Bàn về sự ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo trong tư tưởng vua Lê Thánh Tông (TS. Võ Thị Xuân Hương)

Tóm tắt: Vua Lê Thánh Tông là vị minh quân lỗi lạc trong lịch sử dân tộc. Triều đại của ông nổi tiếng với việc tôn sùng Nho giáo như hệ tư tưởng chính thức của nhà nước. Tuy vậy, khi nghiên cứu kỹ chính sách và pháp luật của thời Hồng Đức, chúng ta vẫn nhận thấy ảnh hưởng đậm đà của tinh thần Phật giáo thời Lê Thánh Tông. Điều đó cho thấy Phật giáo vẫn luôn hiện diện và có ảnh hưởng nhất định đến chính sách của nhà Hậu Lê.

Từ khóa: Lê Thánh Tông, tam giáo đồng nguyên, Quốc triều hình luật.

1. VUA LÊ THÁNH TÔNG VÀ PHẬT GIÁO

Lịch sử Việt Nam ở giai đoạn thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV xuất hiện những biến chuyển xã hội đặc biệt, tác động đến hầu khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Quá trình này tạo điều kiện xuất hiện nhiều nhà tư tưởng lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên… Trong đó, vua Lê Thánh Tông đã nổi bật lên với tư cách là nhà văn hóa, tư tưởng lỗi lạc, nhà thơ lớn và trên hết là nhà chính trị – tư tưởng xuất sắc. 

Lê sơ là triều đại khởi đầu với nền tảng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, từ đó tiến lên xây dựng, phát triển nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Trong quá trình đó, vua Lê Thánh Tông đã xuất hiện với tư cách là một nhà chính trị và một nhà tư tưởng lớn.

Trong quyền lực tuyệt đối của mình, vua Lê Thánh Tông đã góp phần “chấn hưng” Phật giáo Việt Nam trong sự phát triển của chánh đạo, chánh niệm.

Trong suốt thời gian trị vì của mình (1460-1497), vua Lê Thánh Tông đã giải quyết các nhiệm vụ lịch sử đặt ra ở thế kỷ XV-XVI. Ông lên ngôi trong thời điểm nhà Lê xuất hiện nhiều mâu thuẫn trong triều đình cũng như nhiều vấn đề xã hội còn chưa ổn định. Trong nội triều, những mối hiểm họa từ việc Lê Thái Tông phế trưởng lập thứ đã gieo mầm nội loạn. Thái tử Nghi Dân bị phế thành Lạng Sơn Vương giữ lòng oán hận và đã tiến hành cuộc tranh đoạt ngôi vị với vua Lê Nhân Tông. Nạn tham quan, hối lộ, nhũng nhiễu dân lành, nạn lao dịch thuế khóa mỗi ngày một nặng nề, nông nghiệp mất mùa liên miên do sự thiếu chăm sóc đê điều của các cấp địa phương đã gây nên cảnh lầm than trong dân chúng. Các án oan của dân, việc xét xử không công bằng diễn ra mỗi ngày một chồng chất. Vì vậy ngay khi mới lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã thấy: “Trước mắt trông đầy việc rối tơ” [1].

Trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi của chính trị – xã hội thời bấy giờ và kế thừa sự phát triển có tính lịch sử về tư tưởng chính trị Đại Việt, chuyển đổi vai trò từ Phật giáo sang Nho giáo trong sứ mệnh trị nước an dân, vua Lê Thánh Tông đã chủ trương xây dựng một nhà nước vừa có khả năng bao quát, điều hành được đời sống xã hội trong trật tự, nghiêm minh vừa tiếp nối tinh thần “khoan thư sức dân” của các triều đại trước. Những nền tảng tư tưởng kết tinh từ Nho giáo và Phật giáo ở thế kỷ XV đã được vua Lê Thánh Tông vận dụng làm cơ sở vững chắc để xác lập sự thống trị của vương triều và thực thi sứ mệnh của mình.

Thực tế, dù lấy Nho học làm nền tảng, nhưng không vì thế mà vua Lê Thánh Tông không quan tâm đến những nền tảng của các tư tưởng, học thuyết khác. Tư tưởng của vua luôn là sự kết hợp và tích hợp của nhiều yếu tố như: những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam và sự chọn lọc, dung hợp quan điểm của Phật giáo, Nho giáo, Pháp gia trong việc trị nước, an dân. Đặc biệt nổi bật của tinh thần này là quan điểm “đức trị” và tính nhân văn trong tư tưởng của vua. Các tinh thần này có thể tìm thấy trong hệ thống các tác phẩm chủ yếu của Lê Thánh Tông như: Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng thi tập, Chinh tây kỷ hành, Hồng Đức quốc âm thi tập, Minh Lương cẩm tú, Quỳnh uyển cửu ca, Thiên nam dư hạ tập, Văn minh cổ súy, Xuân vân thi tập… và cả bộ luật Hồng Đức – Quốc triều hình luật.

Đặc biệt, tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của vua Lê Thánh Tông mang đậm dấu ấn nhà Phật. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Thư,“Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông không phải nguồn cảm hứng độc sáng của một ông vua. Đó là kết quả của sự gặp gỡ của các yếu tố chủ quan, khách quan và hoàn cảnh chính trị xã hội. Yếu tố chủ quan là lòng nhân từ của nhà vua, gặp gỡ tinh thần từ bi của đạo Phật. Yếu tố khách quan là tác phẩm Khoa Mông Sơn thí thực của Phật giáo-một khoa cúng chẩn tế cô hồn thường cử hành vào tiết Trung nguyên rằm tháng bảy” [3]. Thông qua những nghiên cứu so sánh của mình, chúng tôi cho rằng, nhiều giá trị tích cực trong tư tưởng của vua Lê Thánh Tông rất gần gũi và có thể đã chịu ảnh hưởng của các giá trị tiến bộ trong tinh thần Phật giáo.

2. YẾU TỐ PHẬT GIÁO TRONG TƯ TƯỞNG CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG

2.1. Các giá trị mang tinh thần Phật giáo sâu sắc 

Từ bi, nền tảng của tinh thần nhân văn của Lê Thánh Tông

Về phương diện chính trị-đạo đức, có thể thấy, tinh thần Phật giáo rất gần gũi và phù hợp với các giá trị trong truyền thống văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của người Việt. Những tinh thần cao quý như từ bi hỷ xả, sự tu dưỡng về Thập thiện và Ngũ giới mà đạo Phật đặt ra cho mỗi Phật tử đã được vận dụng, trở thành nền tảng của tinh thần nhân văn trong nội dung tư tưởng của Lê Thánh Tông. Tình cảm xót thương với những nỗi khổ đau và cực nhọc của dân chúng đã góp phần hình thành những khái niệm chính trị thân dân của Lê Thánh Tông như: khoan hòa, nhân từ, phúc huệ “từ nay về sau, phủ nào có bệnh dịch thì cho phép các quan địa phương đó dùng tiền thuế mua thuốc chữa cho dân” [4].

Về phương diện chính trị – đạo đức, có thể thấy, tinh thần Phật giáo rất gần gũi và phù hợp với các giá trị trong truyền thống văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của người Việt. Những tinh thần cao quý như từ bi hỷ xả, sự tu dưỡng về Thập thiện và Ngũ giới mà đạo Phật đặt ra cho mỗi Phật tử đã được vận dụng, trở thành nền tảng của tinh thần nhân văn trong nội dung tư tưởng của Lê Thánh Tông. (Ảnh tượng Lê Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – ngoisao.vn)

Trong suốt thời gian trị vì, Lê Thánh Tông đã thông qua một loạt các chính sách về bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người. Vua rất quan tâm đến đời sống dân chúng. Vua quan niệm rằng tất cả sự quan tâm đến dân là bổn phận của vua, bổn phận kẻ làm quan. Làm vua, làm quan phải thương yêu dân và phải biết thường xuyên “đi thăm hỏi, điều tra nỗi khổ của dân sinh, giảm bớt thuế, miễn binh dịch cho dân”, “ngừng xây thành khi mất mùa”. Ông ngày đêm trăn trở suy nghĩ, làm sao cho dân chúng được ấm no, hạnh phúc; đất nước được yên bình, thịnh trị: “Dân chúng ấm no điềm thịnh trị”. 

Tính nhân văn của Phật giáo không chỉ được vua Lê Thánh Tông kế thừa, thể hiện sâu sắc trong Quốc triều hình luật qua những điều luật khoan giảm hình phạt cho dân khi phạm tội, cứu đói cho dân khi thiên tai, mất mùa và khoan dung với cả kẻ thù của mình. Khi đánh bại Trà Toàn, Lê Thánh Tông nói: “Trong đám gươm giáo, ta sợ ngươi bị hại, nay may còn sống đến đây, ta thực yên lòng” [5].

Luật pháp của vua Lê Thánh Tông cũng nhân đạo với người phạm tội. Ví như chiếu cố về độ tuổi khi điều 16 quy định những người phạm tội mà 70 tuổi trở lên hay 15 tuổi trở xuống và những kẻ có phế tật (như: câm, què quặt, tay chân gãy…) nếu phạm phải tội lưu, đồ trở xuống thì được chuộc bằng tiền. Nếu 80 tuổi trở lên hay 10 tuổi trở xuống và hoặc là kẻ bị bệnh nặng (có ác tật như điên cuồng, bại liệt, mù hai mắt) mà phạm tội phản nghịch, giết người thì đáng lẽ phải xử tử nhưng trong trường hợp này được quy định phải tâu lên để nhà vua quyết định. Khi đó, vua có thể xem xét để chiếu giảm án. Nếu họ phạm tội trộm, đánh người bị thương thì cho chuộc tội. Trường hợp người 90 tuổi trở lên hay 7 tuổi trở xuống thì dù phạm phải tội tử cũng có thể được tha miễn, không áp dụng hình phạt. Ở điều 17 có quy định một nội dung khá thú vị là đã đề cập đến thời điểm phạm tội của người vi phạm và luật xem đó là một trong những yếu tố để định án. Theo đó “khi phạm tội chưa già, tàn tật. Khi già, tàn tật mới phát giác tội thì xử tội theo luật già, tàn tật… Khi còn nhỏ mà phạm tội, khi lớn mới phát giác tội thì xử tội theo luật tuổi nhỏ”. Điều 665, quy định những người được xem xét giảm tội như 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, người bị phế tật thì không được tra khảo họ, chỉ cần căn cứ lời khai của nhân chứng mà định tội. Đối với người xét án nếu làm trái quy định này coi như là bất tuân pháp luật mà cố ý buộc tội cho người khác và có thể bị xử phạt. Ngoài ra, đối với người 80 tuổi trở lên hay 10 tuổi trở xuống hay có bệnh nặng, họ có quyền không phải chịu trách nhiệm ra làm chứng cho người khác. Quan lại xét án không được yêu cầu bắt buộc đối với họ. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, pháp luật của vua Lê Thánh Tông nghiêm cấm các hành vi đối xử bạo ngược với tù nhân. Nếu người tù mà bị mắc bệnh, thậm chí quan lại không được tiến hành tra khảo. Ví dụ như điều 669, quy định: “…Nếu tù có bệnh ung nhọt, không chờ lành lại tra khảo thì người ra lệnh bị xử biếm. Nếu tù bệnh ấy mà đánh roi, trượng thì phạt 30 quan tiền, nhân đó tù chết thì bị biếm 2 tư…”. Theo điều 697, trường hợp phải nộp tiền ứng với tang vật bị tịch thu nhưng với hoàn cảnh của tội nhân nghèo khổ cùng cực không nộp nổi thì thuộc lại được phép trình bản ty, để nơi đây tâu lên vua quyết định.

Không chỉ có thế, vua Lê Thánh Tông còn kế thừa và kết hợp quan điểm thân dân của Nho giáo với tinh thần bình đẳng của Phật giáo. Từ đó, ông nhận thấy rõ vai trò của dân chúng đối với nước, đối với sự tồn vong cũng như phát triển của một vương triều. Lê Thánh Tông đã viết: “Thương yêu dân chúng kính trời xanh”.

Luật quy định, đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn, không có người để nương tựa, quan chức địa phương phải có trách nhiệm giúp đỡ họ. Điều 294 quy định: “Ở những phường hẻm hay trong kinh thành hoặc ở hương thôn, xã có người bệnh tật không ai nuôi nấng, nằm ở dọc đường xá, cầu, điếm, chùa, quán thì cho phép quan bản phường xã đó dựng lều cho họ ở, chăm sóc che chở, cấp cơm cháo, thuốc men cứu sống họ, không được bỏ mặc họ rên rỉ, khốn khổ. Không may kẻ ấy chết thì trình quan trên, liệu bề chôn cất, không được để hài cốt phơi bày ra đó. Nếu trái lệnh này thì quan phường xã bị biếm hay bị bãi chức…”. Một số đối tượng cũng cần được giúp đỡ, luật quy định rõ như: “Những người góa vợ, góa chồng cô độc và người tàn phế nặng, nghèo khổ không người thân nương tựa, không khả năng tự kiếm sống thì quan sở tại phải nuôi dưỡng họ, nếu bỏ rơi họ thì bị đánh 50 roi biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo mà thuộc lại ăn bớt thì xử theo luật người giữ kho ăn trộm của công”.

Không chỉ có thế, vua Lê Thánh Tông còn kế thừa và kết hợp quan điểm thân dân của Nho giáo với tinh thần bình đẳng của Phật giáo. Từ đó, ông nhận thấy rõ vai trò của dân chúng đối với nước, đối với sự tồn vong cũng như phát triển của một vương triều. Lê Thánh Tông đã viết: “Thương yêu dân chúng kính trời xanh” [6]. Ngoài ra, vua đề cao tinh thần, bổn phận của mình. Vua phải cần mẫn, siêng năng, cần kiệm. Vua trong quan điểm của Lê Thánh Tông phải có trách nhiệm với dân, phải là người mang lại cuộc sống ấm no yên bình cho dân: “Bỏ hẳn chơi bời giữ nếp thanh” (đối với bản thân thì chay lòng ít dục, bỏ hẳn việc ham chơi săn bắn). Đối với số quan lại rơi vào các tệ nạn xa hoa, hoang phí và biếng nhác, không làm tròn chức phận, vua lên án, phê phán và thậm chí trừng phạt nặng để thể hiện tinh thần vì dân, vì xã tắc. Một trong những yêu cầu mà vua đặt ra cho bá quan là luôn yêu cầu quan lại không được hà lạm, nhũng nhiễu hoặc vô trách nhiệm, sơ sài, vô tâm để dẫn đến dân phải chịu cảnh đói khổ. Quốc triều hình luật khẳng định: “Các quan đang tại chức mà trễ nhác việc công thì bị phạt 70 trượng, biếm ba tư và bãi chức” [7].

Trong quá trình tố tụng, việc áp dụng pháp luật tương tự, xét xử theo lương tâm cũng đã được ghi nhận: “Khi định tội mà không có điều luật như đáng giảm tội thì dù tội nặng cũng có thể cho là tội nhẹ (như cho phạm tội vì lầm lỡ, nếu đáng thêm tội thì dù tội nhẹ cũng có thể cho là tội nặng) như cố ý” (Điều 41, Quốc triều hình luật). Quy định cho thấy, pháp luật thời kỳ này đã chú trọng đến lương tâm bên cạnh kỹ năng xét xử của các quan án. Họ đã có những “khoảng không” hợp pháp để đảm bảo tính khách quan của vụ việc, bảo vệ công lý, công bằng. Đồng thời, khoảng không đó cũng chính là sự ràng buộc đối với bản thân mỗi thẩm phán, để họ không thể lạm dụng quyền lực, không tùy tiện giải quyết vụ việc trong khi pháp luật còn có khoảng trống chưa kịp bổ sung, hoàn thiện.

Tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông còn là sự tiếp thu có chọn lọc tư tưởng triết lý nhân sinh, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, như quan điểm đề cao tấm lòng từ, bi, hỉ xả, Phật tính của Phật giáo, được thể hiện trong các quan điểm và những điều luật nhân văn sâu sắc, không chỉ khoan giảm hình phạt cho dân khi phạm tội, cứu đói cho dân khi mất mùa, thiên tai mà còn khoan dung với cả kẻ thù. Như đã nói, những điều đó góp phần thêm vào các thuật ngữ, khái niệm chính trị thân dân của Việt Nam trong thời Lê sơ như: khoan hòa, nhân từ, phúc huệ.

Tư tưởng trị quốc an dân lấy công bằng-bình đẳng làm căn bản

Trong chính sách và tư tưởng trị quốc của mình, vua Lê Thánh Tông đặc biệt coi trọng tinh thần bình đẳng của các hạng người trong xã hội, kể cả quan lại và chúng dân. 

Trong việc sử dụng đội ngũ quan lại, Lê Thánh Tông còn đặc biệt đề cao quan điểm trọng dụng những viên quan phù hợp với tài năng và đức độ của họ. Đó là quan điểm dùng người tài một cách bình đẳng dù khác tư tưởng. Có thể kể đến trường hợp của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, người có tư tưởng chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo, vẫn được Lê Thánh Tông bổ nhiệm vào những địa vị rất cao. Đó còn là thuật dùng người trước đã mắc lỗi, như trường hợp của Nguyễn Đình Mỹ. Ông từng giữ nhiều chức quan lớn, đi sứ sang Trung Hoa, song cũng có tiếng là tiểu nhân xu nịnh. Có lần nhà vua đã biếm ông từ trọng quyền Binh bộ thượng thư xuống giữ chức Tả thị lang cùng bộ. Sau đó, vua vẫn tạo cơ hội và trọng dụng ông, còn Đình Mỹ về sau cũng biết hối cải, sửa các lỗi lầm của mình và chuyên cần gắng sức trong công việc. 

Trong suốt thời gian trị vì, Lê Thánh Tông đã thông qua một loạt các chính sách về bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người. Vua rất quan tâm đến đời sống dân chúng. Vua quan niệm rằng tất cả sự quan tâm đến dân là bổn phận của vua, bổn phận kẻ làm quan. Làm vua, làm quan phải thương yêu dân và phải biết thường xuyên “đi thăm hỏi, điều tra nỗi khổ của dân sinh, giảm bớt thuế, miễn binh dịch cho dân”, “ngừng xây thành khi mất mùa”.

Vua thường bảo: “Triều thần phải công bằng mà lựa chọn hoặc sa thải hình quan và quan thừa hiến phủ huyện các xứ để đều được người giỏi, xét xử đúng lẽ”. Ngay đối với mình, vua cũng đòi hỏi và thực tập sự tự răn mình có tính quán chiếu. Lê Thánh Tông thường khuyến dụ trong triều rằng các quan cần mạnh dạn trước vua trình bày ý kiến, quan điểm của mình, thậm chí vua còn cho phép quan lại nói lên những thiếu sót của vua. Vua từng khen Chưởng sử Hình bộ Lê Cảnh Huy: “Ngươi nhiều lần giữ chức then máy của triều đình, công tích đáng ghi, đã hết lòng can ngăn nói thẳng, chỉ ra lỗi lầm của trẫm”. Vua cũng từng sắc dụ cho Hình bộ tả thị lang Nguyễn Mậu: “Ta có lỗi lầm gì hãy thẳng thắn chỉ ra, hãy cứng cỏi như Đổng Tuyên chớ như Tô Uy quen thói giấu giếm” (Hoàng Văn Lâu (dịch 1998), tr.402); “Cấm bản tâu không được nói mập mờ” [8].

2.2. Sự kết hợp tư tưởng trên nền tảng tam giáo đồng nguyên 

Thuộc kiến trúc thượng tầng trong hình thái ý thức xã hội, tư tưởng của Lê Thánh Tông ra đời, phát triển trên cơ sở những đặc điểm và yêu cầu khách quan của điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị-xã hội và văn hóa Đại Việt thế kỷ XIV-XV. Sau đó, nó còn là sự kế thừa và phát triển những tiền đề lý luận đương thời như: giá trị của những quan điểm, tư tưởng và văn hóa truyền thống Việt Nam mà tiêu biểu nhất là tinh thần yêu nước, là ý chí độc lập dân tộc cũng như ý thức cố kết cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Bên cạnh đó, sự tiếp thu sáng tạo các tư tưởng tiến bộ của Nho giáo, Phật giáo, Pháp gia đã tạo nên một thể thống nhất trong tư tưởng Lê Thánh Tông. Điều này cũng là đặc điểm độc đáo của văn hóa Việt Nam với tinh thần hòa hợp tư tưởng, tam giáo đồng nguyên. 

Các triều Lý – Trần để xây dựng và ổn định đất nước, bảo vệ vương triều ít nhiều đã tiếp biến các yếu tố Nho – Phật – Đạo trên nền tảng tinh thần dân tộc yêu nước thương dân để đề ra đường lối cai trị dựa trên tình thương đạo đức kết hợp với hình pháp nhưng ảnh hưởng của Phật giáo còn rất rõ nét đậm đà. Sang thời Lê sơ, bằng cách gia tăng vai trò vua và triều đình, đề cao vai trò học thuyết Nho giáo, kết hợp giữa “đức trị” với “pháp trị”, sự kết hợp hài hòa này theo vua Lê Thánh Tông là giúp dân chúng “hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà dứt bỏ tội lỗi khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình” [9]. Trong đó, có thể nói, “đức trị” trong tư tưởng Lê Thánh Tông không chỉ có riêng các yếu tố tư tưởng Nho gia mà còn mang những dấu ấn từ trong tinh thần từ bi, bình đẳng của Phật giáo. 

3. Ý NGHĨA VÀ NHỮNG BÀI HỌC THỰC TIỄN

Trên cơ sở của yêu cầu xây dựng một thể chế trung ương tập quyền để cai trị đất nước, vua Lê Thánh Tông đã lấy Nho giáo làm trụ cột tư tưởng. Nhưng có thể thấy, không phải vì thế mà trong tư tưởng vua Lê Thánh Tông thiếu vắng những giá trị của tinh thần nhân đạo, thân dân, từ bi, bình đẳng. Những giá trị này, trong một mức độ nào đấy đã tham gia vào tư tưởng của vua Lê Thánh Tông để tạo nên hệ giá trị độc đáo. Từ đó, khi tìm hiểu về đường lối trị nước an dân của vua, ta thấy bên cạnh những chính sách cương quyết, sáng suốt còn là tinh thần coi trọng sự bình đẳng trong xã hội, luôn chiếu cố đến các đối tượng “thấp cổ bé họng” để có thể tạo nên một xã hội thịnh vượng, ấm no, yên bình đối với tất cả người dân lúc bấy giờ. Trong quyền lực tuyệt đối của mình, vua Lê Thánh Tông đã góp phần “chấn hưng” Phật giáo Việt Nam trong sự phát triển của chánh đạo, chánh niệm.  

Một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của Lê Thánh Tông là đã thể hiện tính kế thừa những tinh hoa trong tư tưởng văn hóa đương thời. Trên cơ sở đó, Lê Thánh Tông bằng sự độc lập và sáng tạo của mình đã tiếp thu có chọn lọc và tiếp nhận những yếu tố tích cực, tiến bộ quan điểm của thế hệ trước đạt được để tạo nên thành tựu lớn trong sự nghiệp trị vì. Lê Thánh Tông đã viết: “Muốn hiểu biết thêm điều mới thì cần phải siêng năng lượm lặt, trao đổi nghiền ngẫm trí thức xưa, Tri tân bồi dưỡng cần thu thập, ôn cố thương lường trọng trác ma” [10]. 

Tinh thần học tập, kết hợp các giá trị nền tảng của những học thuyết nhân sinh, đạo đức tốt đẹp như Nho giáo, Phật giáo đã để lại cho hậu thế những bài học lớn lao cần phải học tập. Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo có tính cộng đồng cao, có nền tảng nhân sinh quan rộng mở và những giá trị của lòng từ bi luôn là sự bổ sung cần thiết trong các chính sách trị nước, an dân của mỗi thời kỳ.

 

 

Chú thích:

Tiến sĩ Võ Thị Xuân Hương, Khoa Lịch sử-Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM.

[1] Mai Xuân Hải (2003), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (Tổng tập), Nxb. Văn học, tr.145.

[2] Nguyễn Tài Thư (chủ biên, 2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư Phạm, tr.244. 

[3] Nguyễn Tài Thư (chủ biên, 2022), Sđd, tr.252. 

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Văn Lâu dịch theo Bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t.2, tr.414.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Văn Lâu dịch theo Bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t.2, tr.450.

[6] Mai Xuân Hải (2003), Sđd, tr.300.

[7] Nguyễn Ngọc Nhuận (2011), Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, tr.95.

[8] Các đoạn trích lấy từ Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Hoàng Văn Lâu (dịch 1998), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.480-481.

[9] Đại Việt sử ký toàn thư,  Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t. 2, tr.454.

[10] Mai Xuân Hải (2003), Sđd, tr.217.

 

Tài liệu tham khảo: 

[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Văn Lâu dịch theo Bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tập 2.

[2] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên, 1991), Hoàng đế Lê Thánh Tông-nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb. Khoa học xã hội.

[3] Mai Xuân Hải (2003), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (Tổng tập), Nxb. Văn học.

[4] Phan Quốc Khánh (2003), Tìm hiểu tư tưởng trị nước của vua Lê Thánh Tông, Tạp chí Khoa học xã hội, số 61.

[5] Nguyễn Ngọc Nhuận (2011), Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại (tập 1), Nxb. Khoa học xã hội.

[6] Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức). (2002). Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.

[7] Nguyễn Tài Thư (chủ biên, 2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *