Quý độc giả thân mến!
Trong Phật giáo, an lạc là trạng thái tâm trí yên bình, không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ lo lắng hay phiền muộn.
An lạc xuất phát từ những điều giản đơn ta có thể đạt được trong đời sống thiền tập hằng ngày. Niềm an lạc đầu tiên mà người tập thiền phải đạt tới là niềm an lạc của chánh niệm. Ta đạt tới nhờ sự chấm dứt những rong ruổi của tâm ý về quá khứ, về tương lai và trong tình trạng rối bời của hiện tại. Giây phút ta trở về được với hiện tại là giây phút tỉnh thức: giây phút đó đã có thể cho ta sự an lạc. Nuôi dưỡng an lạc cũng đồng thời là nuôi dưỡng chánh niệm, vì vậy thiền tập chính là niềm vui. Thiền tập đi đôi với an lạc. Nếu không đi đôi với an lạc thì đó không phải là thiền tập.
Để thực tập chánh niệm hiệu quả, hành giả cần tuân thủ Giới luật và Pháp hành. Bởi trong Phật giáo, Giới luật và Pháp hành tựa như ngón tay chỉ trăng, đưa hành giả trông về pháp hành an lạc. Trải được pháp vị, hành giả tăng trưởng tín tâm và được lợi lạc trên đạo lộ tu tập. Từ đó, sự an lạc sẽ nuôi dưỡng ta, sẽ mang lại niềm vui cho những người chung quanh. Ta trở nên sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn và bao dung hơn.
Để cùng bàn luận sâu hơn về điều này, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 411 với chủ đề “Bước chân an lạc”. Hy vọng thông qua đây, mỗi độc giả có thể hiểu hơn về cách thức tìm thấy an lạc. An lạc có ngay trong mỗi bước chân thong thả, trong từng hơi thở, trong đời sống có chánh niệm hàng ngày. Bước được những bước thảnh thơi, an lạc, ta sẽ thấy hoa nở dưới từng bước chân đi.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo