Vốc nước trong lòng bàn tay – Hồ Anh Thái

 

Lời tòa soạn: Nhà văn Hồ Anh Thái vừa gửi tặng Văn Hóa Phật Giáo tác phẩm mới của anh, “Ở lại để chờ nhau”. Với học vị Tiến sĩ văn hóa phương Đông, giảng viên của một số đại học nước ngoài, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Iran và Indonesia; anh đã đi nhiều, viết nhiều và đã cho xuất bản hàng chục tác phẩm, trong đó có khá nhiều tác phẩm được dịch ra hơn mười thứ tiếng và xuất bản tại các nước Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ…

Chúng tôi xin đăng truyện ngắn Vốc nước trong lòng bàn tay, trích từ tác phẩm “Ở lại để chờ nhau” nêu trên, để giới thiệu cùng quý độc giả.

 

Mùa hè ấy tôi lần đầu tiên đến Varanasi.
Thành phố thiêng vì ở bên sông Hằng là dòng sông thiêng. Tôi bụng bảo dạ nhân chuyến làm việc này dứt khoát phải ra sông Hằng một lần cho biết.

Không phải tôi đi du lịch. Có việc hẳn hoi. Đang là nghiên cứu sinh văn hóa phương Đông, tôi nhận lời đi làm phiên dịch cho bên đường sắt Ấn Độ. Trước khi sang xứ Ấn, tôi đã có mấy năm làm phiên dịch cho các đoàn công tác ngoại giao. Việc thông ngôn với tôi không có gì lạ. Lạ là lần đầu tiên mình nhảy vào dịch cho ngành đường sắt, không chỉ chuyện đầu máy tàu hỏa Locomotive mà còn là hóa dầu diesel. Chẳng hạn, cho đến lúc ấy tôi mới chỉ biết solution có nghĩa là giải pháp, là cách giải quyết vấn đề, thậm chí là sự chia tách hoặc phá vỡ một cái gì đó. Nhưng vào xưởng hóa dầu của đoạn đầu máy Varanasi thì biết thêm một nghĩa của nó: dung dịch. Chị Then là thực tập sinh Việt Nam được anh Govinda hướng dẫn: Chị hãy trộn hai cái solution vào trong cái ống nghiệm này để tạo nên một solution mới. Chị Then không biết tiếng Anh, nhưng thấy Govinda cầm cái ống nghiệm thủy tinh giơ lên, rồi chỉ vào hai ống nghiệm đựng hai dung dịch riêng rẽ thì chị hiểu ngay, cái hiểu của người đã sẵn có chuyên môn. Tôi không có kiến thức chuyên môn của họ, nhưng không thể hiểu là chị hãy trộn hai giải pháp này vào nhau để tạo ra một giải pháp mới. Vậy là tôi biết thêm một nghĩa của từ solution.

Chị Then là người của đoạn đầu máy Sài Gòn, sang Ấn Độ theo một chương trình thực tập do Liên Hiệp Quốc tài trợ. Những năm ấy, được đi thực tập Liên Hiệp Quốc là trúng xổ số độc đắc, mỗi tháng ít ra cũng để dành được tiền để mua một cái xe máy Honda từ bãi xe cũ của Nhật, cái xe ấy về Việt Nam là cả một gia tài. Nữa là đây chị Then đi hai tháng rưỡi, một sự đổi đời. Khó khăn của chị là ngôn ngữ, chị không biết tiếng Anh. Thế là bên đường sắt Ấn Độ gọi điện cho tôi. Mỗi tháng họ trả thù lao gấp ba tiền học bổng của tôi, như vậy là hai tháng rưỡi cũng được một phần ba cái xe máy cũ. Đang nghỉ hè, ngồi không ở thủ đô cũng chỉ chịu nóng, cái nóng hơn bốn mươi độ C. Tôi nhận lời.

Tôi dắt chị Then lên tàu đi Varanasi. Chị Then ở toa giường nằm có điều hòa nhiệt độ. Tôi ở toa ngồi chỉ có cửa sổ mở toang đón gió nóng ngoài trời. Người ta áp dụng chế độ chính sách phân biệt rõ ràng đối với hai chúng tôi. Đấy cũng là tính phân biệt đẳng cấp mấy nghìn năm của xứ Ấn mà đường sắt Ấn Độ sẽ coi là một cáo buộc phải bị bác bỏ. Chẳng sao, một đằng là thực tập sinh Liên Hiệp Quốc, một đằng là thông ngôn được thuê theo thỏa thuận. Tôi ra vào cabin máy lạnh của chị Then như đi chợ. San bằng luôn chuyện phân biệt đẳng cấp. Chạy về toa ngồi ngồi một chốc, rồi nghiêng ngả lắc lư đi dọc đoàn tàu lên toa máy lạnh của chị Then. Chị bổ xoài Ấn Độ, xoài là vua của hoa quả theo quan niệm của người Ấn. Này thì vua, vua thì cũng chén. Tôi chạy về toa nóng một lát, rồi lát sau lại bám thành tàu lắc lư trở sang toa lạnh. Chị Then lại giở ra cơm nắm mang kèm muối mè, đến giờ ăn trưa rồi. Cơm tẻ là mẹ ruột. Mẹ thì mới càng phải giúp cho con chắc dạ.

Rồi tôi không phải chạy qua chạy lại như con thoi giữa hai toa nóng và lạnh nữa. Chị Then bảo tôi cứ ngồi lại cùng chị, giúp chị nói chuyện với ba người Ấn cùng phòng, nãy giờ họ cứ hỏi chuyện mà chị chẳng biết đáp lời ra sao. Hai bà Ấn và một ông Ấn cứ xuýt xoa, sao người Việt Nam trắng thế nhỉ, cả đàn bà và đàn ông cứ trắng tinh cả ra.

** *
Năm ngày sau tôi lại phải làm con thoi. Lần này là chạy qua chạy lại giữa hai bên đàn bà và đàn ông. Để yên tôi sẽ kể tuần tự.

Chị Then đến xưởng hóa dầu bắt tay vào thực tập ngay. Nói cho đúng, trình độ của chị cũng bằng ông thầy hướng dẫn, mọi nội dung thực tập chị đã làm mòn ra trong xưởng ở Sài Gòn rồi, nhưng vì cần có một chuyến đi Ấn mà chị mới đăng ký làm thực tập sinh. Có lẽ hầu như các thực tập sinh đều thế cả. Hướng dẫn viên có khi chưa kịp nói hết, thực tập sinh cũng chẳng cần hiểu tiếng Anh mà đã tự thao tác được ngay, chính
xác ngay.

Ấn Độ sang các nước láng giềng ở thế kỷ thứ ba trước dương lịch.

Người ta chăng đèn kết hoa lộng lẫy khắp trong sân, trên những cây vô ưu cây xoài cây bồ đề. Những cái bàn tròn được sắp xếp chia thành hai bên. Một bên toàn các ông ngồi. Một bên toàn các bà. Vẫn là Ấn Độ, không chỉ là ý thức đẳng cấp ngấm ngầm, mà còn phân chia địa phận nam nữ.

Chị Then mặc áo dài cho đúng kiểu phụ nữ Việt Nam đi dự lễ. Tôi đưa chị đến bên lãnh địa của các bà, giới thiệu chị với các bà, rồi phiên dịch các bà tự giới thiệu với chị. Xong tôi rút sang lãnh địa của các ông. Bỗng nhiên ở đâu ra một gã trai ngồi giữa đám các bà, bên đám đàn ông nhìn sang sẽ không hiểu gã kia là kiểu người thế nào.

Đám đàn ông thú vị hỏi chuyện tôi. Chúng tôi ngồi quanh một cái bàn tròn dành cho chục người. Ông này là kỹ sư ông kia là tiến sĩ. Ông này là xưởng trưởng ông kia là xưởng phó, ông này là quản đốc ông nọ là phó quản đốc. Họ hỏi chuyện Việt Nam rồi quay sang giới thiệu về thành phố của họ. Đây là Varanasi, còn có tên là Benares, ngày xưa là xứ Kashi. Đức Phật từng được gọi là hiền giả xứ Kashi, vì Người giảng bài kinh đầu tiên trong vườn hươu Lộc Uyển xứ này.

Ô, một thông tin đáng giá. Tôi chạy sang lãnh địa của các bà, báo ngay cho chị Then biết. Chúng tôi nhất trí cuối tuần sẽ đi thăm Sarnath vườn hươu, di tích Phật gặp năm tín đồ đầu tiên của Phật giáo.

Bên phía các bà xôn xao cả lên. Bà này là xưởng trưởng bà kia là xưởng phó. Bà này là vợ quản đốc bà kia là vợ phó quản đốc. Bà này là thạc sĩ bà kia là tiến sĩ. Mấy bà thạc sĩ tiến sĩ bảo vệ xong luận án rồi lấy chồng, lấy chồng xong thì ở nhà luôn. Học tiến sĩ để rồi ngồi nhà làm nội trợ. Thế là tôi biết thêm một thực tế ở Ấn Độ: đến nhà ai thì hãy cẩn thận với các bà nội trợ đang đun nấu và chùi mũi cho con, có khi ta đang gặp những nữ tiến sĩ đấy. Không ai lý giải nổi việc những bà tiến sĩ đầy tham vọng lại trở thành bà nội trợ an phận. Cũng như không ai lý giải được Ấn Độ.

Các bà xôn xao. Phải cho cô Then đi thăm sông Hằng trước. Người Ấn ở đâu cũng chỉ mơ một lần được đến thăm khúc sông Hằng ở thánh địa. Ngày thứ năm ở xưởng, người ta đưa cho chị cái giấy mời dự tiệc, chiêu đãi ông Bộ trưởng Đường sắt về làm việc với đoạn đầu máy. Ngay tối hôm ấy. Chị Then bảo chị sẽ đến dự nhưng sẽ hoàn toàn im lặng nếu không có tôi đi cùng. Ừ nhỉ, người ta nhớ ra và mời thêm cả tôi.

Sáng sớm và chiều tối, không khí ở Varanasi dịu xuống, hơi giống thời tiết ở Sài Gòn. Tiệc chiêu đãi tổ chức trên sân khu nhà khách của đoạn đầu máy. Cái sân rộng nhiều bóng mát cổ thụ, cây xoài, cây bồ đề, cây vô ưu. Cây vô ưu xứ Ấn gọi là cây Ashok, trùng tên với vị hoàng đế truyền bá Phật giáo từ Varanasi này. Sông Hằng bắt nguồn từ một cái động băng trên dãy Himalaya chảy hàng nghìn cây số để về đến hạ lưu Varanasi đây, khúc sông ngay tại đây là nơi thiêng nhất. Người tin tưởng cầu được ước thấy thì về đây cầu tài cầu lộc cầu sự bình an. Người tàn tật cầu cho tiêu trừ hết bệnh tật. Người tội lỗi thì nhúng nước sông Hằng rửa sạch tội lỗi. Người có thông điệp gửi lên chư thiên thì vốc nước sông Hằng giữa hai lòng bàn tay hướng lên trên mà gửi gắm. Người gần đất xa trời thì bảo con cháu đưa đến đây, nằm chờ chết, chết rồi được nhúng nước sông Hằng trước khi thi thể được đặt lên giàn hỏa táng, hỏa táng xong thì tro cốt rải xuống sông Hằng, như vậy là linh hồn siêu thoát được lên thiên đường.

Phải cho cô Then đi thuyền trên sông Hằng. Các bà các chị bảo. Các bà các chị nhất trí cử một chị tên là Samita sáng thứ bảy đưa chị Then đi. Samita là bà nội trợ có bằng tiến sĩ nông nghiệp Học viện Pusa. Đúng tác phong nhà nghiên cứu, chị cung cấp thông tin: Varanasi là thành phố cổ bậc nhất của nhân loại, gần ba nghìn năm tuổi rồi. Nhà văn Mỹ Mark Twain từng đến đây và nồng nhiệt nói rằng: “Benares is older than history, older than tradition, older even than legend, and looks twice as old as all of them put together”. Benares cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, thậm chí cổ hơn cả huyền thoại, và xem như cổ gấp đôi tất cả những điều đó cộng lại.
Một bà tiến sĩ hóa học chen

vào bằng chuyện về đặc điểm không thể ô nhiễm của sông Hằng. Hàng năm có hàng triệu lượt người xuống tắm ở sông Hằng, không ai bị bệnh ngoài da. Hàng triệu người vốc nước sông Hằng mà uống, không ai mắc bệnh đường ruột hoặc bất cứ bệnh tật gì. Không một loại vi

khuẩn nào sống được trong dòng sông vô trùng. Tiến sĩ Howard Northrop, người đoạt giải Nobel Hóa học năm 1946 đã phát biểu: “Chúng ta biết rằng sông Hằng bị ô nhiễm trầm trọng. Thế nhưng dân Ấn uống nước của nó, bơi trong nó, mà rõ ràng vẫn không bị ảnh hưởng… Có lẽ các loại vi rút diệt vi khuẩn đã làm cho con sông vô trùng”.

Nhất trí là sẽ đi thuyền trên sông Hằng, tôi lại phải rời bàn tròn của các bà để làm con thoi lao sang bên phe các ông. Một mình tôi con trai ngồi giữa đám phụ nữ quả là không tiện. Tạm để chị Then ở lại một mình, dùng động tác tay để nói chuyện với các bà các chị.

Khách chính là ông Bộ trưởng vẫn chưa đến, bên cánh đàn ông chúng tôi lại có thêm chuyện để nói. Có thấy Ấn Độ lạ không, một ông hỏi tôi, nền dân chủ lớn nhất thế giới mà bây giờ vẫn đàn ông ngồi riêng đàn bà ngồi riêng. Tất nhiên lễ lạt thì vậy thôi chứ ma chay cưới hỏi thì vẫn ngồi chung. Còn chuyện đẳng cấp nữa, sau ngày độc lập 15-8-1947, Hiến pháp đã cấm phân biệt đẳng cấp, nhưng phép vua vẫn thua lệ làng, ý thức đẳng cấp vẫn ngấm ngầm trong tim óc người ta. Tôi kể chú nghe một chuyện nhé, ngay trong thành phố Varanasi này thôi. Năm 1973, ông Bộ trưởng Quốc phòng Jagjivan Ram được mời đến khánh thành pho tượng một chiến sĩ đấu tranh cho tự do trong khuôn viên trường Đại học Hindu danh tiếng. Sao người ta lại mời ông ấy? Bởi vì ông từng là sinh viên của trường, coi như mời một cựu sinh viên ưu tú làm rạng danh cho một trường nổi tiếng. Nhưng mà buổi lễ đã biến thành một cuộc ẩu đả hỗn loạn, một cuộc thi ném giầy dép. Sao lại là giầy dép? Đám sinh viên thuộc đẳng cấp cao đã ném giầy tới tấp vào ông Bộ trưởng để nhắc ông nhớ rằng ông là con trai một người thợ đóng giầy sửa giầy, một cái nghề mà người Ấn coi là bẩn thỉu chỉ dành cho người đẳng cấp thấp. Ông Bộ trưởng vội vàng bỏ đi. Còn đám sinh viên thượng lưu thì lập tức lấy nước thánh sông Hằng để tẩy rửa pho tượng, cho nó trong sạch trở lại sau khi bị hoen ố vì ông Bộ trưởng xuất thân hạ lưu.

Lúc này ông Bộ trưởng Đường sắt vẫn chưa đến. Tôi băn khoăn trong đầu rằng không biết ông này thuộc đẳng cấp nào, liệu có thể xảy ra ném giầy hoặc ném chổi quét rác hay không. Và cánh Hindu cực đoan có coi một người nước ngoài như tôi là dị giáo không có đẳng cấp hay không.

Chuyện trò với phe đàn ông một lúc thì họ phát hiện ra tôi cũng đang học tiếng Hindi. A cha, hay quá, biết nói những gì rồi? Me Vietnam se hum. Tôi từ Việt Nam đến.

Đám đàn ông gật gù rôm rả. Đấy đấy, còn biết gì nữa? Tôi được kích động bèn nói thêm. Me Dili me char sal rohta hum. Tôi sống ở Delhi được bốn năm rồi. Ha ha ha, còn biết nói gì nữa? Có biết văng tục không? Ông xưởng phó cười ha ha rồi

hỏi, có biết matachod bahinchod là gì không? Lạ gì, nó có nghĩa là motherfucker sisterfucker, mấy từ ban đầu bọn sinh viên ở Delhi dạy tôi nghĩa là xin chào, nhưng về sau tôi mới biết đấy là câu văng tục.

Đúng lúc ấy ông Bộ trưởng bước vào trong sân, câu chuyện nghĩa tục nghĩa thanh chấm dứt. Nhưng nghĩa vụ phiên dịch con thoi của tôi không chấm dứt. Suốt buổi tiệc, tôi cứ phải chạy qua chạy lại giữa hai bờ giới tính, tức là hai khu vực bàn tiệc đàn ông và bàn tiệc đàn bà.

** *
Sáng thứ Bảy, Samita đưa chúng tôi ra bến sông

Hằng từ bốn giờ rưỡi. Để chứng kiến mặt trời mọc trên sông Hằng. Trong ánh tờ mờ, chúng tôi dùng đèn pin chiếu sáng để bước lên một con thuyền nhỏ. Thuyền lướt đi ven bờ khúc sông mùa cạn, lòng sông mùa cạn thu hẹp, bờ nọ bờ kia trở nên gần gặn.

Mặt trời chưa lên nhưng bờ sông đã nghìn nghịt người. Những bậc thềm bê-tông tầng tầng lớp lớp chạy từ trên mặt đường xuống đến mặt sông chen chúc toàn người là người. Đàn ông cởi trần, phần thân dưới quấn dhoti hơi giống xà-rông nhưng buộc túm giữa hai chân. Đàn bà để nguyên cả sáu mét sari quấn quanh người mà nhúng nước. Họ khum hai lòng bàn tay vào nhau thành hình cái bát, vốc nước sông Hằng vào lòng bàn tay ấy, mắt hướng về phía Đông chờ mặt trời mọc.

Một tiếng reo đồng thanh vang rền trên mặt sông. Ram Ram Ram. He Ram he Ram. Người ta gọi tên thánh Ram, tức là chàng Rama chồng nàng Sita trong thiên sử thi. Mặt trời kia rồi. Trong thoáng chốc một vầng hồng tròn trặn trong suốt bừng đỏ hiện ra. Phút linh thiêng. Một vầng dương rực rỡ trên một dòng sông rực rỡ. Một vầng mặt trời vô trùng trên một dòng sông vô trùng.

Samita nhắc lại, người Ấn tin rằng uống nước sông Hằng là cầu được ước thấy. Kia kìa, chúng tôi thấy rõ ràng những người đàn ông những người đàn bà nhúng mình trong nước, cầu nguyện xong thì uống vốc nước trong lòng bàn tay. Samita bảo những người đàn bà hiếm con muộn con uống nước sông Hằng để cầu tự.

Chị Then từ mạn thuyền hơi vươn người cúi xuống mặt sông. Lúc sau chị đưa hai tay nhúng xuống, hai bàn tay cứ thế ngâm trong nước, rẽ sóng lướt đi theo chiều thuận cùng với hướng thuyền. Rồi chị khoát nước lên rửa mặt. Chị muốn tận hưởng chút ít nước sông thiêng. Tôi nhận thấy trong khi vốc nước lên rửa mặt, chị đã kín đáo uống nước từ lòng bàn tay. Nước thánh.

Tôi nhớ ngay ra chuyện gia đình chị. Đi với chị hơn một tuần, tôi đã kịp nghe chị kể chuyện nhà chuyện cửa chuyện chồng chuyện con. Anh chị lấy nhau mười mấy năm rồi mà không có con. Bây giờ họ có một đứa con nuôi năm tuổi.

Thuyền lướt dọc theo bờ sông đi về phía thượng nguồn. Bờ sông san sát những ngôi đền lớn nhỏ. Thành phố thiêng có hàng trăm ngôi đền thiêng. Ngay ở những bậc cầu thang cho người xuống tắm là những bãi hỏa táng. Bãi này liền sang bãi kia. Những tử thi quấn vải trắng đặt trong cáng gỗ được khiêng xuống nhúng nước sông Hằng rồi đưa lên đặt trên giàn hỏa táng xếp bằng củi. Nhà giàu thì có thêm gỗ trầm. Lúc ấy người thừa tự của người chết mới châm lửa. Những giàn hỏa táng, lửa bùng bùng, khói nghi ngút. Ngay cạnh xuống sông Hằng. Họ kinh hoảng cho thuyền vào bờ và định gọi cấp cứu. Họ không hiểu cái kiểu nôn ấy, nôn ra được hết là coi như xong rồi.

** *
Gần một năm sau, tôi đã chuyển sang Đại học Maryland ở Mỹ thì nhận được thư chị Then. Lâu nay chị và tôi vẫn liên lạc thư từ, nhưng lần này thư có tin đặc biệt. Chị Then kể chị có thai, được bốn tháng rồi. Lấy nhau được mười sáu năm, bây giờ ở tuổi bốn mốt, chị mới lần đầu có thai. Tin mừng. Quá đỗi là mừng. Nếu là con trai, sẽ đặt tên là Ngọc Mừng, nỗi mừng như ngọc quý, con gái sẽ đặt tên là Kim Mừng, nỗi mừng quý như vàng. Cái tên nửa nôm nửa tự, cũng được.

Bẵng đi hơn hai chục năm. Tôi di chuyển qua nước này nước khác, rồi đứt liên lạc. Mãi đến năm ngoái, một hôm ở Sài Gòn, tôi chợt giở lại cuốn sổ ghi điện thoại cũ, thấy có địa chỉ chị Then,ở gần chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Không có số điện thoại. Thì cứ đi thẳng đến thăm chị, coi như chủ ý tạo ra sự bất ngờ.

Sổ địa chỉ ghi chị ở trong khu tập thể đường sắt. Một khu nhà gồm nhiều dãy nhà hai tầng song song tạo thành lối đi giống như cái sân ở giữa. Tôi lên tầng hai, đi dọc theo hành lang đến trước căn hộ cuối cùng. Đúng số phòng đây rồi. Nhưng không có ai ở nhà.

Tôi gõ cửa căn hộ bên cạnh. Xuất hiện một ông già cỡ tuổi về hưu đã lâu. Ông bảo chị Then chuyển đi cả chục năm rồi. Ông cũng không biết địa chỉ mới của chị.

Phải nói là có thất vọng. Như vậy là chị và tôi đã hoàn toàn đứt liên lạc. Nhưng tôi còn cố nán lại, cố hỏi thêm chút ít thông tin về chị. Anh chị ấy thế nào, hai đứa con học hành ra sao. Hai đứa nào đâu, ông già bảo, chỉ có một thằng con nuôi thôi chứ, nghe đâu nó đi du học nước ngoài rồi ở lại làm việc luôn. Tôi nấn ná nói thêm rằng hồi ấy chị có viết thư cho tôi, kể là sắp sinh con. Đến lúc ấy ông già mới nhớ ra, phải rồi, cô ấy sẩy thai, nôn ọe dữ lắm rồi sẩy thai.

Tôi nhớ cái ngày ở St. Mary’s City bên Mỹ tôi nhận được thư chị. Chiều hôm ấy đang chèo thuyền trên dòng sông Potomac, tôi dừng bơi chèo vươn người qua mạn thuyền mà nhìn xuống mặt sông. Nhìn đăm đắm. Không ai nói Potomac là dòng sông thiêng, nhưng người ta vẫn cúi xuống dòng sông vốc nước rửa mặt, và có người vẫn nhân đấy mà uống vốc nước trong lòng bàn tay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *