Dân gian Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu này không muốn nói rằng người thầy có vai trò quyết định thành công của người học, mà muốn nói rằng, dù người học có thành công đến đâu, năng lực như thế nào, họ cũng từng phải cần ít nhất một người thầy dẫn dắt. Bởi lẽ, giáo dục không chỉ là truyền đạt một chiều mà còn là quá trình nhận diện cái phù hợp, đúng đắn. Lịch sử giáo dục Việt Nam cho thấy nhiều dữ liệu quan trọng về vai trò của người thầy trong tiến trình thành nhân của người học, đặc biệt là giai đoạn sơ khai của nền tảng giáo dục cơ sở với vai trò của trường làng và thầy đồ…
VỊ TRÍ CỦA TRƯỜNG LÀNG VÀ THẦY ĐỒ TRONG HỆ THỐNG QUỐC HỌC
Khởi đầu của giáo dục Việt Nam có thể xem là kỳ thi Minh Kinh bác học vào năm 1075 với Thái sư Lê Văn Thịnh là người đỗ đầu. Tuy nhiên, sự kiện này là một kỳ thi, tức một cuộc tuyển chọn nhân tài. Nhưng để có thể tuyển chọn nhân tài thì trong xã hội đã xuất hiện một lực lượng những người có trình độ sẵn sàng ứng thí. Tức là học trò sẵn có, cho thấy trường học, thầy dạy đã được sinh ra, phổ biến từ trước đó.
Về phía triều đình, sau kỳ thi tuyển, năm 1076 Quốc tử giám mới được thành lập để làm nơi học tập. Tức là trường học (Quốc gia) đi sau kỳ thi (Quốc gia) và không gây ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục có trước là các trường làng và các thầy đồ. Nếu có ảnh hưởng, thì đó là dấu hiệu khích lệ và kết tinh thành quả vận động tri thức qua một thời gian của đông đảo các trường làng, thầy đồ trong dân gian. Bên cạnh đó, hệ thống chùa chiền, thiền viện, trường làng thời kỳ này cũng đóng vai trò quan trọng ngay từ đầu. Điều này cho thấy, việc học tập và giáo dục có tính chất xã hội, có khả năng hình thành riêng lẻ từ sớm so với hoạt động đào tạo và giáo dục vĩ mô của nhà nước.
Kể từ đó, hệ thống giáo dục Việt Nam tồn tại song song các trường nhà nước (cấp châu huyện trở lên) và các trường làng với những thầy đồ đồng hành cùng học sinh, sĩ tử từ thuở khai tâm đến khi vinh hiển. Trong nền giáo dục đó, trừ một số con cháu quan lại, hầu như tất cả sĩ tử đều đã trải qua những giai đoạn học tập cùng với thầy đồ và trường làng trước khi đến với các cấp học cao hơn và đỗ đạt.
Khi trẻ được khoảng 6 tuổi, các gia đình chọn một ngày lành tháng tốt để làm Lễ Khai tâm. Đây là một ngày trọng đại trong cuộc đời một sĩ tử. Đứa bé có thể bắt đầu việc này với một thầy đồ (hoặc với cha hay anh của mình). Tuy nhiên, thông thường là thầy đồ không trực tiếp dạy con mình mà chọn một thầy đồ khác phù hợp để gửi gắm. Họ sẽ làm lễ kính cáo với tiên sư và gia tiên để cho trẻ được bắt đầu theo học chữ (Hán) và nghĩa (Nho).
Thầy đồ thường là một nhà nho chưa vinh hiển, tức Nho sĩ còn chưa đỗ đạt, hoặc một người đã kinh qua công danh quan trường nhưng vì nhiều lý do đã lựa chọn mở trường, trở thành người hành nghề dạy học, viết giúp (mướn), đôi khi còn bốc thuốc chữa bệnh. Thầy đồ luôn khởi đầu với việc dạy chữ (Hán), dạy đạo lý (Nho) và lấy phẩm hạnh quân tử làm chuẩn mực để học trò noi theo.
Thầy đồ trong nền giáo dục xưa luôn được học trò, dân chúng, xã hội tôn trọng, kính mến. Thậm chí, xã hội xưa còn xem địa vị “thầy như cha” hoặc cao hơn cha. Quân – sư – phụ, cái trật tự này không chỉ là một nét văn hóa tâm thức mà còn là lối hành xử quan trọng. Địa vị một vị thầy cao hơn người cha, vì người cha chỉ có công sinh thành, dưỡng dục, còn thầy là người uốn nắn, đào tạo, dạy dỗ đứa trẻ thành người có ích. Sau đó mới là công danh. Do đó, phải trọng thầy.
Dân gian Việt Nam có câu: “Muốn sang thì bắt cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Quan điểm trọng thầy được đề cao cả trong lễ tiết, trong đám rước vinh quy bái tổ, võng thầy được xếp trước võng cha mẹ. Con người thuở xưa như “ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học bất tri lý” (Tam tự kinh), mà người mài dũa con người và giúp người tự mài giũa chính là thầy chứ không ai khác. Bổn phận thầy đồ không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người, dạy học trò trở thành người có phẩm hạnh tốt, lập thân giúp đời. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tất cả đều phải khởi đầu từ việc có một người thầy (đúng nghĩa).
HỆ THỐNG TRƯỜNG LÀNG VÀ TÍNH XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC
Có thầy thì sẽ có trường: Trường làng. Trong xã hội Việt Nam xưa, trường làng là hình ảnh có tính giáo dục và trí tuệ: “Làng nào cũng có trường tư thục do các thầy đồ ngồi dạy những lớp đồng ấu, tiểu học. Làng nào không có người văn học thì đón thầy ở làng khác về ngồi tại một tư gia để dạy con em gia chủ, đồng thời thầy có quyền thu nhận thêm học trò khác trong làng”. Lịch sử khoa cử Việt Nam còn cho thấy, đến năm 1398, Việt Nam vẫn mới chỉ có Quốc tử giám là được nhà nước chú trọng, các trường làng của các thầy đồ hoạt động tự do, tự nhiên trong khi đây mới chính là hệ thống giáo dục có tính chất khai tâm cho người học và có tính “xã hội hóa” rộng khắp.
Đến năm 1398, Hồ Quý Ly mới là người đầu tiên xem xét chế độ quốc học ở cấp châu huyện, cấp ruộng đất cho các phủ châu, ra quy định cho các Đốc học ra sức dạy dỗ học trò địa phương. Thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), hằng năm triều đình khởi đầu việc phát sách như: Tứ thư, Ngũ kinh, Văn Tuyển, Cương mục… cho các phủ và có giám sát sự học tập của các hạng giám sinh, nho sinh, sinh đồ. Triều Nguyễn sau đó tiếp nối nhiều lần tổ chức in ấn và phát sách rộng khắp như năm 1836 ban sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Thi văn tập yếu…. gồm 1170 bộ cho Quốc tử giám và học đường. Năm 1846, bộ Lễ và Quốc tử giám sửa bản in Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn in tiếp để cấp thêm. Học trò muốn cũng cho đến Quốc tử giám để in.
Trường làng, về bản chất là các trường tư là hình thức phổ biến và đóng vai trò quan trọng về giáo dục – đào tạo nhân tài. Các bậc kiểu như “tiểu học” tại các địa phương triều đình không thường xuyên quan tâm. Trường tư được mở rất nhiều, gồm cả các trường của Nho sĩ chưa đỗ đạt hay do các quan về hưu lập nên. Họ đều trở thành những thầy đồ, và thầy đồ nổi tiếng sẽ thu hút được học trò tìm đến rất đông để theo học.
Trong các trường làng, chương trình học đều dựa trên sách vở được quy định và các kinh sách của Nho học, kinh sử, văn tuyển… Tuy nhiên, phương pháp và lộ trình giảng dạy thể hiện tính độc lập tương đối của các thầy đồ và các trường làng. Về cơ bản, phương pháp dạy của thầy đồ thống nhất chung như lộ trình dạy từ “ấu học và tiểu tập” (dưới 10 tuổi); “trung tập” (10 đến 15 tuổi); “đại tập” (15 tuổi trở lên) với các sách vở và khả năng văn tập tương ứng của người học. Nhưng về hình thức cụ thể, mỗi thầy đồ sẽ rất khác nhau và được toàn quyền khi giảng dạy, truyền đạt.
Ngoài những điều cấm kỵ ra, thầy đồ được quyền chủ động trong mọi hoạt động tổ chức dạy và học. Thậm chí, với một số học sinh tài năng, các thầy đồ có thể tự do xây dựng lộ trình dạy và học phù hợp với khả năng tiếp nhận, sáng tạo của các học sinh đó. Điều này cũng giúp tạo ra nhiều Nho sĩ Việt Nam đỗ đạt từ rất sớm, trong đó có những người đỗ cao ở thi Hội, thi Đình.
Người theo học các trường làng một thời gian khi có nguyện vọng có thể theo học các trường từ cấp châu huyện trở lên do nhà nước tổ chức. Tuy nhiên, nếu không thể theo học các trường trên, học sinh vẫn có thể tiếp tục học với thầy hoặc tự mình “dùi mài kinh sử” và chờ ngày kiểm tra, sát hạch. Thông thường, những học sinh theo học các trường “tuyến trên” được tạo nhiều điều kiện để dự thi các kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã luôn chú ý đến số lượng sĩ tử trường làng. Bên cạnh các kỳ thi chính thức, các kỳ thi có tính chất kiểm tra chất lượng đã được tổ chức như thi khảo khóa và thi khảo hạch.
Đây là các kỳ thi dùng để khảo sát năng lực người học và khuyến khích học sinh có thể yên tâm theo học ở các trường làng và thầy đồ, trong trường hợp địa phương chưa mở được trường hay người học không có thời gian và khả năng theo học. Các kỳ thi này dành cho tất cả những ai có theo học trường lớp.
Kỳ thi khảo hạch còn chọn người có khả năng được phép đăng ký thi Hương – kỳ thi chính thức để lấy cử nhân. Mục đích chính của các kỳ khảo hạch này để những người có thực học nhưng vì nghèo hay do chỉ theo học trường làng, không có sự che chở hoặc bị bỏ sót có cơ hội được biết đến và dự thi chính thức. Thời nhà Nguyễn, ở các kỳ thi khảo khóa, thí sinh phải ghi thông tin cơ bản trên quyển thi của mình như: tên họ, sinh quán, lý lịch, tên thầy học…
Như vậy, dù trước hay trong quá trình tổ chức giáo dục của các triều đình phong kiến, hệ thống các trường làng và lực lượng các thầy đồ đã trở thành một nguồn tinh hoa tri thức có tính chất xã hội hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hoạt động dạy và học trên cả nước. Hệ thống và lực lượng này không chỉ góp phần nâng cao tri thức người dân mà còn tiếp nhận, truyền dạy, bồi dưỡng và giới thiệu cho nước nhà nguồn nhân lực quan trọng, lúc bấy giờ chủ yếu tập trung vào hoạt động tổ chức, quản lý, điều hành các vấn đề về chính trị, hành chính.
Quan trọng hơn, những ngôi trường làng Việt Nam xưa cho ta biết rằng xu hướng xã hội hóa giáo dục là một hiện tượng và nhu cầu phổ biến, tự nhiên. Nó không nhất thiết phải là kết quả của một chính sách vĩ mô mà xuất phát từ nhu cầu kết nối, chuyển giao hiểu biết, có tính truyền dạy (của người thầy) và học tập (của người học). Điều đó là khát khao nội tại trong nhận thức của con người và xã hội.
Câu chuyện về trường làng và thầy đồ trong giáo dục xưa cũng để lại những nhận thức, bài học sâu sắc về tính chất, vai trò giáo dục của hệ thống và lực lượng này. Trong thời hiện đại, nhiều vấn đề về trường học, giáo viên vẫn còn đang đặt ra và đòi hỏi ta phải quan tâm trả lời. Thậm chí, điều này còn khiến ta liên tưởng đến hình thức “home school” trong đời sống hiện đại. Tất cả những điều đó nói lên rằng: Người thầy và ngôi trường, phải luôn nhận thức được vị trí của mình trong tiến trình trưởng thành của người học để có thể là một người thầy giỏi và ngôi trường tốt. Khi đó, mới có thể là “lương sư hưng quốc”.
* Tiến sỹ Sử học – Khoa Khoa học Cơ bản – Trường Đại học Văn Lang.
Chú thích:
1. Điều này xét theo tri thức hiện đại về giáo dục gia đình thì không hoàn toàn đúng. Nhưng đó là quan niệm phổ biến thời xưa. Hơn nữa, thời xưa cha mẹ không có nhiều điều kiện hay tri thức để có thể hiểu, quan tâm và giáo dục con cái. Và vì thế, sự trưởng thành của một sĩ tử ngày xưa hầu như đều xuất phát từ thầy đồ và trường học.
2. Nguyễn Thị Chân Quỳnh, 2003, Khoa cử Việt Nam – Thi Hương (quyển Thượng), trang 59.
3. Nguyễn Thị Chân Quỳnh, 2003, sđd, tr.74.
4. Điều này là một hạn chế của tư duy giáo dục và học tập thời xưa mà ta có thể trao đổi thêm ở khía cạnh khác. Từ đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã thực hiện một cuộc thay đổi lớn trong nhận thức này và đến hiện nay vẫn còn đang được tiếp tục thực hiện, phù hợp với tư duy giáo dục và học tập hiện đại trên thế giới.
5. Một xu hướng lựa chọn giáo dục tại gia cho trẻ khá lôi cuốn, đặc biệt là ở các cấp bậc thấp như mầm non, tiểu học.
I really liked your post.Really looking forward to read more.
online generic cialis I eat well, exercise, give back, and I talk
Cancer Research 42, 5147 5151 1982 paxil or priligy
Kaitlyn eMxliKTPJOcuQJHRor 5 29 2022 cytotec pills for abortion
I cannot thank you enough for the article post.Really thank you! Great.