Thư tòa soạn 394

Quý độc giả thân mến!

Trong sách “Buddha and His Teaching” (Đức Phật và Phật pháp), tác giả Narada Mahathera kể lại: Để tỏ lòng biết ơn cây Bồ đề vô tri vô giác che mưa đỡ nắng suốt 49 ngày thiền định, Đức Phật đã đứng cách một khoảng xa, chăm chú nhìn cây trọn 7 ngày. Vì vậy, tri ân là một trong những bài học sâu sắc đầu tiên Đức Phật truyền dạy cho chúng ta.  

Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật từng răn: “Nếu có chúng sanh biết báo đền, người này đáng kính, ân nhỏ còn chẳng quên huống là ân lớn. Cho dù người ấy rời nơi đây ngàn do-tuần, trăm ngàn do-tuần mà chẳng là xa, vẫn không khác gần Ta. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết, Ta thường khen ngợi người biết báo đền. Có các chúng sanh chẳng biết báo đền, ân lớn còn chẳng nhớ hà huống nhỏ. Người đó chẳng gần Ta, Ta chẳng gần người đó. Ngay cho họ đắp Tăng-già-lê ở sát bên Ta, người này vẫn xa. Vì sao? Ta thường chẳng nói về người không báo đền. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nghĩ báo đền, chớ học không báo đền. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này”.

Có thể thấy, từ sự biết ơn mà gần với Phật hơn, giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa, chan hoà yêu thương hơn. Ta biết ơn mỗi chén cơm ta ăn vì trong từng hạt gạo chứa đầy công lao cơ cực của người nông dân, những tâm tư yêu thương của người nấu. Ta biết ơn mỗi cành cây, ngọn cỏ vì sự trong lành chúng đã phủ lên Trái Đất này. Ta biết ơn mỗi sớm mai thức dậy, dù có thể vẫn lăn lộn trong biển khổ cuộc đời, nhưng ta còn sống, còn tình yêu thương là còn tất cả.

Ðạo Phật chủ trương biết ơn và đền ơn, không những giúp củng cố tình cảm gia đình và học đường, mà còn mang tính giáo dục cao về đạo đức nhân nghĩa; không chỉ có giá trị trong thời Ðức Phật còn tại thế, mà ngày càng chứng tỏ sự cần thiết phải được nhắc lại và đề cao, học hỏi và thực hiện phổ biến trong toàn xã hội. Đặc biệt, đất nước ta để có nền độc lập, tự chủ như ngày hôm nay đã chứng kiến sự hy sinh của bao người con đất Việt. Từ đó, bên cạnh tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất, dân tộc ta còn vun bồi nên truyền thống tri ân, báo ân những thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống.

Để cùng bàn luận về lòng biết ơn, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 394 với chủ đề “Tri ân báo ân”. Qua đó, chúng ta càng hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của đạo lý nhân văn này.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *