Thư Tòa soạn 403

Quý độc giả thân mến!

Bồ đề tâm hay giác tâm là tâm hướng về giác ngộ, tâm an trú trong giác ngộ, tâm của sự giác ngộ. Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na dạy rằng: “Lấy Bồ đề tâm làm nhân, đại bi làm căn bản, phương tiện làm cứu cánh”. Ví như người đi xa, trước phải nhận định mục tiêu sẽ đến, ý thức chủ đích cuộc hành trình và sau đó, dùng phương tiện để đến đó. 

Trong Kinh Hoa Nghiêm (phẩm Ly Thế gian), Đức Phật dạy: “Quên mất Bồ đề tâm tu các thiện căn đây là ma nghiệp”. Bồ đề tâm là tâm giác ngộ. Hạt giống Bồ đề chính là ở ngay tâm mình, không ở đâu xa. Tâm có hiểu biết tức là có giác, là tính Bồ đề sẵn trong đó. 

Muốn phát Bồ đề tâm, xa rời ma nghiệp mà siêng cầu Phật đạo, ta cần quán sát để phát tâm thiết thực và hành động đúng tâm nguyện giải thoát ấy trong đời tu. Nếu dụng công khổ nhọc mà quên sót mục tiêu cầu thành Phật đạo thì bao nhiêu hạnh lành chỉ đem đến kết quả hưởng phước thêm một chút, chung cuộc vẫn qua lại trong lục đạo luân hồi, chẳng thể tự giác giác tha.

Vậy ai cũng có thể phát tâm Bồ đề, không phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn nhỏ, chủng tộc, màu da. Tâm-căn-trần tương liên với nhau. Khi tâm sẵn phiền não mà ai tới làm phiền, tự nhiên lửa sân bừng lên. Tâm vui vẻ, lạc quan thì người có muốn làm ta giận cũng không làm được. Hóa ra tu Phật không phải khó, chỉ cần nhìn theo tâm Phật, tâm Bồ đề, cuộc đời sẽ chuyển hóa tốt đẹp. 

Nhân câu chuyện này, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 403 với chủ đề “Phát tâm Bồ đề” để cùng bàn luận, chia sẻ sâu hơn về khái niệm và việc làm thế nào để phát triển Bồ đề tâm một cách đúng đắn, sáng suốt nhất.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo