Quý độc giả thân mến!
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật đã dạy: Nếu người phải bị nuốt một nắm muối, thì sẽ đau khổ biết dường nào. Nhưng nếu bỏ nắm muối đó vào một tô nước nhỏ rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu hơn một chút. Nếu bỏ nắm muối vào một lu nước rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu nhiều hơn chút nữa. Nếu bỏ nắm muối vào hồ nước lớn rồi mới uống vào, thì chuyện sẽ không thành vấn đề nữa.
Nắm muối tượng trưng cho các nghiệp nhân bất thiện do con người tạo ra từ trước đến nay. Quả báo khổ đau là điều không sao tránh khỏi. Chỉ có phước báu, dù ít hay nhiều, tượng trưng là tô nước, lu nước hay hồ nước, mới có thể giúp con người vượt qua khổ đau. Vì vậy, mỗi người hãy vun trồng phước điền, xem đó như là một phần tư lương trên con đường học đạo và tu đạo. Muốn có được phúc phần, quan trọng nhất vẫn là trí tuệ để nhận biết chánh đạo, nhận biết các quy luật vận hành như: duyên khởi, nghiệp báo… nhằm gia tăng phúc đức, giảm trái oán, tịnh hoá thân tâm.
Người trí chính là người biết thực hành hạnh nguyện bố thí chỉ vì từ tâm, giúp người an vui qua cơn khốn khó, khiến người khác sinh tâm bố thí, nhứt tâm hồi hướng, ban phúc đức cho khắp pháp giới chúng sinh. Điều này giúp trí tuệ khai mở, tâm niệm hòa bình, chúng sinh an lạc, hạnh phúc. Mỗi người làm phúc cũng đừng mong cầu hưởng phúc về sau, mà nên phát nguyện: đời đời kiếp kiếp, đầy đủ phúc duyên, gặp được chính pháp, thầy lành, bạn tốt, giúp đỡ trợ duyên, tu tâm dưỡng tính, cho đến ngày giác ngộ giải thoát.
Để cùng bàn luận sâu hơn về vấn đề này, trong những ngày xuân Quý Mão, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 405 với chủ đề “Phúc Tuệ khương an”. Hy vọng tất cả chúng ta đều áp dụng giáo lý Đức Phật vào trong cuộc sống hàng ngày, giữ thân khẩu ý luôn luôn thanh tịnh để cùng đạt được phúc báu, trí tuệ viên mãn, đạt tới Niết bàn giải thoát, không còn trầm luân sinh tử luân hồi.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo