Thái độ học pháp chân chính của người Phật tử (Tỳ kheo Thích Đức Kiên)

Tóm tắt: Pháp là một trong ba ngôi quý báu của Đạo Phật, là tập hợp những lời dạy chân chính của Đức Thế Tôn dành cho bốn chúng đệ tử của Ngài. Nhờ có Pháp cùng với sự gia công tu tập mà Phật tử có được niềm an lạc, hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại; tiến tới thoát khỏi vòng trói buộc của luân hồi sanh tử, chứng được Niết bàn tịch tĩnh. Nên có thể nói, Pháp có tầm quan trọng không thể nghĩ bàn đối với tiến trình giác ngộ của mỗi cá nhân.

Ngoài việc có niềm tin kiên cố và sự gia công tu tập, Phật tử cũng cần phải có một cách học Pháp đúng đắn để việc thực hành không bị sai lệch. Thông qua tinh thần Vô trụ, bản kinh Kim Cang đã phần nào cho chúng ta biết phương pháp tu học để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Theo đó, người thật sự giác ngộ là người không chỉ biết nương tựa Pháp để tu tập, mà còn phải tiến tới buông xả cả Pháp, buông xả cả thành tựu của mình để chứng được trí tuệ của Tánh không. Đó mới cách học Pháp đúng đắn; là đích đến rốt ráo mà Đức Phật đã chỉ dạy.
Từ khoá: Tam vô lậu học, Kinh Kim Cang, Kinh Người bắt rắn, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Pháp – Phi pháp.

Trong Đạo Phật, tri thức về lộ trình tu tập để giải thoát được trình bày rất rõ ràng qua ba giai đoạn, gọi là Tam tuệ học, gồm Văn tuệ – Tư tuệ – Tu tuệ.

DẪN NHẬP
Học tập là một hành trình tiếp thu tri thức của nhân loại, làm giàu lên các đặc tính chân – thiện – mỹ nơi mỗi cá nhân; từ đó chính mình được nâng cao về mặt trí tuệ và phẩm hạnh. Thông qua quá trình học tập, chúng ta sẽ có kiến thức nhất định về một lĩnh vực nghề nghiệp để mưu sinh trong cuộc sống; góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đạo Phật, với phương châm “duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là xem trí tuệ là sự nghiệp của người con Phật, nên việc học đạo cũng có tầm quan trọng không kém so với thế gian. Thậm chí, có thể nói, việc học trong Đạo Phật còn mang một tầm vóc vĩ đại hơn nhiều; vì mục đích cuối cùng của việc học Phật là để đi đến giác ngộ; xa lìa mọi tham ái, sân hận, si mê; chuyển từ một chúng sanh phàm phu thành một bậc thánh giả siêu phàm. Cho nên, việc học Phật cũng cần có một lộ trình đúng đắn. Nếu không, ta chẳng phải là một hành giả Phật giáo thực thụ, sẽ không bao giờ gặt hái được thành quả an lạc, hạnh phúc ngay trong đời này.

LỘ TRÌNH “VĂN – TƯ – TU”
Với người mới chập chững bước vào đạo, hầu như chưa có kiến thức về Phật pháp. Nên trong giai đoạn này, Đạo Phật với họ còn mang nhiều màu sắc của tín ngưỡng. Họ chỉ xem Đức Phật như một vị thần có thể ban phúc giáng hoạ. Nên việc đến chùa của họ cũng chỉ để cầu xin sự gia trì của Đức Phật cho mình là chủ yếu; chưa thật sự có nỗ lực trong công phu tu tập để chuyển hoá những phiền não và tập khí bên trong. Họ yêu mến Đạo Phật với một niềm tin chưa chân chính. Để loại bỏ đi việc này, hay nói cách khác là xây dựng được niềm tin chân chính nơi Đạo Phật, đòi hỏi ở Phật tử việc học tập giáo lý ngay từ khi mới kết duyên với Tam bảo.

Trong Đạo Phật, tri thức về lộ trình tu tập để giải thoát được trình bày rất rõ ràng qua ba giai đoạn, gọi là Tam tuệ học, gồm Văn tuệ – Tư tuệ – Tu tuệ. Ban đầu, chúng ta tích lũy kiến thức Phật pháp thông qua quá trình học tập giáo lý tại các lớp Phật học, nghe các vị giảng sư uy tín thuyết giảng tại những khoá tu, tự đọc thêm kinh sách hay thân cận quý Tăng Ni và các bậc thiện hữu tri thức để học hỏi thêm những điều mình chưa biết về giáo lý. Kiến thức có được từ quá trình học tập như vậy, được gọi là Văn tuệ. Nó là loại trí tuệ có được từ bên ngoài; thông qua việc nghe, đọc, hay được người khác chỉ dạy. Nhưng Văn tuệ chỉ mới là giai đoạn đầu của quá trình học tập Phật pháp. Tiếp đến, chúng ta cần phải bước sang giai đoạn thứ hai là suy tư, chiêm nghiệm về những gì mà chúng ta đã được học ở trên. Người học Phật phải xem xét lại Văn tuệ mà ta có được ở giai đoạn trước, có đúng và phù hợp với Tam pháp ấn (Vô thường – Khổ – Vô ngã), lý Duyên sinh, quy luật Nhân quả mà Đức Phật đã chỉ dạy hay không. Trí tuệ có được sau khi nghiền ngẫm, suy tư ấy gọi là Tư tuệ. Cuối cùng, ta mới đem kiến thức sau khi đã suy tư, chiêm nghiệm ấy áp dụng vào đời sống tu tập hằng ngày. Trí tuệ phát sinh sau khi tu tập ấy được gọi là Tu tuệ. Đó mới đúng là trí tuệ của sự giải thoát, là trí tuệ Bát nhã dùng để cắt đứt mọi cấu uế và phiền não trong tâm; đưa chúng ta đến bến bờ của giải thoát, giác ngộ.

Học tập là một hành trình tiếp thu tri thức của nhân loại, làm giàu lên các đặc tính chân – thiện – mỹ nơi mỗi cá nhân; từ đó chính mình được nâng cao về mặt trí tuệ và phẩm hạnh.

HỌC PHÁP LÀ ĐỂ TỈNH GIÁC, VƯỢT QUA BỘC LƯU, KHÔNG ĐỂ NẮM GIỮ
Trong Kinh Xà dụ [1] thuộc Hán tạng (tương đương Kinh Ví dụ Con rắn số 22 Alagadūpama Sutta [2] của Kinh Trung Bộ), Đức Phật có nói rằng giáo lý mà Ngài giảng dạy cho hàng đệ tử được ví như chiếc bè. Người qua sông phải sử dụng chiếc bè như là phương tiện để đến bờ kia, chứ hoàn toàn không được chấp dính vào nơi phương tiện. Điều này mang hàm nghĩa là Đức Phật nhấn mạnh đến sự tu tập, giải thoát nơi mỗi cá nhân; nhấn mạnh đến tính giác đi vào trí tuệ; nhấn mạnh đến mục đích giải thoát mà không phải là cung cấp kiến thức về con đường giải thoát. Chúng ta thấy rằng, tất cả các khái niệm, các tướng, các tưởng, chỉ làm nên kiến thức mà không làm nên sự giải thoát; không đem đến sự cởi trói mọi nỗi khổ niềm đau, giúp ta đạt được hạnh phúc chân thật.

Trong bản kinh, Đức Phật đã nói rằng : “Có những người thiếu trí tuệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và về nghĩa, đã hiểu ngược những điều được đề cập tới trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sinh xử, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghị”. Đây chính là lý do đầu tiên khiến chúng ta không hiểu được kinh. Nó xuất phát từ việc ta không đủ nhạy bén nên có những nhận thức sai lạc về lời văn và về nghĩa của 12 thể tài kinh điển (thập nhị bộ). Văn tức là chữ và câu, nghĩa tức là ý nghĩa. Lý do đầu tiên này là do không hiểu đầy đủ cả về nội dung và hình thức của văn học Phật giáo.

Lý do thứ hai là việc học Pháp không phải để thực tập lời Phật dạy; để trừ đi phiền não, nhiễm ô nơi chính mình; mà “…học với chủ yếu tranh luận hơn thua”, “không học vì mục đích tu tập giải thoát”; nên họ “đã bị kẹt vào sự tướng mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh”. Những người này học tập kinh điển không vì lý do để mong cầu giải thoát, giác ngộ cho chính mình; mà học với tư cách của một người ưa khảo cứu để tranh luận hơn thua; chứ không phải với tư cách của một hành giả; không thấy được chân nghĩa của kinh. Do đó, họ “trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi”.

Chính vì vậy, như người bắt rắn, chúng ta phải biết nắm chỗ nào của con rắn mới quan trọng; cũng như việc đoạn được chấp thủ mới thật sự là thiện xảo. Đức Phật đã đưa ra hình ảnh một người bắt rắn nơi miền hoang dã, khi thấy rắn lớn, liền lấy tay chụp lấy nên bị rắn quay đầu lại; mổ vào tay, chân hoặc các thân phần của cơ thể. Chính vì không biết cách bắt rắn nên đã bị rắn cắn và tử vong. Cũng như vậy, người học kinh không thông minh, là người “không biết cách học hỏi nên đã hiểu nghĩa kinh một cách trái ngược”. Còn những kẻ khôn ngoan sẽ biết khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh, do đó không có những kiến giải đảo lộn: “Họ không học vì mục đích khoe khoang và tranh cãi. Họ học với mục đích tìm đường giải thoát. Vì vậy họ không hề cực khổ và lao nhọc”. Việc này cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc câu có nạng sắt : “Khi đi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia khi có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn nhưng không thể nào mổ được người ấy. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn”.

Đoạn kinh trên đã cho ta biết được bắt rắn như thế nào mới là đúng cách. Cũng như vậy, người học tập kinh điển cũng phải biết cách học như thế nào mới đem lại lợi lạc cho chính mình và người khác. Cho nên, “học kinh điển phải khéo léo, tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa, tranh cãi mà chỉ học với mục đích tìm cầu giải thoát”. Học pháp với mục đích như vậy, cũng thiện nghệ như cách bắt rắn đúng cách, nên sẽ không bị rắn cắn.

Như đã nói ở trên, giáo pháp mà Đức Thế Tôn giảng dạy cho các hàng Phật tử, được Ngài ví dụ như chiếc bè để qua sông. Bờ sông chính là ẩn dụ của bờ giải thoát, bờ an lạc thảnh thơi; còn hình ảnh chiếc bè được ví dụ như giáo pháp. Một người hành giả thực thụ là một người biết sử dụng chiếc bè giáo pháp để đi qua dòng sông sanh tử, cập bến Niết bàn. Sau khi qua tới bờ bến kia, thay vì nghĩ rằng: “Ta mất bao nhiêu công phu và thì giờ mới kết được chiếc bè và nhờ nó mới qua được bên này. Vậy ta không nên bỏ nó. Bây giờ ta phải khiêng nó lên trên vai hay đội nó lên trên đầu mà đi”, thì Đức Phật lại khuyên rằng người ấy phải suy nghĩ rằng: “Chiếc bè này đã giúp ta vượt dòng qua đây an ổn, vậy ta nên thả chiếc bè lại xuống nước hoặc để nó bên bờ. Như vậy, người đến sau sẽ có được cơ hội dùng nó”.

Ở đây, chúng ta thấy rằng sẽ có hai giai đoạn của người làm bè. Giai đoạn đầu là giai đoạn trước khi người vượt sang bờ bên kia. Ở giai đoạn này, người làm bè “… đi thu lượm cây cỏ kết lại thành chiếc bè”. Tuy nhiên, sau khi kết được chiếc bè, người đó liền khởi tâm dính mắc nơi chiếc bè, khởi sự thích thú và tự hào nơi nó. Điều này cũng giống như việc ta có được Văn tuệ nhờ việc nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu. Sau khi có được kiến thức ấy, ta lại mãi ham thích nơi nó, chẳng gia công suy ngẫm, thực tập nên  mình mãi chỉ là học giả; mãi mãi không bao giờ có được sự giải thoát thật sự. Nên thái độ đúng đắn là phải sử dụng chiếc bè để vượt được qua bên bờ kia. Chiếc bè dù có đẹp đến mấy, nhưng nếu không dùng nó để chuyên chở mình thì nó cũng trở thành một phương tiện vô dụng. Cũng như vậy, giáo lý của Đức Thế Tôn giảng dạy cho hàng Phật tử là nhằm hướng đến mục đích giải thoát mọi khổ đau, phiền não; đạt đến được an vui, giải thoát. Nếu chúng ta chỉ học giáo lý với mục đích làm gia tăng thêm vốn hiểu biết của mình, tiếp cận giáo lý như một môn triết học; sau đó tranh luận, mà không đem áp dụng vào cuộc sống thường nhật, để gặt hái những hạt giống của an lạc, thảnh thơi; chuyển hóa khổ đau, phiền não thì ta chưa hiểu trọn vẹn giáo lý. Cũng giống như việc chúng ta có được chiếc bè nhưng chỉ giữ lại để nhìn ngắm để thích thú và tự hào về nó, nên chúng ta mãi mãi ở bên bờ của sinh tử không bao giờ cấp được bến bờ của giải thoát.

Giai đoạn thứ hai, người làm bè sau khi kết được bè xong, thì sử dụng chính chiếc bè đó để đi qua sông. Giai đoạn này, là một bước tiến hơn của giai đoạn trước. Nghĩa là người Phật tử đã biết áp dụng giáo lý mà Đức Phật đã chỉ dạy, sau khi thực tập thì gặt hái được những thành tựu, đạt được đến bờ an vui giải thoát. Nhưng khi đến bờ, thì vẫn còn bám víu vào phương tiện là chiếc bè, nên mới có suy nghĩ rằng do tốn nhiều công sức để kết chiếc bè nên sẽ vác chiếc bè lên vai hay đội lên đầu mà đi.

Chính vì vậy mà Đức Phật đã tuyên bố rằng: “Kẻ kia làm thế nào để chiếc bè ấy có thể tiếp tục có ích? Ông ta nên nghĩ rằng ‘chiếc bè này đã giúp ta vượt dòng qua đây an ổn, vậy ta nên thả chiếc bè lại xuống nước hoặc để nó bên bờ. Như vậy người đến sau sẽ có được cơ hội dùng nó”. Đấy chính mới là phương pháp đúng đắn nhất của một hành giả. Để nhấn mạnh lại điều đó, Đức Phật đã đưa ra một tuyên bố: “Ta đã nhiều lần nói với các vị về ví dụ chiếc bè là vì thế. Pháp còn phải buông bỏ huống là các không phải là pháp”. Lời khẳng định của Đức Phật như một nhát kiếm, chém vào những dây mơ rễ má của cái chấp nơi Pháp ở mỗi hành giả. Giai đoạn đầu thì chấp vào Pháp mình học không đem ra thực tập. Tiến bộ hơn thì có thực tập đạt được thành tựu, nhưng vẫn còn chấp nơi chính pháp đó [3].

KHÔNG TRỤ CHẤP NƠI CÁC PHÁP
Trong Kinh Kim Cang [4], có đề cập đến một khái niệm là Vô trụ (Apratiṣṭhita). Vô trụ nghĩa là không có chỗ trụ, hay không có sự dính mắc nơi bất cứ đối tượng nào. Kinh nói rằng bất kỳ người thiện nam, thiện nữ nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác muốn trụ tâm, điều phục tâm thì phải phát tâm đại bi cứu độ hết thảy chúng sanh, đưa họ vào Vô dư Niết bàn và trong khi cứu độ phải tỉnh thức để “không thấy mình là người cứu độ, chúng sanh là kẻ được cứu độ”. Nếu còn thấy mình độ, thấy chúng sanh được độ là vẫn còn vướng mắc nơi tướng Ngã, và vì vậy không thể nào cứu độ được hết thảy chúng sanh. Từ định nghĩa đó, bản Kinh Kim Cang đã mở ra cho chúng ta về tinh thần “Vô tướng” hay “Vô trụ”. Theo kinh, muốn trực nhập “Thật tướng vô tướng” ấy, không cách nào khác hơn là phải xa rời tất cả chấp thủ về Ngã, về Pháp và cả Phi pháp. Hàng phàm phu thì thường chấp nơi Ngã, cho rằng có một cái Ngã chân thật thường còn, tồn tại trong ta và vạn vật. Hàng Thanh văn thì buông bỏ được chấp Ngã nhưng lại chấp dính nơi Pháp. Nhưng với hàng Bồ tát, thì các vị phải thực hành Bát nhã để vượt qua cả chấp “có” và cả chấp “không”, tiến tới thực chứng được Vô tướng; bởi vì: “Nếu Bồ tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ, tức là Bồ tát còn chấp bốn tướng (tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh và tướng thọ giả) thì không phải là Bồ tát”.

Ở đây, chữ “tướng” không phải là hình dáng, tướng trạng mà là dịch từ chữ “saṃjñā” chỉ cho khái niệm, ý tưởng. Ngã tưởng là quan niệm về tự thân có một thân thể độc lập, có một cái tôi tự chủ bên trong thân thể này. Nhân tưởng cũng là ý tưởng về một thật thể được gọi là thân thể, vật chất, ngã, linh hồn. Chúng sanh tưởng là quan niệm tự thân là một loài hữu tình thường hằng và biệt lập với các chủng loài hữu tình khác, cũng như các loại vô tình; luân hồi trong ba thời là quá khứ, hiện tại và tương lai. Thọ giả tưởng là những ý tưởng về một linh hồn tồn tại liên tục nơi mỗi chúng ta từ khi ở trong thai cho đến khi qua đời.

Từ đó, ta thấy rằng dù khái niệm có khác nhau nhưng tất cả đều quy hướng về một thực thể bất biến, làm chủ đời sống của chúng sanh mà ta gọi là Ngã. Vì vậy, hàng Bồ tát phải từ nơi tứ tướng (tưởng) này tu tập trên ba phương diện. Một là không nên nhìn nhận một “tự ngã”, một “chúng sanh”, một “linh hồn”, hay một “cá nhân” nào cả. Hai là không nhìn nhận bất cứ một pháp, một thật thể nào vì hoàn toàn không có một pháp nào có thể được nhận thức cả, kể cả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ba là không nên để tâm lưu trú ở bất cứ nơi nào, không nương tựa vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, 12 xứ, 18 giới, 4 đế, 12 nhân duyên,…

Không những vậy, Bồ tát còn không khởi lên tâm phân biệt nhị nguyên. Tâm phân biệt nhị nguyên là tâm nhìn sự vật hiện tượng dưới cái nhìn đối đãi, nghĩa là thấy “có – không”, “được – mất”, “sanh tử – Niết bàn”,… Nó đứng trên quan điểm Hữu ngã; là chướng ngại cho cái thấy “tất cả pháp đều là không” của thực tại. Vì vậy, dưới cái nhìn chấp thủ nơi Ngã, chúng ta vẫn thấy có Pháp, từ đó sinh ra khái niệm Phi pháp; bám trụ vào Pháp và loại trừ đi Phi pháp. Tuy nhiên, dù bám trụ hay loại trừ, thì nó cũng chỉ phản diện cho sự chấp thủ nơi bản ngã mà thôi. Đức Phật trong Kinh Kim Cang đã từng nói rằng: “Nếu còn chấp tướng pháp; tức còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả … Nếu còn chấp tướng phi pháp; tức là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Thế nên không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp”. Nếu chấp thực thể là “có” thì sẽ rơi vào “Thường kiến”, ngược lại nếu nói là “không có” thì lại là “Đoạn kiến”. Nhưng cả Thường kiến và Đoạn kiến cùng đều là sai cả. Do đó, chấp thường đã là sai, mà chấp đoạn lại càng nguy hiểm hơn nữa.

Thêm nữa, trong Kinh Kim Cang, Đức Phật cũng dạy rằng : “Thực tướng vô tướng, thực tánh vô tánh”, nghĩa là tướng thật của các pháp là vô tướng, tánh thực của muôn pháp là vô tánh. Khi mới vào đạo, ta cần phải nương theo giáo pháp phương tiện là Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ), Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Lục độ ba-la-mật,… để tu học, nhưng để giác ngộ được hoàn toàn thì phải giác ngộ được “thực tướng vô tướng, thực tánh vô tánh”. Nghĩa là nhìn thẳng vào tướng thật của muôn pháp là không có tướng, tánh thật của muôn pháp cũng là không có tánh. Đó cũng chính là pháp chứng đắc của chư Phật trong mười phương ba đời.

Đạo Phật, với phương châm “duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là xem trí tuệ là sự nghiệp của người con Phật, nên việc học đạo cũng có tầm quan trọng không kém so với thế gian. Thậm chí, có thể nói, việc học trong Đạo Phật còn mang một tầm vóc vĩ đại hơn nhiều; vì mục đích cuối cùng của việc học Phật là để đi đến giác ngộ; xa lìa mọi tham ái, sân hận, si mê; chuyển từ một chúng sanh phàm phu thành một bậc thánh giả siêu phàm. Cho nên, việc học Phật cũng cần có một lộ trình đúng đắn.

Giáo pháp của Đức Phật có năm đặc tính, đó là “đến để mà thấy, thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian, chỉ có người trí mới thâm hiểu và có khả năng hướng thượng” [5]. Điều này mang ý nghĩa rằng giáo pháp của Đức Phật phải chính từ nơi mình trải nghiệm, chứ không phải đến bằng niềm tin để cầu xin sự ban phát ân huệ từ Ngài. Và bất kỳ ai áp dụng những lời dạy của Đức Phật vào đời sống sẽ có được an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại, chứ không phải mong chờ ở một kiếp nào khác mới được thọ hưởng. Đồng thời, giáo pháp của Phật không bị bó hẹp bởi thời gian, dù trong thời đại nào, thì chân lý vẫn nguyên vẹn giá trị thiết thực cho nhân loại. Không dừng lại nơi đó, vì đặc tính cao siêu, vi diệu này, đi ngược lại với nhận thức thông thường của chúng sanh nên chỉ có người trí mới có thể tiếp nhận và lãnh hội được. Nhưng người trí ở đây không phải là người học rộng, biết nhiều; mà là người có nhân duyên với Chánh pháp, có khả năng lãnh hội và thực tập được những gì mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Và chính vì người trí có khả năng làm được như vậy, nên có khả năng hướng thượng, chuyển hoá từ một chúng sanh phàm phu thành một bậc thánh.

Nên có thể nói, giáo pháp có tầm quan trọng rất lớn đối với lộ trình giải thoát của một người Phật tử. Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, nhưng Đức Phật cũng chỉ xem : “Giáo pháp chỉ là ngón tay chỉ trăng” (Kinh Viên Giác), chứ không phải là ánh trăng chân lý; “Pháp là con thuyền để đưa ta qua bờ” (Kinh Kim Cang), chứ chẳng phải là bến giải thoát. Nó tuyệt nhiên chẳng phải đích đến rốt ráo của người học Phật. Tuy nhiên nếu không nương nơi ngón tay chúng ta sẽ không bao giờ thấy được ánh trăng chân lý, không nương nơi chiếc bè thì sao cập được bến bờ giác ngộ. Cũng tương tự như vậy, không nương tựa Pháp thì sao giác ngộ được chân lý mà Đức Phật đã chỉ dạy trao truyền. Khi giác ngộ rồi, chính pháp ấy cũng cần phải buông xả, không những buông xả ý niệm về Tướng, mà còn phải buông xả ý niệm về Vô tướng, không chỉ buông xả ý niệm về Tánh, mà còn phải buông xả về ý niệm Vô tánh. Có được như vậy mới đạt được cái đến, cái thấy rốt ráo nơi giác ngộ; chứng nhập thực tướng Bát nhã, bước vào cảnh giới “Ngã pháp nhị không”; như Bát  Nhã Tâm Kinh nói rằng: “Không sinh cũng không diệt, không có cũng không không, không dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt,… Khi một vị Bồ tát nương tuệ giác qua bờ, không thấy có sở đắc, nên tâm hết chướng ngại, vì tâm hết chướng ngại, nên không còn sợ hãi, xa lìa mọi điên đảo, xa lìa mọi vọng tưởng, đạt Niết bàn tuyệt đối”.

Thêm nữa, toàn bộ tư tưởng Kinh Kim Cang có thể gói gọn trong tư tưởng “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Trong câu này, ta thấy bao gồm hai vế là Ưng vô sở trụNhi sanh kỳ tâm. Đấy chính là hai giai đoạn của một quá trình giác ngộ theo tư tưởng của Phật giáo Đại thừa. Ưng vô sở trụ là không chấp “hữu”, Nhi sanh kỳ tâm là không lạc vào “vô”. Để không chấp nơi hữu, phải thật sự thấy vạn pháp đều chỉ là duyên sinh; do nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà diệt; hoàn toàn không có một tự tánh nào ở bên trong nó cả, nói theo Trung quán luận là :
“Pháp do các duyên sanh,
Ta nói tức là Không,
Cũng gọi là giả danh,
Cũng gọi là Trung đạo.
Chưa từng có một pháp,
Chẳng từ nhân duyên sanh,
Thế nên tất cả Pháp,
Cả thảy đều là Không” [6].

Ta thấy rằng, mọi sự có mặt nơi cõi đời này đều là do các nhân duyên kết hợp với nhau lại mà thành, không tự nhiên mà có. Khi phân tích từng sự vật, hiện tượng đến tận cùng thì chúng chẳng có cái gì chính thật là nó. Vì thế, nó không có tự tính hay tự ngã, nó chỉ là giả danh, cũng gọi là trung đạo. Các pháp hiện hữu chỉ là giả hiện, như hoa đốm giữa hư không, như bọt nước, như ánh trăng.

Ưng vô sở trụ nghĩa là tu tập để không bị vướng mắc nơi vọng tưởng, bởi còn tưởng là còn vướng mắc, nhất là tưởng về ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả; về Pháp lẫn Phi pháp. Bởi vì có “trụ” (đứng lại) nên mới có dính mắc, có dính mắc thì ắt sinh phiền não. Bởi vì còn tưởng là còn xoay vần nơi “bỉ thử”, thấy có “mình” nên mới có “ta”, thấy có “được” nên mới có “mất”, thấy có “sinh” nên mới có “tử”. Từ đó nảy sinh vô số cảm xúc; thuận ý thì yêu thích rồi nảy sinh tâm lý muốn nắm giữ; nghịch ý thì thì sinh tâm ghét bỏ muốn loại trừ; cứ như vậy mà xoay vần trong thất tình lục dục, không thoát ra khỏi được vòng tròn của sanh tử luân hồi.

Quá trình học Phật là một quá trình gồm rất nhiều giai đoạn, đi từ đơn giản cho đến phức tạp. Ở từng giai đoạn khác nhau, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm khác nhau về lộ trình giải thoát. Nhưng để đi đến nấc thang cuối cùng của giác ngộ, chạm tay được vào bầu trời giải thoát rộng lớn, thì đòi hỏi chúng ta phải rời bỏ từng nấc thang đã đi qua. Văn tuệ giúp ta có kiến thức cơ bản, Tư tuệ giúp ta thẩm sâu, quyết trạch được tà – chánh và Tu tuệ giúp ta đến gần hơn với cánh cửa của Niết bàn.

Giai đoạn thứ hai chính là “Nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là sanh ra cái tâm vô trụ. Ở trên, đã không có chỗ trụ, nên dẫn đến giai đoạn này là sống một đời sống tích cực, dấn thân, lợi tha. Ngay trong cõi trần này mà không nhiễm chút bụi trần. Nếu như Ưng vô sở trụ là thanh gươm Trí tuệ Bát nhã khi đã thể nhập vào Tánh không, có công năng chặt đứt mọi chấp thủ, phiền não; thì Nhi sanh kỳ tâm lại là khía cạnh Diệu hữu của Tánh không. Nghĩa là nơi trong chân tâm ấy có đầy đủ tất cả các công đức lành của một vị Bồ tát. Vì không có chỗ trụ nên không có vướng mắc, vì không có vướng mắc nên không quái ngại. Không quái ngại nên những gì suy nghĩ, hành động, nói năng đều là diệu dụng; mỗi mỗi đều hưng khởi từ tâm bồ đề, tâm từ bi, tâm bình đẳng, tâm lợi tha vô ngã, như trong Kinh Lăng Già đã nói :
“Thế gian rời sanh diệt
Như hoa đốm hư không
Trí không chấp có, không
Hưng khởi tâm đại bi” [7].

Nghĩa là khi đã rời khỏi cái nhìn phân biệt nhị nguyên nơi cõi thế gian, đã đạt được tới Trí tuệ Bát nhã, chứng được thật tướng và không còn vướng mắc nơi bất kỳ một pháp nào; thì khi ấy, vô số hành động mà ta làm, tất cả đều là sự diệu dụng của bản tâm. Việc phát khởi Bồ đề tâm để tu tập phải thật sự khéo léo, không để bị vướng mắc bởi các vọng tưởng, bởi còn vọng tưởng thì còn vướng mắc.

Nếu Ưng vô sở trụ là không dính nơi Hữu, thì Nhi sanh kỳ tâm không lạc vào vô, vì hữu và vô đều là sự đối đãi, nhị biên và phân biệt, mà còn đối đãi thì còn sanh tử, luân hồi. Hàng Bồ tát rời bỏ tất cả, ngay cả “vô trụ” cũng phải rời bỏ, nếu không sẽ rơi vào chấp Vô như hàng Nhị thừa. Làm được như vậy, ta sẽ thấy được Tự tánh các pháp không chỉ là Chơn không mà còn là Chơn bất không (Như thật chơn, như thật bất không). Trong Chơn không mà khởi ra vô số Diệu dụng. Nghĩa là ngay nơi không chấp trước mà khởi tâm bồ đề, tâm từ bi, lợi tha với tinh thần vô ngã tuyệt đối.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng, hai hướng phát triển này không phải là một tiến trình diễn ra theo thứ tự trước sau, mà là một quá trình tương hỗ lẫn nhau trong suốt lộ trình tu tập. Giống như hai cánh của một con chim, chúng nương tựa lẫn nhau, dìu dắt lẫn nhau, nâng đỡ lẫn nhau trên hành trình giác ngộ của một vị Bồ tát cho đến khi viên mãn Phật quả, vừa tự độ nhưng không quên trách nhiệm độ tha, độ tha nhưng không quên đi bản hoài của tự độ [8].

KẾT LUẬN
Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín [9] đã từng nói rằng: “Ba mươi năm trước, khi chưa tu ta thấy núi là núi, sông là sông. Khi bắt đầu tu thì ta thấy núi không còn là núi, sông không còn là sông. Nay ngộ ra thì núi lại là núi, sông lại là sông”. Điều này có nghĩa rằng ở giai đoạn đầu, khi chưa biết đạo, ta còn mê mờ; nên thấy vạn pháp đều có thật ngã, “núi chính là núi, sông vẫn là sông”, rõ ràng là có thật, nên sinh tâm bám chấp vào vạn pháp, từ đó khởi sinh ra bao nhiêu khổ đau, phiền não. Khi bắt đầu có được giáo pháp, gia công tu tập, biết vạn pháp đều là giả tạm, ta đã biết nhìn mọi vật bằng cặp mắt của Tánh không, Duyên khởi; nên thấy vạn vật đều do duyên mà sanh ra, cũng do duyên mà diệt, núi sông đều là sự hợp thành của tứ đại (đất, nước, lửa, gió) nên núi hay sông cũng chẳng phải là chính nó, đều là huyễn hoặc. Ta buông bỏ được chấp niệm nơi hiện tướng bên ngoài, dần có được an lạc trong đời sống tu tập. Khi thật sự ngộ đạo rồi, thì ta trở lại với “núi là núi, sông là sông”, bản chất vẫn là Tánh không; nhưng giờ đây từng vật, từng việc đều là sự hiện hữu một cách kỳ diệu (Diệu hữu) và tự tại. Hành giả đã đồng hoá được với lý vô ngã, vô thường trong từng cử động, trong từng ý niệm, hoàn toàn tự do giải thoát.

Cũng như vậy, quá trình học Phật là một quá trình gồm rất nhiều giai đoạn, đi từ đơn giản cho đến phức tạp.  Ở từng giai đoạn khác nhau, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm khác nhau về lộ trình giải thoát. Nhưng để đi đến nấc thang cuối cùng của giác ngộ, chạm tay được vào bầu trời giải thoát rộng lớn, thì đòi hỏi chúng ta phải rời bỏ từng nấc thang đã đi qua. Văn tuệ giúp ta có kiến thức cơ bản, Tư tuệ giúp ta thẩm sâu, quyết trạch được tà – chánh và Tu tuệ giúp ta đến gần hơn với cánh cửa của Niết bàn. Nhưng dù là Tu tuệ, Văn tuệ hay Tư tuệ, hành giả cần thâm nhập vào chính trí tuệ của Tánh không, sống với tự tính của chính mình.

Khi đã an trú nơi cõi thanh tịnh của tâm thì khi ấy mọi hoạt động đều là diệu dụng. Sống ngay tại thế giới thực tại này, tồn tại trong cõi luân hồi này, nhưng vẫn tự do tự tại, làm chủ bản thân mình, đồng thời, tích cực hoạt động cứu giúp những người khác cùng được giải thoát giác ngộ như mình. Xem cõi Ta bà này là Niết bàn của chính mình. Đó là yếu nghĩa của Vô trụ xứ Niết bàn, cũng là mục đích học pháp chân chánh mà các hàng Bồ tát hướng tới với phương châm “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (Phật pháp tại thế gian, không rời thế gian mà giác ngộ).

Chú thích:
[1] Thích Nhất Hạnh dịch, Nhật tụng Thiền môn, Kinh Người bắt rắn (công phu sáng thứ sáu), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2000, tr.187 – 201.
[2] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 22. Kinh Ví dụ con rắn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.173 – 187.
[3] Nhất Hạnh, Công phu Nở đoá sen ngàn cánh – quyển 2, Lưu hành nội bộ, tr.1 – 13.
[4] HT. Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
[5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ – Tập II, Chương XI: Tương ưng Dự lưu, I. Phẩm Veludvāra, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr.721.
[6] Thích Thanh Từ dịch – giảng, Trung Luận giảng giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr.693.
[7] Hán dịch : Thiệt – xoa – nan – đà, Việt dịch : Thích Nữ Trí Hải, Kinh Đại thừa nhập Lăng Già, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr.29.
[8] ĐĐ. TS. Thích Nguyên Tuấn, Giáo trình môn học Tư tưởng Văn học Bát nhã (Bài 8 : Tâm lý học Bát nhã), Lưu hành nội bộ, 2023.
[9] 《指月錄》卷二十八,  “Chỉ nguyệt lục”, quyển 28.