Cư sĩ Thiều Chửu và bộ sách Hán Việt Tự Điển (Tôn Thất Thọ)

TIỂU SỬ

Cụ Thiều Chửu (1902–1954) là một cư sĩ Phật giáo, đồng thời cũng là nhà văn hóa, dịch giả nổi tiếng trong nửa đầu thế kỷ XX. Tên thật của cụ Thiều Chửu là Nguyễn Hữu Kha. Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Thân phụ ông là Nguyễn Hữu Cầu, quen gọi là cụ cử Đông Tác, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Cụ lấy tên Thiều Chửu, có nghĩa là cái chổi quét bụi vì tâm nguyện của cụ là “cây chổi quét bụi ấy sẽ làm trong sáng giáo hội qua ngòi bút cải cách của mình”. Ngoài ra, “hàng ngày phải lau quét bụi trần tham nhiễm, đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp”.

Cụ giỏi chữ Hán và biết thêm một số ngoại ngữ khác như Pháp, Anh, Nhật. Từ năm 1921, cụ phát nguyện hoằng dương Phật pháp, dạy chữ Hán cho các Tăng Ni trong vùng và dành nhiều thời gian để tự học, dịch kinh, viết sách. Năm 1936, tham gia hoạt động cho Hội Phật giáo Bắc kỳ, trực tiếp quản lý báo Đuốc Tuệ, dịch nhiều kinh sách và viết các bài nghiên cứu, khảo luận về Phật giáo. Về sau, cụ còn tham gia thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938), các hoạt động cứu tế và nuôi dạy trẻ mồ côi (1945). 

HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN

Bộ Hán Việt tự điển được biên soạn và xuất bản lần đầu vào năm 1942, sách do Nhà in Đuốc Tuệ xuất bản ở Hà Nội, nội dung giải thích nghĩa của 8.318 chữ Hán. Đến năm 1966, khi sách được nhà in Hưng Long (Sài Gòn) tái bản lần hai thì nhà xuất bản in thêm phần Mục lục dày 96 trang. Đây là bảng tra theo âm Hán Việt các chữ Hán nhằm giúp người đọc tra cứu dễ dàng hơn.

Trong “Mấy nhời nói đầu” của bản in đầu, cụ cho biết: “Trong mười mấy năm trời nay, tôi theo đuổi công việc hoằng dương Phật pháp, các học giả vì xem kinh sách của tôi xuất bản mà tìm học chữ Nho, đến chỗ không hiểu được, tất lại nghĩ nhớ đến tôi nên bắt buộc tôi phải nghĩ làm sao cho giải được các chỗ mắc míu ấy. Tôi tự nghĩ rằng Hán học ngày nay ngày một mất dần, chỉ nhờ có học Phật, may mới duy trì được ít nhiều, nếu dùng cách nào mà giúp cho người đọc được kinh, biết được chữ, tức là cái nền tảng để xây đắp lại cái lâu đài Nho giáo nguy nga tráng lệ, ai qua đó rồi, tức là làm trọn cái phần nhân thừa của Phật mà tiến lên Phật thừa, rất mau chóng kết quả, tức là hoằng dương được Phật pháp một cách chắc chắn…”.

Có thể nhận thấy bộ tự điển này đã lấy đơn vị Tự (chữ Hán) làm trung tâm, mục đích là để tra cứu đọc, học, dịch chữ Hán, chủ yếu là chữ Hán cổ, mặc dù vẫn có tác dụng giúp bồi bổ Quốc văn trên cơ sở hiểu biết Hán văn tương tự từ điển của Đào Duy Anh, nhưng mục đích chính dùng học chữ thuần Hán qua phiên âm Hán Việt của nó lại có phần nổi trội rõ rệt hơn. Mặt khác, do soạn giả nói mục đích đóng góp cho cho công cuộc hoằng dương Phật pháp nên đối tượng phục vụ cũng đã được xác định ngay từ đầu, từ đó định ra đường lối biên tập theo hướng chủ yếu nhằm vào các hàng Phật tử cầu học nhưng không phải vì thế mà không thể phục vụ tốt luôn cho mọi đối tượng khác có quan tâm đến việc học tập, trau dồi Hán ngữ, như thực tế quyển tự điển này đã từng chứng tỏ trong suốt mấy mươi năm cho đến ngày nay.

Về cấu trúc, Hán Việt tự điển của cụ Thiều Chửu không xếp theo vần Quốc ngữ mà xếp theo trật tự 214 bộ thủ truyền thống của Hán ngữ. Muốn tra một chữ, người sử dụng trước hết xác định chữ đó thuộc bộ nào rồi dò trong Tổng mục để biết số trang cần theo dõi. Dưới tên mỗi bộ thủ là những chữ Hán thuộc cùng một bộ, xếp theo thứ tự số nét còn lại của chữ (sau khi trừ đi số nét của bộ). Nếu không nhận ra một chữ thuộc bộ nào (đối với dạng chữ khó nhận bộ) thì người sử dụng chỉ cần đếm kỹ số nét chữ rồi dò tìm trong Mục tra chữ đặt ở phần đầu sách.

Như đã nói ở trên, trong ấn bản đầu tiên Hán Việt tự điển của Thiều Chửu không có bảng tra chữ theo âm Hán Việt nên rất trở ngại cho việc tra cứu. Đến khi tái bản năm 1966, tuy có bổ sung được một bảng tra nhưng bảng tra này xếp theo thứ tự A, B, C… còn khá lộn xộn (như Hoạt đặt trước Hoạch; Toánh đạt trước Toái, Tốt đặt trước Tha, Thiệu đặt trước Thiêm…), do đó, vẫn chưa được coi là một bảng tra cứu tốt, chính xác. Tuy nhiên với kỹ thuật công nghệ hiện nay, những khuyết điểm quan trọng này đã được khắc phục qua việc chỉnh lý, bổ sung ở những lần tái bản sau này.

Mặc dù là một bộ sách quý rất hữu ích cho việc học chữ Hán, nhưng Hán Việt tự điển của cụ đã có thời gian tuyệt bản khá lâu, mãi đến năm 1992, có người đã in lại bằng kỹ thuật in lụa (chụp nguyên bản và dĩ nhiên là in lậu) khoảng 1000 bản để cung cấp chủ yếu cho các tự viện. Đến năm 1997, nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh mới chính thức in lại tốt hơn và 3 năm sau, năm 2000, soạn giả Khổng Đức có thêm một lần chỉnh sửa, bổ sung để làm thành một bản tra đầy đủ hơn, rất tiện dụng cho việc tra cứu. Trong bản bổ sung này, ngoài âm Hán Việt sẵn có đã ghi thêm âm Bắc Kinh (âm pinyin), cạnh bên chữ phồn thể lại ghi thêm vào các chữ giản thể và dị thể. Sau mỗi chữ, còn có phần hướng dẫn cách viết thuận bút (viết đúng thứ tự nét chữ Hán), đồng thời cũng sửa chữa luôn một số lỗi chính tả trong các lần in trước.

Những năm gần đây, tuy đã xuất hiện thêm vài từ điển của những soạn giả khác có công năng tra cứu tốt hơn tự điển của cụ Thiều Chửu về một số mặt, như số lượng từ lớn hơn, cách giải thích và trình bày khoa học hơn, song từ điển của cụ vẫn còn giữ được gần nguyên giá trị ban đầu, tiếp tục được tin dùng, một phần cũng nhờ ngắn gọn nhưng vẫn tương đối đủ dùng cho những mức độ, nhu cầu thông thường. Ngoài bộ Hán Việt tự điển có giá trị vượt thời gian nói trên, cụ Thiều Chửu còn dịch 14 bộ kinh căn bản của đạo Phật như: Kinh Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Dược Sư, Phả Môn, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Lễ Sáu Phương, Lục Tổ Đàn Kinh, Khóa Hư. Các sách dịch khác của ông có thể kể: Vì sao tôi tin Phật giáo, Phật học cương yếu, Tây du ký… Cụ cũng là tác giả các sách về Phật học như: Sự tích Phật tổ diễn ca, Nhòm qua cửa Phật, Cải tà quy chính, Khóa tụng hàng ngày, Con đường Phật học thế kỷ XX…