Tăng Bảo là mạng mạch của Phật pháp (SC. Thích Nữ Liên Thuận)

Tóm tắt: Tăng hay Tăng đoàn là phiên âm từ chữ Saṅgha (Pali) hoặc Saṃgha (Sanskrit), có nghĩa là một nhóm người, một hội chúng sinh hoạt trong cùng một mục đích, một quy luật chung. Về sau, khi đoàn thể đệ tử của Thế Tôn ra đời, danh từ Tăng đoàn thường dùng để chỉ hội chúng xuất gia của Thế Tôn, gồm: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di Ni. Do đó, Tăng hay Tăng đoàn còn được gọi là Tăng bảo, ngôi báu thứ ba trong ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Tăng đoàn là những người sống với đời sống hoà hợp, để hỗ trợ cho nhau thực hiện đời sống giải thoát và giác ngộ, đồng thời làm chỗ nương tựa cho chúng sinh tu học.

Từ khóa: Tăng bảo, xuất gia, lục hòa.

SỰ RA ĐỜI CỦA TĂNG BẢO

Khi ánh sao mai vừa tỏ rạng cũng là lúc Đức Phật thành tựu chân lý tối thượng. Ngài nhìn về chúng sinh rồi thiền quán, Đức Phật thấy chúng sinh đang trầm luân trong sinh tử, bị che đậy một lớp bụi dày của vô minh. Thương tưởng hàng chúng sinh trong lục đạo, Đức Thế Tôn rời khỏi cội Bồ đề đem nguồn chân lý hoá độ quần sinh. Đầu tiên, Ngài tìm đến năm anh em Kiều Trần Như để khai thuyết cho họ về pháp Tứ đế, Duyên khởi, Bát chánh đạo… Kể từ đây, giáo pháp được hình thành và Tăng bảo cũng khởi nguyên từ đó.

Tăng Bảo tiếng phạn là Saṅgha, Trung Hoa dịch là Tăng đoàn, nghĩa là một đoàn thể sống với đời sống hoà hợp, thanh tịnh, hỗ trợ nhau thực hiện đời sống giải thoát giác ngộ. Chính đời sống như vậy, Tăng bảo có thể trở thành mảnh đất trù phú cho mọi người gieo trồng hạt giống phước đức và làm nền tảng cho mọi đời sống phạm hạnh, tiến bộ tâm linh. Tăng bảo là ngôi báu thứ ba trong ba ngôi báu Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Đồng thời, hội chúng của Tăng bảo gồm: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa, Sa di, Sa di Ni, từ 4 vị Tỳ kheo trở lên.

Sau khi Tăng đoàn đã đủ lớn mạnh, Đức Phật dạy các hàng Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của trời và người. Chớ đi hai người chung đường với nhau. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở lúc khởi đầu và cao thượng ở lúc giữa, cao thượng ở lúc cuối trong tâm trí và trong ngôn từ. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả. Có những kẻ mà trí óc chỉ bị che mờ bởi đôi chút bụi bặm, nhưng nếu không được giải thoát: những kẻ ấy sẽ hiểu pháp” (Mahāvagga I, 11- Đại phẩm).

Năm tháng trôi qua, bước chân trần của Đức Phật đã rảo bước khắp mảnh đất linh thiêng Ấn Độ, ánh đạo vàng đã chiếu sáng khắp năm châu bằng nhiều phương tiện khác nhau, hoá độ cho những con người khác nhau, từ những hoàn cảnh khác nhau, để rồi dẫn dắt nhân loại trở về với chánh đạo. Và rồi suốt 45 năm hoằng hoá độ sinh, kim tướng của Đức Phật không còn nữa trên cuộc đời. Chánh pháp được hàng Tăng bảo duy trì và phát huy hưng thịnh, lưu truyền mãi trên cõi đời.

THANH TỊNH VÀ HÒA HỢP

Tăng bảo với sứ mệnh là “Sứ giả của Như Lai”, đồng thời phải trau dồi Giới – Định – Tuệ, bởi đây là cẩm nang giúp hành giả gạn lọc thân tâm, diệt trừ dục vọng, nhổ sạch tham ái vô minh, đi qua bên kia bờ sinh tử và đạt đến giải thoát. Đây là di sản vô giá mà Đức Thế Tôn đã tìm ra. Từ đó, có đủ khả năng và trách nhiệm truyền tải giáo lý từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha của Đức Phật vào quảng đại quần chúng. Thành phần Tăng bảo là những bậc hảo tâm xuất gia với hành động vị tha vô ngã, luôn ý niệm về sự giải thoát và dẫn dắt chúng sinh xa rời những giả tạm của cuộc đời. Bởi vậy hạnh nguyện của các vị luôn là:

“Huỷ hình thủ khí tiết

Cát ái từ sở thân

Xuất gia hoằng thánh đạo

Thệ độ nhất thiết nhân”.

Nói đến Tăng đoàn Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến hai đặc tính tiêu biểu là “thanh tịnh và hoà hợp”. Trên cơ sở y cứ vào giới luật mà hai tính chất này mãi tồn tại trong Tăng đoàn, giúp Phật giáo thăng hoa trong suốt chiều dài lịch sử. Chính bởi sự thanh tịnh và hoà hợp này mà vua Pasenadi sau nhiều lần chứng kiến lối sinh hoạt của Tăng đoàn phải thoát lên lời kính phục: “…Bạch Đức Thế Tôn vua chúa thường tranh chấp với vua chúa, Sát đế lợi thường cãi lộn với Sát đế lợi, bạn bè thường hơn thua với bạn bè. Còn ở đây con thấy các thầy Tỳ kheo sống với nhau rất thuận hoà thân hữu, không cãi lộn nhau, hoà hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính, Bạch Đức Thế Tôn ngoài ra con không thấy một phạm hạnh nào khác viên mãn hoà hợp thanh tịnh như thế” (Trung Bộ Kinh II, Kinh Pháp Trang Nghiêm).

Thanh tịnh và hoà hợp là hai điều kiện hết sức quan trọng và tương quan mật thiết với nhau. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này, bản thể Tăng đoàn nhất định không thành tựu. Cho nên, trong Kinh Tăng Chi III, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, tử thi có thể bị ném vào đại dương, nhưng đại dương không bao giờ dung chứa tử thi. Nó nhanh chóng bị đẩy vào bờ và quăng lên đất khô. Cũng vậy, nếu Tỳ kheo nào không giữ được hạnh thanh tịnh thì Tăng thân sẽ không sống chung với kẻ ấy hãy nhanh chóng tụ họp lại loại kẻ ấy ra. Dù kẻ ấy có ngồi giữa tăng chúng kẻ ấy cũng xa rời tăng chúng và tăng chúng cũng không ôm trọn kẻ ấy”.

Tỳ kheo là một hành giả mang sứ mạng giữ gìn kho báu của Đức Thế Tôn đã gầy dựng, vì thế đòi hỏi phải có một tư lương vững chãi. Giáo pháp Đức Phật đòi hỏi sự nỗ lực thực hành và sự toàn diện đạo đức của mỗi cá nhân là nét đẹp trang nghiêm cho đoàn thể. Mỗi vị Tăng, Ni sống đúng như giới luật Phật chế là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Tăng đoàn thanh tịnh. “Trú pháp vương gia, trì Như Lai tạng” chính là bản nguyện xưa nay của bao thế hệ Tăng Ni, sống trong nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Đây vừa là con đường đạo vừa là mục đích sống, cũng là trách nhiệm của mỗi hành giả đệ tử Phật. Tất cả ngồi lại với nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh, luôn luôn phản tỉnh để cùng nhau làm sống lại hình bóng giải thoát thanh tịnh của Tăng đoàn. Điều đó giúp Phật pháp trường tồn ở thế gian, trở thành một giáo đoàn gương mẫu của nhân loại.

Thiết nghĩ, từ khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn đến nay đã trải qua bao xuân thu mà Tăng đoàn Phật giáo vẫn bền vững tồn tại giữa muôn ngàn thăng trầm biến đổi. Điều này chứng tỏ tinh thần tu học của Tăng Ni ngày càng tỏa sáng. Cho nên trách nhiệm xây dựng và bảo vệ ngôi nhà chánh pháp đều tùy thuộc vào sự tu học của Tăng đoàn, nếu Tăng sĩ biết trưởng dưỡng đạo tâm, hằng sống trong giới hạnh và chánh pháp, biết đoàn kết hoà hợp thì ngôi nhà đạo pháp ngày một trang nghiêm. Mối quan hệ giữa trưởng dưỡng đạo tâm và đoàn kết hoà hợp là mối quan hệ hữu cơ và biện chứng. Cả hai hình thành nền tảng và khung sườn cho ngôi nhà đạo pháp được đứng vững. Mỗi Tăng Ni là một viên gạch hình thành ngôi nhà Phật pháp và mỗi bức tường chính là Tăng đoàn, gạch mà không đủ chất lượng thì sẽ làm sụp đổ ngôi nhà đạo pháp. Và ngược lại, những viên gạch đó nếu đầy đủ chất lượng: “Thân hòa đồng trú, giới hoà đồng tu, khẩu hoà vô tránh, ý hoà đồng diệt, kiến hòa đồng giải, lợi hoà đồng quân” thì ngôi nhà đạo pháp ngày một xương minh và vững chãi trong vòng xoay chuyển nhân sinh.

Thực tại hôm nay, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học kỹ thuật cùng thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ. Bao cám dỗ từ những vật chất xa hoa lộng lẫy của nhân thế như cơn thác lũ ập đến. Phật giáo cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa, văn minh để phù hợp với thời đại. Người tu sĩ an nhiên, bình tâm kiểm tra con đường mình đang đi, cái đích mà mình hướng tới mà quay về với nội tâm tu học để kiến tạo ngôi nhà Phật pháp trang nghiêm, cửu trụ trên thế gian.

KẾT LUẬN

Phật giáo có mặt trong lịch sử nhân loại đã hơn 2.600 năm, nhìn những chặng đường đi qua Phật giáo đã định hình rõ nét chỗ đứng của mình trong kho tàng trí tuệ nhân loại. Tất cả chính nhờ sự nỗ lực tu học không ngừng của Tăng đoàn và xây dựng tinh thần bố thí pháp đem lời Phật dạy đến với tất cả mọi người hay nói cách khác là hạnh nguyện: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp”. Tinh thần dấn thân sâu sắc ở Tăng đoàn là bản hoài của mọi Tăng sĩ đệ tử Phật. Trong biển khổ cuộc đời, Đức Phật là vị Đạo sư, giáo pháp như là thuyền tốt và Tăng Ni là những người chèo thuyền, là người lái đò đưa khách sang đến bờ giác ngộ giải thoát. Mỗi bước chân Tăng sĩ sẽ in trên đất tâm của mọi người sự an lạc và thảnh thơi. Vậy nên, Tăng bảo đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng và bảo vệ ngôi nhà chánh pháp. Bên cạnh việc nuôi dưỡng đạo tâm, sống chánh niệm, tỉnh thức, Tăng đoàn còn lan tỏa chánh pháp đến khắp năm châu, đưa chúng sinh từ mê sang ngộ giữa những cám dỗ của cuộc đời, trong thế giới ngũ trược đầy đau khổ này. Ánh sáng Tăng bảo là chìa khoá mở ra tất cả cánh cửa cuộc đời, là nơi cho chúng sinh cảm thấy bình an để nương tựa khi gặp phải chướng duyên trong cuộc sống, là nơi khai ngộ cho chúng sinh thấy được sự giả tạo của thế sự phù hoa mà quay về giải thoát, là mạng mạch của Phật pháp toả sáng không ngừng trong dòng chảy của thế nhân. Cho nên, sứ mệnh của Tăng đoàn vô cùng cao quý và trọng đại.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông.

2. Thích Chơn Thiện (2019), Tăng già thời Đức Phật, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

3. Quảng Tánh (biên soạn, 2011), Lời Phật dạy, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

4. Trần Phương Lan (dịch, 1997), Đức Phật lịch sử, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh .

5. Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu, 2009), Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế, Nxb. Văn hoá Sài Gòn.