Nằm tách biệt giữa biển khơi, đảo Cù lao Chàm hiện nay có khoảng hơn 2.000 người sinh sống, tập trung ở bốn điểm: Bãi Ông, Bãi Hương, Thôn Cấm và Bãi Làng. Từ thế kỉ XVII, những cư dân đầu tiên của đảo đã có mặt tại đây sinh nhai, lập nghiệp, các vị như: Trần Đắc Lộc, Nguyễn Văn Sắc, Nguyễn Văn Lúa, Hồ Văn Thành, Võ Văn Cọi, Mai Văn Bài được xem là những tiền hiền có công khai ấp, lập làng.
Với địa thế biệt lập, giao thông đường biển hạn chế, cộng thêm sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản, trồng trọt và khai thác gỗ. Sau này có thêm việc khai thác yến sào, một thương phẩm có giá trị cao, được biệt nạp cho triều đình để miễn sưu thuế. Việc buôn bán bằng ghe thuyền với bên ngoài chỉ diễn ra lẻ tẻ, không đáng kể.
Có lẽ, từ thực tế ấy đã hình thành trong nhân dân tâm lý cầu Thần, khấn Phật, thờ cúng tâm linh, ngưỡng cầu cuộc sống sớm tối an ổn, bốn mùa no đủ. Với hơn 20 đình, chùa, miếu mạo nằm rải rác ở các bãi, trong đó nhiều nhất có lẽ là ở Bãi Làng, nơi có dân cư sinh sống đông đảo nhất đã cho thấy một đời sống tinh thần phong phú của người dân đảo Cù lao Chàm.
CHÙA PHẬT GIÁO
Trước hết phải kể đến các tự sở, nơi an trú tâm hồn của những cư dân khốn khó. Chùa Hải Tạng từ năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) đã được dựng nên ở Bãi Làng và hẳn nhiên có lạc tâm của người dân sở tại. Đến lần hư sụp thời Tự Đức năm 1848, ngôi chùa mới được trung hưng. Văn bia chùa ghi rõ: Nghĩ có hiền nhân quân tử, thiện nam, tín nữ tôn sùng Phật Đạo, chẳng dám lười biếng, lòng từ hỷ cúng, thiện duyên thêm dày phúc phần. Cổ tự này phục tu, vốn chỉ một làng tạo nền móng cũ, nay trông nhờ vào thập phương mà viên thành, nên chẳng dám bỏ quên danh tính những người phụng cúng vậy. Trải qua thời gian, hơn 230 cá nhân, đơn vị quyên góp, ngoài chức sắc, lý dịch bổn phường và người dân sở tại được kê khai, còn có các công ty, đoàn thể, các thiện tín nam, nữ ở đất liền. Như lẽ thường, chùa vì người mà được dựng, người vì chùa mà thêm phần tín tâm. Trải qua biến thiên, chùa Hải Tạng ngày nay có diện mạo khang trang nhưng không kém phần cổ kính. Ngoài Chánh điện và nhà Tổ là những công trình chính, tôn trí tượng Phật, Bồ tát, các vị Sư tổ, phối thờ Quan Công, Quan Bình, Châu Thương, Hộ Pháp, chùa dựng thêm: Tăng xá, nhà khách, phương đình, nhà bếp, khu vệ sinh. Dấu ấn của năm, tháng vẫn còn lưu lại ở kiến trúc và các di vật như: Đại hồng chung, văn bia, tượng thờ, bài vị, hoành phi, liễn đối. Giữa sự phong phú của các công trình tâm linh, chùa vẫn là điểm đến thường xuyên của người dân trên đảo và du khách thập phương.
Ngoài chùa Hải Tạng, trên đảo còn có hai tịnh xá Ngọc Truyền và Ngọc Hương. Tịnh xá Ngọc Hương được dựng vào năm 1970 bởi chư Tăng hệ phái Khất sĩ, Tịnh xá Ngọc Truyền cũng được dựng trong năm này bởi Đại đức Thích Giác Công [1]. Theo truyền thống, bàn thờ chính chỉ thờ Đức Phật Thích Ca mà không phối thờ thêm bất cứ vị Phật hay Bồ tát nào, nhưng ở tịnh xá Ngọc Hương có tôn trí thêm bộ ba tượng Di Đà Tam Tôn kích thước nhỏ. Chính giữa là tượng Phật Di Đà tiếp dẫn, hữu là Quan Âm Bồ tát tay cầm bình cam lồ và nhành dương liễu, tả là tượng Đại Thế Chí Bồ tát hai tay nâng ngọc như ý. Bộ ba tượng này được nhũ vàng. Chánh điện của tịnh xá xây hình bát giác, có hành lang bao bọc, mặt tiền hướng ra biển. Phía hữu có lầu chuông, tả là Tăng xá và nhà khách. Sân trước có tượng Quan Âm Nam Hải.
Tịnh xá Ngọc Truyền có quy mô rộng lớn hơn Ngọc Hương. Chánh điện dựng bê tông cốt sắt vững chắc thành hai tầng lầu. Bên trong Tiền đường, tượng Phật được tôn trí chính giữa trong tư thế đứng trên đài sen, phía trước có tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn. Tầng 2 chánh điện, giữa là tôn tượng Thích Ca tọa thiền trên đài sen, thấp hơn về trước có tượng Phật Đản sanh, thấp hơn nữa là tượng Di Đà tiếp dẫn. Xung quanh bàn thờ có bốn con rồng uốn lượn chầu vào giữa. Ngoài tượng Bồ tát Quan Âm Nam Hải được tôn trí phía hữu khuôn viên là điểm chung trong đối sánh với Tịnh xá Ngọc Hương, ở đây có thêm tượng Phật Di Lặc đặt gần lối vào công trình chính. Xét về quy mô, tịnh xá Ngọc Truyền có diện tích lớn hơn Hải Tạng và Ngọc Hương.
ĐÌNH VÀ MIẾU THỜ
Bên cạnh Phật tự, truyền thống văn hóa của người Việt với đạo lý uống nước nhớ nguồn được lưu dấu mãi, mà đình làng là thiết chế được xây nên để tưởng nhớ công đức những người khai canh, khai khẩn, những anh linh bảo trợ đời sống cư dân. Ở đây có điểm khác biệt, ngoài đình làng phối thờ thần linh và các bậc tiền hiền như thường thấy ở đất liền, có một ngôi đình khác đặt tên là đình Đại Càn thờ các vị thần linh.
Trước hết, nói về nơi được người dân gọi là “Đình Tiền hiền” [2]. Đình tọa lạc tại thôn Bãi Làng, tả giáp trường mầm non thôn, sau lưng và phía hữu giáp nhà dân. Vốn trước kia, địa thế khác xa, hai bên là dòng suối cạn nước, lưng tựa vào chân núi. Theo những người dân bản địa, đình làng được dựng từ lâu đời, nhưng không rõ năm xây, đoán định khoảng cuối thế kỉ XVIII. Thời điểm năm 1943, đình hư hại nặng nề, cư dân sở tại muốn đại trùng tu nhưng chưa thực hiện được. Lúc này làng vẫn bảo lưu được 20 sắc phong Thần, ban cho các vị Thiên Y Chúa Ngọc, Thành hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Ngũ Hành Tiên nương, Tứ Dương Thần Phủ, Nam Hải Ngọc Lân có niên đại từ thời vua Minh Mạng đến Khải Định. Về sau, binh hỏa, thiên tai làm cho sắc phong mai một dần, đến nay không còn một đạo sắc nào. Sau nhiều lần trùng hưng, đến nay, kiến trúc đình làng vẫn mang nét xưa cũ với kiểu cuốn vòm đặc trưng, tường bao xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương. Các góc mái trang trí hình Tứ linh. Bên trong có năm bàn thờ với nhiều đại tự, câu đối, hoành phi ca ngợi ân đức Tổ tiên và các vị thần linh. Hằng năm, vào ngày 06 tháng 6 (âm lịch), chư Tộc phái tổ chức lễ cúng tại đây để cầu mong quốc thái, dân an, phong điều, vũ thuận.
Sau lưng “Đình Tiền hiền” chưa đến 100m, có một đình khác có tên là “Đình Đại Càn”. Đình này hư sụp nặng, chỉ còn dấu tích của nền móng và một bia đá. Chữ trên bia mòn mờ chỉ còn vài dòng ngắn rời rạc, không đủ cho biết nội dung chính xác. Theo người dân địa phương, dù dùng tên của một vị thần để định danh, nhưng thực tế đình này phụng thờ nhiều vị thần có công bảo trợ đời sống người dân như: Thiên Y Ana, Thành hoàng bổn xứ, Ngũ Hành Tiên nương, Thái giám Bạch Mã, Đại Càn Quốc gia Nam Hải… Tên gọi Đại Càn là vắn tắt cho Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương Thượng đẳng tần. Thần được ban tặng các mỹ tự như: Hàm Hoằng Quang/Quảng Đại Chí Đức (thời Minh Mạng), Phổ Bác Hiển Hóa (thời Thiệu Trị), Trang Huy (thời Tự Đức), Dực Bảo Trung Hưng (thời Đồng Khánh). Thần hiệu đầy đủ của các vị là: Hàm Hoằng Quang/Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị Thượng đẳng Thần. Theo GS. Ngô Đức Thịnh, tục thờ thần Đại Càn rất phổ biến ở các làng ven biển Việt Nam, ngoài ra, còn thấy ở các làng ven sông lớn nằm sâu trong đồng bằng. Như thế, Cù lao Chàm không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, có điều khác biệt khi đây là đình duy nhất dùng tên của đối tượng thờ tự để định danh. Hẳn có thể cách định danh này xuất hiện về sau khi việc phụng thờ đã mất đi tính nguyên bản, hoặc đối tượng thờ tự bị thu hẹp đáng kể và chuyên nhất.
Ngoài thiết chế đình làng, tự sở, Cù lao Chàm còn bảo lưu hệ thống các miếu cổ. Trên đảo có miếu thờ vị Tổ sư nghề yến nằm sát bờ biển. Giống như nhiều miếu thờ ở Quảng Nam, miếu này có kiến trúc lối cuốn vòm, bên trong chia tách hai lớp Tiền đường, Chánh điện với nhiều bàn thờ nhỏ. Trên tường, các câu đối Hán tự thể hiện tình đoàn kết giữa chư Tộc phái cùng ân đức các vị Tổ sư. Khai thác yến sào là một trong những nghề có từ thời nhà Nguyễn kéo dài đến hiện tại, mang lại thu nhập cao bên cạnh những nghề truyền thống khác. Thực chất, các phu nghề phải leo lên những vách đá cheo leo, hiểm trở trong các hang đảo kín gió, bên dưới là nước biển sâu với nhiều ghềnh đá. Nếu chẳng may trượt chân té xuống thì tính mạng khó bảo toàn. Tuy nhiên, yến sào nằm trong diện triều đình kiểm soát, lập hộ đi thu lấy, hằng năm nộp một số lượng nhất định, miễn cho thuế thân, tiền dây xâu tiền và binh dao tạp dịch, đã trở thành “cứu cánh” cho những người dân vùng đảo trong lúc nhàn rỗi. Số người theo nghề này thường ổn định và nằm trong diện quản lý của chính quyền địa phương. Ngày nay, lễ giỗ Tổ nghề được tổ chức hằng năm vào ngày 10/3 (âm lịch) nhằm ca tụng công đức các bậc tiền nhân sáng tạo, mở nghiệp dựng nền, để con cháu hậu thế được tuân thừa nối dõi, cũng là sự khẳng định mạch nguồn của nghề này vẫn còn tiếp diễn.
Trên đảo có nhiều miếu thờ các vị thần liên quan đến sông nước như: Ngũ Hành, Đức Ngư Ông. Đặc biệt, trường hợp Ngũ Hành Tiên nương ngoài miếu thờ chung còn có các miếu thờ riêng.
Ngũ Hành là năm hành: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Trong dân gian quan niệm đây là năm yếu tố tự nhiên liên quan mật thiết đến hoạt động sinh tồn của con người nên phải kiêng nể, thờ tự. Tín ngưỡng này có mặt ở hầu hết các làng xã ven biển đồng bằng và đồi núi, không chỉ làng mà các xóm nhỏ trong làng cũng có miếu thờ Ngũ Hành. Trên đảo có ít nhất 6 ngôi miếu thờ các Bà nằm rải rác ở các thôn xóm. Quy mô các miếu không lớn nhưng nơi thờ tự nghiêm trang và được hương khói thường xuyên. Đa phần các miếu hướng mặt ra biển, dựng bằng bê tông cốt sắt vững chắc với kiến trúc kiểu cuốn vòm, mái gắn con giống. Một số miếu có thờ tượng các Bà đặt trong khung kính. Đây là những tượng nhỏ, tư thế ngồi và sắc phục khác nhau.
Cũng là nơi thờ Bà, nhưng miếu bà Bạch hay còn gọi là miếu bà Lớn có điểm khác biệt. Đây là nơi thờ Bạch Thố Kim Tinh Thần nữ, theo dân gian hiện thân là Thỏ ngọc trên cung trăng. Dân gian quan niệm vị thần này thường hay quấy phá làng xóm, nên thờ cúng để cầu mong được yên ổn. Xét về quy mô, miếu này có diện tích khuôn viên rộng hơn những miếu khác, địa thế cao ráo, mặt nhìn xuống điểm cập bến du thuyền. Muốn đến miếu phải đi qua bậc thang dốc đứng cao hơn 10m, xung quanh có nhiều cây đại thụ tỏa bóng. Kiến trúc miếu hình chữ T với hai nếp, trước là Tiền sảnh hình cuốn vòm, sau là hậu tẩm thờ bài vị thần. Nội thất trang trí nhiều hoành phi, liễn đối, lọng che khiến không gian thờ tự thêm phần trang nghiêm. Ngoài miếu chính, phía tả miếu có 3 khám nhỏ thờ các bà Mộc, Hỏa, Thổ, bên trong đặt tượng nhỏ và tự khí. Nằm ngay cạnh lối đi khi thuyền cập đảo, miếu là địa điểm thường xuyên viếng thăm của khách du lịch.
Cùng chung tín ngưỡng thờ Nữ, trên đảo hiện còn hai miếu thờ Cô và thờ bà Mụ. Sự tích về Cô và gốc tích dựng miếu đến nay không ai nhớ rõ, riêng việc thờ bà Mụ không phải là điều hiếm thấy ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Bà Mụ là 12 bà Mụ liên quan đến việc sinh nở. Sau khi sinh con, người ta thường làm lễ cúng cầu xin các Mụ chăm lo, bảo vệ để đứa trẻ được bình an, khỏe mạnh và thông minh.
Với quan niệm “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, việc thờ tự các vị Thành hoàng và Thổ thần trong các miếu thờ riêng chứng tỏ uy linh của các thần trong đời sống người dân. Miếu Thành hoàng nằm ở lưng đồi xóm Mới, thôn Bãi Làng, mặt quay ra biển. Nội thất bên trong miếu khá đơn giản với ba bàn thờ, chính giữa có bài vị “Bổn xứ Thành hoàng Đại vương tọa vị”, hai bên có liễn đối “Phối nguyên chiêu Thánh đức/ Lợi vật hiển thần uy” nêu công đức to lớn của thần. Đây là một trong những vị thần được ban sắc phong phụng tự nhiều lần. Miếu Thổ thần có hình thức giống miếu thờ Thành hoàng và cũng thuộc địa phận thôn Bãi Làng.
Nhìn chung, với địa thế là một đảo nhỏ tách biệt ngoài biển, giao thông với đất liền có nhiều trở ngại, cộng thêm đời sống vật chất khó khăn khiến tâm lý con người trở nên bất an, lo sợ. Từ tâm thế đó, việc nương tựa tinh thần vào Phật, vào thần linh, phụng thờ những đối tượng thường “ghé thăm” quấy nhiễu đời sống, cầu xin sự bình an, khang thái là điều thường thấy. Khi đã hình thành tâm thức nương tựa, truyền thống văn hóa ấy tiếp nối mạch nguồn dù đời sống vật chất đã có nhiều biến đổi; hoặc cũng có thể nói đời sống hiện đại chưa từng xóa bỏ được sự bất an tồn tại thường hằng ở những con người bé nhỏ, từ đó đưa đến sự có mặt của những lễ tế, lễ hội diễn ra hằng năm tại các đình, chùa, miếu mạo.
SAU ĐÂY LÀ BẢNG TỔNG HỢP CÁC CÔNG TRÌNH TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐẢO CÙ LAO CHÀM:
ThS. Ðinh Thị Toan
Chú thích:
*Thạc sĩ Đinh Thị Toan, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
[1] Dẫn theo Trần Thanh Hoàng Phúc (2019), “Tổng quan về kiến trúc Phật giáo ở Hội An”, trong Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, số 3 (47), tr.28.
[2] Nhiều nhà nghiên cứu ở Quảng Nam gọi đình Tiền hiền để chỉ thiết chế phối thờ thần linh và các vị tiền hiền. Thiển ý của chúng tôi là vẫn gọi đình làng để chỉ thiết chế thờ tự như trên, còn dùng định danh “Nhà thờ Tiền hiền” để chỉ thiết chế thờ riêng các vị tiền hiền, Hậu hiền có công khai canh, khai cư làng xã.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thanh Hoàng Phúc (2019), “Tổng quan về kiến trúc Phật giáo ở Hội An”, trong Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, số 3 (47)., tr.28.
2. Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích (2007), Kỷ yếu Cù lao Chàm, vị thế, tiềm năng và triển vọng, Quảng Nam.
3. Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan (2014), Sắc phong ở Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng.
4. UBND TP Hội An (2015), Di tích – Danh thắng Hội An, Nxb Đà Nẵng.