Ngày nay, sự phát triển của kinh tế và khoa học công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách giữa các châu lục, giúp chúng ta dễ liên lạc nhau hơn. Nhưng điều đó có làm con người hiểu biết và yêu thương nhau, cùng xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, hay ngược lại, chỉ gieo rắc thêm hận thù, mâu thuẫn và xung đột? Câu trả lời thực tế nhất là gần đây trong bài phát biểu của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76, ông đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng sa sút đạo đức nghiêm trọng của thế giới. Ông đồng ý rằng khoa học đang trên đà phát triển nhưng đạo đức con người thì đi xuống.“Chúng ta đã vượt qua bài kiểm tra khoa học. Nhưng chúng ta đang đạt điểm F về Đạo đức” [1].
Phật giáo cũng cho rằng đạo đức không thể chỉ đặt cơ sở trên trí thức, khoa học, mà còn phải xây dựng trên nền tảng của từ và bi. Bởi hạnh từ bi của đạo Phật là vô lượng, bao trùm cả người và vật. Bên cạnh đó, từ bi sẽ giúp thay đổi nội tâm con người, xóa bỏ cội rễ của chiến tranh, nạn kỳ thị phân biệt, phá hoại môi trường… Chính từ và bi sẽ là bệ phóng cho những giá trị đạo đức tốt đẹp bay cao, khởi sinh niềm hy vọng về một thế giới an lành, nối dài tình yêu thương đến muôn loài.
TỪ VÀ BI TRONG PHẬT GIÁO
Thật sai lầm khi ngày nay có một bộ phận không nhỏ mỗi khi nhắc đến từ bi, họ thường nghĩ nó chỉ hiện hữu trong phạm vi thần bí hoặc tôn giáo. Vì vậy, trước khi có thể khởi phát lòng từ bi, điều trọng yếu là cần có sự hiểu biết tường tận về ý nghĩa của chúng.
Từ và bi là hai trong bốn tâm vô lượng (Catasso appamaññāni). Theo Phật Quang Đại từ điển định nghĩa: Từ vô lượng (Metta appamaññā) là Duyên vô lượng chúng sinh, tư duy về phương pháp làm cho chúng sinh được vui mà vào Từ đẳng chí. Bi vô lượng (Karunā appamaññā) là Duyên vô lượng chúng sinh, tư duy về phương pháp khiến cho chúng sinh lìa khổ mà vào Bi đẳng chí” [2].
Như vậy, nếu tâm từ có khả năng tạo ra sự vui vẻ, an ổn, mát mẻ cho nhân sinh, thì tâm bi chính là chất liệu khiến người ta hiểu biết và cảm thông với nỗi đau đồng loại. Chính lòng từ bi sẽ đối trị ác tâm và tàn bạo của con người và sẽ thất bại nếu lòng từ bi làm con người phát sinh lòng ích kỷ và buồn khổ. Cần nhớ rằng, năng lực của từ bi là vô lượng vô biên, không giới hạn không gian, không phân biệt địa vị, giai cấp.
PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH LÒNG TỪ BI
Lòng từ bi trước tiên phải được gieo nơi bản thân mình, mong rằng bản thân an lạc, thoát khỏi mọi ràng buộc, có cuộc sống hạnh phúc. Khi bản thân thực sự hạnh phúc, ta mới có thể chia sẻ hạnh phúc với người khác. Tiếp theo ta phải quán niệm “cầu mong tất cả chúng sanh, trước là những người thân của mình như cha, mẹ, anh, chị, thầy giáo, bạn thân… sau là đối với những kẻ thù của mình, mong cho họ thoát khỏi hận thù ưu não và sống hạnh phúc an vui”. Như vậy, bất cứ hạng người nào trong xã hội, ta cũng đều rải niệm tâm từ đến, như ánh sáng mặt trời bao trùm vạn vật, không có phân biệt. Nếu theo đúng lộ trình này thì lòng sân hận của mình mỗi ngày mỗi yếu dần và tình thương sẽ phát triển. Thực tế, đây phải là quá trình rèn luyện nỗ lực không ngừng, có như vậy ta mới có thể đem lại nguồn vui và hạnh phúc trên tinh thần vô ngã vị tha.
TỪ BI PHẢI ĐI CÙNG TRÍ TUỆ
Có thể nói, thấu hiểu là trí tuệ, yêu thương là từ bi. Để có thể ứng dụng hiệu quả từ bi vào đời sống, thiết nghĩ phải đề cập sơ lược về trí tuệ. Trí tuệ là thấy biết rõ nguyên nhân và hậu quả của nó, biết điều gì nên làm và không nên làm. Khác với người không có trí tuệ, có khi họ biết điều đó không nên làm nhưng vì lợi dưỡng che mờ nên vẫn lao đầu vào như con thiêu thân.
Trí tuệ như ánh đuốc soi đường, còn từ bi là hành động cứu người trong đêm tối. Chúng ta chỉ thực sự thương yêu và giúp đỡ người khác vô điều kiện khi thấu hiểu, bởi nếu không thấu hiểu, ta sẽ yêu thương gượng ép, dễ vướng mắc vào sự vị kỷ. Nếu từ bi mà không đi đôi với trí tuệ sẽ rất dễ bị lợi dụng.
Chính nếp sống thấu hiểu và yêu thương khiến tinh thần ta lạc quan, thanh thản, yêu đời, như vậy tất yếu có một sức khỏe tốt, tâm lý nhẹ nhàng và nhận được nhiều sự hỗ trợ. Đức Phật cũng đã nói về mười một lợi ích khi tu tâm từ bi: “Ngủ an lạc; thức an lạc; không ác mộng; được loài người ái mộ; được phi nhân ái mộ; chư Thiên bảo hộ; không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm; tâm được định mau chóng; sắc mặt trong sáng; mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả), được sanh lên Phạm thiên giới” [3].
Trên đã trình bày về nội dung và phương pháp thực hành lòng từ bi. Nhưng lòng từ bi không phải chỉ giới hạn trong tư tưởng mà phải biểu lộ ra bằng hành động. Ta không thể phát triển lòng từ bi nếu tự mình cô lập mình với thế giới xung quanh.
KHƠI LÒNG TỪ BI BẮT NGUỒN TỪ GIA ĐÌNH
Gia đình chính là mảnh đất màu mỡ để gieo rắc hạt giống từ bi mỗi ngày. Các bậc cha mẹ nên dạy con cái sự thấu hiểu đi kèm với yêu thương. Sâu thẳm trong tâm mỗi người, ai cũng đều có bản năng thương yêu, cho nên trách nhiệm của bậc cha mẹ là phải khơi gợi hạt giống yêu thương nơi con cái của mình thay vì thái độ quát mắng, chửi rủa. Có như vậy, từ gia đình, tình yêu thương trong mỗi người mới được khai mở, hạt giống từ bi mới được trưởng thành và lan rộng.
DẤN THÂN PHỤC VỤ
Khi hoàn thiện cá nhân từ gia đình, sau đó mới là công dân tốt và có ích cho cộng đồng. Chúng ta thường cho rằng không có của cải sẽ rất khó thực hành từ bi. Nếu vậy muốn yêu thương đòi hỏi chúng ta phải giàu có hay sao? Nhưng khi chịu khó quán sát xung quanh và thấu hiểu, ta sẽ có nhiều phương pháp để thực hành từ bi, có thể bằng tài lực, trí lực, công sức,… miễn sao đem lại niềm vui bằng những hành động thiện lành, ngôn ngữ hòa ái, ý nghĩ thánh thiện. Đây chính là ý nghĩa mà Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy: “Sáng cho người niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”.
Hằng ngày, khi niệm danh hiệu của chư vị Bồ tát, ta phải biết học theo hạnh của các Ngài. Học theo công hạnh của Bồ tát Quan Thế Âm – người có lòng thương rộng lớn, thường quán sát tiếng kêu cầu đau khổ của chúng sanh mà thị hiện cứu độ. Theo đó, Phật tử Trần Minh Tuấn (pháp danh Minh Tú), tỉnh Tiền Giang, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật mưu sinh, thương cảm không thể cầm lòng, anh đã khởi xướng chương trình “Bao gạo yêu thương” từ ngày 08/12/2020 đến nay, tiến hành ở các địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, An Giang,… [4]. Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về sự tử tế vẫn đang diễn ra khi đất nước khó khăn vì dịch bệnh. Chính từ sự quán sát thực tế và thấu hiểu, ta mới có những hành động thiết thực để thể hiện tình yêu thương thực sự.
KHẮP NƠI KHÔNG CÒN NẠN ĐAO BINH
Bản chất của chiến tranh vốn đi ngược với lẽ phải. Theo Đức Phật, nguồn gốc của chiến tranh chính là lòng tham lam và sân hận. Tham mà không được thì thành thù hận và giải quyết hận thù bằng con đường vũ lực [5]. Đức Phật chú trọng quan điểm xây dựng nền hòa bình chống chiến tranh và không đồng tình cổ vũ bất cứ cuộc chiến tranh nào, dù cuộc chiến đó được mệnh danh là chính nghĩa thì hậu quả của nó vẫn khốc liệt. Bởi hơn ai hết Ngài hiểu rõ:
“Chiến thắng sinh thù oán
Thất bại chịu khổ đau
Sống tịch tịnh an lạc
Bỏ sau mọi thắng bại” [6].
Nếu các nhà chính trị hiểu được nỗi khổ đau do chiến tranh gây ra và lòng thù hận để lại cho nhiều thế hệ, chắc chắn họ sẽ không hành động như vậy. Thực tập “niệm tâm từ” không có nghĩa ta sẽ hoàn toàn làm ngơ trước những hành động bất thiện của kẻ khác. Bởi theo lời Phật dạy “nếu lấy hận thù chống lại hận thù sẽ không bao giờ có được, chỉ từ bi hay tình thương mới có thể làm lắng dịu được hận thù mà thôi” (trích Kinh Pháp Cú số 05).
Thời Đức Phật còn tại thế, chính Ngài đã dùng tâm từ bi của mình để cảm hóa tên sát nhân Angulimala, dù ông cũng có ý định sát hại Đức Phật. Bởi Ngài thấu hiểu được nguyên nhân vì sao đưa đẩy Angulimala trở thành sát nhân, nếu Ngài tiếp tục đối trị với ông bằng thái độ hận thù thì chắc chắn ông cũng sẽ không bao giờ quay lại con đường thiện lành. Vì vậy, muốn cho nhân loại chung sống hòa bình, mỗi người phải thấu hiểu và đối đãi với nhau bằng tình thương, tinh thần hòa hợp. Có như vậy, thế giới mới không còn chứng kiến cảnh nước mất nhà tan do chiến tranh đem lại.
KHÔNG CÒN NẠN PHÂN BIỆT, KỲ THỊ
Những áp bức và bất công xã hội đã tạo ra hố sâu ngăn cách giữa con người với nhau. Nguyên nhân đưa đến sự phân biệt đối xử, kỳ thị giữa người với người chính từ lòng tự ngã của mỗi cá nhân. Do ý thức chấp ngã mới có sự phân tầng giai cấp, phân biệt kẻ cao người thấp, kẻ giàu người nghèo. Quay lại hơn 2.600 năm trước, có thể nói Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại có chủ trương xóa bỏ giai cấp, xây dựng một xã hội bình đẳng trên tinh thần từ bi. Ngài đã hiện thực điều đó vào Tăng đoàn của mình bằng cách thu nhận những người có tâm nguyện tu tập giải thoát từ tất cả các tầng lớp xã hội, không dựa theo chức nghiệp, thành phần xuất thân hoặc địa vị xã hội để đặt ra bất kỳ đặc quyền hay sự hạn chế nào. Bởi theo cái nhìn bình đẳng của Ngài, nếu những người nô lệ được giáo dục đàng hoàng, biết tu dưỡng đạo đức thì họ có khả năng trở thành những con người vĩ đại, đáng cung kính. Ngược lại, những kẻ tự cho mình là người cao quý, sinh ra trong giai cấp vương tộc, nếu không được giáo dục chu đáo, không biết trau dồi đức hạnh thì suốt đời cũng chỉ là những kẻ ngu si, vô trí, ngã mạn mà thôi. Đây chính là ý nghĩa của lời Đức Phật đã dạy:
“Bần tiện không vì sanh,
Phạm chí không vì sanh,
Do hành, thành bần tiện,
Do hành, thành Phạm chí” [7].
Chính tư tưởng, hành vi kỳ thị là nhân tố chính yếu hình thành những chủ trương phi đạo đức. Vì vậy, trước thảm cảnh đau thương của thế sự nhân tình, Phật giáo đã kêu gọi con người hãy cố gắng khơi dậy viên bảo châu quý giá tiềm ẩn trong tự thân, chính là lòng từ bi nơi mỗi người. Có như vậy mới giúp con người đặt bản ngã xuống, xóa đi lằn ranh ngăn cách giữa người với người, mở ra không gian an lạc vô cùng.
BẢO VỆ THẾ GIỚI TỰ NHIÊN
Thiên nhiên là toàn thể, trong đó con người chỉ là một bộ phận. Nhưng trong nhiều thập kỷ trở lại đây, con người đã làm kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, phá hủy chỗ cư trú của nhiều loài sinh vật. Kết quả chính con người đã nhận lại sự nổi giận của thiên nhiên qua các hình thức thiên tai: hạn hán, lũ lụt,… Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai,… bởi tình trạng rừng bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng [8]. Thực trạng đau lòng trên cho thấy con người đang đối xử quá tàn nhẫn với thiên nhiên.
Bởi con người cho rằng mình là trung tâm thế giới và mọi loài chỉ có giá trị phục vụ nên đã có những hành động vô tâm làm bào mòn tự nhiên. Theo cái nhìn duyên khởi của Phật giáo, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt, do đó không có bất cứ chúng sinh nào tồn tại độc lập mà không cần nương tựa vào sự giúp đỡ của những thứ khác. Nếu thấu hiểu được con người thuộc về thiên nhiên như một bộ phận cấu thành, thì chắc chắn sẽ không có tình trạng đốt rừng, khai thác gỗ trái phép, săn bắt động vật quý hiếm… Bởi làm thương tổn thiên nhiên cũng là làm thương tổn chính mình và con người không thể sống hạnh phúc nếu thiên nhiên bị phá hoại. Theo lời Đức Phật đã dạy:
“Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ.
Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sanh
Sống hạnh phúc an lạc” [9].
Vì vậy, nếu lòng từ bi được thực hành sâu sắc nơi mỗi người, ta sẽ không đơn thuần chỉ biết yêu thương hạn hẹp trong những mối quan hệ giữa người với người, mà là ước muốn làm sao mang lại an lành hạnh phúc cho mọi chúng sinh không trừ một sinh vật nhỏ bé nào.
Có thể nói, thấu hiểu bằng lòng từ bi là nếp sống, chứ không phải lời dạy luân lý một cách máy móc. Từ bi cũng không chỉ dành riêng cho tín đồ Phật giáo mà rất cần thiết với toàn thể xã hội. Bởi nguồn gốc sâu xa của mọi bất hạnh, rối ren xung đột trên thế giới chính là tham, sân, si tiềm ẩn trong thân tâm con người. Do đó, muốn biến đổi ngoại cảnh xã hội mà không biến đổi nội tâm thì chỉ là hình thức, không thể lâu bền. Để có một thế giới hòa bình, mưa thuận gió hòa, con người có cuộc sống bình an… mỗi người khi đến với thiên nhiên, loài vật hay đối đãi với những người xung quanh đều phải biết sống hài hòa, thấu hiểu và bao dung. Có như vậy, xã hội mới phát triển tích cực. Chính sự thấu hiểu bằng lòng từ bi sẽ như một sợi dây nối dài yêu thương, kết chặt tất cả chúng ta lại với nhau, cùng kiến tạo nên chốn Tịnh Độ nhân gian.
Chú thích:
[1] Theo VTC News, Tổng thư ký LHQ: “Mọi cánh cửa đang nhanh chóng đóng lại với hành tinh”, truy cập: 27/9/2021, https://vtc.vn/tong-thu-ky-lhq-moi-canh-cua-dang-nhanh-chong-dong-lai-voi-hanh-tinh-ar637929.html.
[2] Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại Từ điển, Nxb. Phương Đông, tr.7621.
[3] Thích Minh Châu dịch (2016), Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 11, Nxb. Tôn giáo, tr.766.
[4] Chúc Thiệu, “Bao gạo yêu thương của một Phật tử trẻ”, truy cập: 27/9/2021, https://giacngo.vn/bao-gao-yeu-thuong-cua-mot-phat-tu-tre-post57016.html
[5] Xem Kinh Trường A-hàm, Kinh Thế Bổn Duyên.
[6] Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Tiểu Bộ I, Kinh Pháp Cú, kệ số 201, Nxb Tôn giáo, tr.70
[7] Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Tiểu bộ I, Kinh tập, VII. Kinh kẻ bần tiện, Nxb. Tôn giáo, tr.354.
[8] Vũ Long-Hữu Long, Những hệ lụy từ mất rừng ngày càng nghiêm trọng, truy cập: 27/9/2021, https://laodong.vn/xa-hoi/nhung-he-luy-tu-mat-rung-ngay-cang-nghiem-trong-817416.ldo
[9] Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Tiểu bộ I, Kinh Lòng Từ, Nxb. Tôn giáo, tr.35.
Great article and straight to the point. I am not sure if
this is really the best place to ask but do you
guys have any ideea where to employ some professional writers?
Thx 🙂 Escape room