Tóm tắt: Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế là những giáo lý đặc trưng của đạo Phật. Chúng có mối liên hệ sâu sắc đến nhận thức luận và tu đạo luận của Phật giáo. Khi Đức Phật thuyết về Ngũ uẩn, Ngài cũng nói về Tứ Thánh Đế. Đức Phật thuyết về Ngũ uẩn để chỉ rõ bản chất thật của con người chỉ là một tập hợp của các yếu tố, với mục đích phá trừ tà kiến về một bản ngã thường hằng, bất diệt; đề từ đó mở ra cánh cửa bất tử cho nhân loại. Ngài thuyết về Tứ Thánh Đế để chỉ rõ hai phương diện sự khổ và sự diệt khổ. Bài viết làm rõ sự liên hệ giữa Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế.
Từ khóa: A-tỳ-đàm, Ngũ uẩn, Tứ Thánh đế.
DẪN NHẬP
Bài pháp đầu tiên được Đức Phật khải thuyết tại vườn Nai đó là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammaccakkapavattanasutta). Đối tượng nghe pháp là nhóm đạo sĩ bao gồm năm người Kiều-trần-như. Và, sau này họ đều trở thành bậc Thánh A-la-hán trong đời. Cả hai giáo lý Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế đều được đề cập đến ở đây. Tuy nhiên, Ngũ uẩn chỉ được trình bày một cách tóm tắt, nên rất khó để nhận ra nếu không nghiên cứu một cách thận trọng và tỉ mỉ. Trong khi đó giáo lý Tứ Thánh Đế lại được giải thích rõ ràng hơn. Xem xét toàn bộ nội dung bài pháp thoại, ta chỉ thấy xuất hiện cụm từ: “Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”. Về căn bản, năm uẩn và năm thủ uẩn giống nhau, đều bao gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Điểm khác biệt nằm ở chỗ năm thủ uẩn là đối tượng của bốn pháp chấp thủ. Trong 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã thuyết rất nhiều bài pháp cho nhiều đối tượng thính chúng khác nhau, trong đó chứa đựng nhiều loại giáo lý căn bản. Đây là cách khai triển giáo lý của Đức Phật dựa trên từng loại căn cơ và sở thích của người nghe. Hay nói cách khác, đây là những cách nhằm tối ưu hóa việc tiếp cận chân lý giải thoát. Trên cơ sở đó, A-tỳ-đàm đã cố gắng phát triển học thuyết pháp (dhammā) để tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các phạm trù giáo lý căn bản đó. Trong phạm vi nghiên cứu này, sẽ tiến hành làm rõ sự liên hệ giữa Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế.
1. NGŨ UẨN
Uẩn có nghĩa là khandha trong Pāḷi. Thuật ngữ này đã có mặt từ rất sớm trong hệ tư tưởng triết học của Ấn Độ cổ đại. Vào thời kỳ đầu, nó được sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Theo quan điểm của Mathieu Boisvert, từ khandha đã xuất hiện trong văn học tiền Phật giáo và tiền Upaniṣad [1]. Do đó, từ khandha không được phát minh bởi Đức Phật, mà Ngài đã kế thừa và làm cho nó trở nên rõ ràng hơn. Khảo sát nguồn Kinh tạng Pāḷi, chúng ta có thể tìm thấy nhiều thuật ngữ khác cũng được Đức Phật sử dụng trong hệ tư tưởng của Ngài. Trong Phật giáo, thuật ngữ khandha được sử dụng để mô tả về cấu trúc tâm-vật lý của con người. Cấu trúc đó bao gồm một tập hợp gồm 5 yếu tố cấu thành. Chúng là sắc uẩn (rūpakkhandha), thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha), hành uẩn (saṅkhārakkhandha) và thức uẩn. Đây chính là điểm đặc thù của Phật giáo mà không có ở bất kỳ tôn giáo nào khác.
Sắc uẩn là nhóm đại diện cho toàn bộ khối vật chất. Tuy nhiên, nó không chỉ đơn thuần là sắc hay vật chất nói chung, mà đó là một sự cộng hợp của các yếu tố căn (vatthu), trần (ārammaṇa) và thức (viññāṇa). Vì thế, sắc trong sắc uẩn không phải là một dữ kiện hay một thực thể có sẵn, mà là sự tập khởi bởi sự vận hành tương trợ của ba yếu tố trên. Nếu không có sự tác động hỗ tương giữa chúng thì sắc uẩn không khởi lên. Sự tác động này có liên hệ đến xúc (phassa). Điều này có thể tóm tắt như sau:
Thọ uẩn là nhóm đại diện cho bất cứ gì có đặc tính được cảm thọ. Tức là sự trải nghiệm của tâm với các đối tượng trong quá trình nhận thức. Sự trải nghiệm này của tâm rất đa dạng. Vì thế thọ có nhiều loại. Thọ uẩn khởi lên do tác dụng của sắc uẩn. Nó xuất hiện một cách phức tạp và rối ren. Nếu không có sự động dụng của sắc uẩn thì thọ uẩn không thể khởi lên. Hay nói cách khác, nếu không xảy ra quá trình tiếp xúc giữa căn và đối tượng thì không có sự sinh khởi của cảm thọ, tức là không có vận hành của thọ uẩn.
Tưởng uẩn là nhóm đại diện cho bất cứ gì có đặc tính nhận thức. Với đặc tính này, tưởng có hai nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dấu ấn để nhớ lại và nhớ lại. Tưởng bao gồm hiện tưởng, hồi tưởng và tưởng tượng. Tưởng nếu được dẫn dắt bởi chính kiến sẽ đưa đến giác ngộ, giải thoát, Niết bàn. Ngược lại, nếu bị chi phối bởi tà niệm, tưởng sẽ đưa đến dính mắc, khổ đau. Tưởng uẩn là sự tập khởi của nhiều chặp tư tưởng một cách phức tạp được phát động do duyên xúc (phassa) của sắc uẩn. Có thể chấm dứt tưởng uẩn bằng cách làm cho mất tác dụng để biến tưởng thành tưởng uẩn.
Hành uẩn là nhóm đại diện cho các yếu tố tâm lý có đặc tính tạo tác, có khuynh hướng tạo động lực cho sự tái sinh. Hay nói cách khác, nó là nguyên nhân dẫn đến sự tập khởi của Ngũ uẩn. Hành uẩn chính là tâm sở tư (cetanā) chủ động điều hành và tập hợp các tâm sở khác đồng sinh để tạo tác. Vì có sự tập khởi của các uẩn trước làm duyên, nên hành uẩn chính là một tập hợp tạo tác. Hành uẩn chỉ chấm dứt khi nào tâm sở tư nhường quyền điều hợp cho tâm sở trí tuệ (paññā), tức là hành không đủ khả năng để tạo thành hành uẩn.
Thức uẩn là nhóm đại diện cho bất cứ gì có đặc tính rõ biết, phản ánh thế giới hiện thực. Thức uẩn là nền tảng cho các hiện tượng tâm lý. Nó không tồn tại độc lập mà hiện hữu do duyên sinh. Thuật ngữ viññāṇa có nghĩa là nhận ra hay biết theo cách đặc biệt. Điều này ám chỉ rằng thức chỉ đơn thuần nhận ra sự có mặt của đối tượng, mà không có bất cứ sự phán xét nào trên đối tượng. Thức uẩn đóng vai trò đa năng trong hoạt động nhận thức.
Nói về cấu trúc tâm-vật lý, tác giả Dickwela Piyananda nhận định rằng: “Các uẩn không chỉ hé lộ sự toàn diện tất cả các phần tử cấu thành của tâm, mà còn phân tích trọn vẹn hữu tình như một hợp thể của danh và sắc” [2]. Danh sắc là cách nói tổng quát của Ngũ uẩn. Theo Ấn Độ Phật giáo sử luận, Viên Trí nhận định rằng Ngũ uẩn là giáo lý quan trọng, phản ánh một cái nhìn mới của Phật giáo về bản chất cấu thành con người. Theo đó, từng uẩn không hoạt động riêng lẻ mà chúng liên hệ mật thiết với nhau, nghĩa là sự tồn tại của một uẩn có nghĩa là sự tồn tại của năm uẩn [3].
Bản chất của Ngũ uẩn là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Chúng xảy ra ngay trong bản thân của mỗi uẩn. Ví dụ, sự vô thường của sắc có đặc tính là tan rã hoàn toàn, và có nhiệm vụ là làm cho sắc pháp chìm xuống. Đặc tính vô thường bị che án bởi tính tương tục. Tính tương tục là khái niệm để chỉ việc con người không thấy sự sinh diệt của Ngũ uẩn hay danh-sắc (nāmarūpa). Khái niệm này ngụ ý rằng tất cả các pháp có sự liên tục, không gián đoạn. Cái gì vô thường là khổ, cho nên ngũ uẩn có đặc tính khổ. Đặc tính khổ này của nó được biểu hiện qua sự bức bách không ngừng. Nó bị che lấp bởi tính duy trì lâu. Ví dụ, nếu ngồi quá lâu trong một tư thế, thì cảm giác đau sẽ xuất hiện trên thân. Ngũ uẩn là vô ngã do bởi cái gì mang đặc tính khổ đều vô ngã. Nó bị che đậy bởi tính bất khả phân hay tính nguyên khối, cho nên, không thấy rõ được tính cách có thể phân li. A-tỳ-đàm (Abhidhamma) phân tích danh và sắc thành nhiều đơn vị nhỏ. Cách phân tích này với mục đích chỉ rõ mọi thứ có thể chia chẻ thành nhiều thứ cấu tạo nên chúng. Đồng thời cũng chỉ ra tính duyên khởi vốn là quy luật vận hành của vạn hữu.
Đức Phật đã phủ định tất cả quan niệm về “ngã” (atta). Theo Phật giáo, không hề có khái niệm người làm hay người tạo tác ngoài hành động được gọi là nghiệp (kamma), và cũng không có người cảm thọ ngoài cảm thọ. Chúng chỉ đơn thuần là những diễn trình tâm-vật lý thôi và đều vận hành theo quy luật của pháp hữu vi (saṅkhāra). Sự có mặt của con người thật ra là sự hiện hữu của Ngũ uẩn hay danh-sắc. Ngoài những yếu tố thực tại này ra, không có bất cứ cái gì khác hiện hữu để chúng ta gọi đó là ngã. Như thế, cái được gọi là bản ngã chỉ là sản phẩm của ý niệm sai lầm về thực tại đang là, và ảo tưởng đó chính là thức ăn cho tư tưởng bản ngã. Ảo tưởng ấy chỉ chấm dứt khi nào con người tự mình thấy rõ bản chất thật của Ngũ bằng sự hiểu biết đến từ thiền tuệ (vipassana). Vì vậy, ý niệm về bản ngã sẽ không bao giờ tồn tại trong bất kỳ thực tại sinh động tương ứng nào.
Theo Phật giáo, nếu một người cho rằng tự ngã là Ngũ uẩn thì bắt buộc người đó phải có quyền hạn nghĩa là họ có quyền sai sử Ngũ uẩn theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, việc này là bất khả thi, vì con người không thể áp đặt bất kỳ quan điểm cá nhân nào lên những quy luật tự nhiên khách quan. Các uẩn phối hợp với nhau một cách hoàn mĩ và tạo nên một chỉnh thể thống nhất bất khả phân, mà mỗi cái làm duyên cho nhau. Thật vậy, đằng sau mỗi uẩn hoàn toàn không xuất hiện vai trò của người điều khiển mà chỉ có mối tương giao giữa chúng đang vận hành. Cho nên, nếu ai chấp thủ về một bản ngã bất biến thường hằng trong Ngũ uẩn, thì tất yếu người ấy sẽ bị khổ đau. Tóm lại, bản chất của Ngũ uẩn là vô thường, khổ và vô ngã. Ba đặc tính này phô bày thực tính của tất cả các pháp hữu vi. Con người là sự kết hợp của năm uẩn, vì vậy con người không thể tránh khỏi sự chi phối của ba đặc tính này. Nhận thức đúng về bản chất của Ngũ uẩn sẽ loại bỏ được tư tưởng bản ngã và mọi ảo tưởng sai lầm, ngõ hầu thiết lập một đời sống an vui, tĩnh tại, giải thoát.
2. TỨ THÁNH ĐẾ (SACCA)
Đế có nghĩa là sacca trong Pāḷi. Nó được hiểu là chân lý, sự thật hay sự chắc thật. Phật giáo đề cập đến bốn chân lý cao thượng, đó là: Khổ đế (dukkha ariyasacca), Tập đế (dukkhasamudaya ariyasacca), Diệt đế (dukkhanirodha ariyasacca) và Đạo đế (dukkhanirodhagaminī paṭipadā ariyasacca). Về bản chất, Tứ Thánh Đế (ariyasacca) được tuệ tri bởi bậc Thánh (Ariya) và được tuyên bố bởi bậc Thánh (Ariya) [4]. Nó được khải thuyết trong bài pháp đầu tiên của Đức Phật, gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattanasutta) [5] cho nên có thể thấy rõ tầm quan trọng của nó trong hệ tư tưởng Phật giáo. Đức Phật tuyên bố rằng: Cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, trong Bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta. Này các Tỳ kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới […], Ta không chứng tri đã chánh giác Vô thượng Chánh Đẳng Giác [6].
Và, cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, trong Bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta. Cho đến khi ấy, này các Tỳ kheo, trong thế giới này với Thiên giới […], Ta mới chứng trí đã chánh giác Vô thượng Chánh Đẳng giác […] Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa [7].
Với bài pháp đầu tiên này, nhóm Tỳ-kheo năm người đã lần lượt trở thành bậc Thánh A-la-hán (Arahaṃ). Vì bị nhai nghiến bởi vô thường hay sự biến đổi, nên được gọi là khổ đế. Vì là nguyên nhân phát sinh sự khổ cho tất cả chúng sinh, nên được gọi là tập đế. Vì thành tựu đến sự diệt khổ một cách không còn dư tàn, nên được gọi là diệt đế. Vì là con đường đưa đến sự diệt khổ, nên gọi là đạo đế. Đạo đế hay còn gọi là Trung đạo.
Ở đây, nội dung ba chuyển và mười hai hành tướng là gì? Ba chuyển đó là 3 loại trí tuệ (tiparivaṭṭa) trong Tứ Thánh Đế. Ba loại trí tuệ này luân chuyển theo tuần tự trong tứ Thánh-đó, nên có tất cả 12 (3×4=12) loại trí tuệ trong Tứ Thánh Đế. Đây gọi là bánh xe chuyển pháp luân (dhammacakka) gồm có 12 căm.
Ba loại trí tuệ này gồm có:
– Trí tuệ học (saccañāṇa),
– Trí tuệ hành (kiccañāṇa),
– Trí tuệ thành (katañāṇa).
Mỗi loại trí tuệ đều có phận sự riêng trong Tứ Thánh Đế.
(i) Trí tuệ học:
Trí tuệ học trong Khổ đế là học về ngũ thủ uẩn (pañcupadānakkhandha), có nghĩa là ngũ uẩn là đối tượng của bốn pháp chấp thủ. Chúng sinh trong 11 cõi dục giới và chư Phạm-thiên trú trong 5 cõi sắc giới (trừ cõi trời Vô tưởng) đều có đủ ngũ uẩn. Chúng thiên nhân trú trong 4 cõi vô sắc giới chỉ có 4 danh uẩn, mà không có sắc uẩn. Chư Phạm-thiên trú trong cõi trời Vô tưởng chỉ có 1 uẩn là sắc uẩn. Trí tuệ học trong Tập đế đó là học các loại tham ái. Kinh Chuyển Pháp Luân đề cập đến 3 loại, đó là dục ái (kāmataṇhā), hữu ái (bhavataṇhā) và phi hữu ái (vibhavataṇhā). Tuy nhiên, Kinh tạng Pāḷi còn đề cập đến nhiều loại hơn nữa. Trí tuệ học trong Diệt đế (Dukkhanirodha ariyasacca) đó là học về các loại Niết bàn. Niết bàn có 2 loại và mỗi thứ đều có đặc tính khác nhau. Chúng là Hữu dư Niết bàn (Sa upādiesanibbāna) và Vô dư Niết bàn (Anupādisesanibbāna). Trí tuệ học trong Đạo đế là học về bát Thánh-đạo hay Trung-đạo (majjhimā paṭipadā).
(ii) Trí tuệ hành:
Ngũ uẩn thủ là khổ đế mà hành giả có trí tuệ hành nên biết. Tham ái là nhân sinh khổ đế mà hành giả có trí tuệ hành nên diệt (pahātabbaṃ). Niết bàn là pháp mà hành giả có trí tuệ hành nên chứng ngộ (sacchikātabbaṃ). Bát Thánh-đạo là con đường đưa đến khổ diệt mà hành giả có trí tuệ hành nên thực hành (bhāvetabbaṃ).
(iii) Trí tuệ thành: Đây là trí tuệ hoàn thành xong phận sự trong Tứ Thánh Đế.
Ngũ thủ uẩn là khổ đế mà hành giả có trí tuệ thành đã biết xong (pariññātaṃ). Tham ái là nhân sinh khổ đế mà hành giả có trí tuệ thành đã diệt xong (pahīnaṃ). Niết bàn là pháp mà hành giả có trí tuệ hành đã chứng ngộ xong. Bát Thánh-đạo là con đường đưa đến khổ diệt mà hành giả có trí tuệ thành đã thực hành xong (bhāvitaṃ).
Quan hệ nhân quả của ba chuyển mười hai hành tướng có thể được tóm tắt như sau:
Tóm lại, bánh xe chuyển pháp luân là bánh xe ba chuyển mười hai hành tướng trong Tứ Thánh Đế. Có liên quan đến 3 loại trí tuệ. Đầu tiên là trí tuệ học trong Tứ Thánh Đế. Kế đến là trí tuệ hành trong Tứ Thánh Đế, và cuối cùng là trí tuệ thành trong Tứ Thánh Đế.
3. SỰ LIÊN HỆ GIỮA NGŨ UẨN VÀ TỨ ĐẾ (SACCA)
Nghiên cứu thận trọng giáo lý Tứ Thánh Đế, có thể thấy rõ sự vận hành của Ngũ uẩn ở đó. Mục đích của việc nghiên cứu này sẽ góp phần bổ trợ cho pháp học và pháp hành Thiền tuệ. Bằng cái nhìn lướt quá, chúng ta rất khó để nhận ra bản chất nội tại này. Thông qua khái niệm hay tư tưởng, chúng ta không thể nào tìm được câu trả lời chính xác. Mà, chỉ có trí tuệ Thiền tuệ mới đủ khả năng để thấu đạt tận tường.
Trong Tứ Thánh Đế, ngũ thủ uẩn chính là Khổ đế. Nó thuộc về tam giới và là đối tượng của bốn pháp chấp thủ (upādāna) [8]. Ngũ thủ uẩn bao gồm sắc thủ uẩn, thọ thụ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn. A-tỳ-đàm nêu rõ sắc thủ uẩn có 28 sắc pháp; thọ thủ uẩn là tâm sở thọ phối hợp 81 tâm hiệp thế (lokiya); tưởng thủ uẩn là tâm sở tưởng phối hợp 8 tâm hiệp thế; hành thủ uẩn là 50 tâm sở (đã trừ ra tâm sở thọ và tưởng) phối hợp 8 tâm hiệp thế; thức thủ uẩn là 81 tâm hiệp thế. Tất cả đểu là đối tượng của chấp thủ.
Tập đế là tâm sở tham (taṇhā). Tham (taṇhā) có 3 loại, đó là dục ái (kāmataṇhā), hữu ái (bhavataṇhā) và phi hữu ái (vibhavataṇhā). Dục ái là tham ái có liên quan đến 6 đối tượng (sắc, thanh, khí, vị, xúc, pháp). Hữu ái là tham ái có liên quan đến 6 đối tượng hợp với thường kiến. Tham ái trong thiền sắc giới và vô sắc giới, trong cõi sắc giới và vô sắc giới cũng thuộc vào loại này. Phi hữu ái là tham ái có liên quan đến 6 đối tượng hợp với đoạn kiến.
Mối liên hệ giữa Xúc (phassa), Thọ (vedanā), Ái (taṇhā), Tà kiến (diṭṭhi) và Khổ đế (Dukkha ariyasacca).
Diệt đế đó là Niết bàn (nibbāna), có hai loại: Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Sự khác biệt giữa hai loại Niết bàn này có liên quan đến sự hiện hữu của Ngũ uẩn. Trong khi Hữu dư Niết bàn là Niết bàn mà Ngũ uẩn vẫn còn tồn tại cho đến khi hết tuổi thọ, Vô dư Niết bàn là tịch diệt Niết bàn, tức là Ngũ uẩn diệt và không còn Ngũ uẩn nào tái sinh vào kiếp sau nữa. Ở đây, Niết bàn là sự tận diệt nhân sinh khổ đế, đó là các loại tham ái.
Đạo đế đó là bát Thánh đạo, tức là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết bàn, diệt khổ Thánh-đế. Bát Thánh-đạo có 8 chi:
– Chánh kiến (sammādiṭṭhi),
– Chánh tư duy (sammāsaṅkappa),
– Chánh ngữ (sammāvācā),
– Chánh nghiệp (sammākammanta),
– Chánh mạng (sammā-ājīva),
– Chánh tinh tấn (sammāvāyāma),
– Chánh niệm (sammāsati),
– Chánh định (sammāsamādhi).
Với sự khảo sát Kinh Chuyển Pháp Luân một cách tỉ mỉ, sẽ giúp ta hiểu rõ mối liên hệ mật thiết giữa tứ Thánh đế và Ngũ uẩn. Theo Kinh này, Đức Phật tuyên bố rằng “tóm lại, năm thủ uẩn là khổ” [9]. Như thế, rõ ràng toàn bộ Ngũ uẩn hiện diện trong Khổ đế, mà cụ thể ở đây là 81 tâm hiệp thế – tức là thức uẩn; thọ uẩn là tâm sở thọ; tưởng uẩn là tâm sở tưởng; hành uẩn là 49 tâm sở còn lại và sắc uẩn là 28 sắc pháp. Điều này được nói rõ trong Bộ Phân Tích (Vibhaṅga) rằng:
Tất cả sắc pháp và pháp thành tố (kiriyā) tư thiện, tư bất thiện, quả nghiệp trong đời và tất cả pháp thiện, cả ba nhân thiện thuộc về cảnh lậu với phiền não, luôn với bất thiện ngoài ra tham, như thế gọi là khổ [10]. Và, pháp mà nằm ngoài uẩn đó là Niết bàn thuộc về Diệt đế.
Tập đế đó là tâm sở tham. Mặc dù, tâm sở tham thuộc về hành uẩn bao gồm trong Khổ đế, tuy nhiên Đức Phật chỉ định nó là một sự thật riêng biệt nằm trong Tập đế. Vì thế, nó được tách ra khỏi Khổ đế, mà đặt vào Tập đế. Bộ Phân Tính (Vibhaṅga) đề cập rằng “Ái dục gọi là khổ tập” [11]. Kinh tạng Pāḷi cũng chỉ rõ như vậy. Điển hình trong bài pháp đầu tiên, Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật nói rằng “chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái” [12].
Diệt đế là Niết bàn, pháp diệt tận được tham ái, nhân sinh khổ Thánh đế. Niết bàn vừa là ngoại uẩn vừa là ngoại đế. Ngoại uẩn đó là 20 tâm quả siêu thế và 44 tâm sở hợp với những tâm quả này ngoại trừ 8 tâm sở hợp với bát Thánh-đạo. Còn ngoại đế gồm 20 tâm quả siêu thế và tâm sở hợp ngoài Đạo đế.
Đạo đế là 8 tâm sở hợp với 20 tâm đạo siêu thế (lokuttara). Còn 20 tâm quả siêu thế và các tâm sở phối hợp là ngoài Đạo đế. Tám tâm sở đó tương ứng với 8 chi của bát Thánh đạo.
Sự liên hệ giữa Tâm sở (cetasika) và bát Thánh đạo được tóm tắt như sau:
Sự liên hệ giữa Ngũ uẩn và 4 Đế (sacca) được tóm tắt như sau:
KẾT LUẬN
Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế là những giáo lý đặc trưng của đạo Phật. Chúng có mối liên hệ sâu sắc đến nhận thức luận và tu đạo luận của Phật giáo. Tìm hiểu về mối liên hệ giữa Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế có vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm rõ bản chất nội tại trong lời dạy của Đức Phật. Nếu thiếu hiểu biết về điều này, chúng ta thường có khuynh hướng độc lập từng loại giáo lý căn bản. Điều này sẽ gây trở ngại lớn cho việc tiếp cận chân lý trong quá trình tu tập. Do đó, hành giả tu tập sẽ rất khó đạt được mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh. Xét về bản chất, giữa Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế không có gì khác biệt, mà sự khác biệt duy nhất nằm ở chỗ cách thức khai triển giáo lý tùy theo căn cơ và sơ thích của người nghe. Vì thế, khi Đức Phật thuyết về Ngũ uẩn thì Ngài cũng nói về Tứ Thánh Đế. Đức Phật thuyết về Ngũ uẩn để chỉ rõ bản chất thật của con người chỉ là một tập hợp của các yếu tố, với mục đích phá trừ tà kiến về một bản ngã thường hằng, bất diệt; đề từ đó mở ra cánh cửa bất tử cho nhân loại. Ngài thuyết về Tứ Thánh Đế để chỉ rõ hai phương diện “sự khổ và sự diệt khổ” [13], đồng thời quảng diễn thực tính Pháp Tục đế (paññatti) và Pháp Chân đế (paramattha). Hơn nữa, hiểu được mối liên hệ giữa Ngũ uẩn và Tứ Thánh Đế (Sacca) sẽ giúp người học Phật trau giồi và điều chỉnh nhận thức trong pháp hành Thiền tuệ (Vipassana) hay pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ (Sattipaṭṭhāna), ngõ hầu tạo lập một đời sống tỉnh thức.
Chú thích:
* Tỳ kheo Thích Đạo Tấn – Giảng viên tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
[1] Mathieu Boisvert (1995), The Five Aggregates: Understanding Theravāda Psychology and Soteriology, Wilfrid Laurier University Press, Canada, p. 16.
[2] Dickwela Piyananda (1974), The concept of mind in early Buddhism, Washington, D.C., p. 76.
[3] Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.91.
[4] Anuruddhā Ācariya (2006), A Comprehenvise Manual of Abhidhamma, Bhikkhu Bodhi (trans.), BPS, Sri Lanka, p. 289.
[5] Kinh Tương Ưng Bộ (2013), tập IV, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, tr.783-784.
[6] Sđd, tr.784.
[7] Sđd, tr.784-785.
[8] Bốn pháp chấp thủ đó là Dục thủ (Kāmapādāna), chấp thủ trong ngũ dục trong cõi dục giới có sở hữu tham đồng sinh với 8 tâm căn tham; Kiến thủ (Diṭṭhupādāna), chấp thủ trong tà kiến có sở hữu tà kiến đồng sinh với 4 tâm căn tham hợp với tà kiến; Giới cấm thủ (Sīlabbatupādāna), chấp thủ trong pháp thường hành sai lầm, có sở hữu tà kiến đồng sinh với 4 tâm căn tham hợp với tà kiến; Ngã luận thủ (Attavādupādāna), chấp thủ trong ngũ uẩn cho là ta, có sở hữu tà kiến đồng sinh với 4 tâm căn tham hợp với tà kiến.
[9] Kinh Tương Ưng Bộ (2013), tập IV, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, tr.780.
[10] Bộ Phân Tích (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.78.
[11] Sđd, tr.78.
[12] Kinh Tương Ưng Bộ (2013), tập II, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, tr.783.
[13] Kinh Trung Bộ I (2012), Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, tr.185.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Phân Tích (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Kinh Trung Bộ I (2012), Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo.
3. Kinh Tương Ưng Bộ (2013), tập II, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo.
4. Kinh Tương Ưng Bộ (2013), tập IV, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo.
5. Anuruddhā Ācariya (2006), A Comprehenvise Manual of Abhidhamma, Bhikkhu Bodhi (trans.), Sri Lanka: Buddhist Publication Society.
6. Dickwela Piyananda (1974), The concept of mind in early Buddhism, Washington, D.C..
7. Mathieu Boisvert (1995), The Five Aggregates: Understanding Theravāda Psychology and Soteriology, Canada: Wilfrid Laurier University Press.
8. Thiều Chửu (2011), Hán Việt Tự Điển, Nxb. Văn hoá – Thông tin.
9. Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông.
10. Walpola Rahula (2006), What the Buddha Taught, Sri Lanka: Buddhist Cultural Centre.