. Theo Po Dharma (2007): “Chữ viết của người Chăm xuất hiện lần đầu tiên trên bia ký Đồng Yên Châu (Trà Kiệu – Quảng Nam) vào thế kỷ thứ IV” (Khai thác từ: https://champaka.info). Chữ viết của người Chăm được tìm thấy trên nhiều chất liệu khác nhau như khắc chữ trên đá, gỗ, kim loại, viết chữ trên giấy, da thú, tre và vải. Trong đó, có việc khắc chữ trên chất liệu lá buông. Loại chữ người Chăm viết trên lá buông là chữ Akhar Thrah xuất hiện đầu tiên trên mi cửa đền tháp Po Ramé vào thế kỷ thứ XVII. Đến nay, người Chăm vẫn còn sử dụng trong giao tiếp hành chính, ghi chép địa bạ, luật tục, văn chương và kinh kệ. Đối với chữ viết trên lá buông chỉ có tầng lớp chức sắc sử dụng để phục vụ trong tôn giáo, thực hành nghi lễ, tôn chức, không sử dụng trong đời sống ngày thường. Do đó, mỗi đền tháp của người Chăm có một bộ kinh sách lá buông để trong vật tổ Baganrac. Kinh sách lá buông tiếng Chăm gọi là Agal Bac được xem là tài sản quý có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa có tính thiêng liêng của người Chăm. Kinh sách được giao cho Po Adhia quản lý, thực hành nghi lễ trên đền tháp và phục vụ nhu cầu cúng lễ của cộng đồng Chăm.