Kỳ 9: Giai đoạn thứ Ba của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2017- nay) (HT. Thích Huệ Thông)

Trong ba giai đoạn lịch sử hình thành, ổn định và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì giai đoạn thứ ba được tính từ nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) đến nay, đây là giai đoạn có nhiều đặc điểm về sự thay thế và thay đổi nhân sự cấp cao của Trung ương Giáo hội. Trước tiên, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã được Đại hội cung nghinh, suy tôn vào ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, trở thành Đệ tam Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến ngày 24 tháng 11 năm 2012, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, Đại hội đã thống nhất tái suy tôn Ngài tiếp tục giữ ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Như vậy, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã đảm nhận ngôi vị Đệ tam Pháp chủ từ nhiệm kỳ VI (2007 – 2012), tức trong giai đoạn thứ hai, tuy nhiên, Ngài vẫn tại vị từ đó đến nay và là linh hồn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đương đại.

Đức Đệ tam Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là bậc cao Tăng uyên bác, giới đức thâm sâu, đạo hạnh viên mãn, từ những năm 1950 của thế kỷ trước, Ngài không theo trào lưu du học tại Nhật như các vị Tăng thời đó, mà ẩn tu nơi thôn dã tại làng Ráng – Phú Xuyên (Hà Nội), Sau 50 năm thọ Đại giới, vào năm 1987, Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận cử người mời Ngài lên Hà Nội đảm nhận các chức vụ của Giáo hội và chủ trì hiệu đính Đại Tạng Kinh. Cũng từ đó, Ngài giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội, như Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây (1993 – 2008); Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây (1993 – 2008); Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự (1997 – 2007); Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội (2003 – 2007); Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học (2003 – 2007); Phó Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương; Phó ban Ban Tăng sự Trung ương (1997 – 2007); Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002 – 2007) và đến nay là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã được Đại hội cung nghinh, suy tôn vào ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, trở thành Đệ tam Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: tư liệu)

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nổi tiếng tinh thông kim cổ, Phật học lẫn thế học, Ngài đã góp công đáng kể trong việc biên soạn và dịch thuật nhiều tác phẩm Phật học như: Đại từ điển Phật học, Đại Luật, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Đề cương Kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ Tam Kinh, Phật học là tuệ học. Ngoài ra, trong nhiều năm, Ngài được chư sơn môn Thiền đức cung thỉnh vào ngôi Đường chủ của các Trường hạ, cũng như ngôi vị Hòa thượng Đàn đầu tại nhiều Đại Giới đàn ở các tỉnh thành phía Bắc. Đặc biệt, dù ở ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng Ngài vẫn sống thanh bần, ung dung tự tại, tại ngôi cổ tự đã hơn trăm tuổi giữa vùng chiêm trũng nông thôn Bắc Bộ, nơi đây Đại lão hòa thượng Đệ tam Pháp chủ cùng chư Tăng làm ruộng, trồng rau, trồng cây ăn quả tại vườn để tự túc tu tập, hành đạo, đến nay Ngài đã trụ thế 105 tuổi, với 98 năm tu hành, nhưng vẫn minh mẫn, trí đức sáng ngời, Ngài là bậc chân tu quảng bác, trọn đời sống thanh bần, ẩn dật nơi mái chùa quê thanh tịnh, được chư Tăng, Ni, Phật tử và người dân cả nước kính ngưỡng, tôn quý.

Nói đến Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, là nói đến giá trị tri thức Phật học uyên bác, là nói đến nhân cách ưu việt và đạo đức hoằng thâm, điều này được thể hiện qua tính cách và nếp sống của Ngài, nhất là qua những lời Ngài dạy Tăng chúng, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ, khi được hỏi: “Tự cày cấy nuôi thân, chạy đua với thời gian để biên soạn, dịch, nghiên cứu kinh Phật để lại sự nghiệp cho Phật giáo nước nhà, mà Ngài đã bách niên vẫn không tỏ ra mỏi mệt, Hòa thượng có bí quyết gì để truyền lại cho hậu thế”. Khi đó Ngài thanh thản trả lời: “Tôi không có bí quyết gì. Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị con người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Tổ Pháp Loa có 47 năm mà công-nghiệp thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 99 năm, ở chùa 94 năm, thụ Đại giới được 78 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi”. Và Ngài đưa ra nhận xét: “Sự học đâu cần chùa to, cảnh lớn. Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy trò trong quan hệ tu tập và hành trì”… Đối với các vị Tăng, Ni trẻ, Đức Pháp chủ nhận xét nghiêm khắc: “Nay có ai đó xao nhãng tu học mà chạy theo danh lợi phàm tình, xuống cấp đạo hạnh, bị thế gian chê cười, pháp luật và Phật luật can thiệp thì với bản thân mình tất phải chịu quả báo. Đồng thời các cá nhân và tổ chức có liên quan cũng phải cộng nghiệp chịu trách nhiệm liên đới vì dạy không nghiêm, quản không chặt”… Qua đó, một khi nhắc đến Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, tất cả người con Phật trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều rất đỗi tự hào về Đấng Đệ tam Pháp chủ tôn kính của mình.

Đức Đệ tam Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là bậc cao Tăng uyên bác, giới đức thâm sâu, đạo hạnh viên mãn, từ những năm 1950 của thế kỷ trước, Ngài không theo trào lưu du học tại Nhật như các vị Tăng thời đó, mà ẩn tu nơi thôn dã tại làng Ráng – Phú Xuyên (Hà Nội), Sau 50 năm thọ Đại giới, vào năm 1987, Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận cử người mời Ngài lên Hà Nội đảm nhận các chức vụ của Giáo hội và chủ trì hiệu đính Đại Tạng Kinh.

Sau khi Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã được Thường trực Hội đồng Trị sự suy cử làm Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Tại Hội nghị kỳ 3 khóa VII, toàn thể Hội nghị thống nhất suy cử Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trị sự, điều này đã tạo được sự ổn định cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khoảng thời gian kể từ sau ngày Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch. Như vậy, trong ba giai đoạn lịch sử Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì giai đoạn thứ ba là giai đoạn Hòa thượng Thích Thiện Nhơn làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự, mốc thời gian được tính từ giữa nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) cho đến ngày nay.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn là bậc giáo phẩm uyên thâm Phật học là người được xem đứng đầu về tư tưởng A Hàm của Phật học viện Huệ Nghiêm trong suốt thời gian Ngài tham gia khóa học cho đến tốt nghiệp Cao học tại Phật học viện Huệ Nghiêm, Hòa thượng từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong Giáo hội, ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Hòa thượng từng giữ nhiệm vụ Thư ký Ban Hoằng pháp, trong khoảng thời gian này, Ngài còn nhận nhiệm vụ Hiệu phó Trường Cơ bản Phật học TP.HCM, vừa đứng lớp, vừa tham gia công tác quản lý nhà trường; từ nhiệm kỳ II (1987 – 1992) đến nhiệm kỳ III (1992 – 1997) Hòa thượng làm Thư ký Ban Tăng sự và Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự; đến nhiệm kỳ IV (1997 – 2002) và nhiệm kỳ V (2002 – 2007), Hòa thượng đảm nhận nhiệm vụ Phó tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II, bước qua nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) và nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), Hòa thượng được Giáo hội cung thỉnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và ngày nay là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dù ở cương vị nào, Hòa thượng cũng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ, đó là sự tận tụy, siêng năng, mẫn cán, bình sinh Hòa thượng thường nói: “Làm công tác điều hành, quản lý hành chánh Giáo hội, đâu phải chỉ ngồi bàn giấy xem xét giấy tờ, ký tên đóng dấu, mà phải tiếp xúc cơ sở, làm việc với Ban Trị sự các tỉnh thành, tham dự các buổi lễ và những Phật sự cần thiết ở các địa phương, dù xa xôi hay mệt nhọc thế nào đi nữa nhưng một khi đã nhận nhiệm vụ Tăng sai thì cũng phải có mặt…” trong quá trình điều hành, lãnh đạo Phật sự, chủ trương của Hòa thượng khi xử lý bất cứ vấn đề nào cũng phải nắm bắt, tìm hiểu một cách thực tế, sâu sắc để xử lý giải quyết trên tinh thần tình lý viên dung. Chính tinh thần hết lòng phục vụ Giáo hội một cách vô ngã của Hòa thượng đã lan tỏa và ảnh hưởng tích cực đến tâm huyết và thái độ làm việc của toàn thể thành viên trong Hội đồng Trị sự cũng như Ban Trị sự các tỉnh thành.

Trong ba giai đoạn lịch sử Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì giai đoạn thứ ba là giai đoạn Hòa thượng Thích Thiện Nhơn làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự, mốc thời gian được tính từ giữa nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) cho đến ngày nay.

Ở giai đoạn thứ ba, Giáo hội gặp phải nhiều mất mát to lớn, đó là sự ra đi của một số bậc giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội, cũng như giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội một số Tỉnh, Thành, chẳng hạn như Hòa thượng Thích Chơn Thiện – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, viên tịch năm 2016; Hòa thượng Thích Thiện Bình – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, viên tịch năm 2016; Hòa thượng Danh Nhưỡng – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, viên tịch năm 2017; Hòa thượng Thích Trí Tâm – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh kiêm Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, viên tịch năm 2017; Ni trưởng Huyền Huệ – Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương viên tịch năm 2015…

Để chuẩn bị cho công tác Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp nhiệm kỳ 2017 – 2022 được đi vào nề nếp, ổn định, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu cho sự kế thừa của các cấp Giáo hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự ban hành Chỉ thị về tổ chức Đại hội cấp tỉnh, cũng như thành lập Ban Chỉ đạo công tác Đại hội, lập đề án nhân sự, quy định độ tuổi tham gia Ban Trị sự các cấp. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong cơ chế điều hành Giáo hội ban hành một Chỉ thị và thành lập Ban Chỉ đạo cho công tác Đại hội cũng như các quy định khác. Điều này nói lên tính quyết tâm của lãnh đạo Giáo hội cho định hướng nhân sự có tính kế thừa trong hệ thống Giáo hội. Một trong các hoạt động Phật sự về tổ chức hành chánh Giáo hội thành công có thể nói đó là Hội nghị giao ban. Hội nghị giao ban được tổ chức vào khoảng sau giữa nhiệm kỳ 2012 – 2017, sau khi Hòa thượng Thích Thiện Nhơn được suy cử ngôi vị Chủ tịch, do Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng Thư ký, Thượng tọa Thích Thiện Thống và Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng khởi xướng cùng với sự nỗ lực tích cực của Ban Thư ký HĐTS. Từ Hội nghị giao ban này đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa 2 Văn phòng Trung ương Giáo hội với Ban Trị sự và các ngành chức năng liên quan các tỉnh thành nhằm lắng nghe, trao đổi, chia sẻ những khó khăn để cùng nhau tháo gỡ và giải quyết thành công một số hoạt động Phật sự quan trọng tại các địa phương.

“Sự học đâu cần chùa to, cảnh lớn. Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”…Trích lời Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Ảnh: phatgiao.org.vn)
Phương châm hành động cũng chính là mục tiêu hướng đến của Giáo hội trong giai đoạn thứ ba, đó là “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” và luôn kiên định lý tưởng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ (2017 – 2022) chính thức khai mạc vào ngày 21 tháng 11 năm 2017, tại Đại hội này đã chính thức suy tôn 96 chư Tôn đức HĐCM, 27 chư Tôn đức trong Ban Thường trực, tái suy tôn Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ ngôi vị Pháp chủ, các vị Phó Pháp chủ: HT.Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, HT.Thích Giác Nhường – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật, HT.Thích Thanh Dũng –  Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký, HT.Thích Thanh Sam, HT.Dương Nhơn, HT.Thích Hiển Pháp, HT.Thích Đức Nghiệp, HT.Thích Đức Phương, HT.Thích Thanh Đàm, HT.Thích Thanh Từ, HT.Thích Thiện Duyên, HT.Thích Trí Tịnh; các Phó Thư ký HT.Thích Hiển Tu, HT.Thích Giác Giới, HT.Thích Giác Quang. Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Trị  sự và 16 vị Phó Chủ tịch: HT.Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng ban Tăng sự TƯ, HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự TƯ, HT.Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, HT.Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế TƯ, HT.Thạch Sok Xane – Phó Chủ tịch, Phó Trưởng ban Tăng sự TƯ, HT.Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Thông tin truyền thông TƯ, Viện Trưởng Phân Viện NCPGVN – Hà Nội, HT.Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Hoằng Pháp TƯ, HT.Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Từ thiện xã hội, HT.Thích Thiện Tánh – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm soát TƯ, TT.Thích Quảng Hà – Phó Chủ tịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kiểm soát TƯ, TT.Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TƯ, Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, HT.Thích Khế Chơn – Phó Chủ tịch, HT.Thích Quảng Xả – Phó Chủ tịch, HT.Đào Như, TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯ, TT.Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự TƯ; Ban Thư ký: Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng I; Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng II; có 6 Ủy viên Thư ký: HT.Thích Tấn Đạt, HT.Thích Thanh Đạt, HT.Danh Lung, TT.Thích Thọ Lạc, TT.Thích Thanh Huân, Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn; các vị Ủy viên Thường trực kiêm các Trưởng ban: HT.Thích Huệ Minh – Trưởng ban Nghi lễ TƯ, HT.Thích Thanh Hùng – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TƯ, HT.Thích Thanh Nhã – Chánh Văn phòng HĐCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ TƯ, TT.Thích Thanh Phong – Trưởng ban Kinh tế Tài chánh TƯ, HT.Thích Huệ Trí – Trưởng ban Pháp chế TƯ. Đại Hội VIII có 224 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên dự khuyết, trong đó có 61 vị trong Ban Thường trực.

Trong giai đoạn này, Hiến chương Giáo hội đã được sửa đổi lần thứ VI gồm có 13 Chương, 71 Điều, đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ (2017 – 2022). Ngay lời mở đầu, Hiến chương Giáo hội tiếp tục khẳng định mục tiêu, lý tưởng, tôn chỉ hoạt động của Giáo hội trong thời đại mới: “Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, là tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong lần tu chỉnh này, quy định về các tiêu chuẩn trong Hội đồng Trị sự đã có một số bổ sung và thay đổi nổi bật như, tại Chương 3, Điều 10 (Nguyên Tắc Hoạt Động…) nguyên tắc hoạt động của Giáo hội cũng đã được xác lập và khẳng định: nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số “Giáo hội lãnh đạo trên đà thống nhất hành động”. Tại Chương 5 (Hội đồng Trị sự) Điều 19, chức danh Phó Chủ tịch Thường trực chỉ còn 2 vị, so với các nhiệm kỳ trước là 3 vị. Tại Điều 21, quy định về tiêu chuẩn và thời hạn làm việc cũng rất cụ thể: “Thành viên tham gia Hội đồng Trị sự không quá 80 tuổi; mỗi thành viên không kiêm nhiệm quá 2 chức danh trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ. Đối với chức danh chủ chốt cần phải thêm nhiệm kỳ công tác so với quy định, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khóa tiền nhiệm sẽ giới thiệu, được Hội đồng Trị sự chấp thuận với đa số và 2/3 tổng số Đại biểu chính thức tham dự Đại hội biểu quyết tán thành, nhưng không quá 1 nhiệm kỳ”. Tại Chương 6 (Điều 29) và tại Chương 7, (Điều 37), danh xưng các cấp Giáo hội Tỉnh, Thành, Quận, Huyện đã có sự thay đổi tên gọi, chẳng hạn Giáo hội cấp tỉnh, thành phố sẽ được gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh, Thành phố; hay Giáo hội cấp quận, huyện sẽ được gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận, Huyện… Đặc biệt, tín đồ Phật giáo tại nước ta lần đầu tiên đã được Hiến chương Giáo hội khái niệm rõ ràng tại Điều 60 của Chương 10 (Tự viện và thành viên), như sau: “Tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những người tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý Đức Phật và tùy khả năng, tự nguyện thọ trì Giới luật Phật chế”.

Như vậy, Hiến chương sửa đổi lần thứ VI được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu việt của Hiến chương đầu tiên được Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước nhất trí thông qua năm 1981, được tu chỉnh lần thứ nhất tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ II năm 1987; lần thứ hai tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III năm 1992; lần thứ ba tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV năm 1997; lần thứ tư tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VI năm 2007.

Trong giai đoạn này, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội đã ban hành Nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) gồm 15 Chương, 85 Điều, do Ban Tăng sự Trung ương soạn thảo và sửa đổi, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2018. Nội dung Nội quy Ban Tăng sự được ban hành trong giai đoạn này rất sâu sát với sinh hoạt, tu học và công tác Phật sự đối với mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, không ngoài mục đích chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường sự ổn định và làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Trong nhiệm kỳ này, Nội quy các Ban, Viện Trung ương cũng đã được chỉnh sửa, bổ sung chi tiết một số điều khoản để đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.

Phương châm hành động cũng chính là mục tiêu hướng đến của Giáo hội trong giai đoạn thứ ba, đó là “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” và luôn kiên định lý tưởng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Các nội dung mục tiêu và lý tưởng này cho thấy quyết tâm rất cao của chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như toàn thể Tăng, Ni, Phật tử trong ngôi nhà Giáo hội, trong việc tiếp tục phát huy trí tuệ của từng thành viên và của cả tập thể; nghiêm túc giữ gìn giới luật, giữ vững kỷ cương; tăng cường và phát huy sức mạnh đoàn kết, hòa hợp; thể hiện ý chí, sức sống năng động, tinh thần uyển chuyển, sáng tạo và bản lĩnh của người con Phật trên bước đường hội nhập, không ngừng xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội vững mạnh trong lòng dân tộc.

Trong giai đoạn này, nếu so với các nhiệm kỳ trước đây, có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà, guồng máy Giáo hội Phật giáo Việt Nam được vận hành bởi một đội ngũ lãnh đạo được trẻ hóa, tâm huyết và năng lực, điều đáng phấn khởi là chỉ trong một thời gian ngắn thừa hành nhiệm vụ Tăng sai, công tác Phật sự đã đạt được những kết quả rất khả quan, đó là triển khai thành công các Nghị quyết của Trung ương Giáo hội; tiếp tục tổ chức Hội nghị giao ban nhằm phát huy vai trò cầu nối quan trọng của hai Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện, Ban Trị sự, các ngành chức năng liên quan các tỉnh thành trên cả nước. Thông qua các buổi họp giao ban, tạo sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ trong việc triển khai các Thông điệp, Thông tư, hướng dẫn các Phật sự của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đến các Ban, Viện và Ban Trị sự các tỉnh, thành trong việc lắng nghe, chia sẻ, trao đổi để cùng nhau giải quyết một số công tác Phật sự còn khúc mắc, tồn đọng tại địa phương. Tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế và các lễ hội Phật giáo trên các lĩnh vực Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa Phật giáo, Nghiên cứu Phật học, Nghi lễ, Thông tin truyền thông, Hướng  dẫn Phật tử… và các hội thảo mang tính Sơn môn Hệ phái… Đặc biệt Trung ương Giáo hội tổ chức nhiều khóa sinh hoạt hành chánh cho Ban Trị sự các tỉnh thành tại hai Văn phòng Trung ương Giáo hội, nhất là trên mặt hoạt động đối ngoại, thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc, trên trường quốc tế, trong giai đoạn này, với vai trò kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Thượng  tọa Thích Đức Thiện không ngừng nỗ lực trong nhiệm vụ đối ngoại của mình. Đặc biệt, sự đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak – 2019) được tổ chức tại chùa Tam Chúc – Hà Nam thành công với sự tham dự của 1.650 Đại biểu, trong đó có các vị Tăng Vương, Tăng Thống, Chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái, truyền thống Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức, học giả Phật giáo. Các nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc… các quan chức Bộ trưởng các nước. Hơn 20 vị Đại sứ và Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Lãnh đạo trong nước có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương và địa phương. Có sự chứng minh tham dự của chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự các tỉnh thành và hàng chục ngàn đồng bào, tín đồ Phật giáo tham dự. Các đoàn Phật giáo thế giới tham dự đánh giá cao sự thành công của Đại lễ. Các sự kiện nổi bật diễn ra trong thời gian tổ chức Đại lễ, đó là lễ ra mắt mạng xã hội Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương (Butta.vn), ra mắt bộ tem Phật giáo chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak 2019 và nhiều sự kiện quan trọng khác…

Những thành tựu ban đầu đáng ghi nhận này, đã làm tăng niềm tin của chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh và toàn thể Phật giáo đồ đối với vai trò lãnh đạo sáng suốt và nhạy bén của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn; những thành tựu này đã góp phần to lớn cho sự nghiệp xương minh Phật pháp, làm tiền đề cho sự nghiệp phát triển bền vững của Phật giáo Việt Nam trong một thời đại rất cần đến tinh thần đoàn kết hòa hợp, sự tập trung trí tuệ và nguồn năng lượng dồi dào sung mãn.

 

(Đón xem kỳ 10: Các thành tích tiêu biểu trong giai đoạn 3 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

 

* HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *