Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam với những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc (ĐĐ.Thích Thanh Huy)

LTS: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng trích đăng bài viết Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc của Đại đức Thích Thanh Huy. Đây là bài tham luận trích từ Hội thảo Phát huy vai trò của Tăng, Ni GHPGVN trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), tổ chức vào tháng 1/2022.

Tóm tắt: Sau khi đệ nhất Tổ sư Thiền phái Tào Động – ngài Thủy Nguyệt truyền vào xứ Đàng Ngoài, đệ nhị Tổ Tông Diễn đã khai hóa triều đình, giải trừ ách nạn của Phật giáo thời nhà Lê ở xứ Đàng Ngoài. Đến nay, thiền phái Tào Động dần thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng, mở ra lối sống chân thật trong cuộc sống. Trải qua các đời truyền thừa, thiền phái Tào Động đã đóng góp nguồn nhân lực cho Phật giáo Việt Nam, tham gia vào công tác giáo dục, đào tạo tăng tài, giữ gìn giềng mối Phật pháp. Với tinh thần đồng hành cùng dân tộc, chư tôn thiền đức trong thiền phái đã tùy duyên tham gia vào công tác an sinh xã hội, bảo vệ truyền thống văn hóa, độc lập dân tộc. Ngày nay, Thiền phái Tào Động tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cao đẹp đó, cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện tốt tinh thần phụng sự đạo pháp, quê hương xứ sở.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, các dòng thiền truyền vào nước ta khá sớm. Sự phong phú của các dòng thiền đã tạo nên nét đặc sắc về nhiều phương diện cho Phật giáo Việt Nam. Đến giữa thế kỷ XVII, ngoài hai thiền phái Việt là Trúc Lâm và Liễu Quán do người Việt sáng lập, các thiền phái khác trong lịch sử như: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Lâm Tế đều do các thiền sư ngoại quốc truyền vào. Riêng dòng thiền Tào Động ở miền Bắc, có xuất xứ Trung Hoa, lại do chính thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt của Việt Nam đi du học và mang về truyền bá tại quê hương.

Đây có lẽ là lợi thế cho tiến trình hội nhập của Thiền phái Tào Động, trong dòng chảy văn hóa Phật giáo Việt Nam để rồi được tiếp biến, gạn lọc những tinh túy của Tào Động ở Trung Hoa, trở thành thiền phái mang màu sắc văn hóa Việt. Với sự dựng lập và nỗ lực Việt hóa của thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt và thiền sư Chân Dung – Tông Diễn, Thiền phái Tào Động ngày một hưng thịnh, lan tỏa khắp miền Bắc từ khi du nhập cho đến nay. Quan trọng nhất, thiền phái đã cắm rễ vào lòng quần chúng nhân dân nhờ tư tưởng bình dị, phương pháp hành trì đơn giản. Dù đất nước trải qua bao biến loạn thời cuộc, mạch ngầm sơn môn, pháp phái của Thiền phái Tào Động vẫn tiếp nối, phát triển đến nay, có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.

SƠ LƯỢC VỀ THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM

Thiền phái Tào Động truyền vào nước ta khoảng nửa sau thế kỷ XVII bởi thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt. Ngài đi qua Trung Hoa cầu học thiền sư Nhất Cú – Tri Giáo, Tổ sư đời 35 của Tào Động tông ở trên núi Phượng Hoàng, Hồ Châu. Sau khi đạt được ấn chứng, nhận truyền tâm ấn tổ, Thủy Nguyệt trở về Đại Việt hoằng truyền dòng thiền này và trở thành Sơ tổ của Thiền phái Tào Động tại miền Bắc. Thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, mà còn trụ trì chùa Hạ Long ở Hải Dương, hoằng dương Phật pháp và độ Tăng ở chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn… Thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt còn là Tổ tiếp nối và khai khơi lại nguồn xưa của chùa Hoè Nhai ở Hà Nội. Ngài đã đi nhiều nơi trong nước để thuyết pháp, cuối cùng dừng lại tại chùa Hạ Long, phổ độ chúng sinh và an nhiên vào cõi Niết bàn bất diệt. Đệ tử nối pháp đời thứ hai của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Đại Việt là thiền sư Chân Dung – Tông Diễn, không chỉ phát huy toàn tài đạo học từ thầy, mà còn giải cứu thành công pháp nạn của vua Lê Hy Tông đối với Phật giáo. Ngài mở rộng sức ảnh hưởng của Thiền phái Tào Động đến vua quan nhà Lê ở kinh thành Thăng Long. Khi thiền sư Chân Dung – Tông Diễn lên kinh đô, thuyết giảng kinh pháp cho triều đình, đồng thời kế đăng tổ vị thứ hai của Thiền phái Tào Động tại chùa Hòe Nhai và phát triển đến nay.

Kế tục nối pháp từ thiền sư Chân Dung – Tông Diễn, truyền pháp đến đời thứ 3 của Thiền phái Tào Động là thiền sư Hành Nhất – Từ Sơn, vốn thọ giới với thiền sư Chân Dung – Tông Diễn, theo bài kệ truyền thừa của Thiền phái Tào Động, trụ trì qua chùa Tường Quang ở Non Đông, rồi chùa Quảng Nghiêm trên núi Vạn Đức ở Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và chùa Hòe Nhai ở Hà Nội, chùa Nhẫm Dương ở Hải Dương… Nhưng đồng thời, thiền sư Hành Nhất – Từ Sơn cũng có tháp thờ tại tổ đình Thiền phái Lâm Tế là chùa Phật Tích. Trong các tác phẩm văn học Phật giáo của Đệ tam tổ Thiền phái Tào Động, thiền sư Hành Nhất – Từ Sơn đều dùng tên hiệu là Như Sơn, cách dùng theo kệ truyền thừa của Thiền phái Lâm Tế, nhưng bản thân thiền sư Hành Nhất – Từ Sơn là Đệ tam tổ của Thiền phái Tào Động. Một vị tổ Thiền phái Tào Động nhưng theo cả Thiền phái Lâm Tế mở ra cách nhìn mới, về Phật giáo thế kỷ XVIII trong sự dung thông, hai thiền phái Phật giáo lớn nhất, tại miền Bắc lúc bấy giờ, để tạo nên sự phát triển dung hòa của Phật giáo ở Đàng Ngoài. 

Thiền phái Tào Động, phát triển ngày càng lớn mạnh, từ cung đình đến dân gian, nhiều chùa chiền của Thiền phái Tào Động được xây dựng và trở thành những trung tâm hoằng pháp, độ sinh trên cả miền Bắc. Nhiều bậc cao Tăng thạc đức của Thiền phái Tào Động xuất hiện qua các thời kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam, đã góp phần giúp Phật giáo nước nhà ngày càng xương minh, thịnh vượng đến ngày nay. Những trung tâm lớn của Thiền phái Tào Động đều có ở các tỉnh, thành phía Bắc như: Chốn tổ Nhẫm Dương, chùa Côn Sơn ở Hải Dương; chùa Hạ Long, chùa Đông Sơn, chùa Quỳnh Lâm, chùa Yên Tử ở Quảng Ninh; chùa Bích Động ở Ninh Bình… Chỉ riêng Hà Nội nổi danh như: chùa Hòe Nhai, chùa Hàm Long, chùa Trấn Quốc. Bia đá chùa Hòe Nhai đã ghi đến đời thứ mười một tiếp nối trụ trì, trong đó có nhiều thế hệ được triều đình sắc phong phẩm vị Quốc sư, Tăng thống, Thiền sư như: Thiền sư Chân Dung – Tông Diễn, Thiền sư Tĩnh Giác, Thiền sư Viên Thông Lại Nguyên, Thiền sư Thanh Lãng… Gần đây, Hòa thượng Thích Mật Ứng, là Thiền gia Pháp chủ, Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt. Hòa thượng Thích Đức Nhuận – cố Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, đều là những cao Tăng ở thế kỷ XX. 

Với phương châm “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, các vị cao Tăng của Thiền phái Tào Động đã vận dụng song song giữa tư tưởng Thiền phái Tào Động ngang qua giáo lý Nguyên thủy và tinh thần văn hóa dân tộc, để cùng tồn tại và phát triển phù hợp với căn cơ của chúng sinh, trong từng giai đoạn lịch sử. Chính những ứng dụng thiết thực của các tư tưởng đó vào đời sống thực tiễn đã đóng góp không nhỏ vào việc tạo dựng nền tảng của Thiền phái Tào Động đối với văn hóa Phật giáo nước nhà.

Thiền phái Tào Động, phát triển ngày càng lớn mạnh, từ cung đình đến dân gian, nhiều chùa chiền của Thiền phái Tào Động được xây dựng và trở thành những trung tâm hoằng pháp, độ sinh trên cả miền Bắc.

SỰ ĐÓNG GÓP CỦA THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP

Thiền phái Tào Động truyền vào Đại Việt chưa bao lâu, sự nghiệp giáo hóa của Sơ tổ là thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt đang có kết quả tốt đẹp, thì Phật giáo Đàng Ngoài gặp phải pháp nạn. Giai đoạn 1670-1678, vua Lê Hy Tông ra sắc lệnh đuổi tất cả Tăng Ni lên núi, cấm không cho ở thành thị, làng xã, khiến chùa chiền hoang phế. Phật giáo Đàng Ngoài suy thoái nghiêm trọng. Lúc này, Thiền sư Chân Dung – Tông Diễn, là đệ tử đắc pháp với Sơ tổ Thông Giác – Thủy Nguyệt đang ẩn cư trên núi, hàng ngày chỉ tập trung vào thiền định. Thời gian sau, trong một lần xuống núi khất thực, thiền sư Chân Dung – Tông Diễn mới biết tin này. Ngài rất đau lòng, tự than giữa núi rừng: “Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại có ác tâm như vậy. Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đá phải gật đầu, giảng kinh được hoa trời rơi cúng dường, cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sanh, nếu không hoằng dương được chánh pháp, thì làm sao đền đáp được công ơn Phật Tổ! Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời” [1]. Nói rồi, Ngài sửa soạn y bát, thân hành xuống núi, thưa với thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt, xin phép vào kinh, hóa độ nhà vua. Quán thấy nhân duyên độ được nhà vua của đệ tử, Sơ tổ cho phép xuất hành vào kinh đô Thăng Long.

Sau khi về kinh, tổ Tông Diễn liền theo lời dặn của thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt, trú ở chùa Hòe Nhai, viết một bức sớ, diễn giải thâm sâu vai trò của Phật giáo đối với thịnh suy dân tộc, trình bày mạch lạc, khúc chiết nội hàm giáo điển, mục đích, lý tưởng xuất gia, nhờ người chuyển tới vua Lê Hy Tông. Nhờ lời văn tha thiết, lý đạo thẳng ngay, vua đọc xong, thức tỉnh tâm can, vạn phần bội phục, phát nguyện sửa chữa lỗi lầm của mình. Vua Lê Hy Tông cho phục hưng lại Phật giáo Đàng Ngoài, thường xuyên thỉnh cầu thiền sư vào kinh thuyết pháp cho hoàng gia và quan lại nghe. Ít lâu sau, vua còn cho thợ trong cung tạc một bức tượng vua đang quỳ gối thờ Đức Phật trên lưng để cảnh tỉnh chính mình, đồng thời sắc phong thiền sư Chân Dung – Tông Diễn làm Đại Tuệ Quốc sư. Nhờ trí tuệ và đạo hạnh của thiền sư Chân Dung – Tông Diễn mà Phật giáo Đàng Ngoài tránh được một pháp nạn có thể dẫn đến diệt vong.

Việt Nam sau Hậu Lê đến nhà Nguyễn, rồi gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, Phật giáo có lúc thịnh lúc suy, lúc lại hòa vào nhân dân. Dù vậy, ngọn đèn chính pháp của Thiền phái Tào Động chưa bao giờ tắt, vẫn có hàng hàng, lớp lớp kế thừa. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, nhu cầu thống nhất Phật giáo Việt Nam thành ngôi nhà chung trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các vị cao Tăng hai miền Nam Bắc đã tổ chức nhiều hội nghị hiệp thương, thống nhất các hệ phái Phật giáo trong cả nước. Đến tháng 11/1981, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I diễn ra tại chùa Quán Sứ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập. Đại hội đã nhất trí suy cử Hòa thượng Thích Đức Nhuận, thừa tự pháp tử đời thứ 49 của Thiền phái Tào Động tại miền Bắc, lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng chứng minh.

Về nhân sự: Tính đến năm 2019, 51 đời truyền thừa nối phái của thiền phái Tào Động tại miền Bắc với bao vị tài đức đã đóng góp sức mình vào công cuộc duy trì, bảo vệ Phật giáo Việt Nam, kể từ khi thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt khơi nguồn chân lý cho đến Đệ nhị tổ, thiền sư Chân Dung – Tông Diễn, Hành Nhất – Từ Sơn, “thiền sư Mật Ứng thiền gia Pháp chủ Tăng già Bắc Việt” [2], “Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN ” [3]. Và ngày nay, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni của Thiền phái Tào Động vẫn đang cống hiến rất lớn cho GHPGVN.

Về giáo dục Phật giáo: Sau khi thành tựu đạo nghiệp trở về Đại Việt, thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt đã mở đạo tràng ở chùa Hòe Nhai để hướng dẫn Phật tử, tín đồ nơi kinh thành Thăng Long tu học. Về đến chùa Nhẫm Dương, Ngài lại khai pháp hóa độ Tăng Ni, Phật tử gần xa. Nhị tổ Chân Dung – Tông Diễn tiếp tục truyền thừa, đến đời thứ ba là “Thiền sư Hành Nhất – Từ Sơn, Đạo Chúc – Tính Chu, Mật Đa – Hải Điện… Đức Nhuận – Thanh Thiệu…” cũng kế tục xứng đáng sự nghiệp giáo dục của Sơ tổ. Mạng mạch giáo dục Phật giáo tiếp tục nối truyền, đến năm 1958, Thiền phái Tào Động vẫn duy trì các trường Hạ tại các Tổ đình, Sơn môn, Pháp phái. Tháng 3/1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập, không mở trường Phật học tập trung như trước, mà tổ chức hai lớp tu học Phật pháp tại chùa Quảng Bá – một tổ đình Thiền phái Tào Động ở Hà Nội. Số liệu các khóa không được thống kê đầy đủ, nhưng khóa học 1969-1970 có 120 Tăng Ni theo học – con số ấn tượng vào thời kỳ đó, có vị thuộc hàng giáo phẩm nhiều năm nghiên cứu Phật giáo như: “Các Thượng tọa Giám Sinh, Thích Ninh Quang, Kim Cương Tử… và những vị mới bước vào nghiên cứu đạo Phật. Có các ni sinh như: Thích Đàm Ánh, Đàm Mai ở Hà Nội, Đàm Tùy ở Ninh Bình… Các vị giảng viên của hai lớp là Cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám), các Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Thanh Chân, Trần Quảng Dung… Hiệu trưởng là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hiệu phó là Hòa thượng Thích Tâm An” [4].

Ngoài ra, Hòa thượng Đức Nhuận, một vị cao Tăng của Thiền phái Tào Động đã đưa vấn đề giáo dục ra thương thảo trong kỳ đại hội đầu tiên vào năm 1981: “Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã đề đạt nguyện vọng thiết lập giáo dục Phật giáo lên Chính phủ để thành lập 3 trường Đại học Phật học được thiết lập trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tùy theo khả năng nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được” [5]. Đó là những đóng góp rất lớn của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc cho nền giáo dục Phật giáo.

Trùng hưng Tam bảo: Các chốn tổ đình từ thời nhà Lý – Trần để lại, đã bị xuống cấp, không thể trùng hưng nếu không có vị thiền sư của Thiền phái Tào Động qua trụ trì như: “Chùa Hòe Nhai, chùa Trấn Quốc, chùa Quảng Bá, chùa Nhẫm Dương chùa Côn Sơn, chùa Linh Quang, chùa Quỳnh Lâm,…”. Các chùa ở miền Bắc Việt Nam hầu hết có ảnh hưởng của nghi lễ, tư tưởng hoằng pháp và phương pháp hành trì, phong cách xây dựng, quy củ thiền môn… từ Thiền phái Tào Động. Tầm ảnh hưởng của các thiền sư Thanh Hanh, Mật Ứng, Đức Nhuận… đối với Tăng Ni miền Bắc rất lớn lao: “Thiền sư Thanh Hanh, thiền gia, Pháp chủ, Tăng Ni Bắc Việt”, Ngài từng được giới học giả nghiên cứu lịch sử Phật giáo cận đại, đánh giá là: “người có công gây dựng đoàn kết Phật giáo ở Bắc kỳ”. Thập niên 1950 có thiền sư Mật Ứng, thiền gia Pháp chủ, Tăng già Bắc Việt. Vào năm 1981, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã nhân danh người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép nhận người vào tu, để có sự truyền thừa, duy trì mối đạo “Phật giáo được phép nuôi chúng điệu để có người thừa kế” [6]. Đây được xem là cống hiến to lớn nhất của Thiền phái Tào Động đối với trùng hưng Phật giáo trong giai đoạn quan trọng này. Những đóng góp quan trọng của Thiền phái Tào động đối với Phật giáo Việt Nam không chỉ giới hạn các mặt trên, mà còn nhiều mặt như: “Nhân lực, văn hóa, đạo đức, phương pháp tu trì,…” của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử trong hơn 300 năm qua.

SỰ ĐÓNG GÓP CỦA THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG ĐỐI VỚI DÂN TỘC

Trong tiến trình phát triển Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Tào Động hòa cùng dòng chảy các tổ chức, dòng phái, sơn môn khác đồng hành cùng dân tộc. Từ thế kỷ XVII trở đi, đời sống chính trị – kinh tế – văn hóa – giáo dục Việt Nam có lúc thăng lúc trầm, nhưng Phật giáo vẫn thể hiện sức sống bền bỉ, từng bước phục hưng và phát triển khi tiếp biến, chọn lọc những tinh hoa. Sự xuất hiện trong hoàn cảnh nở rộ các Thiền phái Phật giáo đã cho thấy Thiền phái Tào Động có vị thế riêng, bởi những đóng góp vào hệ tư tưởng nhập thế của Phật giáo dân tộc: “Mặc dù khi truyền thừa vào Việt Nam Thiền phái Tào Động đã phải đối mặt bối cảnh xã hội có những biến chuyển không thuận lợi, nhất là chính sách chống Phật của vua Lê Hy Tông nhưng Thiền phái này cũng đã để lại dấu ấn rất đáng chú ý và có sự phát triển khá mạnh mẽ bởi tư tưởng có nhiều điểm phù hợp với đại chúng ở nước ta” [7].

Khảo sát các di tích chùa cổ thuộc Thiền phái Tào Động với các trung tâm hoằng pháp là tổ đình Nhẫm Dương, Hòe Nhai, Trấn Quốc, Quỳnh Lâm, Côn Sơn… cho thấy sự kế thừa, bảo tồn văn hóa dân tộc và di tích lịch sử nước ta. Từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, Thiền phái Tào Động được phát huy bởi công đầu của thiền sư Chân Dung – Tông Diễn khởi xướng tinh thần nhập thế tích cực. Ngài là người hiểu Phật giáo chỉ có thể phát triển khi có sự ủng hộ của các tầng lớp lãnh đạo đương thời. Thiền sư Chân Dung – Tông Diễn đã tìm cách đưa tinh thần Phật giáo của Thiền phái Tào Động về kinh đô hóa độ thượng tầng xã hội phong kiến. Thiền sư Tông Diễn đã sử dụng “Ngũ vị quân thần” và kết hợp với tinh thần “Bồ tát đạo” để xiển dương Phật pháp. Thiền sư Tông Diễn chủ trương xây dựng tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”, tiếp biến thành “Phép vua chính cùng phép Phật gắn liền như thịt với da”. Tinh thần này tạo nên sự thông thoáng trong tư tưởng của vua chúa, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng của Phật giáo nước ta lúc bấy giờ, ủng hộ tinh thần trung quân nên được sự ủng hộ của chính quyền, tạo điều kiện cho Thiền phái Tào Động đứng vững trong lòng vua quan và thứ dân Đại Việt. 

Tại kinh đô Thăng Long, Thiền sư Tông Diễn đã cho khắc bản in kinh Hoa Nghiêm, để ở chùa Báo Thiên, khắc bản in kinh Pháp Hoa để ở chùa Khán Sơn. Đồng thời, tu sửa chùa Hòa Nhai (Hồng Phúc) làm nơi trụ trì, mở nhiều cơ sở làm nên hệ thống chùa của Thiền phái Tào Động trên vùng đất Thăng Long và phụ cận: “Kế tục quá khứ, mở rộng tương lai, chốn tùng lâm Hồng Phúc lại chấn hưng; đèn Thiền lại ngời ánh lửa. Dòng phái Tào Khê mãi mãi dài lâu. Phong trào tôn giáo lại dâng cao, cùng núi Nùng sông Nhị muôn đời tồn tại” [8]. Thiền phái Tào Động phát huy rầm rộ tinh thần Phật giáo và dân tộc vào đầu thế kỷ XVIII cho đến sau này. Theo văn bia chùa Hồng Phúc, thiền phái đã truyền đến đời thứ 47, tức 12 đời ở miền Bắc. Sự có mặt của Thiền phái Tào Động và sự truyền bá tinh thần Phật giáo trong đời sống xã hội lúc đó đã củng cố tinh thần dân tộc Đại Việt. Đồng thời, đề cao vai trò lãnh đạo sáng suốt của nhà lãnh đạo quốc gia để tạo nên sự ổn định xã hội, giúp phát triển kinh tế – văn hóa nước nhà. Sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền quản lý xã hội và Phật giáo nâng cao đời sống tinh thần đã giúp tăng cường sự đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh vô biên cho dân tộc. Đó là những đóng góp về tinh thần và tư tưởng của Thiền phái Tào Động cho dân tộc.

Được sự bảo trợ của chính quyền với hai bình tuyến phát triển tại vùng đất Tổ và kinh đô, Thiền phái Tào Động đã xây dựng nên hệ thống cơ sở vật chất khá phong phú trong hệ thống chùa tháp Việt Nam. Vùng đất Thăng Long đến nay còn duy trì khá nhiều di tích cần được khảo sát tường tận hơn, khẳng định những giá trị lịch sử, đóng góp của Thiền phái vào văn hóa Thăng Long trong một thời kỳ lịch sử. Còn ở vùng đất tổ đình Nhẫm Dương đến nay nhiều cơ sở vật chất không còn, những dấu tích để lại cho thấy quy mô dù khiêm tốn nhưng đã góp phần khẳng định những giá trị tinh thần, vật chất đóng góp chung vào văn hóa Phật giáo và dân tộc. Vì vậy cần có kế hoạch tôn tạo những di tích hiện còn nhằm góp phần xây dựng tinh thần Phật giáo trong đời sống văn hóa mới trên vùng đất Đông Bắc bộ: “Nổi bật nhất là tại động Thánh Hóa, nơi Sơ tổ Thông Giác – Thủy Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hóa thạch cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Đây còn là một địa chỉ đỏ gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, là nơi đóng quân của nhiều cơ quan đơn vị bộ đội, nơi chữa trị cho các thương binh” [9]. Phật giáo trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước, tùy mỗi lúc mà có sự đóng góp thích hợp cho dân tộc.

Không chỉ đóng góp nhân lực, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội, Thiền phái Tào Động còn góp sức người, sức của vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của dân tộc Việt Nam. Theo Ni sư Thích Đàm Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương: “Một số hang như: hang Đình, hang Tối, hang Lợn, hang Bò Lê, hang Thóc…là căn cứ đóng quân của bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1965 đến 1973, một số hang động trên núi là địa điểm đóng quân của Quân y viện 7 Quân khu 3” [10]. Việc các tổ đình Nhẫm Dương, Hòe Nhai, Quỳnh Lâm, Côn Sơn, Trấn Quốc… được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đặc biệt đã góp phần khẳng định những đóng góp của Thiền phái Tào Động cho dân tộc Việt Nam. Các chốn tổ đình của Thiền phái Tào Động phần nhiều là di tích, thắng cảnh cấp tỉnh/cấp quốc gia. Đó là những đóng góp cơ bản của thiền phái trong tiến trình đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình lịch sử.

KẾT LUẬN

Thiền phái Tào Động ở Việt Nam đã kế thừa, phát triển truyền thống Phật giáo Việt Nam từ ngàn xưa, đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc.Thiền phái có những đóng góp giá trị về tư tưởng, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, văn học… trong hơn 300 năm tồn tại, phát triển. Hiện có khoảng 150 ngôi chùa trực thuộc thiền phái, trong đó nhiều tổ đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh, như: chùa Nhẫm Dương, chùa Hòe Nhai, chùa Trấn Quốc, Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Linh Quang…  Đa số đều là di tích lịch sử – văn hóa của dân tộc, nhờ vào sự cống hiến sức người và vật chất của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thuộc Thiền phái Tào Động. Những đóng góp của thiền phái đối với đạo pháp và dân tộc vô cùng lớn lao. Các vị tổ sư không những quảng đại Phật pháp ra quần chúng nhân dân, mà còn góp phần đào tạo Tăng Ni, Phật tử tu học, tạo nên sự tồn tại lâu dài của Phật giáo tại miền Bắc. Công hạnh của các vị thiền sư và nét đặc sắc của các tổ đình thuộc Thiền phái Tào Động đã đóng rất lớn cho dân tộc về: Xây dựng đời sống đạo đức, làm giàu giá trị văn hóa dân tộc, từ thiện xã hội và góp sức trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Và hiện Thiền phái Tào Động vẫn tiếp tục đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

ĐĐ.Thích Thanh Huy

 

Chú thích:

[1] Phái Tào Đông, http://phatgiaobaclieu.com/phai-tao-dong, 28/3/2020.

[2] Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.696.

[3] Thích Thiện Siêu (2003), Hư tâm học đạo 34, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.324.

[4] Ban Giáo dục Tăng Ni TW (2012), Hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo – Định hướng & Phát triển, “Bài Kệ của Trưởng lão Mãn Giác về Triết học Duy vật Thích Ca Mâu Ni”, Lưu hành nội bộ, tr.428.

[5] Thích Thiện Siêu (2003), Hư tâm học đạo 34, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.324.

[6] Thích Tiến Đạt (2015), Pháp mạch truyền thừa tông Tào Động Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị lịch sử văn hóa và Phật giáo, Hải Dương, tr.324.

[7] Thích Nguyên Toàn (2015), Tính biện chứng trong tư tưởng của Thiền phái Tào Động Việt Nam Đàng Ngoài, http://chuaxaloi.vn/thong-tin/tinh-bien-chung-trong-tu-tuong/

2583.html, cập nhật ngày 24/3/2020.

[8] Lê Đình Phụng (2015), Chùa Nhẫm Dương và Thiền phái Tào Động, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị lịch sử văn hóa và Phật giáo, Hải Dương, tr.170

[9] Chu Thanh Vân (2015), Hội thảo về Thiền phái Tào Động Việt Nam và di tích chùa Nhẫm Dương, www.chuaadida.com/chi-tiet-hoi-thao-ve-thien-phai-tao-dong-viet-nam-va-di-tich-nham-duong, cập nhật ngày 24/3/2020.

[10] Thích Diệu Mơ, Di tích lịch sử chùa Nhẫm Dương, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị lịch sử văn hóa và Phật giáo, Hải Dương, tr.122.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *